Ngoại trưởng Singapore: ‘ASEAN không thể im lặng khi biển Đông sôi sục’
Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam hôm nay gọi căng thẳng trên biển Đông “là chuyện gây quan ngại nghiêm trọng” mà “ASEAN không thể im lặng”.
Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam (đứng bên phải) nói chuyện với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa trước khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN khai mạc – Ảnh: Thục Minh
Ông Shanmugam phát biểu như vậy với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra sáng nay 10.5 tại Naypyitaw (Myanmar) trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24.
Chính vì căng thẳng gia tăng từng ngày bởi các hành động ngang ngược, leo thang của Trung Quốc ở đảo Tri Tôn của Việt Nam, “ASEAN sẽ ra tuyên bố riêng về vấn đề này”, ông K Shanmugam cho biết trước khi các Ngoại trưởng thông qua bản thảo Tuyên bố do các quan chức ngoại giao cấp cao soạn thảo trong các cuộc họp trù bị ngày 9.5.
“Không đưa ra một tuyên bố như thế sẽ tiếp tục làm tổn thương uy tín của ASEAN. Chúng không thể im lặng khi biển Đông đang sôi sục”, ông Shanmugam nói.
Bản “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tình hình biển Đông hiện nay” với 4 điểm thể hiện “sự quan ngại nghiêm trọng” của các quốc gia thành viên ASEAN trước những diễn biến trên biển Đông. Những diễn biến này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, Tuyên bố viết.
Video đang HOT
Tuyên bố cũng kêu gọi tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố các bên về Ứng xử trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2002.
Ảnh chụp bản tiếng Anh “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tình hình biển Đông hiện nay”
Hành động của Trung Quốc trong những ngày qua bị thế giới lên án là “trái ngược với tinh thần và lời văn DOC”, “hung hăng” và “khiêu khích”.
Ông Shanmugam cũng nói rằng: “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố”.
“Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc.
Việc các ngoại trưởng ASEAN đạt được sự đồng thuận ra một tuyên bố riêng về diễn biến phức tạp trên biển Đông được đánh giá là một thắng lợi ngoại giao lớn lao trước bối cảnh có nhiều nghi ngại về sự thống nhất nội bộ cũng như vai trò của khối trước những vấn đề an ninh khu vực, một nhà ngoại giao Indonesia không muốn nêu tên nói với Thanh Niên Online.
Theo TNO
Khai mạc Thượng đỉnh ASEAN thứ 24 tại Myanmar
Hội nghị bắt đầu sáng nay 10.5, tại thủ đô Naypyitaw (Myanmar) bằng cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao (AMM).
Hình ảnh khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) - Ảnh: Thục Minh
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Ngoại trưởng nước chủ nhà Myanmar Wunna Maung Lwin nói rằng đây là thời điểm quan trọng để bàn thảo các khía cạnh chính trị - an ninh, tiến tới cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; đồng thời, "hội nghị sẽ bàn các vấn đề an ninh khu vực", ông nói.
Ông Wunna Maung Lwin không đề cập cụ thể những "vấn đề an ninh khu vực" là gì. Nhưng với sức nóng từ những sự kiện xảy ra gần đây trên biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines, vấn đề biển Đông được cho sẽ là một trong những chủ đề lớn.
Phát biểu với báo chí trước khi cuộc họp AMM bắt đầu, Thứ trưởng Ye Htut của Bộ Thông tin Myanmar, cơ quan tổ chức hội nghị, khẳng định: "Biển Đông quá quan trọng đối với tất cả chúng ta và thế giới. Nên đương nhiên đó sẽ là một chủ đề của chương trình".
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp xúc với ngoại trưởng các nước tại hội nghị - Ảnh: Thục Minh
Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự cuộc họp này. Ông Phạm Bình Minh đến Naypyitaw vào đêm 9.5 và không kịp dự tiệc tối của các ngoại trưởng. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh thay mặt dự bữa tiệc này.
Trong khi đó, tình hình chính trị căng thẳng của Thái Lan không cho phép một ngoại trưởng chính thức tham dự hội nghị này. Đại diện đến từ Bangkok là Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Sihasak Phuangketkeow.
Ông Sihasak cũng sẽ thay mặt thủ tướng Thái Lan dự tiệc chiêu đãi các nguyên thủ ASEAN vào tối nay và các cuộc họp thượng đỉnh diễn ra trong ngày mai 11.5, ông Ye Htut cho Thanh Niên Online biết.
Theo TNO
Báo Hong Kong: Trung Quốc nên xét lại đường lưỡi bò Tờ báo uy tín nhất của Hong Kong đăng bài bình luận cho rằng Bắc Kinh nên cân nhắc lại tuyên bố đường 9 đoạn về chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc bất chấp chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế khi đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông. Tờ South China Morning Post cuối tháng 4 đăng bài...