Ngoại hình sẽ thay đổi, còn vẻ đẹp bên trong mới bền vững
“Vẻ đẹp là ở trong mắt người nhìn” – nhưng đó là vẻ đẹp ngoại hình. Còn vẻ đẹp thực sự chỉ thể hiện ở hành động, ở trái tim mỗi người.
Một người đàn ông vừa tỉnh dậy sau khi thuốc gây mê để phẫu thuật bắt đầu bớt tác dụng, và ông nhìn thấy người vợ đang ngồi bên cạnh giường bệnh. Ông chớp chớp mắt và thốt lên: “Em đẹp quá!”. Thế rồi ông lại nhắm mắt và chìm vào giấc ngủ tiếp. Người vợ thấy cũng hơi lạ, vì chồng mình chưa bao giờ nói những câu lãng mạn như vậy. Tuy nhiên, bà vẫn ngồi cạnh chờ chồng tỉnh lại.
Vài phút sau, người đàn ông lại chớp chớp mắt, rồi mở hẳn mắt ra, rồi nhìn vợ, và thốt lên: “Em trông dễ thương đấy!”. Ồ, lần này thì người vợ hơi thất vọng, bởi thay vì “đẹp quá” thì bây giờ chỉ còn là “dễ thương đấy”. Nên tuy biết chồng chưa tỉnh táo hẳn, nhưng người vợ vẫn thắc mắc: “ Sao không phải là “đẹp quá” nữa chứ?”. Ông chồng thật thà đáp: “Vì thuốc gây mê hết tác dụng, anh tỉnh hẳn rồi đây này!”.
Vẻ đẹp bên ngoài phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người nhìn.
Vẻ đẹp ở bên ngoài dường như là điều ai cũng muốn mình có, nhưng lại cũng rất khó để đánh giá. Nên người ta mới nói rằng: “Vẻ đẹp là ở trong mắt người nhìn” – mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau về vẻ đẹp, mà đấy là hoàn toàn chỉ nói đến khía cạnh ngoại hình mà thôi. Thậm chí, đôi khi, vẻ đẹp lại phụ thuộc vào sự… thiếu tỉnh táo do thuốc mê, như câu chuyện cười ở trên.
Nhà vật lý học về hưu Arie van’t Riet đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật theo những cách rất kỳ lạ. Ông sắp xếp những cái cây và một số động vật đã chết theo nhiều bố cục đa dạng rồi chụp X-quang chúng. Sau đó, ông quét những tấm ảnh chụp X-quang để đưa vào máy tính, rồi thêm màu sắc vào một số phần nhất định trong các bức ảnh. Những tác phẩm của ông trở nên rất ấn tượng, cho thấy sự phức tạp bên trong của những bông hoa, những con cá, chim, khỉ, những loài bò sát…
Một tác phẩm nghệ thuật của Arie van’t Riet.
Thật vậy, phần bên ngoài của điều gì đó có thể “bắt mắt” hơn, nhưng chính cái nhìn vào bên trong mới thường thú vị và có ý nghĩa hơn. Trong công việc, một vị sếp không thể nhìn ngoại hình một người rồi giao ngay cho họ một vị trí quan trọng, hoặc chúng ta cũng không thể chỉ nhìn vẻ bên ngoài rồi chắc chắn rằng một người nào đó sẽ trở thành một nhân viên tốt, rất có trách nhiệm, hoặc rất hiệu quả…
Điều tương tự cũng càng đúng với những người thực sự yêu thương chúng ta. Khi họ nhìn bạn, họ quan tâm đến trái tim bạn hơn là chiều cao của bạn, đến tâm hồn của bạn hơn là đường nét khuôn mặt của bạn. Không ai yêu thương bạn mà lại chỉ chăm chăm nhận xét bạn là quá già, hay quá trẻ, quá cao hay quá thấp. Và nếu bạn cũng chỉ đánh giá người khác qua những đặc điểm ngoại hình, thì trong phần lớn trường hợp, bạn có thể sẽ… nhầm (đồng thời sẽ chẳng bao giờ có được những người thân thiết thực sự với bạn).
Sự tử tế mới tạo nên vẻ đẹp bền vững.
Bạn cho rằng khi người khác nhìn vào hành động của bạn, trái tim của bạn, họ sẽ thấy những gì? Hãy đảm bảo là vẻ đẹp bên trong của mình luôn lấn át vẻ đẹp bên ngoài nhé, bởi theo thời gian, vẻ đẹp bên trong mới là điều tồn tại lâu dài, vượt xa vẻ đẹp ngoại hình của chúng ta.
Theo hoahoctro.vn
Bạn dành bao nhiêu thời gian cho mẹ?
Vào ngày này, bạn sẽ nhớ đến ai đầu tiên? Hẳn là chúng ta nên dành thời gian cho bà, cho mẹ, những người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Thế nhưng bạn đã dành thời gian để quan tâm đến bà, đến mẹ hay chưa?
Lá thư: Bạn dành bao nhiêu thời gian để ngồi bên mẹ?
Có bao giờ chúng ta suy nghĩ sẽ còn bao nhiêu tiếng đồng hồ nữa trong đời ta sẽ về ngồi bên cạnh Mẹ, dành thời gian riêng cho Mẹ?
Một câu hỏi thật đơn giản nhưng cũng rất khó trả lời. Điều này mỗi chúng ta tự hiểu và rồi cảm thấy day dứt, sao thời gian còn lại dành cho Mẹ ít quá vậy. Mỗi ngày một tiếng. Đời Mẹ còn lại bao nhiêu ngày? Đó là thời gian số đông chúng ta không làm được.
Một tiếng mỗi ngày thôi.
Thời gian yên bình nhất là lúc tôi được ngồi cạnh Mẹ, được nghe Mẹ nói, được thấy Mẹ cười. Tôi may mắn được có mỗi chiều như vậy. May mắn có ngôi nhà của Mẹ để tôi trở về làm đứa con nhỏ bé trước Mẹ. Đôi khi cũng nũng nịu như thuở năm mươi năm trước chờ Mẹ đi chợ về lục giỏ tìm quà.
Mắt Mẹ bây giờ không còn nhìn thấy được bầu trời có màu gì nữa, bàn tay quờ quạng tìm cái li pha nước cho tôi uống. Không phải tôi nhẫn tâm để Mẹ làm điều này mà chính là vì hạnh phúc của Mẹ được chăm sóc con trai mình. Đón nhận li nước của Mẹ tôi mang tội bất hiếu nhưng nếu từ chối tôi sẽ tước đi niềm hạnh phúc đó của người Mẹ đã từng yêu thương, che chở tôi thuở nào. Mẹ vẫn luôn xem tôi là đứa trẻ lên năm của ngày xưa củ.
Trong những lúc khó khăn, tâm không yên bình, hoang mang và thất vọng là lúc ta cảm nhận ngôi nhà của Mẹ chính là nơi để cho ta trở về trú ngụ. Ta khao khát được trở về bên Mẹ, được khóc như thuở nào.
Ta có sai lầm, lòng Mẹ luôn bao dung. Ta lạc lối, Mẹ sẽ đưa ta về.
Ta bao nhiêu tuổi vẫn luôn nhỏ bé trước Mẹ. Già bao nhiêu, Mẹ vẫn luôn muốn che chở cho ta, luôn xem ta cứ nhỏ dại, khờ khạo. Đó là lòng Mẹ, tình yêu Mẹ dành cho ta.
Thời gian sẽ lấy đi mọi thứ nhưng với những gì ta làm cho Mẹ vui sẽ mang lại một phép màu cho tuổi già của Mẹ.
Có bao giờ bạn nhận ra điều này. Cái gì của Mẹ là của ta nhưng những thứ ta có, được bao nhiêu là của Mẹ?
Có bao giờ bạn suy nghĩ mình còn có bao nhiêu thời gian dành cho Mẹ?
Hãy về ngồi bên cạnh Mẹ mỗi ngày nếu có thể.
Gửi từ bác Bùi Thanh Xuân
Các bạn thân mến, có hiểu cuộc sống thì mới hiểu cha mẹ. Càng sống, càng trải nghiệm, càng thấu hiểu công ơn trời biển của mẹ cha và nỗi vất vả cơ cực để nuôi ta khôn lớn nên người. Thế nhưng có đôi khi chính những đứa con lại thờ ơ với cha mẹ mình, để một ngày nhìn lại, sẽ thấy hối hận và day dứt biết bao. Lá thư tiếp theo được gửi từ một người con như vậy. Xin mời các bạn cùng lắng nghe:
Lá thư: Tôi chưa biết thương ba, thương má
Tôi khát khao tình yêu.
Tôi đi tìm tình bạn.
Và cần lắm thứ tình cảm gia đình.
Nhưng tôi chưa biết thương ba thương má.
Chưa biết thương cha đôi tay chai sạn.
Những vết nứt ở chân chưa bao giờ tôi biết.
Làm sao biết canh khuya gà gáy, ba dậy đi núi vác từng khúc rui, mưa nắng dãi dầu rừng khuya thăm thẳm, hơi sương lạnh buốt tay. Thân ba mỏi mệt bụng đói, rồi ba nhặt được nửa ổ bánh mì người ta vứt, ráng ăn mà đi làm.
Ngay cả khi có tiền đi qua quán bún, nước miếng nuốt trôi theo cái đói, rồi ba tự nhủ "vợ con đang đợi ở nhà, đem tiền về mua gạo". Những ngày ăn cơm độn sắn vẫn còn mãi trong tâm trí tôi, cái cảm giác đói rã ruột cố gắng nuốt đi miếng cơm bẩy chã ấy làm tôi ngán đến tận cổ, nhưng tôi có ngờ khi chúng tôi đòi ăn cơm trắng thì nồi cơm độn là phần mà ba nhịn cho chúng tôi. Ngày ba đi Campuchia làm ở nhà chẳng có gì ăn, may mà lúc đó má tôi trồng ít khoai từ, cả tháng ròng hết nấu canh lại luộc. Nghĩ lại vẫn thấy ngán.
Ngày đó còn nhỏ chưa biết gì, thương ba khi cho tiền, khi ba cho đi chơi, khi được ba mua cho bì bánh, thế là đủ. Chưa hiểu được tiền ba cực khổ làm ra như thế nào, khi đó chỉ ước mình có ba là giám đốc. Giờ thì anh em tôi đã lớn, ba tôi già hơn xưa, xương khớp không tốt, nhất là hai đầu gối, ngồi xuống đứng dậy thì hơi đau, còn lưng tấm lưng cong lại thêm chứng đau cột sống. Bây giờ tuy đã là sinh viên nhưng tôi còn phụ thuộc vào gia đình nhiều. Đôi khi tôi thấy mình thật tệ, chỉ biết ăn, học, chơi, ngủ và hết tiền là ngửa tay xin ba má.
Bạn tôi nhiều đứa đi làm thêm để có tiền sinh hoạt hàng tháng. Tôi thì sướng rồi, không cần phải lo việc tiền bạc, hết thì réo ba má gửi vào. Nhưng tôi biết tôi chưa yêu ba má. Bởi trong suy nghĩ của tôi "cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi con ăn học, còn khi nào làm ra tiền cho cha mẹ tiền thì mới gọi là hiếu thảo".
Và đó là sai lầm lớn nhất của tôi.
Thực sự, tình thương không nhất thiết phải cho ba má thật nhiều tiền. Đơn giản là đấm lưng cho ba khi ba đau lưng, thoa thuốc cho chân khi chân ba bị nứt ra, nhổ tóc ngứa cho ba, pha cho ba ly nước chanh giải rượu, phụ má công việc nhà. Nhưng tôi đã không làm, tôi chưa thực sự quan tâm ba má bởi tôi ích kỷ, sợ phí thời gian của mình, hoặc nghĩ việc đấy thật tốn công, nó không phải là việc của mình. Để rồi chỉ muốn ba má đáp ứng nhu cầu của mình nào quần áo, giày dép, nào tiền bạc để đi chơi với bạn bè.
Và một ngày tôi nhận ra đôi vai ba không còn gánh nặng được nữa, ba đã gầy đi đen và sức khỏe thì ngày càng đi xuống, má cũng ho liên miên, thân gầy guộc lộ rõ cả xương cổ. Ngày hôm nay tôi thật cao, trắng cao mập hơn cả má tôi. Tôi phát hiện dáng vóc nhỏ bé của má, mái đầu trắng quá nửa của ba, tôi thấy mình thật thờ ơ.
Và ba má tôi đã sang cái tuổi 40, 50. Thế là hơn nửa thế kỷ bây giờ tôi mới thấy thương ba má, thấy ba má quá quan trọng. Sao tôi thấy đâu đó sự mất mát chia xa, bỗng tim tôi đau, nước mắt cứ thế tuôn trào. Và tôi biết rằng mình nên biết nghĩ, biết thương ba má nhiều hơn. Có lẽ bây giờ vẫn chưa quá muộn.
Gửi từ Hồ Thị Hận
Sẽ không bao giờ là quá muộn khi ta biết nhìn lại bản thân, thấy được sai lầm của mình và bắt đầu dành sự yêu thương cũng như quan tâm và đỡ đần cha mẹ. Đừng để những giọt nước mắt ân hận rơi khi đã muộn màng, bạn nhé.
Lá thư cuối cùng được gửi đến từ một người con, người cháu đang sống và làm việc ở xa, đã không về kịp để gặp bà lần cuối. Xin mời các bạn cùng lắng nghe:
Lá thư: Nước mắt chảy xuôi
Cách đây ít lâu, tôi về thăm quê ngoại, thấy ông bà ngày một già yếu, tôi giật mình tự hỏi: "Cuộc đời này con còn gặp ông bà bao nhiêu lần nữa?". Chẳng bao lâu sau, tôi đã không bao giờ còn cơ hội ấy nữa.
"Khi tôi biết thương bà thì đã muộn,
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi" (1)
Dịp Tết tôi về thăm bà. Bà tôi lúc này đã yếu lắm rồi. Bà chỉ nằm một chỗ, ăn uống, vệ sinh phải có người giúp đỡ. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng khi biết tin bà mất, nước mắt tôi cứ trào ra không sao cầm lại được, đầu óc tôi hỗn loạn và tôi chẳng làm được gì nữa. Còn gì đau đớn hơn khi phải lìa xa tình thân máu mủ ruột thịt? Còn gì bất lực hơn khi nghe tin người thân của mình qua đời mà không thể chạy ùa về. Lúc ấy tưởng như tôi đứt từng khúc ruột. Cái cảm giác đó...đối với tôi nó khó nhọc và nặng nề lắm.
Ngày tôi về sương mù giăng kín lối. Tưởng như có bóng dáng ông bà ngoại mỉm cười chờ đón tôi. Nhưng không! Tôi đã không kịp gặp bà lần cuối. Bà tôi đi mà chẳng trăn trối một lời nào. Đó là những ngày miền Bắc rét đậm rét hại và mưa phùn rả rích không ngớt. Cuộc đời tôi chưa từng trải qua những ngày rét mướt khắc nghiệt đến thế. Đó là những ngày lạnh nhất cuộc đời, đến tôi còn không chịu nổi, huống chi bà đã già yếu như vậy. Bà tôi đi giữa tháng Giêng, giữa những ngày mưa phùn giá rét, mùa xuân tưởng như ngắn lại.
Người ta an ủi tôi rằng con người không ai tránh khỏi được quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Người ta nói tôi đừng khóc nhiều vì nước mắt nặng lắm, sẽ khiến bà bận lòng mà không thể thanh thản ra đi. Người ta bảo bà không mất, chỉ là tồn tại dưới một hình thức khác mà tôi không nhìn thấy được. Nhưng khi phải trải qua nỗi đau mất mát thì mọi lời an ủi đều chẳng còn nghĩa lí gì. Và nỗi buồn cũng không thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều.
Bà tôi đã sống trọn vẹn một kiếp người và chịu đủ mọi tai ương từ cuộc đời ấy. 11 năm bà sống chung với bệnh tật, sức khỏe ngày một sa sút, những kí ức cũng cứ thế nhạt dần. Căn bệnh tai biến đã bào mòn cuộc sống của bà và lấy của bà những kí ức đẹp đẽ nhất.
Tôi đi học xa lâu không về quê ngoại, thời gian trôi nhanh như gió thổi, ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi đã trưởng thành hơn, còn bà thì ngày một già yếu. Tôi nhìn thấy nỗi bất lực của bà khi muốn nói điều gì đó mà không thể diễn đạt bằng lời. Tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của bà khi những việc nhỏ như ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng phải có người làm giúp. Bà nằm đó như một tàu lá héo, như một ngọn đèn dầu leo lét. Suốt bao năm qua "Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế". (1)
Đúng là con người không ai tránh khỏi được quy luật sinh, lão, bệnh, tử, nhưng cái giai đoạn từ lão đến bệnh, nó khiến người ta đau đớn vô cùng, thậm chí nó còn đáng sợ hơn cái chết. Tôi giật mình khi nghĩ rằng một ngày nào đó mẹ cũng sẽ già đi...Mẹ tôi, hẳn là đau xót lắm khi không thể ở bên cạnh để phụng dưỡng bà những năm tháng cuối đời. Bao nhiêu khó khăn, mệt mỏi đèn nặng lên đôi vai gầy guộc của ông. Con cái rồi cũng phải trưởng thành, cũng có cuộc sống riêng, suy cho cùng đến cuối đời cũng chỉ có người vợ, người chồng là luôn gắn bó cùng nhau. Giờ thì tôi đã hiểu thế nào là "Con chăm cha không bằng bà chăm ông". Ngày bà tôi mất, ông òa khóc trước linh cữu của bà, lần đầu tiên tôi thấy ông khóc. Suốt bao nhiêu năm qua, dù mưa dầm, dù nắng gắt, dù khó khăn mệt mỏi, ông vẫn có bà làm người bầu bạn. Nhưng bây giờ bà cũng bỏ ông đi.
Từ ngày bà ngã bệnh, một mình ông vừa chăm bà, vừa lo ruộng vườn, con gà con vịt. Mẹ tôi và các cậu, các dì có chăm bà cũng không bằng ông. 11 năm ròng rã, ông chăm bà, những mong bà khỏe lại. Nhưng tuổi già không chiến thắng được bệnh tật. Căn nhà thiếu vắng đi bàn tay chăm lo của người phụ nữ, ngoài vườn cỏ mọc đầy, đàn vịt cũng chẳng còn tấp nập. Tết về, thấy ông tự mình làm được có vài món đơn giản, thấy miếng thịt ông rán cháy đen mà đắng ngắt ở trong lòng. Trong gia đình lúc nào cũng cần bàn tay chăm lo của người phụ nữ. Vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, ông đã phải thay bà làm những việc đó, dẫu thật vụng về.
***
Không phải tự nhiên mà ca dao có câu:
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
Phải rồi, chỉ có nước ở trong nguồn chảy ra chứ nước có bao giờ chảy ngược về nguồn. Cũng như, người ta nói: "Nước mắt chảy xuôi". Tôi từng đọc ở đâu đó một câu chuyện ngụ ngôn rằng: "Quạ mẹ cõng quạ con qua sông. Bất chợt quạ mẹ hỏi: "Sau này mẹ già yếu, con có cõng mẹ không?". Quạ con không trả lời. Quạ mẹ hỏi lại: "Con có cõng mẹ không con?". Lúc này quạ con mới nói: "Con xin lỗi. Con không thể cõng mẹ được". Quạ mẹ đau khổ: "Tại sao vậy?". "Bởi vì, con còn phải cõng con của con nữa".
Câu chuyện trên chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của con người. Nhưng nó phản ánh một hiện thực đã trở thành quy luật, dẫu quy luật ấy khiến người ta đau lòng. Bạn tôi kết hôn sớm và đã sinh con, từng nói với tôi rằng: "Bây giờ bạn còn độc thân, bạn có muốn mua cái gì cho mẹ thì cứ mua. Sau này bạn có chồng con, lúc nào bạn cũng sẽ nghĩ cho con bạn trước. Chỉ khi nào con bạn không thiếu thốn gì nữa thì bạn mới có thể nghĩ đến người khác, kể cả bố mẹ mình". Đó là lời chia sẻ rất mực chân thành của một cô gái trẻ vừa mới làm mẹ.
Mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con khó nhọc đến khi con khôn lớn, nhưng không bao giờ mong đợi con sẽ đền đáp công ơn đó. Tôi đã từng nghĩ rằng sau này tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền để chữa bệnh cho mẹ. Vậy mà kì thực thu nhập hiện tại của tôi cũng chỉ đủ sống, nhà vẫn phải đi thuê và hàng tháng vẫn chưa dư được đồng nào để dành hay mua đồng thuốc cho mẹ. Mỗi lần tôi về nhà rồi đi, mẹ vẫn hỏi có thiếu tiền không để mẹ cho. Tôi cười buồn: "Con chẳng biếu mẹ được đồng nào thì thôi. Sao con có thể cầm tiền của mẹ đi được". Và tôi cũng nhận ra rằng mẹ nuôi tôi khôn lớn không mong tôi có thể báo đáp lại mẹ. Mà nếu có chắc chắn mẹ cũng không nhận. Bởi mẹ thương con bằng trời bằng bể. Mẹ chỉ mong con vững bước trên đường đời, có một cuộc sống an lành, hạnh phúc là mẹ thấy yên lòng.
Mẹ tôi là con cả trong gia đình có sáu anh chị em. Tuổi thơ mẹ vất vả, cơ cực và thiếu thốn bao nhiêu thì mẹ lại dồn tình thương và chăm sóc chúng tôi bấy nhiêu. Mẹ muốn bù đắp những thiệt thòi của mẹ cho con cái. Mẹ chăm sóc cho chúng tôi từng li, từng tí, và có khi cho đến khi con trưởng thành mẹ cũng chẳng hết lo. Ngày bà tôi mất, mẹ tôi khóc ngất bên linh cữu bà nhưng vẫn không quên gọi điện thường xuyên cho tôi vì tôi đi xa trở về trong đêm. Chỉ khi nhìn thấy tôi run run đứng trước mặt mẹ mới thấy yên tâm. Mẹ đau, mẹ ốm nhưng vẫn không quên nhờ người mua thuốc cho tôi, vì thấy tôi ho và sụt sịt mũi.
Tôi hiểu rằng tôi thương mẹ thế nào thì mẹ cũng thương bà như thế. Và mẹ chăm sóc tôi ra sao thì ngày xưa bà cũng lo lắng, chăm sóc cho mẹ như vậy.
"Mẹ ru cái lẽ ở đời,
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn.
Bà ru mẹ, mẹ ru con,
Liệu mai sau các con còn nhớ không?" (2)
Bạn đừng nghĩ rằng bạn có thể đền đáp được công ơn của cha mẹ. Sự thật là bạn không thể làm được điều đó, dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Nhưng có những việc bạn có thể làm được, đó là dành thời gian để ngồi bên mẹ, hay đơn giản hơn là thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm mẹ. Liệu ta có thể làm được không? Hay ta quá bận để dành thời gian cho mẹ? Mẹ sẽ chẳng mong ta làm được điều gì cho mẹ, chỉ đơn giản là muốn biết con sống thế nào, có được no đủ, yên ấm hay không. Chỉ cần vậy thôi, đối với mẹ cũng là niềm hạnh phúc.
"Chỉ mong cho ta lớn khôn nên người,
Chỉ mong nhìn thấy nụ cười của ta". (3)
Có những dòng nước chảy xuôi, "Bà ru mẹ, mẹ ru con", có khi nào ta nhận tình yêu thương của bà, của mẹ như một điều hiển nhiên mà không biết rằng bà và mẹ cũng cần được yêu thương, được chăm sóc, nhất là khi mẹ già đi.
"Mẹ già như chuối chín cây,
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi
Mồ côi tội lắm ai ơi,
Đói cơm ai đỡ, lỡ lời ai bênh?"
Vì vậy, hãy yêu thương, hãy chăm sóc mẹ khi ta còn có thể. Đừng để bị công việc nuốt chửng, đến nỗi không còn thời gian để về thăm mẹ.
Ngày mồng 8/3 là ngày tôn vinh phụ nữ trên toàn thế giới, nhưng trước hết ta hãy nghĩ đến bà, đến mẹ, đó là những người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta và chúng ta không được phép lãng quên. Mẹ chẳng cần đâu những bó hoa hay những món quà, chỉ một câu hỏi han, chúc mừng mẹ, hạnh phúc với mẹ chỉ cần có thế.
"Chỉ một giây thôi...nhắm mắt quên tất cả, nghĩ tới cha mẹ vẫn đang đong đầy yêu thương.
Chỉ một giây thôi... nhắm mắt quên cuộc đời, hãy nghĩ suy lại ta tìm mẹ nơi đâu?
Chỉ một giây thôi...nghĩ đến cha một lần, dấu vết chân chim vẫn đang từng ngày mong ta". (3)
Đừng để một ngày nào đó ân hận, chỉ còn lại những giọt nước mặn chát vương trên khóe mi buồn.
Theo blogradio.vn
Bí mật nàng dâu 5 năm không nấu nổi 1 bữa cơm vẫn được lòng mẹ chồng Ai cũng nói Nguyệt số hưởng hay kiếp trước đã giải cứu cả trái đất mới có được mẹ chồng như vậy. Nhưng thực ra họ không biết, cái gì cũng có lí do cả. Nguyệt về làm dâu nhà Tính, đến nay đã ngót 5 năm. Nói riêng về mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu nhà Nguyệt, luôn hòa thuận, êm...