Ngọn hải đăng chủ quyền ở Hoàng Sa
Ngày 26/10/1937, ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa.
Nối tiếp dự án dở dang
Theo báo cáo chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa (tháng 10/1937) do ông Gauthier soạn thảo, lịch sử hàng hải ở biển Đông ghi nhận nhiều vụ tai nạn trong quần đảo Hoàng Sa. Năm 1895, tàu hơi nước Le Bellona của Đức bị đắm. Năm tiếp theo, tàu Imezi Maru của Nhật bị đắm. Năm 1910, tàu Colombo mắc cạn trong rạn san hô.
“Cũng phải kể đến thời gian gần đây, tàu For Afric của Anh bị đâm thủng, nước vào hầm tàu, trong rạn Bạch Quy, may mắn là biển êm nên có thể đánh tín hiệu SOS chờ được tàu cứu hộ đến từ Hong Kong nhưng vẫn bị từ chối, cuối cùng tàu La Marne phải lai dắt tàu này về Đà Nẵng” – báo cáo viết.
Việc xây dựng hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa đã được tính đến từ năm 1899. Trong báo cáo của toàn quyền Đông Dương gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa ngày 20/3/1930 viết: “Tôi cũng nói thêm rằng Đông Dương còn có một lợi ích khác về việc làm chủ các đảo đó (quần đảo Hoàng Sa). Vị trí địa lý của đảo buộc các tàu từ Sài Gòn đi Hong Kong phải vòng ra xa để tránh những vùng có nhiều đá ngầm. Như ông De Monzie nêu trong bức thư mà ông đã vui lòng chuyển cho tôi, một trạm TSF (điện báo vô tuyến), dự báo những trận bão đặt trên các đảo đó, sẽ rất có ích cho hàng hải trong vùng nước Đông Dương.
Trạm hải đăng trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc – Ảnh tư liệu.
Về vấn đề này, có lẽ không phải là vô ích nếu nhắc lại ngay từ đầu năm 1899, ông toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã yêu cầu các sở kỹ thuật của thuộc địa nghiên cứu việc xây dựng một ngọn hải đăng trên một trong các hòn đảo. Chỉ vì các lý do ngân sách đã gây cản trở cho việc thực hiện dự án này”.
Chọn địa điểm
Để khảo sát xây dựng hải đăng, tháng 10/1937, tàu La Marne tới quần đảo Hoàng Sa đã đánh dấu trên bản đồ những vị trí nguy hiểm, các lòng chảo và nơi các tàu bị đắm ở đảo Rạn Bắc, đảo Bông Bay và mũi góc đông nam của quần đảo. Báo cáo của ông Gauthier tường trình: “Nếu chiếu theo bản đồ có thể thấy được những tuyến đường hàng hải lớn đi qua quần đảo Hoàng Sa. Đó là tuyến Singapore – Hong Kong: nếu đi qua phía đông hoặc phía tây của quần đảo Hoàng Sa sẽ giảm được khoảng 20 hải lý trên tổng số chiều dài đoạn đường 1.440 hải lý.
Tuyến Sài Gòn – Hong Kong nếu đi qua phía tây quần đảo Hoàng Sa sẽ giảm được 25 hải lý trên chiều dài đoạn đường 960 hải lý. Tuyến Hải Phòng – Manila đi ra ngoài hành lang của đảo Hải Nam và đi bọc theo phía bắc hoặc phía nam của quần đảo Hoàng Sa, ví dụ như đi bọc ở phía nam quần đảo Hoàng Sa có thể giảm được 60 dặm trong số 900 dặm. Để hành trình không bị gián đoạn, chú ý đến các tuyến đường chính nơi có hai vị trí rạn ngầm nguy hiểm, nên cần thiết chỉ đặt hai đèn biển trong tổng số bốn cái ở Rạn Bắc và đảo Bông Bay”.
Ông Gauthier đề nghị cây đèn biển hình tháp dự kiến làm bằng kim loại, các phần sẽ được làm trước ở đất liền và phải tính đến khả năng vận chuyển từ đất liền ra, cần thiết phải sử dụng một tàu trọng tải lớn và đi hai chuyến vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 6 (đây là thời kỳ gió mùa đông bắc và thời kỳ giữa hai đợt gió mùa nên biển lặng). Giai đoạn đầu sẽ tổ chức sắp xếp công trường xây dựng và xây dựng đê quai xung quanh để thi công phần móng công trình, giai đoạn hai là vận chuyển lắp ráp tháp kim loại, đặt đèn và vận hành thử. “Kiến trúc của ngọn hải đăng này có thể sẽ giống với ngọn hải đăng ở Cù Lao Ré (Poulo Canton), xây trên một bãi cát, độ cao của hải đăng là 50 m, chiếu sáng đến 26 hải lý. Ngọn đèn sẽ là đèn tự động sử dụng năng lượng gas” – báo cáo của ông Gauthier viết.
Video đang HOT
Trạm khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc – Ảnh tư liệu.
Việc lựa chọn địa điểm đặt hải đăng cuối cùng được cân nhắc giữa hai đảo Tri Tôn và Hoàng Sa. Việc đặt ngọn hải đăng trên đảo Tri Tôn, nơi có vị trí gần với bờ Đông Dương nhất, sẽ thuận lợi cho các tàu của Pháp. Thế nhưng, địa hình đảo Tri Tôn không ổn bởi đây là một đảo tròn, nổi đơn độc và cao, sóng lừng tấn công bốn mặt của đảo, các cơn sóng có thể ập vào phá hủy các tập đoàn san hô quanh đảo. Mặt khác, khi thủy triều xuống chậm, đầm ở giữa lộ ra và bên giữa đầm có các độ sâu không dưới 100 m, vấn đề này sẽ cản trở tàu neo đậu tại bến Paul Bert cũng như việc bốc dỡ hàng hóa.
Các khảo sát về sau được thực hiện ở đảo Hoàng Sa. Đảo Hoàng Sa hoàn toàn có thể tiếp cận do hai con lạch dẫn vào ở mặt phía nam của đảo. Đảo này còn được thiên nhiên bảo vệ sự tấn công của sóng lừng phía đông bắc do rạn bảo vệ bao quanh rất rộng và tạo thành nơi trú ẩn trong gió mùa tây nam. Vị trí dự định đặt hải đăng nằm ẩn sâu ở trung tâm mặt phía tây của quần đảo.
Trong khi phía bắc được hạn chế bởi một eo biển sâu ngăn cách với đảo Hữu Nhật, đây là tuyến đường mà các tàu đến từ Đông Dương dễ dàng đi vào quần đảo. “Tóm lại, đặt một ngọn đèn biển ở góc phía nam của mũi tây quần đảo đôi khi sẽ điều khiển cả con lạch giữa các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và con lạch ngăn đảo Quang Hòa với rạn Hải Sâm. Trong đêm tối, tàu thuyền có thể đi vào quần đảo dễ dàng từ các hướng” – ông Gauthier đề xuất.
Vì những lý do nêu trên, đoàn khảo sát thống nhất đệ trình lên toàn quyền Đông Dương việc xây dựng ngọn hải đăng ở đảo Hoàng Sa thay vì tại đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa.
Hoàn thành
Theo báo cáo của ông Raoul Sérène (1953) trong tài liệu lưu trữ tại Viện Hải dương học, vào ngày 26/10/1937, tàu Paul Bert và tàu Astrolabe đã vận chuyển người và vật liệu phục vụ công trình xây dựng đèn biển. Công việc lắp đặt đèn, các cọc hoa tiêu do kỹ sư Martinet chỉ huy và mọi việc giám sát do ông Don Carli – trưởng máy tàu Paul Bert – đảm nhiệm. Sau bốn ngày làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, thủy thủ đoàn tàu La Marne kết thúc công việc lắp đặt. Để phục vụ công trình, 70 tấn vật liệu đã được vận chuyển ra quần đảo Hoàng Sa, trong đó có 6 tấn kim loại.
Cột hải đăng được đúc bằng bêtông đứng trên một dải cát san hô, đã được tính toán chịu được gió lốc xoáy (300 kg/m2). Ngọn đèn sẽ cháy thường xuyên liên tục trong sáu tháng bằng gas xúc tác, nhiên liệu chứa trong một bộ gồm mười ống kim loại được thiết kế bên trong cột tháp. Độ chiếu sáng của hải đăng là 12 hải lý trong điều kiện thời tiết bình thường. Với kích cỡ của tháp, nếu cần thiết có thể chiếu xa thêm 2 hải lý bằng cách thêm nhiên liệu sử dụng. Khi ngọn hải đăng được thắp sáng, tàu bè dễ dàng đi lại giữa các rạn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm.
Bằng radio Kienan, thuyền trưởng tàu La Marne đã thông tin cho Service Maritime và các nhà hàng hải về việc đã đặt ngọn hải đăng trên đảo Hoàng Sa.
Theo Tri Thức
10 lời thề trên biển Hoàng Sa
7h sáng, những người lính CSB trên tàu 8003 tập trung chào cờ ở boong hậu. Mười lời thề dõng dạc vang lên, như luồng sức mạnh để những người lính tiếp tục tiến vào giàn khoan 981.
Xin thề bảo vệ tổ quốc
Ra đa trinh sát trên tàu Cảnh sát biển 8003 hiển thị thời gian 8h13 ngày 18/5/2014. Đó là lúc tàu 8003 bị nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc đeo bám. Tàu cao tốc 46102 áp sát cách 20 mét, tàu 3411 hỗ trợ vòng ngoài; sau lưng là tàu hải giám Trung Quốc. Tình thế trở nên căng thẳng, nhưng con tàu này vẫn lừng lững như một thách thức.
Trong cabin, tiếng thuyền trưởng hô: "Hai máy tiến, 1200!". Con tàu lắc mình và lẳng lặng vòng sang hướng khác. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, một làn khói đen kịt phụt ra phủ xuống hai tàu Trung Quốc thụt lùi phía sau như những bóng ma. Đó là một trong những tình huống được những người lính trên tàu xử lý khôn khéo, thực hiện phương châm "không mắc mưu khiêu khích của địch".
Những người lính cảnh sát biển trên tàu 8003 tập trung chào cờ ở boong hậu.
Tàu 8003 dài 74 mét nên ít bị chao lắc so với những tàu cảnh sát biển khác trong cùng biên đội. Buổi sáng đầu tuần, tiếng thuyền trưởng vang lên trên loa, vọng khắp các tầng hầm: "Toàn tàu chuẩn bị làm lễ chào cờ, toàn tàu chú ý!".
Theo hiệu lệnh, những người lính cảnh sát biển nhanh chóng khoác quân phục tập trung ở boong sau. Sau khi hát quốc ca, thuyền trưởng phát lệnh: "Trung úy Nguyễn Trọng Lượng, lên đọc 10 lời thề của cảnh sát biển".
"Chúng tôi, những người lính cảnh sát biển Việt Nam, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc... thắng không kiêu, bại không nản, vào sống ra chết cũng không sờn lòng, quân với dân một ý chí, xin thề!".
Đáp lại, cả hàng quân nhìn lên cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu và đồng thanh hô: "Xin thề!".
Tiếng hô xin thề trên tàu vang lên tại vùng sóng nước Hoàng Sa, nghe thật thiêng liêng.
Lời thề và hành động
Sáng 19/5, biên đội tàu cảnh sát biển mở một hướng mới để tiến vào giàn khoan, đó là hướng đông - đông nam. Trên hướng này, Trung Quốc bày binh, bố trận để bảo vệ giàn khoan theo cách khác hẳn. Vòng ngoài chi chít tàu cá với nhiều hình thù quái đản.
Có tàu được đội một chiếc giàn to như cột điện đặt nằm ngang ở trên; một chiếc sơn hai màu xanh, đỏ, trên mũi treo chùm cờ để đánh lưới; một đoàn tàu cá sơn màu xanh, mỗi chiếc dài hơn 50 mét xếp thành hàng dài, trong đó tàu số 17007 đã nhiều lần đâm vào tàu ngư dân Việt Nam. Đi kèm với các tàu nhá nhem, giả dạng này có con tàu hải sự số 21 và 31 lần đầu tiên xuất hiện. Tàu cao tốc của hải cảnh Trung Quốc thì dàn hàng ngang phía sau.
Lời thề trước cờ Tổ quốc tăng thêm sức mạnh cho người lính.
Thượng úy Bùi Văn Sơn thốt lên: "Tàu cản đường đông quá, không biết chúng sẽ chơi kiểu gì mà đủ tàu xanh, đỏ. Có cả tàu phun nước cực mạnh nữa". Trên biển, mỗi lần chuyển hướng, biên đội tàu chấp pháp Việt Nam lại thăm dò thủ đoạn mới của địch để không bị mắc bẫy. Điểm mặt những con tàu này, anh em phán đoán "chỉ là hạng ngửi khói". Có nghĩa là tàu cảnh sát biển tăng tốc và chạy hình chữ S thì đám gà, vịt nhộn nhạo kia chỉ đứng nhìn.
Khi tàu 8003 vào tới tọa độ 15 độ, 25 phút 47 giây vĩ bắc - 111 độ, 5 phút 37 giây độ kinh đông, những con tàu nhộn nhạo định chắn đường vội vã dạt ra. Hàng rào bị xuyên thủng, đám tàu hải cảnh Trung Quốc vội vã áp vào. Con tàu 8003 xả khói đen kịt, gầm lên mạnh mẽ như tiếng hô "xin thề" còn đọng lại trong trái tim những người lính.
Tàu hải cảnh 46102 và tàu hải giám của Trung Quốc bám theo đuôi và vòng qua mạn phải tàu. Tàu to nhất số hiệu 3411 đứng vòng ngoài, cách 50 mét để yểm hộ cho đám lâu la. Tàu 46102 của Trung Quốc áp sát, tàu cảnh sát biển bật loa tuyên truyền bằng ba thứ tiếng: "...Chúng tôi yêu cầu ngừng ngay những hành động xâm phạm chủ quyền và rời khỏi vùng biển Việt Nam...!". Tàu Trung Quốc tiếp tục đeo bám và phát loa đáp lời bằng tiếng Việt, giọng ngọng nghịu, lắng tai mới có thể nghe được vài câu.
Tàu của Cảnh sát biển Việt Nam tiến gần hơn đến khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan.
Cuối cùng, tàu Trung Quốc giở trò bẩn, phát ra tiếng kêu như chuột chui ống tre. Tiếng "chít... chít" có lúc xa lúc gần, làm người nghe chói tai. Anh em bên tàu cảnh sát biển nhăn mặt bảo: "Thôi, né ra chỗ khác, nó cứ kêu hoài ai nghe cho thấu". Vậy là con tàu 8003 phụt khói đen, lượn một vòng và tiếp tục tuần tra theo hướng khác.
Một ngày trôi qua, khi bình minh ló rạng, toàn tàu lại phát ra thông báo, "Tiếp tục tuần tra, hướng giàn khoan, tất cả sẵn sàng". Mỗi ngày địch lại huy động nhiều tàu ra cản đường con tàu 8003 có kích thước to nhất trong đội hình của ta. Những người lính trên tàu đều quyết tâm, mỗi ngày tiến dần vào, áp sát giàn khoan của bọn cướp.
Theo Tri Thức
Xúc động lễ kết nạp Đảng ngay giữa biển trời Hoàng Sa Chuyện về một kiểm ngư viên trẻ được kết nạp Đảng ngay trên tàu đang làm nhiệm vụ giành chủ quyền mang lại một xúc cảm kỳ lạ. Trong chuyến công tác đặc biệt của chúng tôi theo con tàu HP 926 ra đấu tranh đẩy đuổi việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam...