Nghị sĩ Mỹ điều tra vụ sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao
Các nghị sĩ đảng Dân chủ mở cuộc điều tra vụ Trump sa thải Tổng thanh tra Linick, cáo buộc Tổng thống Mỹ lách biện pháp giám sát chính quyền.
“Chúng tôi phản đối động thái chính trị nhằm sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao và hành động loại bỏ các vị trí quan trọng như vậy của Tổng thống”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel và nghị sĩ Bob Menendez, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết trong thông cáo mở cuộc điều tra hôm 16/5.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ đang đặt nghi vấn về mục đích và thời điểm ra “quyết định sa thải chưa từng có tiền lệ”. Nghị sĩ Engel và Menendez cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề xuất loại bỏ Tổng thanh tra Steve Linick vì ông “mở cuộc điều tra những hành vi sai trái nhằm vào chính Ngoại trưởng Pompeo”.
Tổng thanh tra Linick tại một cuộc họp ở thủ đô Washington, Mỹ, tháng 10/2019. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ý định sa thải Linick trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tối 15/5. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng “không còn niềm tin tuyệt đối” vào Linick và cam kết sẽ đề cử một ứng cử viên “đáp ứng các tiêu chí phù hợp”.
Động thái của Trump vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ, những người cho rằng Tổng thống đang cố gắng lách các biện pháp giám sát chính quyền trong bối cảnh Nhà Trắng nỗ lực ứng phó Covid-19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sắp diễn ra.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng “Tổng thanh tra Linick bị sa thải vì thực hiện nghĩa vụ bảo vệ hiến pháp và an ninh quốc gia, theo yêu cầu của luật pháp và lời thề của ông”. Một trợ lý trong đảng Dân chủ cho hay Linick đã mở cuộc điều tra về Pompeo, liên quan cáo buộc rằng Ngoại trưởng Mỹ và vợ lợi dụng vị thế chính trị vào mục đích cá nhân.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Linick đã bị sa thải, nhưng không bình luận về cuộc điều tra của phe Dân chủ cũng như vai trò của Pompeo trong sự việc này. Người thay thế ông là cựu nhân viên ngoại giao Stephen Akard, người từng được đề cử làm nhân sự cấp cao của bộ năm 2017 nhưng bị phản đối.
Ẩu đả bên trong tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông
Ẩu đả xảy ra tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ngày 8.5 khi nhiều nghị sĩ đối lập phản đối một nghị sĩ thân Bắc Kinh chủ trì một cuộc họp vì cho rằng bà này không đủ thẩm quyền.
Một nghị sĩ đối lập bị ngã trong lúc bị nhân viên an ninh đưa ra khỏi tòa nhà . Ảnh AFP
Chiều 8.5, nghị sĩ Lý Tuệ Quỳnh thân Bắc Kinh tổ chức phiên họp của Ủy ban Đối nội thuộc Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Đây là ủy ban quan trọng, có nhiệm vụ kiểm tra các dự luật trước khi được đưa ra bỏ phiếu lần cuối, theo tờ South China Morning Post.
Với tư cách là chủ tịch tạm quyền của Ủy ban Đối nội, bà Lý quyết định tổ chức cuộc họp nhằm gỡ bớt nhiều dự luật đang bị kẹt lại vài tháng qua chưa thể được đem ra bỏ phiếu, trong đó có dự luật xử phạt những người bôi nhọ quốc ca Trung Quốc.
Các nghị sĩ đối lập bao vây bà Lý Tuệ Quỳnh (áo vàng) . Ảnh REUTERS
Tuy nhiên, nghị sĩ Quách Vinh Khanh thuộc đảng Civic, Phó chủ tịch Ủy ban Đối nội, tuyên bố bà Lý đang lạm quyền và yêu cầu phải bầu ra chủ tịch rồi mới họp.
Cả hai bên đều đưa ra tuyên bố của các cố vấn pháp lý để bảo vệ quan điểm về việc tổ chức cuộc họp của Ủy ban Đối nội.
Một nghị sĩ đối lập leo lên tường trong lúc bị nhân viên an ninh áp giải ra ngoài . Ảnh AFP
Bà Lý sau đó yêu cầu nhân viên an ninh đưa 6 nghị sĩ đối lập tìm cách chiếm ghế chủ tọa và la hét trong phòng họp ra ngoài. Xô xát xảy ra và tổng cộng 10 nghị sĩ đối lập bị trục xuất, một số người bị thương phải nhập viện, theo tờ South China Morning Post.
Một nghị viên đối lập bị thương và được đưa đi cấp cứu . Ảnh AFP
Năm ngoái, các phe đối lập trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông cũng ẩu đả với nhau liên quan đến dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Việc đưa ra dự luật này kích động làn sóng biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông kéo dài nhiều tháng trời và chính quyền sau cùng buộc phải rút lại dự luật.
Người dân Hồng Kông chìm trong khủng hoảng vì dịch Covid-19 và biểu tình
Nghị sĩ muốn làm rõ vai trò của Mỹ vụ đột kích Venezuela Ba thượng nghị sĩ Dân chủ kêu gọi chính quyền Trump làm rõ Mỹ có hỗ trợ nhóm lính đánh thuê đột kích bất thành vào Venezuela hay không. "Hoặc chính phủ Mỹ không biết về chiến dịch được thực hiện theo kế hoạch này, hoặc đã biết và cho phép họ tiến hành. Cả hai khả năng đều có vấn đề", thượng...