Nghi vấn “cậu Thủy” làm giả hài cốt liệt sĩ tại Làng Vây
Những ngày vừa qua, khi được tin “cậu Thủy” bị Công an tỉnh Quảng Trị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về việc làm giả hài cốt liệt sĩ, nhiều người hoang mang, hoài nghi vì không biết trước đó – đối với gia đình họ – “cậu Thủy” có thực hiện màn kịch lừa đảo hay không.
Tin tưởng vào tài năng của “ nhà tâm linh” Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”), nhiều gia đình là thân nhân các liệt sĩ đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng với mong muốn tìm thấy và đưa hài cốt của cha, ông mình là liệt sĩ đang nằm giữa núi rừng về thờ phụng. Từ những di vật có khắc tên là biđông, đôi dép hay những kỷ vật “cậu Thủy” gọi là “của cụ” đã khiến bao người vui mừng rơi nước mắt.
Dưới đây là câu chuyện của một gia đình liệt sĩ đã nhờ “cậu Thủy” tìm hài cốt của cha mình, sau hơn 1 năm an táng, thờ phụng thì nay gia đình hoang mang, lo lắng không biết hài cốt tìm được có phải là của cha mình hay không.
Tìm thấy hài cốt cách nơi hy sinh 100km!
Vào một ngày cuối tháng 4 năm 2012, ông Hoàng Văn Tuyển – con trai đầu của liệt sĩ Hoàng Văn Tố (SN 1935 – quê ở thôn Toàn Thắng, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc – nay là Bắc Giang) đã cùng vợ chồng “nhà tâm linh” Nguyễn Văn Thúy – Mẫn Thị Duyên vào căn cứ Làng Vây ( xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tìm hài cốt cha mình.
Trước đó, từ người quen ở Hà Nội, gia đình ông Tuyển đã biết đến “cậu Thủy” có khả năng tìm được hài cốt liệt sĩ kèm nhiều di vật.
Sau khi gửi “cậu Thủy” trước 15 triệu đồng thì gia đình nhận được tin đã tìm thấy hài cốt cha mình là Hoàng Văn Tố tại tỉnh Quảng Trị.
“Cậu Thủy” phán rằng dưới lớp đất nửa mét có hài cốt và di vật khắc tên của liệt sĩ Hoàng Văn Tố.
Diễn biến khai quật hài cốt lần này diễn ra theo “kịch bản” – lấy hài cốt khi trời đã tối. Di vật tìm thấy ở độ sâu nửa mét là đôi dép caosu còn mới có khắc tên “Tố H-B” (Tố – Hà Bắc); một chiếc mũ cối đã bị vỡ, vẫn còn màu xanh; cúc áo; xương; phần đất phát hiện có di vật chỉ là một lớp mỏng màu đen đậm (xung quanh là đất đỏ badan).
Vợ của “cậu Thủy” – bà Mẫn Thị Duyên – cũng có mặt trong đoàn quy tập…
Sau khi quy tập hài cốt, gia đình ông Tuyển đã đưa thêm 120 triệu đồng cho “cậu Thủy” (tiền này do “cậu Thủy” ra giá từ trước) rồi đưa hài cốt về làm lễ truy điệu và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Video đang HOT
… và trực tiếp chỉ đạo quy tập hài cốt.
Tuy nhiên, theo trích lục hồ sơ quân nhân thì liệt sĩ Hoàng Văn Tố nhập ngũ tháng 7.1967, hy sinh ngày 16.11.1969 và mai táng tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế – cách nơi “cậu Thủy” tìm được hài cốt hơn 100km.
Muốn được xét nghiệm ADN để làm rõ trắng đen
Hơn 1 năm kể từ khi tìm được hài cốt của cha mình về quê an táng, bà Hoàng Thị Toản (con gái út của liệt sĩ Tố) bất ngờ khi nghe tin “cậu Thủy” là một “nhà tâm linh” bịp, đã bị bắt vì việc làm giả hài cốt.
Bà Toản nói: “Bây giờ gia đình không biết trắng đen thế nào, không biết hài cốt đang an táng tại nghĩa trang mà chúng tôi tìm được có phải là của bố mình không”.
Di vật tìm thấy đầu tiên là 2 hạt nút.
Bà Toản cho biết, trước khi tìm đến “cậu Thủy”, gia đình đã nhờ nhiều nhà ngoại cảm khác nhưng không tìm được tung tích của bố mình. Khi đến Làng Vây ở Quảng Trị, làm xong lễ “cậu Thủy” phán nơi có hài cốt và đinh ninh di vật có khắc tên nên gia đình khá tin tưởng. “Tuy nhiên, khi tìm được đôi dép có tên trên đó, anh cả của tôi là Hoàng Văn Tuyển ngỏ ý xin về làm kỷ vật thì thầy Thúy không đồng ý, thầy nói rằng của cụ thì để cụ đem theo”.
Một miếng của chiếc mũ cối bị vỡ có màu xanh.
Ông Hoàng Văn Viện (con trai liệt sĩ Tố) cũng tỏ ra băn khoăn vì theo ông, gia đình đã giám sát kỹ trong quá trình quy tập và không phát hiện điểm bất thường nào.
“Có thông tin người thân mình nằm ở đâu đó, đau lòng lắm chú à. Vì thế gia đình tôi mới cất công vào tận Quảng Trị – tốn kém, vất vả nhưng quyết tâm tìm được hài cốt của cha mình.
Một ngôi sao gắn trên mũ cối.
Một đôi dép caosu đúc, trên đó có khắc tên “Tố H-B” còn mới.
Để xảy ra việc ngờ vực này có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là do tâm lý của gia đình, thứ hai có thể do “cậu Thủy” quá tinh vi và cơ quan chức năng trên địa bàn chưa hoàn thành nhiệm vụ khi gia đình chúng tôi đến khai báo sẽ quy tập hài cốt” – ông Viện nói.
Hài cốt được cho là của liệt sĩ Hoàng Văn Tố được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Lão Hộ. Hiện gia đình mong muốn được đưa đi xét nghiệm ADN để làm rõ có bị “cậu Thủy” lừa đảo hay không.
Gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Tố mong muốn được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để làm rõ trắng-đen bằng cách xét nghiệm ADN mẫu xương và di vật hiện đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Lão Hộ. Ông Viện cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để xác minh và làm rõ sự việc”.
Theo Laodong
Nhà ngoại cảm rởm - Loại tội phạm tinh vi, xảo quyệt
"Cố tình đưa thông tin giả, sau đó chiếm đoạt tài sản theo cách khiến thân nhân liệt sĩ biết ơn, hậu tạ. Đó là loại tội phạm lừa đảo tinh vi, xảo quyệt mà cơ quan điều tra cần làm rõ", Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định.
Đau đáu nhiều chục năm trời mong tìm được hài cốt người thân, nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đã trở thành "món hàng" béo bở của những nhà ngoại cảm rởm. Khi mang hài cốt về quê an táng và đi giám định khoa học hoá ra chỉ là xương động vật hoặc tổ mối... Dưới góc độ pháp luật, luật sư nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội
Phải nói rằng việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm là vấn đề tâm linh. Không ít người cho rằng: "Nhà ngoại cảm là hiện thân của tâm linh, tin vào nhà ngoại cảm tức là tin vào tâm linh. Đón bắt được nhu cầu thiết tha của rất nhiều thân nhân liệt sĩ, các "cậu", các "cô" không có khả năng gì đặc biệt, cũng tự xưng mình là "nhà ngoại cảm" để dùng nhiều chiêu bài gian dối trục lợi.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cấp chứng chỉ hành nghề "ngoại cảm" hay chứng chỉ pháp lý tương ứng cho hoạt động này. Thời gian gần đây, dư luận dấy lên vấn đề xuất hiện nhiều người tự xưng là "nhà ngoại cảm". Những người này dưới danh nghĩa cá nhân hay tổ chức đã lợi dụng niềm tin của thân nhân các gia đình liệt sĩ, hoạt động bất hợp pháp và trục lợi mà không quan tâm đến kết quả công việc thực hiện. Đó là việc làm phi nhân đạo, hết sức đau lòng. Những người có khả năng ngoại cảm thực sự không làm như vậy. Bởi truy tìm hài cốt liệt sĩ đó là một hoạt động mang tính hết sức nhân văn, thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa, tu tâm tích đức cho đời sau của những người có lương tri.
Ở một góc nào đấy trong cuộc sống hàng ngày, người ta vẫn nhắc tới những nhà ngoại cảm rởm. Nhưng vì sao thân nhân các gia đình liệt sĩ lại mất cảnh giác như vậy?
Đó là tâm lí rất phổ biến của thân nhân các liệt sĩ khi tìm được hài cốt. Bởi họ khắc khoải, mòn mỏi chờ đợi trong nhiều năm, đến khi nghe tin tìm được hài cốt người thân khiến họ vui sướng đến vỡ oà mà không mấy gia đình nghĩ đến việc thẩm định, phản biện để làm rõ đó có thật phải là hài cốt liệt sĩ nhà mình hay không.
Thường thân nhân các liệt sĩ khi đến gặp nhà ngoại cảm, thông qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè. Cho nên ngay từ ban đầu những nhà ngoại cảm này đã tạo được niềm tin nhất định từ các khổ chủ. Đến khi nhà ngoại cảm làm công tác xác định trước được vị trí, toạ độ, không gian, thời gian, cảnh quan xung quanh thì vẽ sơ đồ rất chi tiết. Điều này khiến cho gia dình thân nhân các liệt sĩ càng trở nên tin tưởng, nên khi tìm được hài cốt thì không ai nghi ngờ, thận chí nhiều gia đình không dám nghĩ đến việc nghi ngờ thành quả của nhà ngoại cảm.
Có thể nhà ngoại cảm không đặt vấn đề về tiền bạc, nhưng thường khi tìm được hài cốt thân nhân các liệt sĩ vẫn tỏ lòng biết ơn, hậu tạ bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị lớn, thậm chí rất lớn. Vậy thì đây có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Xét về mặt khách quan của tội lừa đảo: Hành vi đưa ra những thông tin giả, sai sự thật bằng thủ đoạn thông thường hay tinh vi khiến cho người khác tin đó là sự thật nhằm mục chiếm đoạt tiền, tài sản. Nếu thủ đoạn gian dối mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội.
Về mặt chủ quan (ý thức người phạm tội): Người phạm tội biết đó là thông tin giả, không đúng sự thật, nhưng vẫn cố ý che đậy để người khác (thân nhân liệt sĩ), và mong muốn cho họ tin đó là sự thật. Mục đích chiếm đoạt tài sản đã hình thành ngay từ trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối. Còn nếu sau khi nhận tiền, tài sản rồi, do nguyên nhân nào đó mới có ý định chiếm đoạt thì có thể phạm vào tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ở đây nếu làm rõ được hai dấu hiệu trên thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, đặc điểm của "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là bị hại thường tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội do ý thức rằng thông tin giả nhà ngoại cảm cung cấp là sự thật.
Vấn đề khó khăn để xử lý các cá nhân thực hiện vi trong trường hợp này là ngoài việc phải làm sáng tỏ được các dấu hiệu tội phạm nêu trên, còn chứng minh được thủ đoạt tinh vi, xảo quyệt qua mặt cơ quan chức năng trong việc chiếm đoạt tài sản. Điều này rất cần sự hợp tác toàn diện của gia đình những người bị hại.
Hồng Ngân
Theo Dantri
'Nhà tâm linh' bị bắt vì nghi lừa đảo tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, 54 tuổi) vừa bị khởi tố, bắt giam về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ. Sáng 28/10, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, VKSND tỉnh Quảng Trị công bố quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, 54...