‘Ngô Thanh Vân giận vì tôi đầu tư Võ sinh đại chiến, bỏ Thanh Sói’
Nhà sản xuất Thái Bá Dũng không hối hận khi đầu tư cho “ Võ sinh đại chiến” và tin rằng bộ phim xứng đáng được trao cơ hội tại các rạp chiếu phim.
Chiều 17/1, sau buổi tọa đàm về phim Võ sinh đại chiến trong khuôn khổ Xinê House, nhà sản xuất Thái Bá Dũng chia sẻ với Zing về những vấn đề của điện ảnh Việt và mối quan hệ giữa nhà sản xuất với nhà phát hành, cụm rạp.
“Nhà sản xuất đầu tư tiền làm phim mới của đau con xót”
Nhìn nhận lại lý do khiến Võ sinh đại chiến thất thu, anh Thái Bá Dũng cho rằng phim chưa tiếp cận được số đông khán giả do nhà rạp xếp suất chiều vào giờ ít người đi xem. Nhà sản xuất đồng thời bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc nhà làm phim tự nhận xét về đứa con tinh thần của mình.
Phim Võ sinh đại chiến chỉ thu được 1,9 tỷ đồng sau 6 ngày trình chiếu.
“Bản phim cuối cùng được đưa ra công chiếu là bản mà nhà sản xuất, đạo diễn cảm thấy hài lòng nhất. Với ê-kíp Võ sinh đại chiến, nếu cảm thấy phim còn thiếu sót, chúng tôi chắc chắn không cho tác phẩm ra mắt. Nói về điểm yếu của phim, nhà sản xuất không thể trả lời được. Câu trả lời phải dành cho khán giả “, anh nói.
Trước câu hỏi: “Có nghĩa anh tự tin làm ra một bộ phim hoàn hảo? Làm gì có sự hoàn hảo với một bộ phim”, anh Thái Bá Dũng cho hay: “Tôi không nghĩ mình làm ra bộ phim gì đó quá khủng khiếp. Tôi chỉ nghĩ mình làm đúng đắn. Tôi muốn phần đánh giá hay hoặc dở đến từ khán giả”.
Nhà sản xuất đồng thời tiết lộ vì ủng hộ Võ sinh đại chiến, muốn giúp đỡ ê-kíp mới, anh đã hủy đầu tư phim Thanh Sói của Ngô Thanh Vân. ” Quyết định rút khỏi Thanh Sói khiến Vân giận tôi mấy ngày. Nếu tôi chỉ chọn đầu tư cho ê-kíp quen thuộc, đã nổi tiếng, ai sẽ giúp những người trẻ làm phim? Vân hiểu điều đó nên sau này không giận mà còn giúp tôi”.
Vừa qua, việc nhà sản xuất, đạo diễn phim Võ sinh đại chiến lên tiếng tố nhà phát hành chèn ép suất chiếu và quyết định rút phim khỏi rạp từ ngày 7/1 gây nhiều luồng ý kiến tranh cãi trong giới điện ảnh. Có ý kiến đồng tình trước quan điểm của ê-kíp, nhưng một bộ phận khác lại cho rằng đoàn phim nên chấp nhận thực tế bởi bước vào cuộc chơi đồng nghĩa đối diện với thắng hoặc thua.
Bộ phim Võ sinh đại chiến do Bá Cường làm đạo diễn.
Anh Thái Bá Dũng cho hay mỗi người ở từng vai trò sẽ có cảm nhận, suy nghĩ khác nhau. “Khi làm phim, có nhiều kiểu nhà sản xuất khác nhau. Có người chỉ đứng riêng ở vai trò nhà sản xuất và lĩnh lương thì sự thành bại của bộ phim không ảnh hưởng nhiều đến họ. Có người đồng thời là nhà đầu tư thì doanh thu của phim ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của họ. Anh Charlie có thể không bỏ tiền đầu tư Người cần quên phải nhớ, không ảnh hưởng nhiều. Còn tôi, bỏ tiền phim, trách nhiệm nặng hơn nên của đau con mới xót “, anh nhận xét.
Trong khi đó, nói về chuyện này, đạo diễn Bá Cường cho rằng: “Ai mà không bị sốc khi phim bị đối xử bất công, chết tức tưởi thì họ là cao nhân, không phải người đi làm phim bình thường như tôi” . Anh khẳng định Võ sinh đại chiến xứng đáng được sống, được đến nhiều hơn với khán giả.
“Cần hạn chế xung đột giữa nhà phát hành và nhà sản xuất”
Trao đổi với Zing, nhà sản xuất Thái Bá Dũng tiếp tục trăn trở về mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phát hành. Theo anh, đây là mối quan hệ cộng sinh bởi: “Nếu không có phim, rạp lấy gì bán vé? Nhà sản xuất không có rạp, phim làm ra chỉ bỏ vào kho”.
Anh cho rằng mối quan hệ trên thực tế không có sự công bằng. Điều này thể hiện qua việc Võ sinh đại chiến – một dự án phim độc lập – không được xếp suất chiếu tốt trong ba ngày đầu trình chiếu.
Video đang HOT
“Ngay ngày khởi chiếu, phim chỉ được xếp vài suất trong những khung giờ không ai xem. Chúng tôi đã nghĩ đến việc rút phim về từ ba ngày đầu rồi” , anh hồi tưởng.
Nhà sản xuất Thái Bá Dũng (áo trắng) và Ngô Thanh Vân.
Theo anh Thái Bá Dũng, việc bất cập trong việc phát hành phim hiện nay là nhà rạp, nhà phát hành hoạt động trong cùng một công ty. Đôi khi, họ còn sắm thêm vai trò đầu tư phim.
Anh nêu quan điểm: “Để hạn chế xảy ra tình trạng xung đột lợi ích, độc quyền trong ngành công nghiệp điện ảnh, ở Hollywood, pháp luật quy định chủ rạp không được liên quan đến nhà phát hành hoặc nhà sản xuất, đầu tư. Ở Việt Nam, phát hành và rạp như là một”.
Anh nhìn nhận mối quan hệ giữa nhà phát hành và nhà sản xuất cần được điều chỉnh ở tầm vĩ mô, nghĩa là có sự giám sát, chỉ đạo từ các cơ quan ban ngành liên quan. Nhà sản xuất cho rằng khi cơ quan nhà nước vào cuộc thì mới có thể điều tiết xung đột giữa hai bên.
“Nhà phát hành và nhà sản xuất phim, cụm rạp cũng cần có sự thiện chí, cùng chung mục đích phát triển nền điện ảnh Việt Nam thì mới có thể thay đổi thời cuộc. Nếu rạp không ủng hộ những nhà làm phim trẻ, sau này ai dám làm, dám dấn thân với điện ảnh? “, Thái Bá Dũng nhấn mạnh.
Nói về kế hoạch hợp tác với nhà phát hành để Võ sinh đại chiến ra rạp, anh cho biết: “Mọi chuyện vẫn đang ồn ào và chúng tôi vẫn chưa hết sốc. Do đó, qua Tết Nguyên đán 2021, chúng tôi sẽ làm việc lại với các đối tác. Chúng tôi sẽ không chỉnh sửa nội dung phim. Riêng trailer và poster phim có thể sẽ được điều chỉnh”.
Đạo diễn 'Võ sinh đại chiến': 'Sang chấn tâm lý vì phim lỗ 24 tỷ đồng'
Chia sẻ với Zing, đạo diễn Bá Cường cho biết anh sốc nặng và khủng hoảng tinh thần khi "Võ sinh đại chiến" bị bỏ bê tại các rạp chiếu.
Võ sinh đại chiến được rút khỏi rạp sau 6 ngày công chiếu là sự kiện "vô tiền khoáng hậu" của ngành điện ảnh Việt. Trả lời về quyết định trên, nhà sản xuất Thái Bá Dũng cho biết phim ít suất chiếu và thua lỗ nặng, ê-kíp không còn lựa chọn khác.
Với câu trả lời tương tự, đạo diễn của tác phẩm cho biết anh không thể để bộ phim tâm huyết của mình chết dần ngoài rạp. " Võ sinh đại chiến như đứa con máu mủ, ruột rà của tôi. Nếu con tôi đi lạc ra ngoài đường và bị người khác chèn ép, bắt nạt, bằng mọi giá tôi phải đón được con mình về nhà trước đã" , đạo diễn Bá Cường chia sẻ với Zing .
Đạo diễn Bá Cường cho biết anh phải rút Võ sinh đại chiến khỏi rạp phim bằng mọi giá.
"Nếu biết trước chỉ được 4 suất chiếu/ngày, tôi không bao giờ cho phim ra rạp"
- Anh và ê-kíp đã đầu tư những gì cho "Võ sinh đại chiến" - bộ phim đang gây xôn xao vì bị rút khỏi rạp sau 6 ngày công chiếu?
- Dự án lấy của tôi rất nhiều tiền bạc, thời gian và tâm huyết. 5 năm trước, tôi lên ý tưởng và tìm người viết kịch bản. Sau đó, tôi ra Bình Định nhiều lần để tìm chuyên gia võ thuật, ví dụ võ sư Bùi Trung Hiếu - phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, để xin tư vấn. Tôi dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu xuất xứ, ý nghĩa của từng môn võ để đưa vào phim.
Tôi đã dành 2 năm, casting tới 10 lần mới tìm được đủ 12 diễn viên có nền tảng về võ thuật. Sau đó, tôi phải thuê thêm 6 võ sư giỏi nhất Việt Nam để đào tạo thêm về võ đạo cho các bạn trong vòng 4 tháng.
Khi quay đại cảnh ở Bình Định, một bạn diễn viên bị ốm không thể ghi hình, tôi lại tự mình vào đóng thế chỗ để tiết kiệm chi phí. Tôi từng bị chấn thương nặng, phải đi nước ngoài chữa trị 3 năm, nhưng vẫn đóng cảnh đánh nhau dưới cái nắng ba mấy, bốn mươi độ của Bình Định suốt ba ngày liên tiếp. Tôi cống hiến hết khả năng của mình cho Võ sinh đại chiến rồi, làm những gì có thể.
- Khoản đầu tư 25 tỷ đồng cho phim được dùng thế nào?
- Thật ra, kinh phí dự kiến ban đầu không nhiều vậy, nhưng đoàn phim phải nghỉ quay 4 tháng vì dịch nên chi phí mới tăng lên. Chi phí cho phim hành động thông thường rơi vào khoảng 18 tỷ đồng là đẹp nhất.
Trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều năm chuẩn bị và tiêu tốn khoản tiền lớn, cuối cùng tôi cũng hoàn thiện tác phẩm. Nhưng trong những ngày ra rạp, phim có rất ít suất chiếu. Ngay ngày đầu công chiếu, nhìn vào 4 suất chiếu được sắp xếp, nói thật là tôi thấy ngán ngẩm.
Tôi liên tục thúc giục bên phát hành từ 10 ngày trước khi phim ra rạp, rằng họ hãy cho tôi xem lịch chiếu, nhưng không được phản hồi. 7 ngày trước khi phát hành, 5 ngày, rồi 3 ngày, 2 ngày, tôi vẫn không biết phim mình sẽ được chiếu vào khung giờ nào, được mấy suất. Nếu biết trước họ chỉ cho tôi 4 suất/ngày, tôi không bao giờ để phim ra rạp.
Tôi đã cố gắng thương lượng với bên phát hành để họ tăng suất chiếu, thay đổi giờ cho phim. Nhưng qua mấy ngày, mọi chuyện vẫn không khả quan hơn. Sau đó, tôi quyết định thà rút phim về còn hơn để Võ sinh đại chiến "chết" một cách tức tưởi, vô lý.
Đạo diễn Bá Cường tốn 5 năm để lên kế hoạch, chuẩn bị cho phim Võ sinh đại chiến.
- Rút phim khỏi rạp là việc làm trước nay hiếm có trong lịch sử phim Việt, vì sao anh đưa ra quyết định "vô tiền khoáng hậu" này?
- Tôi sốc vì phim bị chèn ép như vậy. Một mình tôi phải chống chọi mọi thứ, vừa đạo diễn vừa sản xuất, vừa lo gói đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tôi đi kêu gọi từng người một, bạn bè anh em hiểu được tâm huyết của tôi nên mỗi người bỏ ra vài trăm triệu đồng, một tỷ đồng để đầu tư. Ngay ngày đầu tiên phim ra rạp, các nhà đầu tư đều hỏi tôi câu "tại sao", tôi không biết phải trả lời họ thế nào.
Tôi cũng nhờ người quen trong nghề, nhờ một số bạn bè có tiếng trong lĩnh vực phát hành phim nói chuyện lại với phía đơn vị phát hành, họ đều công nhận phim quá tốt và xứng đáng được "sống". Nếu phim của tôi dở, họ sẽ không nói hộ, bênh vực hộ như vậy đâu.
Sau cùng, tôi bàn với anh Thái Bá Dũng và quyết định rút phim. Tôi không muốn đứa con của mình bị đối xử vô lý như vậy. Lúc ấy, trong đầu tôi chỉ nghĩ rằng mình phải làm mọi cách để bảo vệ đứa con máu mủ của mình.
Không chỉ là đứa con tinh thần như nhiều người nói, Võ sinh đại chiến thực sự là đứa con máu mủ, ruột rà của tôi. Tôi không muốn nhìn con mình bị dày vò rồi chết dần chết mòn ngoài rạp. Tôi không chịu nổi cảm giác ấy.
Nếu con tôi đi lạc ra ngoài đường và bị người khác chèn ép, bắt nạt, bằng mọi giá tôi phải đón được con mình về nhà trước đã. Sau đó, chuyện thế nào tôi mới tính tiếp.
Khó giải quyết khoản tiền đầu tư hơn 20 tỷ đồng
- Anh đối diện với việc phim thua lỗ nặng, chỉ thu được 1,2 tỷ đồng tiền vé bằng tâm thế gì?
- Với người đầu tư tới 5 năm để cho ra đời tác phẩm như tôi, việc tác phẩm không được đối xử đúng mực là cú sốc rất nặng. Tôi rơi vào khủng hoảng tinh thần, sang chấn tâm lý khi phim lỗ 24 tỷ đồng, tôi chỉ ở trong nhà đi tới, đi lui, hoang mang về mọi chuyện. Sau đó, tôi tự ý thức được rằng mình là người đứng đầu dự án, mình phải đứng dậy chiến đấu vì mọi người trong ê-kíp.
Nhưng cuối cùng, tôi chỉ chiến đấu được tới đây thôi, tôi không còn sức lực nữa rồi. Cha mẹ lo lắng tôi sống một mình ở TP.HCM dễ xảy ra chuyện nếu quá sốc hoặc lao lực nên bảo rằng: "Con về quê đi, đừng ở thành phố một mình nữa".
Bá Cường nói anh sang chấn tâm lý khi phim thua lỗ nặng.
- Sẽ có ý kiến cho rằng anh và nhà sản xuất Thái Bá Dũng lên tiếng tố cáo đơn vị phát hành cũng chỉ là một chiêu câu kéo sự chú ý của khán giả.
- Tôi là người đầu đội trời, chân đạp đất, cây ngay không sợ chết đứng. Tôi không nói sai, nói lố, vấn đề ép suất chiếu của phim Võ sinh đại chiến mọi người đều tự thấy được chứ tôi không bịa đặt. Nếu bị ghét, tôi chấp nhận chứ không thể giữ im lặng thêm nữa.
- Vậy còn khoản thua lỗ hơn 20 tỷ đồng, anh giải quyết thế nào khi phim không còn cơ hội kiếm tiền từ rạp chiếu nữa?
- Tôi vẫn chưa biết trả lời các nhà đầu tư thế nào. Tôi mới chỉ hứa với họ sẽ làm hết sức để phim nhận được sự công nhận đúng với giá trị của tác phẩm. Còn chuyện thắng, thua, lời, lỗ thế nào thì tôi chưa biết tính sao.
- Nhưng cũng không thể đẩy tất cả lỗi cho phía nhà phát hành, đặc biệt khi "Võ sinh đại chiến" được nhận xét là quá yếu mảng marketing hay dàn diễn viên khó bán vé nên nhiều khán giả không hề hay biết gì về sự tồn tại của tác phẩm?
- Tôi đã tốn gần 4 tỷ đồng cho marketing nên không thể nói phim thất bại do không đầu tư quảng bá được. Tôi có gói PR do đơn vị phát hành chuẩn bị, chạy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thậm chí, tôi còn tốn tới 800 triệu đồng chạy quảng cáo trên YouTube.
Nhưng tôi cũng tự đặt một câu hỏi cho bản thân suốt 6 ngày qua, rằng tiền tôi đầu tư quảng cáo cho phim đã đi về đâu. Tôi hỏi đội ngũ marketing của ê-kíp, tôi không có chuyên môn về marketing nên chỉ biết đặt câu hỏi cho họ thôi. Nhưng vẫn chưa có câu trả lời.
Tôi thừa nhận có lẽ định hướng marketing ban đầu của chúng tôi đã đi sai hướng, thêm vào đó việc không có suất chiếu khiến phim đi vào ngõ cụt.
Bây giờ, mỗi ngày, mỗi giờ, nếu có tin tức gì mang yếu tố tích cực với phim, tôi đều chia sẻ cho dàn diễn viên và ê-kíp sản xuất. Tôi cố gắng gồng gánh mọi chuyện để bảo vệ dàn diễn viên và bảo vệ bộ phim của mình, nhưng không ai hiểu và có khả năng bảo vệ được tôi.
- Cú sốc "Võ sinh đại chiến" cho anh bài học gì?
- Trước đây, tôi từng đảm nhận vai trò nhà sản xuất phim Hạnh phúc của mẹ. Phim gặp sự cố do scandal của Kiều Minh Tuấn và đó cũng là cú sốc lớn với tôi. Vụ việc của Võ sinh đại chiến là cú sốc thứ hai. Tôi gặp hai cú knock-out liên tiếp, cú sau còn nặng hơn cú trước. Người ta chỉ một lần là "nằm" rồi, tôi còn phải chịu tới hai lần.
Nhưng nói thật, tôi không nản chí, đam mê làm phim của tôi không hề bị ảnh hưởng. Hiện giờ tôi đã có kịch bản phần 2 và phần 3 của Võ sinh đại chiến rồi. Nếu có nhà đầu tư nào tin tưởng vào tác phẩm và chất lượng phim do tôi sản xuất, tôi vẫn sẵn sàng làm tiếp.
Ê-kíp sản xuất đã có kịch bản phần 2 và phần 3 phim Võ sinh đại chiến.
Nữ chính 'Võ sinh đại chiến': 'Tôi đánh nhầm bạn diễn lúc quay phim' Katleen Phan Võ, nữ chính "Võ sinh đại chiến", cho biết cô đã chia tay mối tình lâu năm và hiện độc thân để tận hưởng cuộc sống, dành thời gian cho công việc. Trước khi góp mặt trong Võ sinh đại chiến, Katleen Phan Võ (sinh năm 1997) được biết đến là con gái chưởng môn Vịnh Xuân Nam Anh. Cô gái...