Nghi ngờ có người mắc Covid-19, siêu thị, nhà hàng phải xử lý thế nào?
Khi phát hiện có người nghi ngờ mắc Covid-19, đơn vị quản lý phải đưa đến khu vực cách ly tạm thời và gọi điện đến đường dây nóng của ngành y tế để được hướng dẫn xử lý.
Phát thanh trong thời gian mở cửa để nhắc nhở phòng, chống dịch
Bộ Y tế vừa có Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng (bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống), cửa hàng tiện lợi/cửa hàng tiện ích.
Theo hướng dẫn mới ban hành ngày 7/12 này, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng…phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể.
Các đơn vị này cũng phải công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch để người lao động/làm việc, người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết. Tạo mã QR hoặc tờ khai y tế để kiểm dịch và trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại lối vào khu dịch vụ.
Bộ cũng hướng dẫn phải bố trí khu vực xếp hàng vào khu dịch vụ có đánh dấu vị trí giãn cách giữa các khách hàng theo quy định. Tại khu vực lối vào, siêu thị, nhà hàng phải tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định. Bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch; có biện pháp kiểm soát mật độ người đảm bảo quy định phòng, chống dịch.
Lực lượng công an kiểm tra việc thực hiện quy định tại các quán ăn ở Hà Nội. Ảnh: VietNamNet
Bố trí phòng, khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/làm việc, người bán hàng khi đang làm việc tại đây có một trong các biểu hiện như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc được xác định mắc bệnh hoặc được xác định là người tiếp xúc vòng 1 (F1) hoặc người tiếp xúc vòng 2 (F2).
Video đang HOT
Yêu cầu đơn vị và người giao hàng thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K, quy định về phòng, chống dịch và ghi lại thông tin người giao hàng, người nhận hàng, thời gian giao nhận hàng…
Đồng thời, các đơn vị phải tổ chức theo dõi hàng ngày sức khỏe của người lao động/làm việc, người bán hàng. Không bố trí làm việc đối với người có một trong các biểu hiện như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và người thuộc đối tượng F1, F2. Yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe tại nhà trước đến nơi làm việc.
Ngoài ra, các siêu thị, nhà hàng trung tâm thương mại… phải phát thanh trong thời gian mở cửa khu dịch vụ để nhắc nhở người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng thường xuyên thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, các đơn vị này cũng bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, giấy vệ sinh.
Điều chỉnh số lượng người lao động/làm việc, người bán hàng theo tình hình dịch bệnh, theo quy định của chính quyền địa phương và thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 một tuần/lần.
Xử trí khi có người nghi mắc Covid-19
Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn cho nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở.
Đó là thông báo cho cán bộ quản lý nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… và cán bộ y tế phụ trách địa bàn. Cán bộ quản lý/cán bộ y tế cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đeo đúng cách.
Người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác. Đơn vị quản lý nhà hàng, siêu thị… đưa người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại chỗ. Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời là bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu vực các gian hàng (nếu có thể).
Phòng cách ly tạm thời cũng phải đảm bảo thoáng khí, thông gió tốt, hạn chế đồ đạc trong phòng, có chỗ rửa tay, thùng đựng rác có nắp đậy kín và có khu vực vệ sinh riêng.
Ngoài ra, đơn vị quản lý phải gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến cơ sở y tế. Đồng thời, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… phát hiện có người nghi nhiễm phải lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại chỗ khi cơ quan y tế yêu cầu.
Nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron vào Việt Nam là rất lớn
Theo Bộ Y tế, đến nay đã có ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận biến chủng Omicron.
Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng này song nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.
Bộ Y tế vừa có công điện gửi các tỉnh thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trước biến chủng Omicron.
Theo đó, trong thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ngày 25/11, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Đến ngày 2/12, đã ghi nhận ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận biến chủng này.
Tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.
Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn.
Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K vaccine, thuốc điều trị công nghệ ý thức của nhân dân. Trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế. Bộ Y tế lưu ý phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Các địa phương cũng cần tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique...) và một số quốc gia khu vực châu Âu. Theo đó thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Đồng thời, tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19. Các địa phương chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.
Về tiêm chủng, các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền), đảm bảo an toàn, hiệu quả; khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên. Song song với đó, triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn.
Về điều trị, Bộ lưu ý phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu, bảo đảm đủ máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Tại các khu công nghiệp, trường học, cần đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Các tỉnh thành cũng cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...
"Bà trùm" cá thát lát ở Hậu Giang có 8 sản phẩm OCOP, được các siêu thị lớn tìm đến tận nơi đặt hàng Trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhưng ở tỉnh Hậu Giang có một HTX có 8 sản phẩm OCOP từ cá thát lát vẫn hoạt động kinh doanh ổn định, đặc biệt dù đang trong lúc dịch bệnh vẫn được siêu thị lớn tìm đến tận nơi đặt hàng. "Bà trùm"...