Nghi phạm đánh bom Bangkok có thể dùng hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả mạo
Cảnh sát Thái Lan đang điều tra khả năng nghi phạm vụ đánh bom tại đền Erawan ở trung tâm thủ đô Bangkok hôm 17/8 có thể sử dụng một hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả mạo.
Một tấm bảng điện tử chiếu ảnh phác họa chân dung nghi phạm chính trong vụ đánh bom tại Bangkok (Ảnh: Getty)
Các nguồn tin cho biết cảnh sát đã đưa ra bản sao một bản sao hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ với các nhân viên khách sạn và tài xế xe ôm và hỏi thông tin về các du khách từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thái Lan gần đây đã phát lệnh truy nã “một người đàn ông ngoại quốc” chưa rõ danh tính, nhưng diễn biến mới nhất trên đây là dấu hiệu công khai đầu tiên cho thấy các nhân viên điều tra đang tập trung vào một nghi phạm từ một quốc gia cụ thể.
Tuy nhiên, các nhân viên điều tra được cho là cũng nói rằng họ tin hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ có thể là giả mạo.
Cảnh sát đã tới các khách sạn giá rẻ và các tòa nhà chung cư cho thuê tại một quận trung tâm ở Bangkok, nơi có nhiều người Hồi giáo nước ngoài và địa phương, để thẩm vấn các nhân viên và xem xét các dữ liệu khách trọn cũng như các camera an ninh.
Một quan chức tại một đền thờ Hồi giáo địa phương cho hay cảnh sát đã cho ông xem bức phác họa chân dung nghi phạm chính trong vụ đánh bom Bangkok, được cảnh sát miêu tả là trông giống người Trung Đông hoặc vùng Kavkaz. Quan chức này cho biết người đàn ông này chưa từng tới ngôi đền.
Các nhân viên khách sạn và tài xế xe ôm đã được cảnh sát cho xem một bản sao hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Alamy)
Một nhân viên lễ tân tại một khách sạn gần nhà thờ Hồi giáo cho biết giới chức Thái đã cho cô xem bản sao một hộ chiếu mà họ nói là của Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình trò chuyện. Nhưng cô này cũng không biết người trong ảnh.
Trong khi đó, các tài xế xe ôm thường đứng tại một vị trí gần khách sạn trên nói họ tin đã chở nghi phạm vài lần, nhưng là vài tháng trước. Họ cũng cho biết đã được giới chức cho xem bản sao một hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo quan chức nhà thờ, cảnh sát đã cho ông xem 2 trang danh sách các khách sạn và tòa nhà chung cư tại các khu vực Silom và Sathorn mà họ phải tiếp cận trong quá trình điều tra.
Trước đó, đã có các nguồn tin nói rằng nghi phạm chính đi xe ôm tới khu vực Silom sau vụ đánh bom.
Video đang HOT
Nhưng chưa có khẳng định chắc chắn nào rằng anh ta từng ở Bangkok trước vụ đánh bom, vì anh ta đã bắt xe tuk tuk từ nhà gia tàu chính của thành phố tới đền Erawan.
Bí ẩn ngày càng gia tăng
Những bí ẩn liên quan tới động cơ của vụ đánh bom cũng như kẻ chủ mưu vẫn ngày một gia tăng. Cảnh sát Thái Lan tin rằng nghi phạm là người nước ngoài, trong khi chính phủ cầm quyền nói vụ nổ được tin là không liên quan tới các nhóm khủng bố quốc tế.
Khả năng liên hệ tới Thổ Nhĩ Kỳ đã làm nảy sinh các đồn đoán mới tại Thái Lan rằng vụ nổ có thể dính dáng tới người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm thiểu số Hồi giáo nói tiếng Turkic (Thổ) ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Thái Lan gần đây đã trục xuất hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ xâm nhập bất hợp pháp về lại Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của các tổ chức nhân quyền.
Vụ đánh bom tại Bangkok đã làm 20 người chết và hơn 20 người bị thương (Ảnh: Rex)
Cơ quan tình báo Anh và Mỹ đang phối hợp với giới chức Thái Lan giữa lúc có những lo ngại rằng vụ tấn công tại Bangkok có thể là hành động của các phần tử khủng bố Hồi giáo.
Bangkok vốn được sử dụng như một điểm quá cảnh cho các phần tử cực đoan Hồi giáo và từ lâu đã có những lo ngại rằng thủ đô của Thái Lan có thể trở thành một “mục tiêu mềm” của những kẻ khủng bố.
Nhưng hiện vẫn chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Vụ đánh bom tại Bangkok nhắm vào một địa điểm có nhiều người Thái và du khách Trung Quốc cũng như các quốc gia châu Á khác thường lui tới, chứ không phải một địa điểm thu hút đông du khách phương Tây.
Cũng có nghi ngờ rằng vụ nổ có thể liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị trong nước kéo dài cả thập niên qua, hoặc những bất đồng trong nội bộ chính quyền quân sự, hoặc phong trào nổi dậy Hồi giáo ở miền nam Thái Lan.
Vụ đánh bom tại đền Erawan ở thủ đô Bangkok tối ngày 17/8 đã làm 20 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương. Cảnh sát Bangkok đang truy lùng một người đàn ông áo vàng, kẻ bị xem là nghi phạm chính. Người này được nhìn thấy đặt một chiếc balô bên trong đền, chỉ ít phút trước khi xảy ra vụ nổ bom.
Cảnh sát cũng đang tìm kiếm một phụ nữ mặc đồ đen được xác định qua các camera giám sát tại hiện trường vụ đánh bom ở đền Erawan. Hai nam giới khác trước đó bị tình nghi trợ giúp nghi phạm chính đã được xác định không liên quan tới vụ đánh bom.
Một vụ nổ bom khác đã xảy ra tại một cầu cảng đông người qua lại tại Bangkok ngày 18/8. Cảnh sát đang tìm kiếm một nghi phạm trong vụ đánh bom này, người được nhìn thấy đá một chiếc túi khả nghi tại vị trí xảy ra vụ nổ bom.
An Bình
Theo Dantri/Khaosod, Telegraph
Nghi phạm đánh bom Bangkok thuộc một "mạng lưới"
Người đứng đầu cảnh sát quốc gia Thái Lan ngày 19/8 cho biết vụ đánh bom gần ngôi đền thiêng Erawan giữa trung tâm thủ đô Bangkok, làm 20 người chết và hơn 120 người bị thương, do một "mạng lưới lớn hơn" thực hiện.
Nghi phạm được nhìn thấy đeo balô và không mang balô khi đi ra (Ảnh: Chiangraitimes)
"Đó là một mạng lưới", ông Somyot Poompanmoung, Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, phát biểu trước báo giới hôm nay nhưng không nói chi tiết.
"Chúng tôi tin rằng phải có những người khác, người Thái, trợ giúp anh ta", ông Somyot nói thêm, dường như loại trừ hành động của một con "sói đơn độc".
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nhân viên điều tra đang cố gắng truy tìm nghi phạm chính, một nam giới mặc áo vàng được nhìn thấy bỏ một ba lô tại ngôi đền Erawan chỉ ít phút trước khi xảy ra vụ nổ bom.
Cảnh sát Thái Lan ngày 19/8 đã công bố treo thưởng 1 triệu baht (28.000 USD) cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ nghi phạm chính.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã miêu tả vụ đánh bom là vụ tấn công tồi tệ nhất tại Thái Lan.
Theo AFP, ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong vụ nổ bom giữa trung tâm thủ đô Bangkok, trong đó 11 người nước ngoài. Hơn 120 người khác cũng bị thương, trong đó 68 người hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch.
11 người nước ngoài nằm trong số 20 người thiệt mạng trong vụ tấn công (Ảnh: AFP)
Trước đó, đền Erawan đã được mở cửa trở lại vào 8 giờ sáng nay, 36 giờ sau khi khu vực bị phong tỏa phục vụ cuộc điều tra vụ đánh bom hôm 17/8. Nhiều người đã đến đặt hoa và thắp hương tại ngôi đền.
Người Thái lo sợ một vụ tấn công khác
Hiện đang có các thông tin mâu thuẫn từ cảnh sát Thái Lan về việc liệu vụ nổ bom hôm 17/8 có liên quan tới một vụ nổ nhỏ ngày 18/8 hay không.
Một thiết bị nổ được ném về phía cầu tàu Sathorn ở thủ đô Bangkok hôm qua, nhưng quả bom rơi xuống nước rồi phát nổ và không ai bị thương.
Đại tá Kamthorn Ouicharoen, người đứng biệt đội phụ trách bom mìn của cảnh sát Thái Lan, xác nhận rằng quả bom bị ném tại cầu tàu Sathorn cùng loại với quả bom phát nổ tại đền Erawan.
Rất đông người đã tới đặt hoa và thắp hương tại đền Erawan khi nó được mở cửa trở lại vào sáng nay 19/8, 2 ngày sau vụ nổ bom (Ảnh: EPA)
Tuy nhiên, một nguồn tin cấp cao tại Hội đồng an ninh quốc gia hôm nay cho biết sự khác biệt về cách thức thực hiện và ý định của 2 vụ tấn công đã làm giảm khả năng có mối liên hệ giữa 2 vụ việc.
"Quả bom thứ 2 dường như nhằm gây bất ổn" hơn là giết người, nguồn tin giấu tên nói.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Winthai Suvaree cho hay an ninh đã được tăng cường tại các địa điểm du lịch "đặc biệt nơi có nhiều du khách Trung Quốc".
Nhưng do nghi phạm vẫn chưa bị bắt nên người Thái giờ đây tỏ ra lo sợ về một vụ tấn công khác.
"Tôi vẫn sợ vì bạn không bao giờ biết khi nào chúng (những kẻ tấn công) sẽ hành động một lần nữa", Sommai Gazem, 43 tuổi, nói.
An Bình
Theo Dantri
Xuất hiện manh mối mới vụ đánh bom Bangkok Cảnh sát Thái Lan hôm nay cho biết, họ đang xác minh một video an ninh mới, ghi lại hành tung khả nghi của một người đàn ông mặc áo phông xanh trong bối cảnh các nhà điều tra bị chỉ trích đã khám nghiệm hiện trường vụ đánh bom tại đền Erawan quá sơ sài. Cảnh sát Thái Lan ngày 22.8 cho...