Ngỡ ngàng ‘Tháp biểu tượng tinh thần’ 32m xây tại Formosa không phép
Dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã ngang nhiên cho xây “tháp biểu tượng tinh thần Bảo Lũy” cao 32m.
Xây dựng sắp xong mới biết chưa có giấy phép
Liên quan đến việc yêu cầu công ty Formosa và công ty cổ phần Xây dựng & Kinh doanh địa ốc Hòa Bình ngừng thi công “Tháp biểu tượng tinh thần Bảo Lũy” do chưa có giấy phép xây dựng, vào chiều ngày 14/12, những công ty liên quan đã có mặt tại phòng Thanh tra Sở Xây dựng Hà Tĩnh để giải quyết vi phạm.
Trước đó, chiều 8/12, đoàn Thanh tra do ông Hoàng Văn Mỹ, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu, cùng cán bộ địa chính phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đã tới kiểm tra nơi xây dựng công trình của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là FHS).
Tại đây, đoàn đã phát hiện công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình thi công xây dựng công trình “tháp biểu tượng tinh thần Bảo Lũy” cho công ty Formosa khi chưa có giấy phép xây dựng theo quy định.
Ngoài ra, tại thời điểm lập biên bản, lực lượng thanh tra còn phát hiện cần trục bánh lốp P&HKOBELCOT 450 dùng để thi công công trình hết hạn kiểm định an toàn từ ngày 25/11 nhưng chưa được kiểm định lại.
Biên bản kiểm tra và yêu cầu ngừng thi công “Tháp biểu tượng tinh thần Bảo Lũy” 32m
Video đang HOT
Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho rằng trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Việc thi công gần 2 tháng mà không bị phát hiện là lỗi ở chính quyền địa phương, chức năng giám sát không được thực hiện tốt.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, chính quyền địa phương có vai trò quản lý, giám sát việc xây dựng không ảnh hưởng đến tình hình trật tự – an ninh xã hội.
“Đối với việc cấp phép thuộc trách nhiệm của Sở Xây Dựng, do công trình này đã có dự án từ lâu nên chính quyền địa phương không nghĩ công trình chưa có giấy phép. Đồng thời, đây là công trình của nước ngoài, muốn kiểm tra phải có kế hoạch cụ thể, nếu không họ lại hiểu sai vấn đề” – ông Ha noi.
Được biết quá trình xây dựng tháp phía Formosa đã làm hồ sơ thủ tục xin cấp phép xây dựng tháp. Tuy nhiên trong khi chờ đợi để cấp phép thì Formosa đã tự ý cho xây dựng tháp trên, vì thế khi phát hiện thì công trình đã… gần xong.
Trước đó, vào tháng 6/2014, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã đề xuất xây miếu thờ trong dự án. Theo đó, công ty quy hoạch xây dựng miếu thờ ở phía trước bên phải tòa nhà hành chính, diện tích khoảng 18 m2. Sau đó, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra thông báo không đồng ý đề xuất xây miếu thờ. Tuy nhiên, phía Formosa vẫn tiến hành xây dựng và đến nay công trình chưa bị tháo dỡ. Sự việc Formosa Hà Tĩnh xây miếu thờ đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh phải có sự đồng ý, thống nhất, phù hợp với quy hoạch chung của các địa phương và cả nước.
Anh Ngọc
Theo_Người Đưa Tin
Ngưng cấp phép đóng mới tàu đột ngột, ngư dân "dở khóc dở mếu"
Việc Bộ NN & PTNT tạm ngưng cấp phép cho hoạt động đóng mới đối với loại tàu lưới một cách đột ngột đã gây thiệt thòi và bức xúc trong nhân dân.
Ngày 18/11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 9443 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, Bộ chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển tạm ngưng việc cấp phép cho hoạt động đóng mới đối với loại tàu lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015.
Một văn bản có hiệu lực trước cả thời điểm được ban hành, không được thông báo và không có thời gian chuẩn bị đã khiến cả trăm ngư dân ở tỉnh Kiên Giang lâm vào cảnh dở khóc dở mếu khi mà con tàu trị giá cả chục tỷ đồng đang trong giai đoạn thi công, hoàn tất không được cấp phép, đồng nghĩa với việc phải nằm bờ.
Tàu cá của ông Minh đang trong giai đoạn hoàn thiện vẫn chưa xin được giấy phép
Ông Trần Hoàng Minh - chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh vẫn còn bị "sốc" khi mà 1 trong 2 chiếc tàu ông đang đóng chưa được cấp phép mặc dù hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt trước thời điểm 16/11. Ông đang đóng mới một cặp tàu cào đôi trị giá 14 tỷ đồng, trong đó tiền vay từ phía ngân hàng là 7 tỷ đồng.
Ông Trần Hoàng Minh bức xúc nói: "Nói chung chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm đóng mới đối với loại tàu lưới cũng phải nhưng khi cấm phải cho người dân biết ngày nào cấm chứ bây giờ người ta đang đóng, nói cấm là cấm ngay là làm khó cho người dân. Tàu đang đóng dở như vậy rồi biết làm sao, trong khi đó, người dân phải vay tiền ngân hàng, không phải tiền nhà để đóng tàu. Tôi đề nghị phải xem xét hồ sơ cho đóng cho xong chiếc tàu đang làm dở dang" .
Còn đối với bà Đỗ Thị Tuyết Hà - chủ doanh nghiệp Hà Xuân ở phường Rạch Sỏi - TP Rạch Giá nửa tháng nay như ngồi trên đống lửa khi mà 4 chiếc tàu đang vào giai đoạn thi công, hoàn thiện không xin được giấy phép đóng mới. Bà Đỗ Thị Tuyết Hà cho biết, doanh nghiệp của bà hiện đang đóng mới 4 chiếc tàu làm nghề lưới kéo trị giá 28 tỷ đồng.
Mới đây, bà lên cơ quan chức năng để xin nộp hồ sơ thì mới được thông báo là tạm dừng cấp phép. Hiện doanh nghiệp cuả bà Hà đã bỏ ra hơn 8 tỷ đồng trong đó có 3,5 tỷ tiền vay của ngân hàng. Cả mọi nguyên vật liệu để đóng tàu bà đều đã mua, gỗ cũng đã xẻ xong vì vậy nếu không sử dụng thì gỗ rất nhanh hư hỏng. Tiến không xong mà lùi cũng không được, bà Hà đành cho công nhân cứ tiến hành đóng tàu. Tới đây, nếu cả 4 con tàu đều không được cấp phép thì thiệt hại này rất lớn.
Một trong 4 con tàu của bà Hà đang đóng dở dang
Bà Tuyết Hà bày tỏ: "Bốn dàn xưởng này đổ tiền vào đây cũng nhiều và cũng có vay tiền của Nhà nước. Nếu mà tàu không hoàn thành được thì rất khó khăn, không hoạt động được thì cũng không có điều kiện để trả nợ. Tôi cũng mong muốn cho phép hoàn thành 4 con tàu này".
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả tỉnh Kiên Giang có 80 chiếc tàu làm nghề lưới kéo đang đóng mới nhưng chưa được cấp phép theo tinh thần chỉ đạo của công văn số 9443 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, thông thường, các chủ tàu ở Kiên Giang sau khi đóng xong phần thân tàu thì họ mới làm các thủ tục xin phép. Và cũng bởi từ trước đến nay, việc xin cấp phép cũng rất dễ dàng, nhanh chóng nên công văn số 9443 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu dừng việc cấp phép một cách đột ngột đã đẩy nhiều chủ tàu vào cảnh khốn khó, không kịp trở tay. Văn bản này cũng gây bất ngờ ngay cả đối với những người làm công tác quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: "Văn bản thường là những thông tư, quyết định thường có bước thời gian chuyển tiếp nhưng văn bản này nhìn chung hơi đột ngột nên một số ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ở góc độ quản lý chúng tôi sẽ có kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét chủ trương này trong thời gian tới".
Trước tình hình ngư trường ngày càng cạn kiệt thì chủ trương tạm dừng việc đóng mới tàu làm nghề lưới kéo là hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản tạm dừng cấp phép một cách đột ngột của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gây thiệt thòi và bức xúc trong nhân dân.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, trước mắt UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn nắm lại danh sách bà con đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo để kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét lại những trường hợp đã có hồ sơ thiết kế kỹ thuật cùng với tờ khai đóng mới tàu cá đã được UBND xã phường phê duyệt trước ngày 18/11./.
Lam Hiếu
Theo_VOV
Formosa xây 'tháp biểu tượng tinh thần' không phép "Tháp biểu tượng tinh thần" cao 32 m với mục đích quảng bá của Formosa Hà Tĩnh đã bị sở Xây dựng tỉnh này "tuýt còi", tạm dừng thi công vì chưa xin giấy phép. Sở Xây dựng Hà Tĩnh vừa lập biên bản, yêu cầu Công ty TNHH Hưng Nghiệp gang thép Formosa tạm đình chỉ việc xây dựng tòa "tháp biểu...