Ngoại giao văn hóa: ‘Trụ cột’ giúp Việt Nam vươn tầm quốc tế
Là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, ngoại giao văn hóa được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc điều hành Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam – Australia (VACEO), trả lời phỏng vấn phóng viên tại Australia. Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia
Từ mục tiêu góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm nâng cao vị thế quốc gia, trong những năm qua, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào và để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, hiểu được giá trị và tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, những người con đất Việt đang sinh sống, làm việc tại thành phố Sydney (Australia) đã thành lập Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt-Australia (VACEO) nhằm gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của Việt Nam tại “ xứ sở Kangaroo”.
Giám đốc điều hành VACEO Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, là một người con đất Việt, chị luôn tự hào về dân tộc và nguồn gốc của mình, đặc biệt là cội nguồn văn hóa nơi chị sinh ra và lớn lên. Trong thời gian định cư ở Australia gần 30 năm qua, chị nhận thấy cộng đồng người Việt tại đây rất đông đảo, hiện giờ đã là 3 thế hệ. Tuy nhiên, đối với thế hệ người Việt thứ 2 và thứ 3, văn hóa Việt Nam dường như đang dần mai một, và đó là điều khiến chị luôn trăn trở.
Nghệ sĩ Đinh Thị Minh Hà, Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật và biểu diễn của Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam – Australia (VACEO), trả lời phỏng vấn của phóng viên. Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia
Là một đất nước đa văn hóa, đa chủng tộc, Australia luôn đón nhận và tôn vinh các nền văn hóa khác nhau. Do vậy, theo chị Việt Hà, việc duy trì, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam tại Australia là điều cần phải làm, bởi chị luôn tâm niệm văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Tiếng nói của người Việt, văn hóa của đất Việt được vang lên tại “xứ sở Kangaroo” là điều vô cùng tuyệt vời, là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, đồng thời cũng tạo chỗ đứng cho cộng đồng người Việt tại Australia.
Kể từ khi thành lập, VACEO đã nhiều lần tổ chức các sự kiện văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Mỗi sự kiện không chỉ phản ánh vẻ đẹp phong phú của các vùng miền Việt Nam mà còn là những câu chuyện lịch sử, văn hóa được kể qua âm nhạc dân tộc, trang phục và vũ điệu truyền thống.
Video đang HOT
Từ sự uyển chuyển và mềm mại trong những điệu múa dân gian đến âm thanh trầm hùng của các nhạc cụ truyền thống, cộng đồng người Việt, bạn bè Australia và quốc tế như được dẫn dắt vào một hành trình khám phá chiều sâu văn hóa Việt, không những được thưởng thức nghệ thuật mà còn cảm nhận được tinh thần dân tộc, sự kiên cường, sáng tạo của con người Việt Nam qua từng thời kỳ, từ truyền thống đến hiện đại. Nhờ những nỗ lực của VACEO, văn hóa Việt Nam ngày càng được quảng bá rộng rãi, giúp kiều bào và bạn bè quốc tế có cơ hội khám phá, hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đồng thời giúp gắn kết cộng đồng người Việt tại Australia.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia
Chị Việt Hà cho biết VACEO đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ bạn bè Australia và quốc tế sau mỗi chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam mà tổ chức của chị thực hiện.
Các chương trình nhạc hội, tọa đàm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam được đông đảo cộng đồng người Việt cũng như các cộng đồng khác ở Australia tham gia và được đánh giá cao về chất lượng cũng như tính dân tộc.
Theo nhận định của chị Việt Hà, văn hóa là một công cụ sắc bén trong chiến lược và trong mối quan hệ của Việt Nam các quốc gia, đặc biệt là quan hệ Việt Nam-Australia. Hiện có hơn 340.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Australia, do vậy, văn hóa Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương. Khi văn hóa Việt Nam chạm đến trái tim của bạn bè Australia và quốc tế, giúp họ hiểu rõ hơn về bề dày văn hóa lịch sử của Việt Nam, chị Việt Hà tin rằng dân tộc Việt Nam sẽ được nâng tầm vị thế, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp hơn.
Cùng chung suy nghĩ, chị Đinh Thị Minh Hà – Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật và biểu diễn của VACEO – cho rằng văn hóa là cầu nối nhanh nhất và thân thiện nhất, làm cho mọi người có thể đến với nhau một cách gần gũi nhất. Chính vì vậy, trong nhiều chương trình do VACEO tổ chức, nổi bật nhất là 2 chương trình gây tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt và nhiều cộng đồng khác tại “xứ sở Kangaroo” là Vietsoul 1 và Vietsoul 2 (tạm dịch: Linh hồn Việt 1 và Linh hồn Việt 2), VACEO đã mời các nghệ sĩ của Australia tham gia, sử dụng các nhạc cụ dân tộc của Australia hòa chung với các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam như đàn tơ rưng, đàn bầu, đàn tranh của Việt Nam để có thể cảm nhận từng giai điệu, từng tiết tấu khá gần gũi với các nhạc cụ của Tây Nguyên Việt Nam. Chị Minh Hà cho biết, các nghệ sĩ Australia rất tò mò, thích thú với các âm thanh và màu sắc âm nhạc của từng vùng miền Việt Nam.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia
Sau nhiều nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam tại Australia, giờ đây, VACEO đã được biết đến và nhận được nhiều lời mời biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Việt Nam cho các chương trình cộng đồng, các chương trình học đường ở Australia cũng như các buổi hội thảo… Chị Minh Hà tự hào cho rằng nhạc cụ và âm nhạc của Việt Nam phải được đánh giá tốt, hay và phong phú thì mới có được sự hấp dẫn như vậy. Những tiết mục trình diễn không chỉ đơn thuần về âm nhạc mà còn là sự trình diễn của nghệ thuật, kỹ thuật và sáng tạo, truyền tải tinh thần văn hóa Việt Nam qua từng nhịp trống, tiếng sáo, tiếng đàn, điệu múa, đồng thời tôn vinh giá trị truyền thống.
Bên cạnh đó, đây còn là một thông điệp văn hóa khẳng định vị thế của nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế. Các chương trình mà VACEO thực hiện đã vẽ nên một bức tranh tổng thể về vẻ đẹp, sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, giúp văn hóa Việt Nam tỏa sáng, truyền tải những giá trị cốt lõi và sâu sắc nhất của dân tộc Việt đến với bạn bè quốc tế.
Các hoạt động của VACEO đã giúp bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam qua các vùng miền và cảm thấy yêu văn hóa Việt Nam hơn, từ đó thúc đẩy đông đảo du khách tới thăm Việt Nam để có những trải nghiệm tuyệt vời hơn ngay tại “dải đất hình chữ S” xinh đẹp.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia
Về phần mình, chị Việt Hà hy vọng trong tương lai, văn hóa Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam, sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam – Australia. Với những nỗ lực, tâm huyết của mình, chị cho biết VACEO sẽ tham gia thêm nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với các cộng đồng khác ở Australia để quảng bá văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Australia cũng như với nhiều quốc gia khác trên thế giới mạnh mẽ hơn.
Thành lập Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 30/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã diễn ra lễ thành lập Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản (Betoraku).
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Lễ thành lập Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản.
Hiệp hội được ra đời trong bối cảnh ngày càng nhiều gia đình người Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam cho các thế hệ con em người Việt được sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ thành lập, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho rằng sự ra đời của Hiệp hội là mảnh ghép hết sức quan trọng trong việc cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng phát triển, góp phần cho cộng đồng ngày càng lớn mạnh hơn. Đại sứ nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", văn hóa nhân tố quan trọng, là nền tảng không chỉ cho dân tộc phát triển mà còn là sợi dây gắn bó thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh quốc tế hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Đại sứ quán đánh giá cao sự ra đời của Hiệp hội Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản, một đất nước cũng rất giàu truyền thống văn hóa và cho rằng việc hai dân tộc có được quan hệ tốt đẹp như ngày hôm nay cũng có sự đóng góp không nhỏ của sự giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu bày tỏ hy vọng các hoạt động của Hiệp hội giúp gắn kết cộng đồng đoàn kết hướng về quê hương, đất nước bằng các giá trị văn hóa. Đại sứ kêu gọi Hiệp hội tiếp tục mở rộng thành viên, nâng cao vị thế, trình độ trong các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Đại sứ bày tỏ sự vui mừng khi sự ra đời của Hiệp hội nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới trẻ Việt Nam tại Nhật Bản, thu hút được sự tham gia đông đảo của các bạn thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản. Đại sứ đề xuất Hiệp hội không chỉ giới hạn thành viên là người Việt Nam mà nên mở rộng phạm vi với các nghệ sĩ, nhà văn hóa của Nhật Bản. Điều đó sẽ làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước, cũng như làm giàu cho kho tàng văn hóa của Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Thọ, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng việc thành lập Hiệp hội vào thời điểm hiện nay là cần thiết và đúng lúc. Theo Giáo sư, cần có một tổ chức kế thừa, phát huy các nét đẹp của văn hóa Việt Nam, và tạo cơ hội để mọi người ý thức về lịch sử, văn hóa của cội nguồn, qua đó gắn bó với quê hương đất nước và làm phong phú đời sống tinh thần của mình. Giáo sư nhận định Hiệp hội cũng sẽ là tổ chức giúp các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, hiểu và yêu mến tiếng Việt, qua hiểu biết văn hóa nghệ thuật sẽ tự hào với lịch sử và văn hóa cội nguồn của mình.
Giáo sư Trần Văn Thọ cũng nêu lên một vai trò quan trọng khác của Hiệp hội là đẩy mạnh giao lưu với các cơ quan văn hóa Nhật Bản, qua đó vừa giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, vừa tìm hiểu và tiếp thu văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản, từ đó làm cầu nối với các cơ sở văn hóa trong nước, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt - Nhật.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu chúc mừng bà Đỗ Khánh Hân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản.
Bà Đỗ Khánh Hân, Chủ tịch Hiệp hội, chia sẻ sự ra đời của Hiệp hội là khởi đầu một hành trình mới để tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật đáng tự hào của dân tộc Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần củng cố cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đoàn kết, giàu năng lượng, phát triển, hướng về quê hương đất nước, cũng như góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Bà Đỗ Khánh Hân cho biết Hiệp hội đặt ra 3 mục tiêu lớn để theo đuổi, gồm bảo tồn, tôn vinh, lan tỏa nét đẹp văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong cộng đồng nói riêng và tại Nhật Bản nói chung; vận động, kết nối, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên; nỗ lực trở thành cầu nối giữa các hội nhóm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Nhật Bản, trở thành đối tác tin cậy và chất lượng của các cơ quan, tổ chức văn hóa, nghệ thuật tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam; góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt-Nhật.
Theo bà Đỗ Khánh Hân, Hiệp hội sẽ triển khai các dự án thiết thực để liên kết các hội nhóm và cá nhân đam mê văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Nhật Bản, nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau; thực hiện những dự án thiết thực trực tiếp hỗ trợ phổ biến và thúc đấy các hoạt động nghiên cứu, luyện tập và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam cho các hội nhóm và cá nhân có quan tâm, đam mê; nâng cao hơn chất lượng, mở rộng hơn quy mô, đa dạng hóa hơn sự hiện diện văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong các sự kiện kinh tế, xã hội tại Nhật Bản.
Bà Đỗ Khánh Hân cam kết mọi hoạt động của Hiệp hội sẽ luôn đặt giá trị cộng đồng lên hàng đầu với mục tiêu cao nhất là tôn vinh và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
Thành công của Nepal từ chiến lược cân bằng lợi ích Nepal đang nỗ lực duy trì độc lập kinh tế và chính trị trong bối cảnh áp lực địa chính trị ngày càng gia tăng. Đoàn Nepal do Thủ tướng KP Sharma Oli dẫn đầu hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 3/12/2024 tại Bắc Kinh. Ảnh: FMPRC Sự kiện mới nhất đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong...