Nghị sĩ giấu tiền biển thủ trong đồ lót
Thượng nghị sĩ Chico Rodrigues, bị bắt quả tang cất số tiền biển thủ công quỹ chống Covid-19 tại nhà ở bang Roraima, thậm chí giấu trong quần lót.
Truyền thông Brazil hôm 15/10 cho hay cảnh sát đã đột kích vào nhà riêng của nghị sĩ Chico Rodrigues tại bang Roraima, miền bắc nước này, khi tiến hành cuộc điều tra hành vi tham nhũng số công quỹ vốn được dành cho cuộc chiến chống Covid-19.
“Họ đã phát hiện 30.000 real (5.300 USD) tiền mặt, một phần trong số đó được giấu trong đồ lót ông Rodrigues mặc trên người”, truyền thông Brazil dẫn các nguồn tin từ cuộc điều tra cho hay.
Cảnh sát liên bang xác nhận đang nỗ lực phá một “âm mưu phạm tội nhằm biển thủ số tiền ngân sách” vốn được bố trí nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 ở bang Roraima.
Thượng nghị sĩ Rodrigues, một đồng minh của Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro, cũng ra tuyên bố xác nhận ông đã bị cảnh sát khám nhà liên quan quá trình điều tra, song không đề cập đến số tiền mặt bị phát hiện cũng như chỗ giấu tiền.
Nghị sĩ này phàn nàn rằng nhà riêng của ông đã bị xâm phạm dù ông “chỉ thực hiện nhiệm vụ của một nhà lập pháp”, đồng thời khẳng định mình “không làm gì sai”.
Nghị sĩ Chico Rodrigues phát biểu tại phiên họp toàn thể của thượng viện Brazil, ngày 11/2. Ảnh: AFP.
Tổng thống Bolsonaro cáo buộc truyền thông lợi dụng thông tin trên để làm xấu hình ảnh về chính quyền ông. “Cuộc điều tra này là một ví dụ điển hình cho thấy không có tham nhũng trong chính phủ của tôi, và rằng chúng tôi đang xử lý những kẻ nạn tham nhũng, cho dù đó là ai”, Bolsonaro nói.
Bolsonaro cam kết chống tham nhũng kể từ khi đắc cử năm 2018, song đã phải đối mặt với không ít bê bối kể từ khi nhậm chức, bao gồm một cuộc điều tra về con trai ông, Flavio Bolsonaro, người bị cáo buộc lạm dụng công quỹ trong thời gian là nghị sĩ bang Rio de Janeiro.
Bolsonaro cũng đang bị điều tra sau cáo buộc của cựu bộ trưởng tư pháp Sergio Moro, cho rằng tổng thống đã nỗ lực can thiệp vào các cuộc điều tra của cảnh sát nhằm bao che cho các thành viên gia đình và bạn bè của ông.
Bê bối đạo văn 'nhấn chìm' lần tranh cử đầu tiên của Biden
Ngày 23/9/1987, Joe Biden khép lại chiến dịch tranh cử trong bão dư luận xoay quanh một phẩm chất mà ông đã nỗ lực thuyết phục cử tri rằng ông có: tính trung thực.
"Tôi đã mắc một số sai lầm", Biden, khi đó là thượng nghị sĩ Mỹ lần đầu ra tranh cử vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, nói. "Nhưng bây giờ, bóng đen bị thổi phồng của những sai lầm đó đã bắt đầu che khuất bản chất của việc tôi ứng cử và con người tôi".
Hơn ba thập kỷ sau, lùm xùm này được Phó tổng thống Mike Pence nhắc lại trong cuộc tranh luận với Kamala Harris, "phó tướng" của Biden ngày 7/10. Khi Harris nói rằng chính quyền Biden sẽ tập trung vào "truy vết tiếp xúc, xét nghiệm, chú trọng vaccine và đảm bảo vaccine miễn phí cho tất cả mọi người" để chống Covid-19, Pence cáo buộc Biden sao chép chính sách của chính quyền Trump. "Đây có vẻ là đạo văn - điều mà Joe Biden ít nhiều am hiểu", ông nói.
Thượng nghị sĩ Joe Biden trong cuộc họp báo tại tòa quốc hội Mỹ năm 1987. Ảnh: AP.
Chiến dịch tranh cử đầu tiên của Biden bắt đầu rơi tự do từ ngày 11/9/1987, khi phóng viên chính trị David Yepsen nhận được một video so sánh phát biểu của ông với phát ngôn của lãnh đạo Công đảng Anh Neil Kinnock. Trong bài phát biểu vào tháng 5/1987, Kinnock nhấn mạnh vai trò của chính quyền với người dân khi nhắc đến xuất thân của ông và vợ mình.
"Tại sao tôi là người nhà Kinnock đầu tiên trong một nghìn thế hệ có thể vào đại học?", ông nói rồi chỉ về phía vợ mình, ngồi ở khu vực khán giả. "Tại sao Glenys là người phụ nữ đầu tiên trong một nghìn thế hệ gia tộc có thể vào đại học? Có phải vì tất cả tổ tiên của chúng tôi đều không sáng dạ? Những người biết ngâm thơ và làm thơ? Những người có thể làm việc 8 giờ dưới lòng đất và sau đó vẫn có sức chơi bóng đá?".
Trong phát ngôn khép lại cuộc tranh luận vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở Iowa ngày 23/8/1987, Biden nói: "Tại sao tôi là người đầu tiên gia đình học đại học? Tại sao vợ tôi, người ngồi ở hàng ghế khán giả, là người đầu tiên trong gia đình cô ấy vào đại học. Liệu có phải tổ tiên của chúng tôi không sáng dạ? Việc tôi đỗ đại học có chứng tỏ tôi thông minh hơn những người khác trong gia tộc hay không? Những người biết làm thơ và dạy tôi cách ngâm thơ? Liệu có phải vì họ đã không làm việc chăm chỉ? Tổ tiên của tôi, những người vẫn có sức chơi bóng bầu dục trong 4 giờ sau 12 giờ làm việc trong các mỏ than ở đông bắc Pennsylvania?"
Bài phát biểu bị nghi đạo văn của Biden năm 1987. Video: Vox.
Yepsen cho rằng video này rất đáng chú ý, nhưng ông không nghĩ nó sẽ có tác động quá lớn đến chiến dịch của Biden. Biden và phụ tá cũng không nghĩ đó là vấn đề lớn. Trong nhiều tuần trước đó, Biden từng đưa phát ngôn của Kinnock vào phát biểu của mình, nhưng đã dẫn nguồn rõ ràng.
"Tôi đã thấy ông ấy dẫn nguồn Neil Kinnock khoảng 20 lần", David Wilhelm, phụ tá cho chiến dịch của Biden vào thời điểm đó, nói. "Vì vậy, tôi không biết liệu đây có thể gọi là đạo văn hay không, tôi nghĩ chỉ đơn giản là ông ấy quên dẫn nguồn. Ông ấy không định chiếm đoạt câu chuyện đời thực của một anh chàng người Anh nào đó mà chỉ sử dụng một câu trích dẫn có tác dụng lớn trong chiến dịch".
Nhưng ngày 12/9/1987, khi nhiều báo đưa tin về việc này, tác động của video đã trở nên rõ ràng. "Bụng dạ tôi quặn thắt khi xem NBC News đặt video của tôi và Kinnock song song trên một khung hình", Biden viết trong một cuốn sách xuất bản năm 2007. "Thật khủng khiếp, nó đến vào lúc không thể tồi tệ hơn".
Biden khi đó là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện và đang cố gắng chặn Robert Bork trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao vì ông này có quan điểm bảo thủ gây tranh cãi, khiến các nhà hoạt động dân quyền lo ngại.
Chiến dịch tranh cử của Biden khẳng định đây là sai sót chỉ xảy ra một lần. Nhưng Biden sau đó bị phát hiện cũng từng "quên" dẫn nguồn Kinnock trong cuộc phỏng vấn ngày 26/8 với Hiệp hội Giáo dục Quốc gia. Biden cũng thừa nhận rằng ông đã thay đổi một số chi tiết về gia đình mình để giống với xuất thân của Kinnock. Thực tế, Biden không phải là người đầu tiên trong gia tộc vào đại học. Tổ tiên của ông cũng không phải là thợ khai thác than mà là kỹ sư mỏ.
Jeffrey Lord, nhân viên Nhà Trắng dưới quyền Tổng thống Ronald Reagan, biết rằng ông không thể ngồi yên. Vài tháng trước đó, trong lúc mắc kẹt ở thủ đô Washington giữa cơn bão tuyết, ông đã xem Biden phát biểu trước các đảng viên Dân chủ tại California trên truyền hình. Là một người hâm mộ cố thượng nghị sĩ Robert Kennedy, Lord ngay lập tức nhận ra Biden sử dụng một số đoạn dài trong các bài phát biểu của Kennedy mà không dẫn nguồn.
"Vì vậy, khi nhìn vào nghi án đạo văn Neil Kinnock, nhiều người nói 'ôi, đó là lỗi vô tình thôi, ông ấy không phải là kiểu người làm vậy'. Nhưng tôi biết điều đó không đúng", Lord nói.
Lord liên lạc với New York Times, tìm ra các đoạn ghi âm bài phát biểu của Kennedy và đưa việc này ra ánh sáng. Phụ tá của Biden giải thích rằng họ đã quên viết câu dẫn nguồn vào bài phát biểu của Biden. Tuy nhiên, truyền thông lại phát hiện Biden "bê" một số câu nói của cựu phó tổng thống Hubert Humphrey vào một bài phát biểu khác.
Ngày 16/9/1987, mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi có tin đồn Biden từng bị cáo buộc đạo văn khi còn ở trường luật. Một bạn cùng lớp đã bay đến trường luật thuộc Đại học Syracuse để lấy hồ sơ của Biden. Chồng tài liệu, bao gồm ghi chú từ một cuộc họp khoa năm 1965, xác nhận rằng Biden đã đưa 5 trang của một bài đánh giá luật vào bài luận 15 trang của mình mà không dẫn nguồn.
Để dập tắt tranh cãi, Biden sáng hôm sau công bố hồ sơ trước công chúng, trong đó có bức thư ông viết cho trưởng khoa, nhấn mạnh rằng ông không cố ý đạo văn và cầu xin không bị đuổi học.
Tại cuộc họp báo ngày 17/9/1987, Biden nói với các phóng viên rằng đây chỉ là sự cố hiểu nhầm về chú thích cuối trang. "Tôi đã làm một điều rất ngu ngốc cách đây 23 năm", ông nói và chỉ ra rằng một số giáo sư đã khẳng định ông là người trung thực. Biden gọi những cáo buộc đạo bài phát biểu là "chuyện bé xé ra to".
Khi cuộc họp báo kết thúc, Biden khẳng định: "Tôi vẫn ở lại cuộc đua này. Tôi tham gia cuộc đua để giành chiến thắng".
Nhưng vài ngày sau, lại một rắc rối nổi lên. Các phóng viên của NewsWeek tìm lại video một tháng trước đó, khi một cử tri ở Claremont, New Hampshire, hỏi Biden một cách châm chọc về thành tích học tập của ông.
Biden tức giận trả lời: "Có khi IQ của tôi cao hơn nhiều so với anh đấy". Ông khẳng định mình đã theo học trường luật với học bổng toàn phần và tốt nghiệp với thứ hạng nằm trong top trên của lớp. "Cuối năm học, tôi là sinh viên xuất sắc của khoa khoa học chính trị", ông nói.
Thực tế, Biden sau đó thừa nhận rằng ông theo học trường luật với học bổng một phần, tốt nghiệp với thứ hạng gần cuối lớp và nhận được danh hiệu nói trên nhờ được một giáo sư cất nhắc.
Hồi tưởng lại những sự kiện này trong một cuốn sách vài thập kỷ sau đó, Biden viết: "Khi tôi ngừng cố gắng giải thích và suy nghĩ thấu đáo thì tôi thấy đúng là tôi có lỗi". Tuy nhiên, ông gọi đó là "sai lầm trung thực". "Tôi đã nhớ nhầm về thành tích học tập của mình, tôi không nhớ thứ hạng của mình. Tôi đã không quan tâm. Nhưng câu nói đòi so IQ đúng là ngớ ngẩn".
Đêm 22/9/1987, gia đình của Biden tập trung trong phòng khách để thảo luận về những ưu và nhược điểm của việc ở lại cuộc đua. Hai con trai Beau và Hunter khăng khăng rằng ông không nên nhượng bộ điều mà họ gọi là "đòn tấn công rẻ tiền". Những người khác lo lắng rằng việc mải mê cố gắng cứu vãn chiến dịch sẽ khiến ông xao nhãng nỗ lực chặn đề cử của Bork. Cuối cùng, mẹ của Biden nói: "Đến lúc con rút lui rồi".
Sáng hôm sau, ông thông báo rút khỏi cuộc đua, chưa đầy 4 tháng sau khi chiến dịch tranh cử bắt đầu. Vợ của Biden, Jill, năm 2019 nói bê bối này "không chỉ gây tổn hại về mặt chính trị" mà còn "ảnh hưởng lớn về mặt cá nhân" đối với chồng bà. "Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động chính trị, Joe được biết đến với tính trung thực".
Ted Kaufman, bạn lâu năm và là phụ tá của Biden năm 1987, nói rằng lùm xùm này "đã lui vào dĩ vãng quá lâu" và không liên quan đến chiến dịch hiện nay. Biden và các cố vấn của ông thì khẳng định các cáo buộc đạo văn và nói dối đã bị thổi phồng quá mức và Biden năm đó đã bỏ cuộc đua một phần vì muốn tập trung vào các vấn đề khác.
"Hãy nhìn vào sự trung thực của ông ấy kể từ đó", Kaufman nói vào năm 2019. "Tôi không nhìn thấy bất kỳ điểm tương đồng nào giữa chiến dịch hiện nay và năm 1987".
Tuy nhiên, lời nhận xét của Kaufman không chính xác, bởi sau vụ lùm xùm năm 1987, Biden vẫn vướng thêm nhiều rắc rối vì "vạ miệng". Năm 2007, Biden nói rằng ông "bị bắn" tại Vùng Xanh ở Iraq, sau đó ông đính chính rằng ông ở gần nơi một viên đạn bắn ra.
Năm 2008, ông nói với AP rằng "hàng trăm nghìn người đã đến nghe bài phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử thượng viện năm 1972 của tôi, theo nghĩa đen", dù điều này không đúng sự thật. Hồi tháng 4/2019, Biden cũng cáo buộc sai sự thật rằng chỉ doanh nghiệp và giới giàu được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế của Trump.
Dù vậy, Frank Fahey, cử tri Biden từng phản bác gay gắt ở Claremont năm 1987, nói rằng ông lấy làm tiếc khi cuộc đối thoại của hai người có thể là một trong những yếu tố khiến Biden từ bỏ cuộc đua. Năm 2019, trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, Fahey cho biết Biden là ứng viên ông ủng hộ nhất.
"Ông ấy là người bình tĩnh và đã phát triển bản thân rất nhiều trong những năm qua", Fahey nói. "Chúng ta ai mà không từng làm những việc không nên làm cơ chứ".
Trump sẽ đề cử ứng viên thẩm phán tối cao cuối tuần này Trump đang xem xét 4-5 ứng viên thay thế cố thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Ginsburg và dự kiến công bố đề cử sớm nhất vào ngày 25/9. Tổng thống Donald Trump dự kiến công bố đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ vào ngày 25-26/9 nhằm thể hiện sự tôn trọng với thẩm phán Ruth Ginsburg vừa qua...