Ngỡ ngàng Tam giác mạch trái mùa trên cao nguyên đá
Những vạt Tam giác mạch hồng hồng tím tím trên cao nguyên đá Đồng Văn hay những dải Tam giác mạch trắng như bông ở Cao bằng đều đẹp đến nao lòng.
Chị bạn tôi cứ ao ước một lần lên Hà Giang mùa Tam giác mạch, được đắm mình giữa những thửa hoa có cái tên là lạ: tam giác mạch. Tên loài hoa đã làm nên một sức hấp dẫn riêng, quyến rũ riêng với khách phương xa.
Không hiểu tam giác mạch hình thù thế nào, hỏi “bác” Google bảo rằng: tam giác mạch là một loài thân thảo có thể làm thức ăn cho trâu bò, thậm chí có thể luộc ăn như rau.
Đồng bào Dao, Tày, Mông vùng núi cao Hà Giang để cho tam giác mạch trổ hoa, kết quả và cho hạt để làm bánh kiểu như một dạng ngũ cốc. Cái tên tam giác mạch là do người dưới xuôi đặt ra theo hình dạng của quả loài cây này.
Truyền thuyết kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Người người lấy hạt ngô hạt lúa về ăn. Khi ngô lúa đã cạn mà vụ sau chưa tới, cái đói về u ám bản làng.
Mọi người chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ. Mọi người cùng tìm đến khe núi và ai nấy đều ngỡ ngàng trước một rừng hoa li ti, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa.
Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Thế là từ đó thứ cây có hoa màu trắng ly ty được dùng ăn thay ngô, lúa mỗi mùa giáp hạt.
Lang thang trong sương lạnh mây mù vùng cực bắc Tổ quốc, bất chợt bắt gặp màu hồng tím, trắng bên những sườn núi nghiêng nghiêng hay trong một thửa ruộng hiếm hoi lại khiến chúng tôi phải dừng chân ngấm nghía và bấm máy liên tục.
Video đang HOT
Hoa hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý. Những tay lá bé bỏng cũng mơ hồ ba góc xanh.
Điều thú vị là những dải tam giác mạch ở Hà Giang có màu phớt hồng, tim tím thân thương, còn tam giác mạch ở Cao Bằng lại rặt chỉ một màu trắng trinh nguyên.
Chả hiểu vì sao lại có sự khác nhau đó, anh bạn người Cao Bằng bảo có lẽ tại Hà Giang toàn núi đá cằn trơ còn Cao Bằng đất đồi nhiều phèn. Cũng chả rõ lý do nào đúng chỉ biết rằng dù màu phớt tím hay trắng bạch thì vẫn cứ làm nao lòng kẻ lữ khách.
Theo aFamily
Cao nguyên Đồng Văn đẹp mê hoặc
Cách Hà Nội khoảng 300km, "lãnh địa của đá"là cái tên không xa lạ với nhiều người. Đây là một xứ sở vừa kỳ bí vừa hùng vĩ, nhưng đường đi đầy hiểm trở.
Chính vì thế nên đa số teen chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối khi tính một chuyến du lịch nhẹ nhàng đến nơi đây trong ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ Tết. Trong khi đó, một số người trẻ đam mê khám phá thì thỉnh thoảng làm một chuyến "phượt" lên đây để thưởng ngoạn phong cảnh hoặc mang quần áo ấm cho trẻ em nghèo.
Cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, với địa hình núi đá lởm chởm và những cung đường mạo hiểm. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Xa xa là những làn mây trắng trôi lững lờ theo các triền núi.
Những dãy núi đá nối liền nhau.
Thôn xóm, cây cối được bao bọc bởi những hòn đá to.
Đường đi của Đồng Văn nhỏ, hẹp, quanh co nhưng sạch và tĩnh lặng. Những người trẻ vốn quen nhịp sống xô bồ của thành thị, của những âm thanh tách tách trên bàn phím, giờ như mở tung tâm hồn, đón nhận sự mênh mang của đất trời, sự mạnh mẽ của núi đá.
Dòng sông uốn lượn giữa núi và đường.
Cũng như những xứ sở Đông Bắc, Tây Bắc khác, dọc đường đi của cao nguyên đá, thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp gương mặt hồn nhiên của trẻ em người dân tộc, hoặc bóng dáng người thiếu nữ địu con đi làm. Đó cũng là điều làm nên sự mê hoặc của vùng cao phía Bắc Việt Nam.
Với nhiều người trẻ, việc chiêm ngưỡng những ngôi nhà nhỏ nằm lẩn quất sau rặng cây xanh, bên ngoài là hàng rào đá cao là những chuyện thường thấy trên tranh ảnh, hay ti vi, đặc biệt là cảnh những ngôi nhà giàu có nằm trên núi ở Hàn Quốc, thì đi dọc cao nguyên Đồng Văn, bạn sẽ được "mục sở thị" điều này.
Đó là những ngôi nhà mái ngói đã cũ, nho nhỏ, xinh xinh, bốn bề được che chắn bởi hàng rào đá. Có những làng, các ngôi nhà nối liền nhau, khiến cho hàng rào đá này cũng vì thế mà tạo thành những hình zic zắc.
Càng đi sâu vào núi, chúng ta lại thêm phần thích thú khi giữa lưng chừng đá là một ngôi nhà nằm tĩnh lặng sau hàng đào phai.
Nhà ở trên cao nguyên đá.
Thơ mộng và yên bình.
Một ngôi nhà nằm chênh vênh trên núi đá.
Thậm chí, khi bạn đã đặt chân đến thị trấn Mèo Vạc, ngắm nhìn những ngôi nhà theo kiến trúc người Hoa thì bạn cũng sẽ thấy chúng được nằm kiên cố dọc theo núi đá.
Đây cũng là nơi dừng chân nghỉ lại của hành trình chinh phục Đồng Văn. Tại thị trấn bé nhỏ này, ban đêm, những chiếc đèn lồng đỏ thắp sáng trước hiên nhà. Sáng sớm tinh mơ, chợ Mèo Vạc lao xao tiếng cười nói, mua bán của người dân tộc.
Tại đây, du khách còn rất hứng thú với một quán cà phê mộc mạc mà cổ kính, nằm ngay con đường phía sau chợ. Đêm cao nguyên, bên chiếc đèn dầu léo lắt, du khách sẽ lắng hồn mình vào tiếng khèn, tiếng nhị của những nghệ nhân vùng cao. Thậm chí, nếu muốn nghỉ lại, ở đây cũng có dịch vụ cho bạn ngủ, với chăn ấm, đệm êm.
Vào ngày 1/12, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Hà Giang đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Công viên địa chất toàn cầu.
Với vị thế này, hi vọng rằng trong những năm tới, hành trình thưởng ngoạn cao nguyên đá Đồng Văn sẽ dễ dàng hơn.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Có những chốn thần tiên ở Hà Giang Người ta nghe tiếng Hà Giang thấy xa lắm. Mà xa thật, tận trên địa đầu Tổ Quốc, nơi có cực Bắc cao nhất. Đường lên quanh co dốc đứng. Nhưng mà đã, mà phê, mà thích thú vô chừng. Từ Hà Nội đến Hà Giang, bạn phải vượt qua con đường hơn 300km đến thị trấn, sau đó rẽ lên tỉnh lộ...