Ngoại giao – nghề lao tâm khổ tứ
Qua những câu chuyện người thật, việc thật, cuốn sách Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao vừa ra mắt độc giả đã khắc họa phần nào công việc hết sức gian nan nhưng đầy thú vị này.
Nhà ngoại giao Vũ Khoan, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ, cho biết những tác giả của Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao như Nguyễn Văn Ngạnh, Nguyễn Tâm Chiến, Hồ Thể Lan, Đỗ Ngọc Sơn, Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Thị Hồi, Nguyễn Đức Hùng hay bản thân ông đều không phải là nhà văn nhưng đều biết viết. “Một nhà ngoại giao là phải có 10 kỹ năng: Biết nhìn, biết nghe, biết ăn, biết nói, biết mặc, biết đi, biết đứng… Trong đó, kỹ năng viết rất quan trọng” – ông tiết lộ.
Hứng chịu áp lực
Theo ông Vũ Khoan, nhóm tác giả cuốn sách đều đã từng tôi luyện cách viết. Tuy nhiên, họ không thể viết như kiểu văn thơ được mà thường xuyên phải thảo văn kiện, tuyên bố. Khi đã về nghỉ hưu, họ muốn thử sức trong một thể loại mới là viết về những trải nghiệm của mình qua quá trình công tác nhưng không phải với mục đích viết lại lịch sử, giáo trình hay hồi ký. Họ chỉ muốn góp phần khiêm tốn sao cho lớp người sau lượm lặt được đôi điều bổ ích.
Ông Khoan tâm sự muốn làm nhà ngoại giao tốt, phải biết viết tốt. Ý nghĩ sâu đến đâu mà viết dở sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. “Hồi làm ở Bộ Ngoại giao, anh em hay phàn nàn sao tôi cứ ngồi chữa từng chữ, từng dấu phẩy; sao không viết “vinh quang” mà cứ chữa thành “quang vinh” hay sao “cứu cánh” lại mang ý nghĩa khác…?” – nhà ngoại giao nhớ lại. Ông cho rằng mình may mắn học được những cách viết đúng nghĩa từ các bậc tiền bối như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…
Ông Vũ Khoan (bìa phải, hàng ngồi) và nhóm tác giả Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao. (Ảnh tư liệu)
Ông Vũ Khoan nhận xét nhà ngoại giao chuyên nghiệp phải hứng chịu biết bao áp lực từ bàn đàm phán về lợi ích quốc gia, đồng bào, dân tộc, lịch sử… Ông cho biết có những thời khắc tưởng như mình không trụ được. Năm 2000, trong quá trình đàm phán với Mỹ để ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), ông đã phải lao tâm khổ tứ để gạt bỏ được những bất đồng giữa hai bên.
“Tôi báo cáo về nước rằng phía Mỹ yêu cầu ngày mai phải trả lời “yes” hay “no” để có thể đi đến ký kết nhưng ở nhà không có động tĩnh gì. Tôi thức trắng cả đêm nhấp nhổm chờ câu trả lời. Sốt ruột quá, tôi gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm để nhờ hỏi ý “các cụ” thế nào. Anh Cầm bảo: “Đi vắng hết rồi”. Tôi phát hoảng: “Thế thì chết, anh gọi điện yêu cầu họp gấp đi, nếu không sẽ gây ra bê bối quốc tế ghê lắm”. May quá, đến gần sáng thì anh Cầm trả lời: Đồng ý ký. Lúc đó, người tôi như cất được một tảng đá luôn đè nặng” – ông nhớ lại.
Nhà ngoại giao kỳ cựu thẳng thắn: “Làm ngoại giao không phải là lên xe xuống ngựa, không phải diện quần áo, dự tiệc tùng đâu. Đó chẳng qua là bề ngoài hão huyền thôi. Bên trong nhiều khi rất cơ cực, nhất là lúc ra mặt trận mà sau lưng không nhất trí. Đây là trường hợp khó khăn nhất. Nếu đằng sau có sự chống lưng vững chãi thì mình không bao giờ nao núng trước đối phương”.
Phải luôn làm mới mình
Theo ông Vũ Khoan, trong quá trình đàm phán ngoại giao với đối tác nước ngoài, trước hết phải khẳng định ngay thái độ và lập trường, sau đó mới có cách xử lý thích hợp. “Phải biết dựa vào nội dung đàm phán để có thái độ thích hợp, luôn chân thành, cởi mở nhưng đôi lúc phải khéo léo hoặc mạnh mẽ. Bác Hồ dạy: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó cái “bất biến” là ta phải bảo vệ lợi ích của mình, còn “vạn biến” là phải biết uyển chuyển để bằng mọi cách bảo vệ được lợi ích dân tộc” – ông giải thích.
Video đang HOT
“Ngoại giao là luôn đi trên dây, mà ngoại giao Việt Nam lại thường xuyên đi trên dây. Tôi xin được thêm một từ là xiếc ngoại giao – ngoại giao là làm xiếc” – ông Vũ Khoan hóm hỉnh. Theo ông, ngoại giao thời chiến và thời bình rất khác nhau. Thời chiến thì tùy đối tượng, nội dung mà ứng xử nhưng thời bình thì phải biết hòa hiếu. “Nếu áp dụng không khí ngoại giao thời chiến vào thời bình, lúc nào cũng căng thẳng thì sẽ không thể thành công” – ông khẳng định.
Tuy nhiên, ông Vũ Khoan cho rằng muốn có được thái độ hòa hiếu, lịch lãm trong ứng xử thì nhà ngoại giao phải “chịu chơi”. Không còn thời chiến tranh hay bị cô lập, nhà ngoại giao phải biết làm mới mình bằng các hoạt động văn – thể – mỹ như phải biết hát karaoke, chơi golf…
Chuyện đến với sân golf của ông Vũ Khoan mang lại nhiều suy ngẫm về ngoại giao thời bình. Trong những cuộc họp SOM trong khối ASEAN do ông làm trưởng đoàn, theo nguyên tắc của ASEAN, các đoàn phải đạt được sự đồng thuận trước khi ký kết nhưng trưởng đoàn các nước lại hay có bất đồng và rất khó dàn xếp. Do đó, họ thường sử dụng hình thức không chính thức để dàn xếp những vấn đề gay cấn.
Lần ấy, có một thỏa thuận trong nội bộ ASEAN không nhất trí được nên dừng lại. Sáng sớm hôm sau, các trưởng đoàn đi đánh golf. Ông Vũ Khoan lúc này chưa biết gì về golf nên không tham gia. Sau đó, các trưởng đoàn đi đến thỏa thuận cuối cùng tại sân golf và ông nhận được câu trả lời thẳng của họ rằng không biết đánh golf là lỗi của ông. “Ngoại giao thời bình là phải chịu chơi. Chịu chơi nhưng phải giữ được mình chứ đánh mất bản thân thì nguy hiểm lắm” – ông tâm sự.
Ông Vũ Khoan cho rằng ở thời nào cũng vậy, lợi ích quốc gia rất khác nhau, có thể nảy sinh mâu thuẫn. “Trong ngoại giao cần phải ứng xử với những vấn đề mâu thuẫn bằng giải pháp mềm chứ không cần giải pháp cứng” – ông đúc kết.
Đối nội tốt mới đối ngoại giỏi
Ông Vũ Khoan từng kinh qua nhiều công việc, phiên dịch, lễ tân, nghiên cứu rồi thăng tiến dần trong các hàm ngoại giao. Trong Bộ Ngoại giao, ông từng làm vụ trưởng Vụ Tổng hợp, tổng hợp kinh tế rồi thứ trưởng, thứ trưởng thường trực. Sau đó, ông được cử làm bộ trưởng Bộ Thương mại rồi phó Thủ tướng.
Thông điệp mà ông Vũ Khoan đưa ra là: “Muốn làm ngoại giao tốt, phải làm đối nội tốt. Không hiểu rõ trong nước thì không bao giờ làm ngoại giao tốt. Vì thế, phải để ý các chuyện trong nước vì nó sẽ giúp ta làm ngoại giao tốt”.
Theo 24h
Hiệp định Paris, đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam
Kết thúc thắng lợi sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh khốc liệt trên chiến trường và mặt trận ngoại giao.
Sáng 25/1, lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình khẳng định Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Đây là kết quả của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lâu dài và gian khổ, đầy hy sinh thử thách của nhân dân ta, tiến hành trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, là kết quả của đường lối độc lập tự chủ cùng với sự tranh thủ đoàn kết quốc tế rộng rãi", bà Bình nói.
Bà Bình chia sẻ, cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị trên chiến trường tạo thế cho cuộc đấu tranh về ngoại giao. Trong hơn 4 năm 8 tháng đàm phán, có 174 cuộc họp công khai tại Trung tâm hội nghị Quốc tế Kléber - Paris, mấy chục cuộc gặp riêng giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với ông Kissinger, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon (Mỹ).
Hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Hoàng Thùy.
Theo bà Bình, việc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại hội nghị bốn bên ở Paris là thắng lợi chính trị, ngoại giao bước đầu trên bàn hội nghị. Qua việc này, Mỹ đã thừa nhận một thực tế ở miền Nam: các tầng lớp nhân dân, mà đại diện chân chính duy nhất là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đang đấu tranh chống lại sự có mặt của Mỹ và chính quyền thân Mỹ. Điều này cũng bác bỏ luận điệu của Mỹ là miền Bắc xâm lược miền Nam.
Tại cuộc đàm phán, hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm rõ trước thế giới lập trường: Mỹ đưa quân vào Việt Nam gây chiến tranh, vì vậy Mỹ phải rút quân vô điều kiện. Mục tiêu trước sau như một là độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc, nước Việt Nam là một, người Việt Nam dù ở miền Nam hay miền Bắc đều có quyền và nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược.
"Những lý lẽ trên đã tỏa đi khắp các nước, khơi dậy tình cảm mến phục đối với một dân tộc nhỏ dám đứng lên chống lại nước lớn để bảo vệ quyền được sống trong độc lập, tự do", bà Bình nói và cho hay một phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn đã hình thành bao gồm không chỉ người cộng sản mà còn là những người yêu chuộng hòa bình, kể cả người "có thành kiến với cộng sản", "không tán thành chủ nghĩa xã hội". Một số chính phủ nước tư bản cũng đứng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Năm 1972, khi tương quan lực lượng trên chiến trường nghiêng về quân giải phóng, cố vấn Lê Đức Thọ đã trao cho Kissinger bản dự thảo hiệp định không đòi hỏi giải quyết cả gói "quân sự và chính trị" như trước mà tập trung vào việc đòi Mỹ phải rút quân, các vấn đề miền Nam sẽ do các bên miền Nam tự giải quyết.
Mỹ đã tìm nhiều cách để không chấp thuận yêu cầu chính đáng của Việt Nam, trong đó có cuộc không kích tàn bạo bằng B52 trong 12 ngày đêm xuống Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố của miền Bắc cuối tháng 12/1972. Thế nhưng, đòn đánh cuối cùng của Mỹ đã thất bại thảm hại, B52 liên tiếp bị bắn rơi và có nguy cơ tuyệt chủng trên bầu trời Hà Nội.
Theo nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, bị phản đối trong nước, cô lập trên trường quốc tế, lại thiệt hại lớn về không lực, Mỹ không thể buộc Việt Nam thay đổi lập trường nên phải chấm dứt chiến dịch vào ngày 30/12/1972, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris và ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo mà cố vấn Lê Đức Thọ đã đưa ra trước đó. Theo đó Mỹ phải rút đi hoàn toàn, quân giải phóng ở lại tại chỗ, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam phải được đảm bảo, Việt Nam là của người Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Hoàng Thùy.
"Cuộc chiến đấu không dùng súng đạn mà bằng đấu trí, đấu lý, nhưng cũng vô cùng khó khăn, nhất là những cuộc đàm phán bí mật. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực, đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta", bà Bình cho hay.
Tham dự lễ kỷ niệm, bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt cho biết, đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Pháp ngày 10/5/1968, đúng vào lúc Pháp đang sôi sục phản đối chiến tranh. Dưới chân tháp Eiffel, đông đảo công nhân và sinh viên cùng hô vang "Ho, Ho, Hồ Chí Minh" để chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược. Là bí thư thị ủy Choisy le Roi, bà đã sắp xếp chỗ ăn ở, đi lại cho đoàn đàm phán của Việt Nam.
Bà kể, tướng De Gaulle (dù muộn) đã ý thức được sai lầm của Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ nên cảnh báo với Tổng thống Mỹ rằng Mỹ sẽ không thể thắng. Tướng De Gaulle và sau này là Bộ trưởng Ngoại giao Maurice Schuman đã hỗ trợ Việt Nam bằng cách tạo thuận lợi cho các cuộc gặp chính thức cũng như bí mật giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger tại biệt thự trên phố Darthé.
Bà Hélène Luc nhớ, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, dẫu bị buộc ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Mỹ vẫn hy vọng sẽ giữ được miền Nam Việt Nam nên mặc cả "Hãy ngừng cung cấp lương thực và vũ khí cho các lực lượng chiến đấu ở Việt Nam, đổi lại chúng tôi sẽ ngừng ném bom". Nhưng đoàn Việt Nam thì kiên trì nhắc đi nhắc lại: "Dân tộc Việt Nam là một, cần phải chấp nhận thực tế ấy". Còn Bộ trưởng Xuân Thủy luôn khẳng định "chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ, Bắc Nam chắc chắn sẽ thống nhất".
"Ở Choisy le Roi chúng tôi cũng tổ chức kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris. Chúng tôi sẽ kể cho các thế hệ trẻ nghe về chủ nghĩa anh hùng của các bạn, về tình hữu nghị gắn bó sâu sắc của hai dân tộc chúng ta. Tòa thị chính Choisy le Roi sẽ tham gia sản xuất bộ phim tư liệu kể về quá trình đàm phán hiệp định, trình chiếu trước ngày 21/3 tại thành phố của chúng tôi, trên truyền hình Pháp và truyền hình Việt Nam", bà Hélène Luc nói.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý "đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo", củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa.
Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó, trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, phải xuống thang và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris.
Theo Chủ tịch nước, thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có sự đóng góp từ những nỗ lực hết mình của các cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà trực tiếp là cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ.
"Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công", Chủ tịch nước khẳng định.
Người đứng đầu nhà nước đúc rút, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa lớn trong tình hình hiện nay. Trước hếtlà bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mở ra mặt trận ngoại giao, bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, xây dựng lực lượng...
"Kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, chúng ta ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, chúng ta ghi nhớ công lao của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh... Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ đã ủng hộ, cổ vũ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý", Chủ tịch nước nói.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, bốn bên tham chiến tại Việt Nam gồm Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán khi chưa bên nào giành thắng lợi bằng quân sự. Phía ta có 2 đoàn: Đoàn miền Bắc, tức là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ là cố vấn, thay mặt Bộ chính trị. Đoàn miền Nam, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đầu do ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, về sau do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, làm trưởng đoàn.
Tại lễ kỉ niệm 40 năm ngày kí kết hiệp định Paris, hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam được nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo VNE
Người Việt đầu tiên làm Tổng thư ký ASEAN Nhà ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh chính thức nhậm chức Tổng thư ký ASEANngày 9.1 trước những kỳ vọng lớn lao và không ít thử thách. Lễ nhậm chức diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký (BTK) ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia với sự hiện diện của cựu Tổng thư ký (TTK) người Thái Lan Surin Pitsuwan, Ngoại trưởng...