Nghiên cứu đề xuất thêm cấp độ 6 cho bão
Các nhà khoa học đề xuất thêm mức thang mới trong phân loại bão bởi nguy cơ xảy ra các siêu bão ngày càng lớn bắt nguồn từ khủng hoảng khí hậu.
Tàu thuyền về bờ tránh bão Hilary tại Acapulco, bang Guerrero, Mexico, ngày 16/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo một nghiên cứu mới, các cơn bão đang ngày càng mạnh hơn nên việc phân loại chúng nên được mở rộng để bao gồm cơn bão “cấp 6″ từ mức hiện hành gồm cấp 1 đến cấp 5.
Tờ Guardian (Anh) còn dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết, trong thập niên qua, có 5 cơn bão có thể xếp vào cấp độ mới này, bao gồm tất cả cơn bão có sức gió duy trì từ 309km/h trở lên. Nghiên cứu cho thấy những cơn bão lớn như vậy ngày càng có nhiều khả năng xảy ra do sự nóng lên toàn cầu, của đại dương và bầu khí quyển.
Nhà khoa học Michael Wehner tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley ở Mỹ, cho biết tốc độ 309km/h có lẽ còn nhanh hơn hầu hết các siêu xe Ferrari. Ông và một nhà nghiên cứu khác là James Kossin tại Đại học Wisconsin-Madison đã đề xuất về phân loại bão “cấp 6″ mới. Nghiên cứu của họ đã xuất hiện trong báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Thang đo bão phổ biến hiện nay có tên Saffir-Simpson, được phát triển vào đầu những năm 1970 bởi kỹ sư Herbert Saffir và nhà khí tượng học Robert Simpson, người từng giữ chức giám đốc Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ.
Video đang HOT
Saffir-Simpson phân loại các cơn bão có tốc độ gió tối đa duy trì từ 119km/h trở lên là bão cấp 1. Cấp 3 trở lên bao gồm các cơn bão lớn có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng. Mạnh nhất là cấp 5, bao gồm tất cả các cơn bão có tốc độ 252km/h trở lên.
Các cơn bão cấp 5 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong những năm gần đây. Ví dụ như bão Katrina ở New Orleans (Mỹ) năm 2005 và bão Maria tại Puerto Rico năm 2017. Nhưng nghiên cứu mới cho rằng hiện nay đã xuất hiện loại bão thậm chí còn cực đoan hơn đòi hỏi phải có xếp loại riêng. Chúng bao gồm bão Haiyan khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở Philippines năm 2013 và bão Patricia đạt tốc độ tối đa 346km/h khi hình thành gần Mexico năm 2015.
Khủng hoảng khí hậu không làm tăng tổng số cơn bão nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cường độ của các cơn bão lớn đã tăng lên đáng kể trong suốt 4 thập niên qua. Một đại dương siêu nóng đang cung cấp thêm năng lượng để “thêm dầu vào lửa” cho các cơn bão, kèm theo đó là bầu không khí ấm hơn, đầy hơi ẩm.
Trong thời gian qua, nhiều thang đo hiện tượng thời tiết cực đoan đã được điều chỉnh để thích ứng với thay đổi nhanh chóng của thời kỳ hiện đại. Cục khí tượng học Australia đã thêm màu mới là màu tím vào bản đồ thời tiết cho tình trạng nắng nóng dữ dội. Vào tháng 1, chương trình Theo dõi rạn san hô của chính phủ Mỹ đã bổ sung ba loại cảnh báo mới để ghi nhận tình trạng căng thẳng nhiệt ngày càng tăng mà san hô phải gánh chịu.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm có phân loại bão cấp 6 chính thức. Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ đã không phản hồi đề nghị bình luận từ báo chí về nghiên cứu mới này.
Biểu tượng của tình đoàn kết sau siêu bão Otis ở Mexico
Giữa lúc người dân Mexico đang căng mình khắc phục hậu quả kinh hoàng của siêu bão Otis tràn qua nước này hôm 25/10 khiến 48 người thiệt mạng, phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà và làm tê liệt hệ thống cơ sở hạ tầng, hình ảnh nữ cảnh sát trẻ ôm một em bé sơ sinh địa phương cho bú đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết tại quốc gia Mỹ Latinh trong những ngày qua.
Tòa nhà bị hư hại khi siêu bão Otis quét qua Acapulco, bang Guerrero, Mexico, ngày 26/10/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thuộc biên chế lực lượng phản ứng nhanh "Zorros" tại thủ đô Mexico City, nữ cảnh sát Arizbeth Dionicio cùng đồng đội mình được điều đến Acapulco (bang Guerrero) - thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão Otis, nhằm hỗ trợ việc khắc phục hậu quả của cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử tại địa phương duyên hải miền Tây Mexico này.
Trong lúc thực thi nhiệm vụ, Arizbeth Dionicio chứng kiến hình ảnh một bé sơ sinh khóc ngặt ngẽo không dứt khi đang trên tay mẹ. Arizbeth tiến lại gần và được biết rằng em bé đã không được bú mẹ trong 2 ngày qua vì mẹ bé bị tắt sữa sau cơn bão kinh hoàng. Trong khi đó, việc mua sữa bột cho trẻ sơ sinh lại gặp nhiều khó khăn do bão đã phá hủy nhiều siêu thị.
Không một chút do dự, Arizbeth ôm em bé vào lòng và cho bú. Nữ cảnh sát nói với bà mẹ vẫn đang nước mắt lưng tròng rằng cô hiện cũng đang nuôi con của mình bằng sữa mẹ và đã phải gửi em bé cho nhà ngoại trông giùm để đến Acapulco thực hiện nhiệm vụ. Mải cho em bé bú, nữ cảnh sát 28 tuổi không hề biết rằng, giữa đống hoang tàn của cơn bão, hình ảnh của cô đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ và là biểu tượng của tình đoàn kết.
Cùng lúc đó, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tuyên bố chính phủ nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để khắc phục hậu quả của bão Otis nhằm đưa Acapulco - một trong những địa điểm du lịch biển nổi tiếng nhất của Mexico - trở lại hoạt động với cảnh quan đẹp như từng có.
Theo số liệu cập nhật hôm 29/10, ít nhất 48 người đã thiệt mạng do bão Otis, cao hơn nhiều so với con số 29 người được thống kê trước đó. Theo Cơ quan Phòng vệ Dân sự Mexico, các nạn nhân thiệt mạng gồm 43 người tại Acapulco, 5 người ở khu vực Coyuca de Benitez, phía Bắc Acapulco. Ngoài ra, cơn bão cũng khiến 36 người mất tích.
Ước tính ban đầu cho thấy bão Otis gây thiệt hại kinh tế 15 tỷ USD. Khoảng 273.000 nhà ở, 600 khách sạn và 120 bệnh viện bị hư hại trong khi nhiều nhà hàng và cơ sở kinh doanh bị bão tàn phá.
Người dân tại thành phố biển Acapulco và khu vực lân cận đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau cơn bão mạnh cấp 5. Các gia đình nạn nhân thiệt mạng đã tổ chức tang lễ cho người thân, trong khi người dân ở thành phố cố gắng tìm nguồn hỗ trợ nhu yếu phẩm. Các nhân viên chính phủ và tình nguyện viên dọn dẹp những tuyến đường bị tắc nghẽn do bùn đất và đống đổ vỡ.
Chính phủ đã triển khai lực lượng an ninh gồm khoảng 17.000 người thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các khu vực có nhiều siêu thị bị cướp phá trong thời gian bão hoành hành. Cuối tuần qua, hàng viện trợ đã bắt đầu được phân phát tới khu vực ảnh hưởng bão. Quân đội thiết lập cầu hàng không để phân phát hàng cứu trợ nhân đạo. Hàng nghìn lít nước sạch cùng thực phẩm đã được chuyển đến thành phố Acapulco có 780.000 người dân.
Trước đó, rạng sáng 25/10, với sức gió lên tới 266 km/h, bão Otis đã đổ bộ vào khu vực ven biển bang Guerrero, bang Oaxaca và các địa phương lân cận, tàn phá nặng nề nhà cửa, các công trình xây dựng và hệ thống hạ tầng. Đây được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất tràn vào quốc gia Mỹ Latinh này trong 30 năm qua.
Hiện các nhà khoa học khí tượng Mexico và thế giới đang tìm hiểu nguyên nhân khiến bão Otis mạnh hơn rất nhiều so với dự báo, thậm chí đối với cả các dự báo được đưa ra ngay trước thời điểm cơn bão đổ bộ chỉ vài giờ, khiến nhà chức trách không kịp cảnh báo và ứng phó. Năm 1997, bão Paulina mạnh cấp 4 đổ bộ Acapulco khiến trên 200 người thiệt mạng.
Mexico: Ít nhất 27 người tử vong do bão Otis Ngày 26/10, Chính phủ Mexico cho biết ít nhất 27 người thiệt mạng sau khi cơn bão Otis mạnh cấp 5 đã đổ bộ vào khu vực ven biển bang Guerrero ở miền Nam và các địa phương lân cận. Cảnh tàn phá sau khi cơn bão Otis quét qua Acapulco, bang Guerrero, Mexico, ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Tổng thống Andres Manuel Lopez...