Nghiên cứu giả thuyết mới về vaccine AstraZeneca và đông máu
Các nhà khoa học đang tìm hiểu một số khả năng có thể giải thích các trường hợp đông máu não hiếm gặp ở người sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.
Các nhà khoa học châu Âu nêu giả thuyết mới rằng vaccine Covid-19 của AstraZeneca kích hoạt kháng thể bất thường trong một số ca hiếm gặp, trong khi những người khác cố tìm hiểu các ca này có liên quan tới thuốc tránh thai hay không.
Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng không có bằng chứng chắc chắn và cũng không rõ lý do vaccine AstraZeneca lại gây biến chứng trong khi những loại vaccine tương tự khác lại không.
Nhân viên y tế cầm lọ vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại Turin, Italy, hôm 19/3. Ảnh: Reuters
Trong 18 ca xuất hiện đông máu ở não sau tiêm, đa số là phụ nữ và ở châu Âu, chỉ có hai ca ở Ấn Độ. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho hay đánh giá sơ bộ cho thấy vaccine không liên quan tới tăng nguy cơ đông máu tổng thể. Nhưng cũng không loại trừ liên quan giữa vaccine với các ca bệnh huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST), một biến chứng hiếm gặp tại các ca tai biến.
Các nhà nghiên cứu ở Đức và Na Uy, nơi ghi nhận một số ca phản ứng nghiêm trọng, đưa ra giả thuyết vaccine AstraZaneca đã kích hoạt phản ứng miễn dịch khiến cơ thể tạo ra kháng thể gây đông máu.
Video đang HOT
Giáo sư Paal Andre Holme, chuyên gia của bệnh viện Đại học Oslo của Na Uy, nơi đã điều trị cho ba nhân viên y tế bị đông máu nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, thông báo “khám phá mới có thể giải thích tiến triển lâm sàng của bệnh nhân” trong cuộc họp báo hôm 18/3.
Holme cho hay những phát hiện này mang tính sơ bộ. “Đây chỉ là bước khởi đầu của mọi nghiên cứu đang được thực hiện”, ông nói, không đưa ra bất kỳ dữ liệu nào ủng hộ giả thuyết đã nêu.
Một nhóm các nhà nghiên cứu người Đức tại Bệnh viện Đại học Greifswald hôm 19/3 cũng nêu kết luận tương tự. Họ tuyên bố nếu phát hiện này là đúng, sẽ tìm được cách điều trị.
Các nhà nghiên cứu của EMA cho biết đang tiến hành điều tra để xác định các ca đông máu hiếm gặp có liên quan tới vaccine hay chỉ tình cờ, lưu ý biến chứng xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ trẻ tuổi. CVST, dù hiếm gặp, có liên quan tới mang thai và sử dụng thuốc tránh thai.
“Đây là một trong nhiều giả thuyết mà chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra”, Sabine Straus, chủ tịch ủy ban an toàn của EMA tuyên bố. EMA cũng sẽ điều tra những ca biến chứng từng bị nhiễm Covid-19 trước hay tại thời điểm tiêm vaccine.
Một số chuyên gia vaccine của Mỹ thận trọng về giả thuyết cơ thể phản ứng với vaccine và phát triển kháng thể gây đông máu, bởi những ca liên quan tới vaccine thường được chú ý hơn bình thường khiến các bác sĩ báo cáo nhiều về những ca này hơn, gây cảm giác những ca bệnh này liên quan tới vaccine.
Vaccine AstraZeneca được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 70 quốc gia nhưng vẫn chưa được chấp thuận tại Mỹ. Các chuyên gia Mỹ cũng đặt câu hỏi tại sao biến chứng chỉ xảy ra với người tiêm vaccine AstraZeneca chứ không phải vaccine của Pfizer hay Moderna, Johnson & Johnson và Sputnik V của Nga.
Các loại vaccine này đều được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.
“Chúng tôi sẽ phải chờ tới khi các nhà khoa học Đức và Na Uy gửi tóm lược báo cáo khoa học và lúc này cộng đồng mới có thể đánh giá”, Peter Hotez, một nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Y Baylor ở Houston, Mỹ, nói.
“Chưa thể lý giải tại sao vaccine AstraZeneca gây biến chứng đông máu còn những loại khác thì không, bao gồm cả vaccine Covid-19 điều chế bằng cách sử dụng adenovirus”.
Hàn Quốc phát hiện trường hợp thứ 2 bị đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca
Các nhà chức trách Hàn Quốc ngày 18/3 đang nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân cũng như điều tra tiền sử dịch tễ của trường hợp mới nhất bị đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh).
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ông Park Young-joon, người đứng đầu nhóm hỗ trợ điều tra phản ứng bất lợi của vaccine ở Hàn Quốc, cho biết đây là trường hợp thứ 2 được báo cáo về hiện tượng "hình thành huyết khối" (xuất hiện cục máu đông) sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.
Ông Park Young-joon cho biết một ngày sau khi tiêm vaccine, nam thanh niên này xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu và ớn lạnh vào ngày 11/3, và kéo dài sang ngày 14 - 15/3. Sau đó, người này đã tới điều trị tại một cơ sở y tế, tại đây các bác sĩ đã phát hiện chứng huyết khối.
Các cơ quan có thẩm quyền đang nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân cũng như điều tra tiền sử dịch tễ xem liệu người này có bệnh lý nền có thể gây ra hiện tượng đông máu hay không.
Hiện sức khỏe của nam thanh niên đang ở trong tình trạng ổn định và vẫn đang điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, Hàn Quốc đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine và được xác nhận có tình trạng đông máu cục bộ. Người này là bệnh nhân ở độ tuổi 60, được đưa vào bệnh viện điều dưỡng, tiêm vaccine của hãng AstraZeneca và có cục máu đông theo kết quả khám nghiệm tử thi.
Gần đây, một số nước trên thế giới đã quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca do lo ngại phản ứng phụ gây ra hiện tượng đông máu. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 17/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca "tại thời điểm này" vì WHO nhận thấy các lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn các nguy cơ.
Nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cũng khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca, đồng thời nêu rõ cho đến nay WHO chưa tìm thấy sự liên quan nào giữa hiện tượng đông máu và vaccine này.
Về phía AstraZeneca, họ cho rằng không có cơ sở để khẳng định vaccine của họ gây ra vấn đề máu đông. Hiện số người đã tiêm vaccine của họ lên tới trên 10 triệu, và thống kê cho thấy tỷ lệ xảy ra hiện tượng máu đông là rất thấp.
Thủ tướng Anh tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca Ông Boris Johnson tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên vào ngày 19/3 (theo giờ địa phương) và kêu gọi người dân làm điều tương tự. Theo Reuters , Thủ tướng Boris Johnson, 56 tuổi, đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên (do AstraZeneca sản xuất) tại Bệnh viện St Thomas, ở London, Anh. Đây là nơi cách đây gần một năm ông được...