Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông giữa lúc căng thẳng leo thang
Ngoại trưởng Mỹ đang có chuyến thăm đến chảo lửa Trung Đông, trong bối cảnh cuộc xung đột Israel- Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng như những cuộc không kích trả đũa của Washington nhằm vào các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria có nguy cơ làm leo thang căng thẳng tại khu vực này.
Ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông từ ngày 4/2, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy đề xuất về một thỏa thuận tạm dừng giao tranh giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel để đổi lấy việc phóng thích các con tin. Đây là chuyến công du thứ 5 của ông Blinken tới khu vực này kể từ khi xung đột giữa Hamas-Israel bùng phát ngày 7/10 năm ngoái. Theo lịch trình được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, các điểm dừng của ông Blinken trong chuyến công du lần này bao gồm Arab Saudi, Israel, Ai Cập và Qatar. Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh khu vực còn nhiều rối ren, cuộc chiến Israel – Hamas chưa tìm ra lối thoát trong khi nhiều mồi lửa xung đột khác cũng đang nhen nhóm.
Căng thẳng tiếp tục leo thang tại Trung Đông. Ảnh minh họa: Getty Images
Liên quan đến chiến sự tại Gaza, một thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa thể đạt được sau nhiều tuần nỗ lực trung gian của Qatar và Ai Cập. Mọi đê xuất ngừng bắn vẫn đang được xem xét, trao đổi giữa các bên. Phía Hamas vẫn muốn một thỏa thuận thả toàn bộ con tin phải đồng thời là một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, đồng nghĩa với việc Israel phải rút quân khỏi Gaza. Kênh truyền hình 12 của Israel đưa tin, đề xuất của phía Hamas bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn 45 ngày, trong đó giai đoạn đầu trả tự do cho 35-40 con tin Israel, chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và người bị thương. Mỗi con tin Israel được phóng thích sẽ đổi lấy 100-250 tù nhân Palestine đang bị giam giữ. Sau đó, có thể đàm phán gia hạn thêm lệnh ngừng bắn để thả thêm con tin Israel và tù nhân Palestine trong các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.
Trong khi đó, Israel kiên quyết rằng ngừng bắn dài ngày chỉ nhằm mục đích trao đổi con tin. Mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2 nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không kết thúc chiến tranh trước khi hoàn thành tất cả các mục tiêu của mình – đó là loại bỏ Hamas, trả tự do cho tất cả các con tin và lời hứa rằng Gaza sẽ không còn là mối đe dọa đối với Israel nữa. Những nỗ lực giải phóng con tin của chúng tôi vẫn tiếp tục mọi lúc. Như tôi cũng đã nhấn mạnh trước Nội các – chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào, không bằng bất kỳ giá nào. Nhiều điều được truyền thông đưa tin như thể chúng tôi đã đồng ý, chẳng hạn như những gì liên quan đến việc thả những kẻ khủng bố. Chúng tôi không đồng ý điều này”.
Video đang HOT
Khi xung đột tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lực lượng Houthi tại Yemen vẫn miệt mài tấn công các tàu hàng tại biển Đỏ có liên quan tới Israel, Mỹ và Anh, để thể hiện tình đoàn kết với người dân ơ Gaza. Còn Mỹ và Anh cũng thực hiện những đợt không kích “phủ đầu” mới nhằm vào lực lượng dân quân tại Yemen hồi cuối tuần qua. “Cuộc tấn công mới của chúng tôi được thực hiện sau khi nhận thấy Houthi tiếp tục tấn công tàu bè ở Biển Đỏ. Đây là điều không thể chấp nhận được, khiến mạng sống của những người vô tội gặp nguy hiểm và gây ra hậu quả kinh tế. Chính những cuộc tấn công của Houthi là lý do tại sao chúng tôi lại hành động để tự vệ, theo cách phù hợp và cùng với các đồng minh của mình”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định.
Cùng với sự leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ, biên giới giữa Israel và Lebanon trong những ngày qua cũng chứng kiến các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah. Israel ngày 4/2 phải điều cả máy bay chiến đấu và xe tăng tấn công nhiều địa điểm của Hezbollah dọc biên giới để đáp trả vụ nhiều tên lửa từ Lebanon được phóng sang lãnh thổ Israel trước đó cùng ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant, cảnh báo nước này có nhiều công cụ tấn công có thể sử dụng trước lực lượng Hezbollah ở Lebanon nếu cần.
Đáng chú ý, nhóm vũ trang mang tên “Các lực lượng Iraq” ngày 5/2 tuyên bố đã tiến hành cuộc bắn phá nhằm vào một căn cứ của Mỹ bên trong lãnh thổ Syria trong đêm 4/2. Nhóm vũ trang Iraq không cho biết tên căn cứ bị tập kích, chủng loại vu khí sử dụng cũng như thiệt hại trong cuộc tấn công, mà chỉ khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào “các thành trì của kẻ thù”. Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết rằng mục tiêu bị tấn công là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Syria và cuộc tập kích đã gây thương vong cho lực lượng Mỹ bên trong căn cứ. Cuộc tấn công xảy ra một ngày sau khi truyền thông Mỹ dẫn lời hai quan chức quân đội nước này cho biết chiến dịch không kích của Mỹ vào các nhóm vũ trang được cho là “thân Iran” tại Iraq và Syria hôm 2/2 đã phá hủy 84 trong tổng số 85 mục tiêu nhắm đến. Chiến dịch không kích nhằm đáp trả cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Mỹ tại Jordan hôm 28/1 khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng. Đây là những binh sĩ Mỹ đầu tiên tử vong trong làn sóng các cuộc tấn công vũ trang dồn dập nhằm vào các căn cứ Mỹ tại Trung Đông sau khi chiến sự bùng phát tại Dải Gaza hồi tháng 10/2023.
Có thể thấy rằng căng thẳng Trung Đông vẫn đang leo thang bất chấp nỗ lực của các bên, trở thành một bài toán khó cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi trở lại khu vực lần thứ 5 kể từ khi xảy ra xung đột Israel – Hamas. Tuy nhiên, theo Nhà Trắng, chuyến công du này sẽ chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, khi mà một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột vẫn chưa được tìm ra
Iran phủ nhận đứng sau vụ tấn công khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Jordan
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố nước này không liên quan đến vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào căn cứ của Mỹ ở Jordan, khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và trên 30 người bị thương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tổ chức cuộc họp báo ở Tehran, ngày 5/12/2022. Ảnh: Hãng thông tấn Anadolu/Getty Images
"Như chúng tôi đã nêu rõ trước đây, các nhóm phản kháng trong khu vực đang đáp trả tội ác chiến tranh và diệt chủng. Họ không nhận lệnh từ Cộng hòa Hồi giáo Iran. Các nhóm này đưa ra quyết định và hành động dựa trên các nguyên tắc và ưu tiên riêng, cũng như lợi ích của đất nước và nhân dân của họ", đài RT (Nga) dẫn tuyên bố của ông Kanaani cho biết hôm 29/1.
Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq - một nhóm bảo trợ cho lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia - đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vào Tháp 22, cách biên giới Jordan - Syria không xa.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden tin rằng các nhóm tay súng cực đoan mà Iran hậu thuẫn ở Syria và Iraq đứng sau vụ việc này. Ông tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thực thi cam kết với cuộc chiến chống khủng bố và sẽ buộc mọi đối tượng liên quan đến vụ tấn công phải chịu trách nhiệm vào thời điểm và cách thức" do Washington quyết định.
Nhiều chính trị gia Mỹ đổ lỗi trực tiếp cho Iran. Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng cáo buộc Iran đứng sau vụ việc, kêu gọi nước này giảm căng thẳng trong khu vực.
Hôm 28/1, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết 3 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và trên 30 nhân viên phục vụ bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm vào một tiền đồn nhỏ của Mỹ ở Jordan, gần biên giới Syria. Đây là lần đầu tiên lính Mỹ thiệt mạng do hỏa lực của đối phương trong khu vực kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra.
Binh sĩ Mỹ gác tại tỉnh Hasakeh, Syria. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên lưu ý số binh sĩ bị thương trong vụ tấn công kể trên đang gia tăng, khi có 34 người hiện được theo dõi chặt chẽ do có thể bị chấn thương sọ não. Lầu Năm Góc vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về các trường hợp thương tích, song chấn thương sọ não là nguy cơ thường xảy ra sau một vụ nổ lớn.
Trong khi đó, 2 quan chức khác của Mỹ tiết lộ chiếc UAV đã tấn công doanh trại vào lúc sáng sớm 28/1 (giờ địa phương) khiến con số thương vong là rất lớn. Cũng trong ngày 28/1, nhóm "Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq" tuyên bố đã sử dụng UAV để tấn công quân đội Mỹ tại 3 địa điểm ở Syria, trong đó có 2 căn cứ ở gần ngã 3 biên giới giữa Iraq, Syria và Jordan.
CENTCOM tuyên bố giữ kín danh tính các nạn nhân trong 24 giờ cho đến khi thân nhân của họ được thông báo tin buồn.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Chính phủ Jordan Muhannad al Mubaidin tuyên bố vụ tấn công trên không xảy ra trong lãnh thổ Jordan, mà là trên đất Syria. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Al Mamlaka, ông Mubaidin khẳng định vụ tấn công nhằm vào căn cứ Al-Tanf của Mỹ tại khu vực Đông Nam Syria, gần biên giới với Jordan.
Theo Lầu Năm Góc, các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Syria và Iraq đã trở thành mục tiêu của hơn 150 vụ tấn công kể từ giữa tháng 10/2023. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp binh sĩ Mỹ ở Trung Đông thiệt mạng kể từ khi bùng nổ cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.
Thị trường dầu tính chung tuần vẫn tăng dù có nhiều yếu tố bất lợi Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên ngày 19/1, song ghi nhận mức tăng tính theo tuần giữa bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông và sự gián đoạn sản lượng dầu đã bù đắp những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Trạm bơm dầu thô tại giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ)....