Ngôi làng Maroc bị xóa sổ trong động đất
Những người tìm kiếm cẩn trọng đưa thi thể của cô gái 25 tuổi ra khỏi đống đổ nát tại ngôi làng đã bị xóa sổ sau trận động đất chết chóc nhất Maroc hơn 6 thập niên qua.
Ngôi làng Tikht bị tàn phá nặng nề do trận động đất tối 8/9. Ảnh: AFP
Vị hôn thê của cô gái – anh Omar Ait Mbarek – khóc đỏ hoe mắt khi theo dõi cảnh tượng hôm 10/9. Họ sống tại ngôi làng Tikht với 100 hộ dân, nơi cách dãy núi Atlas, tâm chấn của trận động đất tối 8/9 vài km.
Omar Ait Mbarek chia sẻ với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Bạn muốn tôi nói gì đây? Tôi đang tổn thương”. Thi thể vị hôn thê của Omar Ait Mbarek được phủ chăn và đưa đến một nghĩa trang tạm thời nơi đã chôn 68 thi thể khác.
Anh Mohssin Aksum (33 tuổi), một người dân làng Tikht khác, đau đớn nói: “Sự sống kết thúc tại đây. Ngôi làng đã chết”.
Giống như nhiều ngôi làng khác tại Maroc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất độ lớn 6,8 xảy ra tối 8/9, Tikht là một ngôi làng nông thôn nhỏ với nhiều công trình được xây dựng theo kiểu truyền thống từ đá, gỗ và vữa với thành phần từ bùn.
Video đang HOT
Sinh viên Abdelrahman Edjal (23 tuổi) đã mất hầu hết người thân trong thảm họa động đất này thừa nhận: “Đó không phải là điều mà mọi người nghĩ đến khi xây dựng nhà”. Chính Abdelrahman Edjal đã đưa cha cậu ra khỏi đống đổ nát của căn nhà gia đình. Tuy nhiên, cha của Edjal đã qua đời vì vết thương quá nặng.
Theo AFP, vẫn có những cột thép gia cố lồ lộ ra từ đống đổ nát tại làng Tikht, dấu hiệu cho thấy kỹ thuật xây dựng hiện đại đã được áp dụng tại các công trình địa phương.
Phần lớn các ngôi nhà tại làng Tikht đã bị san phẳng. Ảnh: AFP
Vào ngày 10/9, các thành viên lực lượng bảo vệ dân thường của chính phủ Maroc đưa giường gấp vào những căn lều được dựng lên cho người dân tạm trú. Tổ chức phi lợi nhuận cũng xuất hiện tại khu vực và xem xét nhu cầu của người dân làng Tikht, ngoài nơi tạm trú, thực phẩm và nước uống.
Một số chia sẻ rằng họ vẫn sốc về những mất mát ập tới cũng như mức độ tổn thất quá lớn do vậy chưa thể nói được những bước tiếp theo sẽ là gì.
Nhưng Omar Ait Mbarek khẳng định anh chắc chắn về một điều: “Tôi sẽ xây dựng lại căn nhà của mình”.
Trận động đất tối 8/9 tại Maroc đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.122 người, khiến hơn 2.400 người bị thương. Theo truyền thông Maroc, hơn 18.000 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng. Chính phủ Maroc đã tuyên bố 3 ngày quốc tang. Kể từ trưa 10/9, tất cả các công trình công cộng trên khắp đất nước đều treo cờ rủ.
Nhiều nước hỗ trợ Maroc khắc phục hậu quả thảm họa động đất
Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Maroc khắc phục hậu quả của thảm họa động đất xảy ra tối 8/9 gây thương vong lớn nhất tại quốc gia này kể từ năm 1960.
Những ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất tại làng Amizmiz, Maroc, ngày 10/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Phi (AU) và Ủy ban châu Âu (EC), cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cam kết sẽ "huy động mọi phương diện từ kỹ thuật, tài chính và những sự hỗ trợ liên quan" để giúp đỡ Maroc khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện một đội lính cứu hỏa tình nguyện của Pháp đã có mặt tại Maroc và Tổng thống Macron khẳng định sẵn sàng hỗ trợ tối đa nếu Maroc đề nghị.
Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cũng đã giải ngân hơn 1 triệu USD từ quỹ thảm họa khẩn cấp để hỗ trợ công tác của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Maroc tại thực địa. Mạng lưới nhân đạo này cũng nhấn mạnh rằng đất nước Bắc Phi này có thể cần được hỗ trợ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Mỹ tuyên bố "sẵn sàng hỗ trợ đáng kể", bao gồm việc cử các đội tìm kiếm và cứu hộ tới Maroc và viện trợ tài chính. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jon Finer nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng giải ngân vào thời điểm thích hợp để có thể giúp người dân Maroc phục hồi và ứng phó thảm kịch kinh hoàng này".
Tây Ban Nha ngày 10/9 đã cử 86 lính cứu hộ và 8 chó nghiệp vụ tới Maroc sau khi nhận được yêu cầu giúp đỡ chính thức từ Rabat. Qatar cũng đang điều một đội cứu hộ tới quốc gia này. Thụy Sĩ đã đề nghị cung cấp lều tạm cho các nạn nhân động đất, thiết bị xử lý và phân phối nước, thiết bị vệ sinh và bộ dụng cụ vệ sinh.
Bỉ muốn trợ giúp về nhận sự y tế và bệnh viện dã chiến. Chính quyền vùng Flanders - nơi sinh sống có đông đảo người gốc Maroc sinh sống - thông báo sẽ cung cấp 200.000 euro (214.270 USD) viện trợ khẩn cấp thông qua Hội Chữ thập Đỏ, trong khi vùng Wallonia cam kết cung cấp 500.000 euro. Italy cũng đã đề xuất cử lực lượng bảo vệ dân sự và cứu hỏa của nước này tới Maroc, trong khi Giáo hội Công giáo Italy đã viện trợ 300.000 euro thông qua tổ chức phi chính phủ Caritas Italy.
Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gửi 265 nhân viên cứu hộ và 1.000 lều tới Maroc, trong khi các nước Ba Lan, Israel, Iraq và Jordan khẳng định sẽ cung cấp mọi hình thức hỗ trợ có thể cho quốc gia này.
Hãng dược phẩm khổng lồ AstraZeneca cũng "cam kết gửi hơn 1 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ngay lập tức với các đối tác nhân đạo phi lợi nhuận hàng đầu toàn cầu và thông qua sự quyên góp của nhân viên".
Trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra tối 8/9 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.122 người, khiến trên 2.400 người bị thương và san phẳng toàn bộ những ngôi làng trên các ngọn đồi của dãy núi Atlas. Theo truyền thông Maroc, "hơn 18.000 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng". Tỉnh Al-Haouz - chấn tâm của trận động đất, cách trung tâm du lịch Marrakesh 72 km về phía Tây Nam - ghi nhận 1.351 người thiệt mạng trong cơn địa chấn này. Ngoài ra, trận động đất cũng làm hư hại đáng kể Thành phố cổ Marrakech - địa danh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới.
Chính phủ Maroc đã tuyên bố 3 ngày quốc tang. Theo lệnh của nhà Vua Mohamed VI, Maroc đã bắt đầu thực hiện các nghi lễ quốc tang dành cho những nạn nhân xấu số. Kể từ trưa 10/9, tất cả các công trình công cộng trên khắp đất nước đều treo cờ rủ.
Hiện quốc gia Bắc Phi này mới chính thức tiếp nhận viện trợ từ 4 nước, gồm: Tây Ban Nha, Anh, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Động đất tại Maroc: Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót Ngày 11/9, hơn 48 giờ đồng hồ sau thảm họa động đất xảy ra tối 8/9 gây thương vong lớn nhất tại Maroc trong hơn 60 năm qua, lực lượng cứu hộ phải chạy đua với thời gian trong nỗ lực tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát. Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát...