Ngọn hải đăng cô độc nhất thế giới
Không bãi bồi yên ả và cũng chẳng có lấy một dải đất làm điểm tựa, ngọn hải đăng Pridrangaviti ở biển Iceland là chốn biệt lập lý tưởng dành cho những trái tim hướng nội, cô đơn nhất.
Ngọn hải đăng cô độc nhất thế giới
Pridrangaviti là ngọn hải đăng cô đơn đến kỳ lạ.
Pridrangaviti là ngọn hải đăng đặc biệt nằm ở ngoài khơi xa của quần đảo Westman, cách đất liền Iceland khoảng 7,2 km. Cũng do vị trí và địa thế đặc biệt, ngọn hải đăng Pridrangaviti được xem là ngôi nhà mơ ước cho nhiều con tim hướng nội, thích cảm giác cô đơn.
Được biết, quá trình xây dựng ngọn hải đăng Pridrangaviti đã bắt đầu từ năm 1938, ngay trước thời điểm xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai.
Khám phá biển Iceland
Dù vậy, đây là một công trình cực kỳ “khó nhằn” vì lúc ấy, các máy bay trực thăng vẫn chưa thể tiếp cận được với núi đá gập ghềnh, hiểm trở lại nằm ngay giữa biển khơi sóng nước.
Các công nhân xây dựng đã buộc phải tự mình trèo lên đỉnh núi đá mà không có nhiều máy móc hỗ trợ. Trong khi đó, các tảng đá lớn đều trơn bắn nước biển và nhiều trận cuồng phong cùng những cú trượt chân bất thình lình luôn thường trực đe dọa.
Quá trình xây dựng Pridrangaviti là một nhiệm vụ khó tin
Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực, ngọn hải đăng Pridrangaviti đã được hoàn thành xây dựng và tọa lạc trên đỉnh núi đá cao nhất. Ngày nay, các kỹ sư bảo trì cũng đã có thể đi trực thăng để hạ cánh xuống Pridrangaviti.
Dẫu vậy, Pridrangaviti vẫn cứ là một ngọn đèn cô đơn giữa muôn trùng sóng nước. Đơn giản là vì việc đến gần ngọn hải đăng này cũng giống như một nhiệm vụ ba phần sống, bảy phần chết.
Và chỉ cần một bước trượt chân, du khách sẽ rơi tõm xuống vùng biển Bắc Đại Tây Dương lạnh giá và bị những con sóng điên cuồng nuốt chửng.
Đến với ngọn hải đăng Pridrangaviti là một thử thách thực sự.
Vẻ đẹp mê hồn của Iceland
Tản mạn, trong khu nghỉ bên ngọn hải đăng già
Ba ngày cùng bạn trai ở mũi Kê Gà, trong hình dung của tôi là ba ngày của biển xanh, nắng vàng. Thực tế thì không.
Ba ngày đầu tuần mưa tầm tã; biển động nên không có dịch vụ tàu thuyền; tìm cả ngôi làng cũng chẳng thấy một tiệm cho thuê xe máy.
Mũi Kê Gà nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận khoảng 30 km. Nơi đây không phải lựa chọn phổ biến của du khách khi đến với Bình Thuận vì còn khá hẻo lánh và thiếu tiện nghi; song nó sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với những ai mê sự tĩnh lặng và cũ kỹ, lịch sử. Ở đây, đứng kiêu hãnh trên những phiến đá trên biển, là hải đăng Kê Gà - ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam.
Cao 65 m, bắt đầu hoạt động từ năm 1900, đây đồng thời được ghi nhận là ngọn hải đăng cao và lâu đời nhất Đông Nam Á. Azerai Ke Ga Bay, nơi chúng tôi lưu trú tại Kê Gà, cũng là khu nghỉ dưỡng 5 sao duy nhất sở hữu trọn tầm ngắm ngọn hải đăng này.
Lối về phòng, một khung cảnh tôi yêu thích.
***
Chàng pha chế má ửng hồng
5 giờ chiều, trời âm u
- Anh chọn cho em một cocktail gì đó thật nặng được không?
- Còn em muốn món mocktail này, xay cùng với 1 shot Vodka.
Anh nhân viên tỏ ra có phần bối rối trước yêu cầu của hai vị khách duy nhất trong lounge. Chúng tôi cũng trở nên bối rối theo khi nhận ra anh không phải là người (chuyên) pha chế.
- Em muốn "nặng" thì uống Long Island Iced Tea nhé? - anh nhân viên gợi ý V, bạn trai tôi - Còn order của em thì... anh sợ thêm Vodka vào sẽ khó uống.
- Nhưng mà...
- Thôi, hai em đợi một chút nhé, anh gọi bạn bartender tới.
Chúng tôi lại ngồi nín lặng nhìn nhau chờ đợi. Kế hoạch về một "chiều hoàng hôn" vậy là đi tong. Bên ngoài trời thì như sắp đổ cơn mưa, bên trong lounge không khí cũng gượng gạo không kém.
Lounge, mát mẻ và vắng vẻ.
Sau 2 phút thì anh bartender xuất hiện. Một anh chàng cỡ chừng 30 tuổi, dáng vẻ dè dặt, nhẹ nhàng. Điểm đặc biệt gây chú ý ở anh là đôi má ửng hồng và khuôn miệng luôn thường trực nụ cười. Giống một người đang ngất ngư say. Ngay lập tức, hai đứa tôi nhìn nhau mừng húm: đây chính là tất cả những gì chúng tôi cần cho ly đồ uống - thứ tinh thần say sưa, ngây ngất không phải người pha chế nào cũng có được!
Anh bartender vui vẻ nhận order - Mai Tai cho V và mocktail-có-rượu cho tôi - rồi lùi bước về quầy bar. Ngay khi hình dáng anh vừa biến mất, một sân khấu mới xuất hiện bên ngoài khung cửa kính: đàn bò ngạo nghễ đi ngang, kéo theo hoàng hôn trải dài bãi biển.
Hai đứa tôi quên luôn đồ uống, phóng vội một mạch ra nơi đàn bò đang nhẩn nha diễu hành. Chỉ có hai người dân chỉ huy, còn đàn bò hàng nối hàng đi sau người, dễ đến năm chục con. Cuối hàng là vài con bê ham chơi, đi được một lúc lại dừng lại "tận hưởng" hoàng hôn, cho đến khi nhận ra đã bỏ quá xa đàn của mình, chúng mới cắm cổ phi như bay.
Ở một góc nào đó trên bầu trời, những đám mây xám xịt vẫn còn đó - "đe dọa" sẵn những ngày mưa sắp tới. Nhưng kệ đi, sân khấu trước mắt chúng tôi chỉ còn lại ánh hoàng hôn. Không được huy hoàng như những ngày nắng, nhưng uy quyền Người tỏa ra vẫn đủ khiến chúng tôi ngả mũ ngắm nhìn. Cứ thế, Người lấy đi thời gian của khoảnh khắc, để chúng tôi giữa bãi cát, bất động, đắm chìm.
Và lại thêm một hoàng hôn.
"Chết rồi, đồ uống!" - tôi sực tỉnh và nhớ ra một-thực-tại-khác mình đã bỏ quên trong khu lounge. Toan quay lại thì nhìn thấy hai bạn nhân viên đứng ở đằng xa đã dõi theo hai đứa tự lúc nào. Một bạn cầm đồ uống, một bạn cầm đồ ăn (tặng kèm). Khi bắt gặp ánh mắt hối hả của chúng tôi, hai bạn đồng loạt bật cười và mang đồ uống tiến lại gần. Mọi giao tiếp diễn ra hoàn toàn qua ánh mắt.
Và thế là chúng tôi đã có một "chiều hoàng hôn" lý tưởng như trong mọi câu chuyện lãng mạn người ta thường mường tượng. Còn hai ly đồ uống à? Chẳng điểm nào có thể chê, cũng chẳng có kí ức nào để so sánh. Đó là món quà của biển, của khu nghỉ dưỡng, của những con người hiền hòa ở đây; chúng tôi đón nhận và thưởng thức ly rượu với sự biết ơn, trọn vẹn qua đầu lưỡi, thấm đều vào mọi giác quan.
Ngoảnh đầu về phía sau và tìm thấy anh bartender vẫn đứng từ xa trông chờ, hai đứa khẽ cúi đầu rồi cười toe toét, thay cho câu "Ngon lắm, cảm ơn anh". Anh bartender cũng chỉ đợi thế để đáp lại bằng nụ cười say sưa thường trực.
***
Đôi mắt cô thiếu nữ lấp lánh
7 giờ tối, mưa lâm râm
Ngày thứ Ba, nơi này dường như chẳng còn vị khách nào ngoài hai chúng tôi. (Ai đi biển vào một ngày mưa đầu tuần?...). Nay cũng là buổi tối thứ hai chúng tôi dùng bữa tại nhà hàng của khu nghỉ dưỡng. Lần này thú vị hơn, có cô quản lý của khu nghỉ tham gia cùng.
Chúng tôi chọn bàn ở ngoài trời, vị trí gần với biển nhất. Bãi biển giờ này đã hóa thành màu đen thẳm, thi thoảng một dải sóng cuộn mình, ánh lên mịn màng như tấm vải nhung. Điều thu hút nhất nằm ở đằng Đông, nơi ngọn hải đăng khoan thai thả vào trời đen một hạt ngọc lấp lánh sáng.
Khu nghỉ khi trời chuyển tối.
- Trông chị giống người làm nghệ thuật nhỉ? - cô gái nhìn tôi, dè dặt mở lời sau màn chào hỏi.
- Ôi, trông anh ấy còn giống nghệ sĩ hơn! - cô tiếp tục reo lên khi thoáng nhìn thấy V từ đằng xa đang tiến đến bàn.
Hai câu ấy thôi và tôi lập tức quên luôn người ngồi đối diện mình là ai; chỉ biết trước mặt là một cô gái trẻ; từ mái tóc đến dáng người, khuôn mặt, nét nào cũng mong manh lanh lẹ.
Bữa tối chủ yếu xoay quanh câu chuyện về cô gái. Tôi và V thi nhau đặt câu hỏi cho cô, như cách người ta tham lam khám phá cuộc sống của một người bản địa. Cô lớn lên ở Phan Thiết, từng vào Sài Gòn một thời gian dài để học đại học và đi làm. Cũng đã trải qua một số công việc trong ngành Hospitality ở thành phố, bây giờ cô lại trở về đây, quê nhà.
- Cuộc sống ở Kê Gà chắc khác Sài Gòn nhiều lắm?
- Vâng, ở Sài Gòn thì sôi động, ở Azerai thì... ngày nào cũng như ngày nào.
- Nhưng em mới tuổi đôi mươi mà - V chen ngang - Chọn cuộc sống yên bình ở tuổi này có sớm quá không?
Cô gái im bặt.
Khoảnh khắc "chất vấn" ngập ngừng, tôi bất giác nhận ra sự đối lập hoàn toàn giữa ba con người trên bàn ăn. Tôi và V - những kẻ "nhàu nhĩ" hơn, một mực tung hô cuộc sống nay đây mai đó; cô gái trẻ này thì lại từ bỏ chính kiểu sống đó để chọn một nhịp chậm rãi, ổn định.
- Sống như bây giờ... em có thấy hạnh phúc không?
- Có ạ!
Cô gái vừa đáp vừa cười. V nghiêng người ra phía biển, không bình luận gì thêm. Còn tôi chợt nghĩ đến những lần khi bạn bè bảo "dạo này O yêu đời thế!" - "sao biết?" - "vì thấy mắt O lấp lánh!".
Chưa bao giờ tự tìm thấy cái "lấp lánh" trong mắt mình khi soi gương, tôi cũng tự hỏi liệu đó có phải chỉ là ảo giác mà lũ bạn tự tưởng tượng. Nhưng bây giờ, ngay lúc này, tôi được chứng kiến cái lấp lánh ánh lên trên mắt cô gái, khi cô nghe đến hai từ "hạnh phúc".
Bằng chứng đó, làm sao ta còn có thể hoài nghi?
Xa xa sau lưng cô gái là ngọn hải đăng vẫn miệt mài nhả ánh ngọc. Có điều, giờ tôi không chắc ánh nào sinh động hơn, ngọn hải đăng già hay đôi mắt cô gái trẻ.
***
"Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ"
7 giờ sáng, trời tạnh ráo
12 giờ trưa nay chúng tôi sẽ check-out khỏi khu nghỉ. Sau hai ngày mưa gió chôn chân ở nơi này, đến sáng nay bão đã qua đi và nắng hửng vàng, rút cục, hai đứa vẫn quyết định... dành thời gian cuối ở đây.
Lối đi quen mỗi ngày, nay đã có nắng.
Người đầu tiên chúng tôi xin được gặp là anh Bếp Phó, phụ trách các nhà hàng trong khu nghỉ, cũng là người trực tiếp chế biến những bữa ăn cho chúng tôi. Thường thì gặp gỡ thực khách là việc của Bếp Trưởng (nhưng mấy hôm vừa rồi Bếp Trưởng vắng mặt), đâm ra anh Bếp Phó - lần đầu tiên làm việc này - trở nên lúng túng và có phần ngại.
Thuyết phục mãi anh mới chịu ngồi xuống cùng hai đứa (thay vì đứng như một người phục vụ), mất một hồi lâu nữa anh mới bắt đầu thoải mái kể câu chuyện nghề của bản thân. Hóa ra anh là đầu bếp ở đây từ những ngày xưa - khi Azerai chưa xuất hiện và nơi này còn là khu nghỉ dưỡng Princess DAnnam.
Trong lúc V bày tỏ sự biết ơn trước những món ăn ngon anh nấu, tôi mải chén mấy chiếc bánh chuối (ngon khủng khiếp) bày trên bàn và để ý những gì đang diễn ra xung quanh. Việc anh Bếp Phó ngồi với thực khách có vẻ là một "hiện tượng" lạ chưa từng có, các bạn nhân viên đứng từ xa theo dõi ba chúng tôi trong tò mò và thích thú. Một vài bạn bật cười khúc khích, một vài bạn gửi cho Bếp Phó cái ánh nhìn kiểu "tự tin lên anh!", một bạn đem ly nước ra bàn mời anh. Anh Bếp Phó đang trò chuyện bỗng khựng lại, nhìn xuống ly nước rồi ngẩng lên cười thật thà: "Anh cũng được mời nước à?" .
Một, trong hằng ha sa số, món ngon chúng tôi được thưởng thức ở nhà hàng.
Người thứ hai chúng tôi vô tình gặp trên đường từ nhà hàng về phòng, là người quản lý vườn cây. V vốn mê mẩn từng khóm cây ở đây nên thành ra, gặp được nhân vật này, V mừng như bắt được vàng.
Lúc chúng tôi thấy anh, anh vừa mới xong công việc chăm cây buổi sáng. Sau một hồi nghe chúng tôi trình bày và "xin xỏ", anh đồng ý tổ chức ngay một Garden Tour (tour tham quan vườn) cho hai đứa; từ vườn này đến vườn khác, đan xen câu chuyện của từng cây là câu chuyện của anh. Giống như Bếp Phó, anh cũng là một người gắn bó với khu nghỉ dưỡng này từ những ngày cũ, tất cả cây già ở trong khu nghỉ chỉ có anh là người rõ nhất. Hoặc kể cả có những cây mới do Azerai sau này đem về, anh cũng tìm được cách để giao tiếp và hiểu chúng.
Garden Tour kết thúc khi anh dẫn chúng tôi vào một khu vườn "nội bộ", nơi hàng trăm mầm cây bé xếp ngay ngắn cạnh nhau, đang được anh chăm bẵm, đợi chờ một thế hệ mới lớn lên từng ngày.
11 giờ trưa, trên đường ra bãi biển, chúng tôi gặp chị Tú trong sảnh của khu nhà hàng; đó là người cuối cùng hai đứa trò chuyện trước khi rời đi.
Chị Tú (là tôi nhìn trộm từ tấm bảng tên cài trên áo chị), quản lý nhà hàng, cũng là một người làm việc ở đây từ thời Princess DAnnam. Chúng tôi vốn không có chủ đích tìm gặp chị, chỉ là đang đi ngang qua, chào hỏi, rồi "bị" chị giữ lại hỏi han đầy vồn vã và ân cần.
- Mấy giờ xe đến đón hai em?
- 30 phút nữa ạ.
- Các em ăn trưa chưa?
- Chưa ạ.
- Vậy... - chị Tú quyết định trong giây lát - chị tặng hai em một món quà nhé?
- ...Dạ?
- Tặng hai em ly nước Tạm Biệt, sẽ có ích cho chặng đường sắp tới đấy.
Vậy là chúng tôi lại kéo nhau vào ngồi ngay ngắn trong Terrace, đợi chờ món quà Tạm Biệt từ người mới gặp lần đầu.
Món quà đây.
Khi mang hai ly nước ra, chị Tú lần lượt giới thiệu: một ly gồm dâu, sả, lá húng..., một ly gồm cam, hoa cúc, lá bạc hà... Theo lời chị, cả hai ly đều có công dụng tăng sự tỉnh táo, ổn định huyết áp, sẽ giúp chúng tôi tiếp tục di chuyển chặng đường dài trên ô tô mà không bị mệt.
Nhưng sự ân cần mà tôi nói không nằm ở đấy, trong hai ly nước không tên. Tôi tìm thấy cái ân cần ở chị Tú khi chị khoe chúng tôi về... vườn rau của mình. Nó là một vườn nhỏ chỉ khoảng 8 mét vuông, nằm hứng nắng hứng gió ngay gần khu vực bể bơi và bãi biển. Ở đó chị Tú trồng mỗi thứ một chút, "Sả, lá bạc hà, lá húng, chanh... ở trong ly nước của hai em, đều là những nguyên liệu thu hoạch được từ vườn đó!".
"Không phải để cung cấp thực phẩm cho nhà hàng, cái vườn đó chỉ là để chị thử trồng mấy loại cây mình thích, cũng đủ để làm đồ uống cho mọi người".
***
Đẹp, mà có hồn
"Tôi muốn Azerai trở thành một tập hợp những khách sạn và khu nghỉ dưỡng mà khách sẽ muốn quay lại nhiều lần. Để làm được điều đó, trước tiên chúng tôi phải chú ý phần cứng - tức là kiến trúc và thiết kế của khách sạn, nhưng điều quan trọng hơn là phần mềm - tức là đội ngũ nhân viên. Họ là những người mang cái hồn của khách sạn, thể hiện lòng mến khách, mang đến một môi trường thân thiện để làm cho khách lưu luyến."
"Một khu nghỉ dưỡng đẹp có thể là lý do khiến ai đó quyết định đến trải nghiệm ngay từ đầu, nhưng sự chân thật và lòng hiếu khách chân thành mới là điều khiến họ quay trở lại nhiều lần."
Đó là một đoạn trích từ bài phỏng vấn ông Adrian Zecha, người sáng lập thương hiệu Azerai, mà tôi tình cờ đọc được không lâu sau đó. Một bài phỏng vấn xác đáng, mô tả đúng những gì chúng tôi đã cảm thấy ở Azerai Ke Ga Bay.
Đẹp, mà có hồn.
Hải đăng Cô Tô - địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của 'hòn ngọc xanh' Hải đăng Cô Tô nổi tiếng là vị trí có tầm nhìn đẹp nhất ngắm cảnh đẹp của hòn đảo xinh đẹp bậc nhất tại miền Bắc. Đặc biệt, từ ngọn hải đăng tại đảo Cô Tô du khách còn được thỏa sức check-in sống ảo, ngắm cảnh bình minh hãy hoàng hôn vô cùng lãng mạn. Định vị tọa độ của hải...