Nghĩa tình phố núi trong mùa dịch Covid-19
Những ngày trong mùa dịch Covid-19, hai anh Hoàng Anh Việt (32 tuổi) và Phạm Trung Hiếu (33 tuổi, cùng ngụ TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) mua gạo chất lên ô tô chạy dọc đường phát cho những người bán vé số dạo ở TP.Pleiku.
Anh Việt và Hiếu mua gạo phát cho người bán vé số – Ảnh: Hiếu Trần
Tuy số gạo phát không nhiều và mỗi người nhận được 10 kg, nhưng việc làm của họ đã khiến mọi người thấy ấm lòng và trân trọng.
Anh Việt cho hay mình vẫn tự bỏ tiền túi, kết hợp với bạn bè đi làm từ thiện ở nhiều nơi. “Số gạo này là không lớn. Chúng tôi chỉ hy vọng hành động nhỏ ít nhiều chia sẻ chút khó khăn với mọi người trong mùa dịch”, anh Việt nói.
Nhiều nhóm từ thiện tự phát ở phố núi Pleiku cũng góp gạo, khẩu trang và nhiều nhu yếu phẩm… phát cho người nghèo, bán vé số dạo, có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Chẳng hạn, nhóm từ thiện của anh Lê Thống Nhất đã huy động các nguồn để phát 100 phần quà gồm gạo, mì tôm và nước rửa tay, khẩu trang cho người dân khó khăn.
Mới đây, một nhóm bạn trẻ ở TP.Pleiku đã chung tay làm hàng trăm chiếc mũ ngăn giọt bắn để trao tặng cho ngành y tế. Chị Đoàn Thị Minh Trinh (ở P.Ia Kring, TP.Pleiku) chia sẻ: “Công dụng của những chiếc mũ này là giúp ngăn ngừa giọt bắn, dịch tiết hô hấp khi ho, hắt hơi của bệnh nhân. Mũ gọn nhẹ, thông thoáng nên các y bác sĩ khi mang cũng sẽ không bị bí bách, rất dễ chịu, thoải mái. Kinh phí làm mũ do các thành viên trong nhóm đóng góp và mọi người cùng góp công vào thực hiện”.
Trung bình một ngày, nhóm bạn trẻ này làm được 100 chiếc mũ ngăn giọt bắn và phấn đấu đợt đầu hoàn thành 350 cái để trao tặng cho ngành y tế Gia Lai. Mục tiêu của nhóm là làm khoảng 1.000 mũ ngăn giọt bắn để làm từ thiện.
Tuy là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm nhưng bé Nguyễn Hải Âu (9 tuổi) lại rất khéo léo và thành thạo trong thực hiện các công đoạn. Hải Âu vui vẻ cho biết: “Trong thời gian nghỉ học, con lên đây phụ giúp mẹ và các cô chú làm mũ ngăn giọt bắn để tặng các bác sĩ, nhân viên y tế. Một ngày con làm được khoảng 20 cái. Con rất vui vì được làm những việc này”.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, nói: “Nhiều nhóm bạn trẻ ở Gia Lai cũng như các nơi đã giúp người dân, lực lượng chức năng nơi tuyến đầu chống dịch. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái và mong muốn xã hội chung tay đẩy lùi dịch Covid-19″.
Video đang HOT
Trần Hiếu
"Ai khó sẽ có 1 phần": Ấm áp tình người TP.HCM trong dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đến như một cơn bão quét qua thành phố, không ai không bị ảnh hưởng, nhưng có lẽ những người khốn đốn nhất là người lao động nghèo.
"Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo", người Sài Gòn lại thêm một lần nữa dang tay hỗ trợ những mảnh đời khó khăn hơn mình.
Sáng 7/4, anh Tập - chủ quán cơm Nụ cười số 11 trên đường Nguyễn Huy Lượng (phường 14, quận Bình Thạnh) dự tính 10h30, sẽ bắt đầu bán cơm với giá 2.000 đồng/suất. Từ 8h sáng, khi cả quán còn lúi húi nấu nướng, người phụ nữ bán vé số với đứa nhóc gầy nhom đã đến hỏi mua.
Ái ngại vì cơm chưa chuẩn bị xong, anh Tập bảo chị ra ghế ngồi đợi. Chỉ 10-15 phút sau, cả chú đạp xích lô, cô lượm đồng nát và một số bà con đang điều trị, thăm nuôi tại Bệnh viện Ung bướu gần đó... cũng đến hỏi mua. Sợ bà con ngồi đợi lâu mệt, anh hối nhân viên cấp tốc sắp cơm vào hộp, vào đến đâu giao đến đó.
Người lao động nghèo, người thăm nuôi, bệnh nhân... được mua cơm giá 2.000 đồng/suất tại quán cơm Nụ cười.
Cơm cứ nấu ra là hết sạch, chỉ riêng ngày đầu tiên, quán cơm Nụ cười số 11 đã bán 400 suất cơm tương trợ cho những người bán vé số và người vô gia cư đang gặp khó khăn. Các quán cơm Nụ cười 4, 7, 8 cũng đặt Công ty Cỏ May nấu 500 suất.
Từ ngày 24/3, TP.HCM yêu cầu các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Từ đầu tháng 4, dịch vụ xổ số cũng dừng phát hành trong 15 ngày. Đây là những hành động quyết liệt của chính quyền, được người dân đồng tình. Nhưng ngược lại, hành động này cũng khiến đời sống của những lao động nghèo, lao động di cư... gặp nhiều khó khăn, thậm chí mất hẳn nguồn thu nhập.
"Có gia đình vợ lượm ve chai, chồng chạy xe ôm có đứa con thiểu năng sống kế bên Bảo tàng Mỹ thuật. "Nhà" là mấy tấm bạt phủ lên chiếc xe đẩy nhỏ. Thấy tình nguyện viên đến, thằng nhỏ nhem nhuốc, đi chân không, chỉ bận áo không bận quần, lon ton chạy ra ôm lấy phần cơm. Được chụp hình, nó ngoác miệng cười nắc nẻ, lộ hàm răng sún không còn một cái. Hay ông chạy xe ôm mấy chục năm ở góc đường đằng kia, đi mua cơm thế nào cũng nhớ phần ông bạn già đồng nghiệp chạy xe cùng. Mà mùa dịch, bà con tự giác đến mua cơm đều bịt khẩu trang cẩn thận, không chen lấn nhau, thương lắm", anh Tập nói.
Ở quận 10, anh Nhựt, chị Trang - chủ quán cơm chay Bình An những ngày qua cũng miệt mài nấu cơm tặng cho những người bán vé số, vô gia cư nghèo khổ.
"TP lệnh tạm dừng phát hành vé số và thực hiện cách ly xã hội, thấy những người bán vé số thất nghiệp khó khăn quá nên tôi tặng cơm. Chỉ là tăng suất, quán vẫn bán mang đi, cực thêm một chút nhưng an lòng vì biết ngoài kia, người lao động nghèo có miếng cơm lót dạ", chị Trang nói.
Dự tính, mỗi ngày, quán phát 50 suất, phát một lúc là hết và vẫn có người đến hỏi. Nhìn vẻ mặt buồn bã của một ông lão đi chiếc xe đạp cọc cạch, chị Trang bảo nhân viên: "Thêm cơm và thức ăn vào hộp đưa bác đi em".
"Ai khó sẽ có một phần" tại quán chay Bình An (quận 10, TP.HCM).
Việc quán cơm Bình An phát cơm miễn phí, người biết, người không. Có người qua đường thấy việc làm ý nghĩa thì dừng xe, quyên vài trăm ngàn vào ngân sách với vỏn vẹn một câu: "Giúp tui nấu cơm cho họ!". Lại có những người không góp tiền, lẳng lặng mua nước suối, gia vị, khẩu trang đến đặt trước quán, không cả ghi tên vào danh sách nhà hảo tâm.
Mua 200 miếng đậu hũ, chạy xe hơn 50km từ Long An xuống, anh Dương Văn Đạt (38 tuổi) cười xoà: "Ai cũng khó khăn mùa dịch bệnh, mình đỡ hơn thì giúp những người khó hơn, có gì mà phải ghi danh".
10 ngày cách ly xã hội, mỗi ngày quán chay Bình An phát hơn 1.000 suất cơm miễn phí. Chị Trang cho biết, quán sẽ phát đến hết ngày 15/4. Rút kinh nghiệm ngày đầu, chị đã nhờ sự hỗ trợ của đội trật tự phường đến hướng dẫn bà con đứng giãn cách 2m, xịt nước rửa tay diệt khuẩn và chuẩn bị quà để sẵn trên bàn, hạn chế tối đa tiếp xúc để phòng dịch.
Không chỉ có các quán ăn xã hội, nhiều gia đình, các nhóm bạn ở TP.HCM cũng tích cực phát lương thực cho bà con nghèo. Trên mạng xã hội, thông tin về những địa điểm tặng quà cho người nghèo, người lang thang, người tạm thời mất việc làm khó khăn... đang tràn ngập.
Nhóm từ thiện của anh Tony Nguyễn cũng phát cháo đóng hộp cho người dân trên đường Lý Chính Thắng (quận 3). Anh Tony cho biết, hoạt động đã diễn ra được 3 ngày và sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Những phần quà của nhóm anh ngoài cháo, còn có gạo, mì, sữa, cá hộp và khẩu trang.
Chiến dịch 15 ngày sẻ chia yêu thương của nhóm bạn trẻ trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM).
Chị Bùi Mai Anh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) là một người làm việc ngay tại nhà. Nhưng trong đợt này, khi thấy có nhiều người khó khăn trong đợt dịch Covid-19 này, chị quyết định sẽ làm mỗi ngày 50 - 100 suất ăn gồm cơm, bánh mì, sữa... để tặng.
"Thời điểm này, mình thấy cần phải hỗ trợ một tay, giúp cho những người bán vé số, người lượm ve chai hoặc người nghèo trong đợt dịch này. Ban đầu, mình dự định đứng một địa điểm để phát nhưng hiện nay không tiện nên mỗi tối, mình sẽ đi các nơi để tặng các suất ăn này. Mình cũng sẽ đến các khu nhà trọ của những người nghèo để hỗ trợ. Vì chỉ có một mình để chuẩn bị đồ ăn nên mình chỉ chuẩn bị được khoảng 50 - 100 suất. Mong mọi người sẽ bình an qua mùa dịch", chị Mai Anh chia sẻ.
Tại góc ngã tư giao giữa đường Hùng Vương và Trần Nhân Tôn (quận 5), gia đình bà Vương Nguyệt Hân (46 tuổi) treo băng rôn mời những người khó khăn đến lấy những phần quà, gồm: Gạo, mì tôm, sữa và khẩu trang.
"Tôi thấy người ta khổ quá, có chút ít thì giúp thôi chứ không có to gì cả", bà Hân nói. Cũng theo bà, các phần quà chủ yếu được người thân ở nước ngoài và những mạnh thường quân cùng hỗ trợ để từ thiện và sẽ diễn ra "cho đến khi hết kinh phí thì thôi".
Nụ cười móm mém của một cụ già khi nhận phần quà của bà Hân.
Ngày đầu tiên, chiếc bàn trống trơn chỉ trong vòng 1 tiếng. Nhìn thấy nhiều người khó khăn vui vẻ ôm chặt phần quà ra về, bà Hân càng có động lực kêu gọi người nhà, mạnh thường quân quyên góp.
Theo bà Hân, ngày hôm sau, có người đàn ông vác bao tải toàn lon, chai nhựa qua điểm phát quà, bà Hân bảo cháu gái mang một suất quà tặng.
"Người đàn ông khua tay nói "Con tặng người khác đi, hôm qua chú lấy rồi", bà Hân kể lại, nơi khoé mắt rơm rớm cảm động.
Quynh Nguyên
'Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi...' Đường phố Sài Gòn những ngày này bớt đi tiếng còi xe lúc tan tầm, cũng chẳng còn cảnh nhiều người chen nhau để mua một món ăn vội... Sài Gòn một chiều bình yên - Ảnh: Hoài Thương Ai cũng bảo, năm nay Sài Gòn có dịp nghỉ tết dài ngày mà với một đứa phương xa như tôi, chưa có dịp...