Nghị sĩ Quốc hội Campuchia khóa VII tuyên thệ nhậm chức
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, chiều 21/8, tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh, 125 nghị sĩ Quốc hội Campuchia khóa VII đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc vương Norodom Sihamoni, gần một tháng sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 23/7.
Sáng 21/8/2023, tại thủ đô Phnom Penh, Quốc hội Campuchia khóa VII chính thức khai mạc kỳ họp thứ nhất. Ảnh minh họa: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia
Tại buổi lễ tuyên thệ, tất cả các nghị sĩ đều cam kết tôn trọng Hiến pháp, phục vụ và bảo vệ lợi ích của quốc gia và người dân Campuchia, đồng thời sẽ hoàn thành sứ mệnh được người dân Campuchia giao phó.
Tuyên thệ tại buổi lễ, các nghị sĩ cam kết không lấy lợi ích quốc gia để tư lợi cho bản thân, gia đình hay lợi ích nhóm; bày tỏ quyết tâm luôn bảo vệ nền độc lập, chủ quyền quốc gia, cũng như luôn giữ vững đoàn kết nội bộ. Các nghị sĩ Quốc hội khóa VII cam kết sẽ giữ vững lập trường trung lập và không liên minh liên kết của Campuchia trong hiện tại và tương lai, không cho phép bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia, cũng như điều hướng các chính sách quốc gia và quốc tế của đất nước; đấu tranh chống mọi hình thức tham nhũng và bất công xã hội.
Video đang HOT
Trước đó, vào sáng cùng ngày, sau phiên khai mạc, Quốc hội Campuchia khóa VII đã tiến hành kỳ họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Samdech Heng Samrin, 89 tuổi, nghị sĩ cao niên nhất trong tổng số 125 nghị sĩ trúng cử Quốc hội khóa mới. Qua đó, tiến hành quy trình tuyên bố tư cách nghị sĩ của từng thành viên trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ mới và thông qua Quy chế làm việc của Quốc hội Campuchia khóa VII.
Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội lần này được xem là sự kiện lịch sử trọng đại, mở đường cho việc thành lập bộ máy cơ quan lập pháp và hành pháp nhiệm kỳ mới ở Campuchia theo hướng chuyển giao thế hệ lãnh đạo, một bước ngoặt chính trị với những đổi thay mang tính lịch sử nhằm đảm bảo duy trì nền hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài ở quốc gia này.
Xúc tiến giải quyết các đơn khiếu nại liên quan tiến trình bầu cử Campuchia
Sáng 27/7, tại trụ sở Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) ở thủ đô Phnom Penh, Hội đồng giải quyết khiếu nại thuộc NEC đã mở phiên điều trần, giải quyết các hồ sơ khiếu nại liên quan cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII diễn ra ngày 23/7 vừa qua.
Ông Hang Puthea, người phát ngôn NEC phát biểu tổng kết các hoạt động vận động tranh cử của các chính đảng và các hoạt động liên quan công tác tổ chức bầu cử. Ảnh: Hoàng Minh/PV TTXVN tại Campuchia
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, đây là phiên điều trần đầu tiên của cơ quan thuộc NEC, tiến hành xem xét, giải quyết 5 hồ sơ khiếu nại thuộc thẩm quyền, liên quan cáo buộc xúi giục cử tri phá hủy, làm hỏng phiếu bầu xảy ra ở các khu vực bỏ phiếu tỉnh Pailin, Kampong Cham và Tbong Khmum, trong tiến trình tổ chức bầu cử Quốc hội khóa VII tại nước này.
Sau phiên điều trần, Hội đồng giải quyết khiếu nại thuộc NEC tuyên bố bảo lưu quyết định của Hội đồng giải quyết khiếu nại thuộc Ban bầu cử các tỉnh đối với các đương sự với mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu riel (khoảng 2.500 - 3.750 USD) và xóa tên khỏi danh sách cử tri trong thời hạn từ 5 - 10 năm đối với mỗi đối tượng liên quan.
Theo phát ngôn viên NEC Hang Puthea, tính đến ngày 25/7, NEC đã tiếp nhận 35 đơn khiếu nại ở các khu vực bầu cử trên phạm vi toàn quốc. Trong số này, 30 đơn khiếu nại đã được giải quyết tại các đơn vị bầu cử cấp xã, phường và tỉnh; 5 hồ sơ được NEC thụ lý và giải quyết tại phiên điều trần sáng 27/7.
Ông Hang Puthea cho biết thêm, sau phán quyết tại phiên điều trần sáng nay, các đương sự có quyền khiếu nại lên Hội đồng Hiến pháp Campuchia (CCC) trong thời hạn 72 giờ. CCC có trách nhiệm giải quyết, ra phán quyết cuối cùng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Theo quy định tại Điều 142 mới của Luật Bầu cử sửa đổi ban hành đầu tháng này, các đơn vị trực thuộc NEC có quyền xóa tên khỏi danh sách bầu cử, xóa tư cách ứng viên, tước quyền ứng cử trong khoảng thời gian ít nhất 5 năm đối với các cá nhân có hành vi cố tình cản trở hoặc xúi giục cử tri không đi đăng ký bầu cử, cản trở cử tri đăng ký danh sách bầu cử và sổ bầu cử, cùng các khung hình phạt khác.
Luật mới cũng cho phép NEC có thẩm quyền phạt tiền chính đảng vi phạm với khung tiền phạt từ 10 - 30 triệu riel (từ 2.500 - 7.500 USD); đồng thời xóa tư cách tranh cử của chính đảng vi phạm, chưa kể các biện pháp xử lý hình sự khác.
Cuộc bầu cử nghị sĩ Quốc hội Campuchia khóa VII diễn ra trong ngày 23/7 với trên 8,2 triệu cử tri tham gia bầu cử, chiếm gần 85% trong tổng số hơn 9,7 triệu cử tri trong danh sách, cao nhất so với hai cuộc bầu cử gần nhất được tổ chức trên đất nước Chùa tháp.
Chiều 26/7, trong thông điệp đặc biệt gửi đến người dân cả nước, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã đề cập đến các phương án liên quan thời điểm bổ nhiệm Thủ tướng và thành phần nội các Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới, tùy thuộc vào lịch trình công bố kết quả bầu cử chính thức của NEC. Theo đó, nếu NEC công bố kết quả vào ngày 5/8, việc bổ nhiệm sẽ tiến hành vào ngày 7/8. Trong trường hợp NEC công bố vào ngày 9/8, phần việc này sẽ diễn ra vào ngày 10/8.
Dự kiến, Quốc hội Campuchia khóa VII sẽ nhóm họp phiên đầu tiên vào ngày 21/8 và các nghị sĩ sẽ tuyên thệ vào tối cùng ngày. Tới ngày 22/8, Quốc hội khóa mới chính thức được thành lập, tân thủ tướng và thành phần nội các mới sẽ đi vào hoạt động.
Bầu cử Campuchia: Quan sát viên quốc tế đánh giá cao tiến trình bầu cử Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, các quan sát viên quốc tế đều đánh giá cao tiến trình tổ chức bầu cử Quốc hội khóa VII ở Campuchia, nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn, hòa bình và dân chủ, trong khi các cử tri thể hiện được ý chí mạnh mẽ và lập trường ủng hộ rõ...