Ngoại trưởng Pháp thăm Iran: Khi kỳ vọng lấn át thách thức
Từ ngày 29-30/7, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sẽ thăm chính thức Iran.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cao cấp phương Tây tới Iran kể từ khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P 5 1 cách đây 2 tuần (14/7).
Ngoại trưởng Pháp (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Iran Javad Zarif hoan hỷ sau lễ ký thỏa thuận hạt nhân Iran vào giữa tháng 7 (Ảnh AP)
Qua chuyến thăm, Pháp muốn khôi phục lại lòng tin với Iran để mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống do cấm vận để giành lại vị trí vốn có tại thị trường Iran.
Khó khăn để khôi phục lòng tin
Nhiệm vụ của ông Laurent Fabius dường như khó khăn khi Pháp vốn là nước từng ủng hộ Iraq trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980-1988 lại là nước thể hiện thái độ cứng rắn nhất trong cuộc đàm phán đi tới thỏa thuận hạt nhân Iran trong Nhóm P5 1.
Tuy nhiên, chuyến thăm có thuận lợi căn bản khi diễn ra trong bối cảnh cả Iran và Pháp đều thể hiện mong muốn đối thoại và hợp tác sau một thời gian dài gián đoạn. Bản thân ông Laurent Fabius từng bị coi là phải chịu trách nhiệm trong vụ 300 người Iran bị nhiễm AIDS và viêm gan C do truyền máu của công ty Merieux của Pháp những năm 1984-1985, khi ông đang làm Thủ tướng Pháp. Thêm vào đó là việc ông xuất thân từ một gia đình gốc Do Thái.
“Sự tôn trọng”
Video đang HOT
Trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Iran Mohamad Javad Zarif ngày 29/7, Ngoại trưởng Laurent Fabius luôn lặp lại 2 cụm từ là: “sự tôn trọng” và “tái khởi động”.
Đó là “sự tôn trọng” của các bên với thỏa thuận hạt nhân vừa ký, một thỏa thuận mà theo ông mở ra một chương mới vì những lợi ích chung. Đó là “sự tôn trọng” của Pháp với lịch sử, văn hóa, truyền thống… của Iran.
Và “tái khởi động”
Với “tái khởi động”, đó là việc nối lại các cuộc đối thoại chính trị, khôi phục lòng tin và phục hồi mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif, ông Fabius cho biết đã chuyển tới Tổng thống Hassan Rowhani lời mời thăm Pháp của Tổng thống Holland vào tháng 11 tới.
Ngoại trưởng Fabius cũng thông báo vào tháng 9 sẽ có một phái đoàn kinh tế – thương mại Pháp do Bộ trưởng Nông nghiệp dẫn đầu tới Iran. Ông bày tỏ tin tưởng không gì có thể cản trở tương lai của các doanh nghiệp Pháp tại Iran.
Các công ty lớn của Pháp như Peugeot, Renault, Total, Airbus, Ancatel… đang khẩn trương giành lại chỗ đứng của mình tại Iran. Không chờ tới khi thỏa thuận hạt nhân chính thức ký, vào tháng 2/2014, 100 đại diện doanh nghiệp Pháp đã tới thăm Iran.Pháp đã chịu thiệt hại lớn trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân hơn 10 năm qua. Vốn giữ vị trí thứ ba trong trao đổi thương mại với Iran với kim ngạch 4 tỷ Euro đầu những năm 2000, vị trí này của Pháp hiện tụt xuống thứ 7 với 500 triệu Euro.
Chính phủ Pháp hy vọng Nghiệp đoàn chủ doanh nghiệp Pháp (Medef) sẽ tập hợp được khoảng 80 doanh nghiệp tới khai thác thị trường 80 triệu dân của Iran./.
Thái Dương
Theo_VOV
Cuba có đòi được Vịnh Guantanamo từ tay Mỹ?
Ngoại trưởng Cuba mới đây tuyên bố, việc trả căn cứ hải quân ở Guantanamo và dỡ bỏ lệnh cấm vận nằm trong số những điều kiện cốt yếu để Cuba bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Mỹ.
Trong những bình luận mang tính lịch sử tại Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tuần qua với tư cách là Ngoại trưởng Cuba đầu tiên phát biểu tại đó kể từ năm 1958, ông Bruno Rodriguez Parrilla nói rằng, Mỹ đồng thời không nên trông chờ Cuba thực hiện bất cứ sự thay đổi nào mà Mỹ yêu cầu, chẳng hạn như các bước đi hướng tới dân chủ hay vấn đề nhân quyền.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba mới chỉ bắt đầu. (Ảnh: Examiner)
"Ngài Tổng thống Mỹ có thể tiếp tục dùng các quyền hành pháp của mình để mang lại đóng góp quan trọng cho việc phá bỏ phong tỏa - đừng theo đuổi những thay đổi ở Cuba mà hãy chú tâm đến các lợi ích của người dân Mỹ", ông nói khi đứng cạnh người đồng cấp Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Rodriguez cho biết, Mỹ ngay lập tức phải bồi thường cho Cuba về những thiệt hại mà cấm vận gây ra cho dân chúng nước này.
"Tôi nhấn mạnh, dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, trả lại lãnh thổ Guantanamo bị chiếm đóng trái phép, cũng như tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Cuba, và bồi thường cho nhân dân chúng tôi những thiệt hại về con người và kinh tế, là điều cốt yếu để có thể tiến tới bình thường hóa các mối quan hệ", ông tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận, chính quyền Obama đã công khai rằng họ muốn Quốc hội Mỹ chấm dứt cấm vận chống Cuba. Tuy nhiên, để làm được việc này thì sẽ mất nhiều năm.
"Hy vọng sẽ không phải là quá nhiều năm", ông Kerry bày tỏ.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối ý kiến Mỹ sẽ từ bỏ Vịnh Guantanamo như một điều kiện để có các mối quan hệ bình thường với Cuba. Nhưng ông thừa nhận "chúng tôi hiểu Cuba có cảm giác rất mạnh mẽ về nó".
Những bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Rodriguez cho thấy, Mỹ và Cuba vẫn còn một chặng đường dài để tiến tới các mối quan hệ bình thường hoàn toàn, cho dù hai nước đã nhất trí tái mở các sứ quán ở mỗi nước lần đầu tiên trong hơn 50 năm.
Vịnh Guantanamo, nơi Mỹ có trại giam giữ các nghi can khủng bố, do Mỹ kiểm soát và đặt căn cứ quân sự hơn 100 năm qua.
Washington tuyên bố có quyền thuê vĩnh viễn vùng lãnh thổ này từ Cuba theo các hiệp ước giữa hai bên năm 1903 và 1934, trừ phi hai bên nhất trí thay đổi điều khoản. Phía Havana liên tục đòi Mỹ trả lại kể từ năm 1959 khi Cách mạng Cuba thành công, viện dẫn các hiệp ước trên ra đời dựa trên sự đe dọa dùng vũ lực, do vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo giới quan sát, Vịnh Guantanamo, vốn nằm ở địa thế chính trị quan trọng, được xem là tài sản quan trọng về mặt chiến lược đối với an ninh quốc gia Mỹ. Vì vậy, Mỹ khó có thể đưa ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động tại khu vực mà nước này đã nắm giữ suốt một thế kỷ qua.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Ông John McCain: Quan hệ Việt Mỹ phát triển hơn kỳ vọng Ngày 7/7/2015, Thượng Nghị sĩ John McCain đã ra tuyên bố chào mừng chuyến thăm chính thức Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo tuyên bố, đây là chuyến thăm đầu tiên và có ý nghĩa lịch sử của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Hoa Kỳ. Chuyến thăm này thể hiện tầm vóc đang lớn mạnh...