Nghị lực phi thường của người đàn ông cao… 60cm
Chỉ cao 60cm, đôi mắt bị mù, chân tay teo tóp, hơn 30 năm nằm liệt giường, nhưng anh Trịnh Thanh Sơn vẫn làm trang trại chăn nuôi, mở lò ấp trứng. Nghị lực vượt lên số phận của người đàn ông “đặc biệt” này khiến nhiều người khâm phục.
Nỗi đau chồng nỗi đau
Về xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, hỏi anh Sơn làm trang trại gà không ai là không biết. Một người hàng xóm dẫn đường cho chúng tôi khoe: “Các chú mua gà hay đưa trứng đến ấp ở nhà chú Sơn thì yên tâm rồi, chú ấy làm chất lượng lắm. Không chỉ người dân ở đây mà có cả người ở huyện khác rồi ngoài tỉnh Ninh Bình cũng vào đây mua. Bị khuyết tật nhưng chú ấy làm kinh tế giỏi lắm”.
Anh Trịnh Thanh Sơn nằm liệt một chỗ nhưng vẫn làm chủ trang trại, mỗi năm cho thu nhập cao.
Trong căn nhà ba gian rộng rãi, mới đến, không ai có thể tin rằng đây là ngôi nhà của một người tật nguyền, quanh năm chỉ nằm một chỗ. Chủ căn nhà là anh Trịnh Thanh Sơn, năm nay đã 46 tuổi nhưng nhìn anh như đứa trẻ lên 7. Thân hình nhỏ, gầy còm, tay chân teo tóp, bị liệt, đôi mắt mù lòa, cả cơ thể cao chưa đầy 1m.
Số phận quá nghiệt ngã khiến anh trải qua những tháng ngày khổ cực. Nỗi đau này chưa qua thì nỗi đau khác lại tới, anh chưa được một ngày sống bình yên.
Khi mới sinh ra được hơn 1 tuổi thì mẹ đẻ bỏ đi, một gia đình trong làng thương xót đã nhận anh về nuôi. Đến khi lên 10 tuổi, bố nuôi anh vì mắc bệnh hiểm nghèo mà qua đời. Từ đây, cuộc đời anh bắt đầu với những ngày tháng khó khăn nhất khi anh gặp phải chứng bệnh lạ.
Anh Sơn kể: “Lúc bắt đầu bị bệnh, khi đó tôi mới 10 tuổi. Trong một buổi chiều đi làm đồng giúp mẹ thì tự nhiên thấy toàn thân bị đau nhức, người mệt mỏi, đau như cứ có kim châm. Bệnh dần thấy nặng nhiều hơn khi các khớp ở đầu gối, ngón chân, ngón tay sưng tấy lên khiến tôi không thể đi lại được rồi chỉ nằm một chỗ. Gia đình chỉ có hai mẹ con, nhà lại nghèo nên không có tiền đi bệnh viện. Đến lúc tôi chịu không nổi phải nằm gục thì mẹ và anh em họ hàng mới đưa đi bệnh viện. Bác sĩ nói tôi bị viêm đa khớp nặng không thể chữa khỏi nên sau này không thể đi lại được”.
Mọi sinh hoạt cá nhân, làm trang trại anh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người.
Sau bao nhiêu ngày gia đình cố gắng đưa anh đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh không khỏi được. Căn bệnh ngày càng nặng làm tay chân anh teo tóp, co quắp lại. Chỉ trong một thời gian ngắn, cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn khỏe mạnh ngày nào giờ bỗng thành một đứa trẻ, không thể đi lại được và chỉ nằm bất động một chỗ. Cuộc sống thực vật khiến Sơn chỉ còn biết dựa vào tình thương yêu của mẹ nuôi.
Nằm liệt một chỗ, hàng ngày mẹ nuôi của anh là bà Đồng Thị Xuyên phải lo cơm nước, tắm rửa, vệ sinh… Thời gian cứ trôi qua, hai mẹ con sống với nhau bằng lòng thương yêu và sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Đến năm 1996 anh lại bị viêm giác mạc, không nhìn thấy gì và phải sống trong cảnh bóng tối cho đến nay.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2012, người thân duy nhất là mẹ nuôi của anh mắc bệnh ung thư phổi rồi cũng bỏ anh mà đi mãi. Trong căn nhà trống vắng, lạnh lẽo, chỉ còn lại một mình Sơn nằm im trên giường với nỗi tuyệt vọng. Cuộc sống của Sơn lúc này phải nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của bà con làng xóm.
Nghị lực phi thường của người đàn ông tật nguyền
Mặc dù bị bệnh, phải nằm liệt một chỗ nhưng anh Sơn rất thông minh và có một trí nhớ hơn người. Không đầu hàng trước số phận, anh luôn tìm mọi cách để làm sao không phải sống phụ thuộc vào người khác.
Video đang HOT
Phải nằm liệt một chỗ nên việc kinh doanh, làm trang trại phải nhờ vào chiếc máy điện thoại để giao dịch.
Năm 2002, khi mẹ nuôi còn sống, anh bàn với mẹ đi vay mượn anh em, họ hàng, bà con làng xóm ít tiền để anh kinh doanh. Có được số tiền ít ỏi, hai mẹ con mở một quán bán nước nhỏ trong xóm ngay trên mảnh đất nhà mình. Tất cả vốn liếng chỉ có hơn 3 trăm nghìn nên chỉ bán nước, bánh kẹo, chè khô thuốc lào…
Nằm bán hàng nghe đài thường xuyên nên anh Sơn biết được nhiều về những tấm gương làm trang trại chăn nuôi giỏi. Đến năm 2006, anh quyết định chuyển qua làm trang trại chăn nuôi gia cầm. Không chỉ mẹ nuôi mà anh em bạn bè, hàng xóm đều can ngăn. Nhưng anh vẫn quyết tâm phải làm trang trại cho bằng được.
Chưa biết quyết định này của anh rồi sẽ đi đến đâu, nhưng vì thấy con quyết tâm nên mẹ anh cũng đành chấp thuận chiều theo con. Những ngày sau đó, anh nhờ mẹ bế sang nhà bác họ để học cách chăn nuôi gà và cách ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp. Hơn 3 tháng ròng rã, chàng trai tật nguyền chỉ nằm trên giường để nghe bác giảng giải kỹ thuật chăn nuôi gà và vận hành lò ấp trứng.
Anh Sơn nhớ từng chi tiết và từng công đoạn, sau thời gian được học cách làm lò ấp và chăn nuôi, về nhà anh động viên anh em, họ hàng cùng chung vốn để góp tiền mua lò ấp trứng và chăn nuôi gà, ngan. Trứng gà đẻ ra, anh cho ấp ra gà con để bán.
Đến nay, trang trại của anh Sơn có 110 gà mái đẻ, 40 con gà gô, hàng trăm con gà thịt cho năng suất cao, một lò ấp trứng hiện đại. Bên canh đó anh Sơn còn đầu tư nuôi thêm chó. Một lò ấp trứng hoạt động thường xuyên, mỗi lần ấp được trên 5.000 quả trứng, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn ấp thuê cho bà con nhân dân trong làng ngoài xã. Từ mô hình này, mỗi năm anh Sơn thu nhập trên 50 triệu đồng tiền lãi.
“Tôi thì có thể làm được gì, tất cả công việc đều nhờ người làm hết. Mang tiếng là chủ trang trại nhưng đã khi nào được nhìn thấy vật nuôi của mình, được tận tay chăm sóc chúng đâu. Tôi nằm một chỗ rồi hướng dẫn cho mẹ, người làm cách chăm sóc gà đẻ, gà thịt, cách phòng chống bệnh gia cầm rồi lượng thức ăn pha chế. Điều hành lò ấp làm sao cho nhiệt độ đúng thì gà mới nở được. Cứ làm theo như thế thì có kết quả thôi”, anh Sơn cho biết.
Căn nhà 3 gian rộng rãi thoáng mát là tiền tiết kiệm sau nhiều năm làm kinh tế mà anh Sơn xây dựng được.
Ông Ngô Đăng Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh cho biết: “Hoàn cảnh anh Sơn vô cùng đặc biệt, sớm mồ côi cha mẹ, cơ thể tàn tật. Chính quyền cũng thường cử người tới động viên anh ấy, giúp chăm lo việc nhà. Bị tật nguyền nhưng anh có một nghị lực phi thường mà ít ai có được. Nằm một chỗ làm chủ cả trang trại lớn mỗi năm cho thu nhập cao, còn tạo điều kiện cho nhân công làm thuê kiếm thêm thu nhập nữa”.
“Cái khó mà anh Sơn gặp phải bây giờ là về nguồn vốn để mở rộng trang trại chăn nuôi. Địa phương đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng ngân hàng không giải ngân vốn vì cho rằng anh bị bệnh tật nên không đủ hành vi năng lực dân sự, và những điều kiện để vay vốn”, ông Khoa cho biết thêm.
Theo 24h
Rắn "đẻ" ra vàng
Từ một nông dân vốn chỉ nhờ cậy vào cây cói, sau 10 năm vật lộn nuôi rắn hổ mang, anh đã trở nên giàu có. Tuy chưa nhiều tiền như những người bán vàng, hay buôn hàng ngoại quốc, nhưng đã có của ăn của để, của dành cho các con lúc lấy vợ gả chồng.
Trong khi dân làng say sưa với giấc ngủ, thì "chàng rái cá" bì bõm dưới ao hoặc cánh đồng cói để đổ ống lươn. Mùa đông trời rét căm căm, cái quần đùi không đủ che nửa thân người, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, bàn tay chai sần tím tái vì ngâm lâu trong nước, nhưng thà chịu khổ, rét mướt còn hơn để vợ con tắt bữa.
Đó là hình ảnh của "chàng rái cá" cách đây 27 năm về trước, còn bây giờ anh là ông chủ của đàn rắn "đẻ" ra vàng, anh là Nguyễn Đình Khôi ở xóm 2, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Bát cơm chan đầy nước mắt
Làm cách nào để thoát nghèo khi trong tay không nghề nghiệp. 3 sào cói chỉ đủ cho "4 cái tàu há mồm" ăn học trong hai tháng, 10 tháng còn lại phải chạy vạy "buôn thúng bán mẹt" nhưng cháo vẫn không đủ ăn.
Không thể bó tay và để vợ con đói khổ, Khôi đã lập nghiệp nghề rắn bằng đi đặt ống lươn ở các ao hồ khắp 6 xã trồng cói. Đó là câu chuyện của "chàng rái cá" cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Giới thiệu rắn hổ mang trâu với khách.
Vượt qua cánh đồng cói và con đường ngoằn ngoèo liên thôn, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Đình Khôi ở xóm 2 xã Nga Liên (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Vợ anh - chị Lương Thị Nữ - nở nụ cười tươi rói trên môi: "Chúc mừng năm mới. Mời các chú vào nhà, đi cả giày vào".
- Năm nay được mùa rắn, thảo nào hai bác đón tết to là phải rồi?
- Chẳng giấu gì hai chú, tất cả công trình này đều nhờ vào rắn cả đấy. Ngày trước đói nghèo khổ sở, tết chẳng đủ gạo ăn, nay có tiền cũng phải sắm cái tết cho tươm tất chứ. Chị Nữ vui vẻ như cởi tấm lòng.
Nhìn dãy nhà ngói khang trang hình chữ U xây dựng khá vững chắc giữa cánh đồng cói, ít ai biết nơi này trước đây là ao hồ sình lầy. Người dân xã Nga Liên chỉ đến đây ban ngày, còn về đêm không ai bén bảng tới. Phần vì sợ rắn rết, trẻ con thì sợ ma vì quá hoang vu.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Khôi phân trần: "Căn nhà này tôi xây gần 5 năm rồi, tất cả từ tiền nuôi rắn. Trước đây cả vợ chồng con cái ở cái nhà lợp bổi. Mùa nắng không có chỗ mà chui, mùa mưa ngập nước. Lúc ấy, nhà mới có 4 cái "tàu há mồm", sắn khoai cũng không đủ. "Lúc đó gia đình tôi nghèo rớt mồng tơi, có thể nói nghèo nhất xã Nga Liên. Cả nhà chỉ có 1 cái giường bằng luồng, tôi nhường cho mẹ con nó còn mình nằm đất.
Ngày ấy tôi mới có hai đứa con chứ không phải 9 đứa như bây giờ. Quần áo chúng nó mặc chung. Như một vòng luẩn quẩn, đã nghèo lại đông con, vợ đẻ sòn sòn năm một. Làm gì để nuôi mình và vợ con khi cả nhà chỉ có ba sào ruộng, con thì ngày một lớn dần, trong khi tiền kiếm được từ bán cói khô không đủ mua gạo nấu cháo qua ngày. Bao đêm tôi suy nghĩ nát óc: Nghề cơ khí thích lắm nhưng mình không có trình độ, làm cói thì bán chẳng ai mua. Tôi bắt đầu đi bắt lươn từ sự mách bảo của người hàng xóm" - anh Khôi chia sẻ.
Tìm những ống nứa, ống tre cũ và học hỏi từ người đi trước, tự tay anh đan toi (ở Nga Sơn gọi nắp ống lươn là cái toi). Gà gáy canh ba, khi dân làng say sưa với giấc ngủ, thì "chàng rái cá" bì bõm dưới ao hoặc cánh đồng cói để đổ ống lươn.
Mùa đông trời rét căm căm, cái quần đùi không đủ che nửa thân người, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, bàn tay chai sần tím tái vì ngâm lâu trong nước, đôi mắt mờ đục vì nhiều đêm thức trắng và nhiễm khói từ vỏ lốp xe đạp, cái lưng gầy đét cúi rạp sát mặt nước để đổ ống lươn.
Sau những giờ mò mẫm trong giá rét, anh trở về cái túp lều lợp bổi của mình. Nhiều đêm chị Nữ - vợ anh - không ngủ yên, phần vì thương chồng vất vả, phần sợ chồng bị rắn cắn. Bưng bát cơm sắn nhiều hơn gạo vợ để dành phần hơn cho mình, anh rớt nước mắt. Chị Nữ đổ lươn ra khỏi ống nứa rồi đem đi chợ Hói Đào bán lấy tiền mua "sắn ngạc hưu" về nấu cháo, anh Khôi ở nhà trông con.
Ngày nối ngày, vợ chồng "chàng rái cá" đầu tắt mặt tối mà cũng chỉ đủ ngày 2 bữa cơm độn sắn. Cuộc sống của gia đình anh bắt đầu khởi sắc khi "chàng rái cá" giã từ những đêm một mình mò mẫm dưới ao hồ, chuyển nghề buôn rắn con, nuôi rắn thịt.
Anh Khôi dùng cần bắt rắn hổ mang ra khỏi chuồng
Rắn "đẻ" ra vàng
Anh Nguyễn Đình Khôi bây giờ không còn là "chàng rái cá" năm nào với bát cơm sắn nhiều hơn gạo nữa, mà là ông chủ luôn tất bật với công việc tính toán tiền nong, đếm trứng, giao hàng cho khách.
Giọng anh oang oang: "Tất cả nhà cửa, vật dụng trong nhà đều bằng tiền bán rắn. Chú biết không, trước đây gia đình tôi nghèo lắm. Nhà có 9 đứa con, chỉ kiếm tiền mua gạo cho chúng ăn đã bở hơi tai rồi chứ chưa nói tiền học hành. Từ ngày nuôi được con rắn, không những thoát nghèo, cho con ăn học mà còn mua được nhiều vật dụng đắt tiền".
Anh Khôi chia sẻ, nếu tính kinh tế thì trứng rắn là thu hoạch hiệu quả kinh tế cao nhất. Rắn cái sau khi giao phối, chúng mang bầu và bắt đầu sinh sản vào tháng 4 hằng năm. Mỗi ngày một con rắn cái đẻ khoảng 20 đến 30 quả trứng, đẻ liên tục trong 15 ngày. Trứng rắn hổ mang bành bán cho lái buôn tại nhà là 130.000 đồng/quả, trứng hổ mang trâu bán 270.000 đồng/quả.
Một ngày thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng từ trứng rắn là bình thường. Giá rắn thịt hiện nay cho lái buôn 700.000 đồng/kg đối với rắn hổ mang bành, hổ mang trâu có giá từ 1.000.000 đồng đến 1.200.000 đồng/kg.
Gia đình tôi nuôi 600 con, chủ yếu hai loài rắn độc hổ mang bành và hổ mang trâu, đây là loại bán chạy trên thị trường hiện nay. Năm nay tôi tiếp tục mở thêm chuồng trại và đầu tư nuôi thêm 500 con rắn giống nữa.
Sống chung với rắn độc
Anh Nguyễn Đình Khôi cầm đèn pin dẫn chúng tôi xuống căn nhà ngang bên trái. Hàng trăm ô vuông kết cấu theo hình "gác măng dê" chồng lên nhau ngay ngắn, đó là những chuồng rắn hổ mang độc được nhốt một cách cẩn thận.
Anh Khôi nhẹ nhàng mở cửa một chuồng rắn và soi đèn pin vào. Một con rắn hổ mang ngẩng cao đầu, thè lưỡi, mắt thao láo nhìn về phía trước. Anh cho biết "loại rắn hổ mang ưa sống trong bóng tối và hang hốc khô cằn. Đây là loài rắn độc nên phải nhốt riêng mỗi con một chuồng.
Có bao giờ anh bị rắn cắn không? - tôi hỏi. Anh Khôi chìa bàn tay có vết sẹo chạy dài nói với tôi: "Đây là vết tích của hàm răng con xà mang. Lần ấy, tôi dọn vệ sinh chuồng, vừa đưa xẻng vào hót phân, con xà mang ngoắt cổ lại đớp liền vào tay. Máu chảy lều hêu, tôi nhanh chóng uống thuốc giải độc và rửa sạch vết thương đến luôn bệnh xá. Lần đó tưởng bỏ mạng và không bao giờ nuôi rắn nữa. Thế nhưng do yêu nghề nghiệp nên lại mua rắn con về nuôi".
Theo kinh nghiệm của anh Khôi, khó khăn nhất là lúc dọn vệ sinh cho rắn và lúc lấy trứng rắn. Rắn cái khi đẻ rất hung dữ giữ trứng. Khi lấy trứng phải dùng cái cần hình phễu lấy nhẹ nhàng từng quả một và tránh đụng vào rốn rắn, vì đó là phần nhạy cảm dễ làm rắn nhột.
Khi bị nhột, rắn sẽ quay đầu lại đớp liền hoặc lao thẳng vào mắt mình. Để phòng rắn cắn, khi dọn chuồng, lấy trứng, phải đeo gang tay bảo hộ dài, dày, đeo kính và bịt kín mặt để tránh bị rắn phát hiện ra mắt của mình và tấn công.
Từ một nông dân quanh năm vốn chỉ nhờ cậy vào cây cói, sau 10 năm vật lộn với nghề nuôi rắn hổ mang, anh đã trở nên giàu có. Tuy chưa nhiều tiền như những người bán vàng, hay buôn hàng ngoại quốc, nhưng đã có của ăn của để, của dành cho các con lúc lấy vợ gả chồng. "Khách đến nhà nói đến nuôi rắn độc trong nhà ai cũng rùng mình, còn chúng tôi là bạn của rắn, từ rắn mà có cơm ăn áo mặc", anh Khôi nói chân thành.
Theo Dantri
Truy nã đối tượng cắt gân tay, gân chân người khác Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định truy nã toàn quốc đối với đối tượng Nguyễn Duy Tuấn. Đây là một đối tượng côn đồ máu lạnh khét tiếng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Đối tượng vừa bị cơ quan CSĐT, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án,...