Nghị lực mùa thi: Cậu học trò đi giúp việc nhà và ước mơ vào đại học
Ba mất khi Nguyễn Hải Nam mới 4 tuổi và em trai được 7 tháng, từ đó một mình mẹ gồng gánh xoay xở trả nợ nần và lo cho 2 anh em ăn học.
Thương mẹ, Nam vừa ráng học thật giỏi vừa đi giúp việc nhà phụ mẹ để có thêm trang trải.
Điều cậu học trò nghèo hiếu học lo sợ nhất là mẹ làm việc quá sức rồi ốm đau bệnh tật: “Anh em tụi em đã mất ba rồi, em luôn bị ám ảnh và lo sợ nếu lỡ một ngày nào đó mẹ vì cố gắng lo cho tụi em mà đổ bệnh, rồi cũng bỏ tụi em đi như ba, em rất sợ. Chỉ muốn mình lớn thật nhanh, được đi học đại học, sau này ra trường đi làm có tiền để lo lại cho mẹ, mua nhà cho 3 mẹ con ở”. Những lời tâm sự của cậu học sinh Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khiến ai nghe được cũng thấy nghẹn lòng.
Là con trai, nhưng Nam không ngại ngần phụ mẹ làm giúp việc nhà để có tiền nuôi ước mơ đại học. Ảnh NỮ VƯƠNG
Từng muốn ôm con chết theo chồng…
Hẹn chị Trần Thị Phương (mẹ của Nam) để ghé đến nhà, chị đồng ý và bảo sẽ xin nghỉ làm một buổi. Thế nhưng, khi chúng tôi đến, chị Phương mới tất tả mượn xe gắn máy của chủ (do chị đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch được người ta thương tình cho) để chạy về đón chúng tôi cho kịp. Chị hớt hải và cứ xin lỗi rối rít nhưng chúng tôi biết chị không dám xin nghỉ làm, sợ mất việc thì không có tiền lo cho 2 con ăn học.
Chị Phương đi làm giúp việc đến 3 nhà, một ngày như “chạy sô” nhưng vẫn không đủ vào đâu. Hôm chúng tôi đến nhà, một người bạn của chị Phương mang đến cho mượn 2 triệu đồng để chị xoay xở đóng tiền ôn thi cho con.
Chị Phương nói: “Do chuẩn bị thi cử, con phải học ôn thi nhiều mà chưa có tiền đóng, nên tôi hỏi mượn đỡ 2 triệu, khi nào nhận lương lại trả. Bao năm qua đều như vậy, cứ mượn chỗ này đắp chỗ kia, chỉ mong 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Cuộc đời mình đã quá khổ rồi, con mình không thể khổ như mình được”.
Cuộc sống của chị cứ lo chạy tiền từng ngày như vậy nhưng chị Phương bảo bây giờ còn đỡ hơn ngày trước nhiều. Lúc chồng chị mới mất, để lại cho chị 2 đứa con nhỏ, không nhà cửa mà chỉ có “đống nợ” do vay mượn khắp nơi để chạy chữa ung thư cho chồng. Gánh nặng nợ nần đè lên đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé.
“Ba tụi nhỏ bị ung thư xương chữa suốt 2 năm trời nhưng không cứu vãn được. Cuối cùng anh ra đi, để lại mình tôi với 2 đứa con và đống nợ. Ngày đó đã có lúc muốn ôm 2 đứa con chết luôn theo chồng, vì cứ nghĩ làm sao mà vượt qua nổi. Con thì nhỏ dại, trong tay lại không có gì, nợ nần thì chồng chất biết phải làm sao”, nói đến đây nước mắt chị Phương lại rơi và cổ họng như nghẹn ứ lại, chị không nói được gì thêm. Nỗi lòng ấy, chị đã giấu kín suốt bao năm qua, nhiều đêm dài cứ lén 2 con rồi khóc vì tủi thân, vì lo cho tương lai.
Video đang HOT
Ước mơ của Nam là được học đại học để sau này có tiền lo cho mẹ, mua nhà cho 3 mẹ con ở. Ảnh NỮ VƯƠNG
Ước mơ đến giảng đường
Căn nhà xuống cấp ở vùng ven P.Phú Hữu (TP.Thủ Đức) mà 3 mẹ con chị Phương đang ở là của người anh trai vì thương cho đứa em khổ sở nên cho mượn ở tạm. Người anh dọn về nhà bên vợ sinh sống.
“Cũng may nhờ thế mà đỡ được khoản tiền thuê nhà, nếu không thì không biết tiền đâu mà nuôi cho con ăn học vì tiền lương giúp việc nhà một tháng không được bao nhiêu. Mỗi ngày đi làm, tôi được chủ cho ăn cơm, nên lại đỡ được khoản tiền ăn nữa. Nói chung ráng tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”, chị Phương kể.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Nguyễn Hải Nam, học sinh Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 – Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Ba Tháng Hai; Số tài khoản: 10006868 – Ngân hàng Eximbank – chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Hải Nam; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Nguyễn Hải Nam trong thời gian sớm nhất.
Cuộc sống vốn dĩ đã nợ nần khắp nơi, năm trước vì dịch bệnh không đi làm được nên cuộc sống của 3 mẹ con càng khó hơn và nợ lại càng thêm nợ. Thấy mẹ làm việc vất vả, lại phải mượn nợ khắp nơi, Nam và em trai luôn cố gắng học thật giỏi, cả hai đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Không chỉ muốn mẹ được an lòng, Nam còn muốn là chỗ dựa vững chắc cho mẹ, muốn san sẻ những khó khăn hằng ngày với mẹ, nên ngoài những ngày học trên trường, Nam lại đi phụ giúp việc nhà với mẹ.
Nam cho biết em không ngại hay sợ bạn bè trêu cười khi là con trai mà đi giúp việc nhà, điều Nam sợ nhất là mẹ làm quá sẽ đổ bệnh, nên việc gì em cũng có thể làm được. “Lúc đầu đến nhà người ta em cũng sợ vì lạ, nhưng làm riết rồi quen, chủ thương nên đến tết là mua cho giày dép hay áo quần. Có em phụ thì mẹ sẽ làm công việc nhanh hơn để còn chạy qua nhà khác, vì mẹ làm đến 3 nhà. Không chỉ có em, mà đứa em của em cũng phụ mẹ được”, cậu học trò chia sẻ.
Tôi hỏi Nam: “Ước mơ lớn nhất của em là gì?”. Em bảo: “Em ước mẹ không bị ốm đau hay bệnh tật gì và em được học đại học để sau này có tiền lo cho mẹ, mua nhà cho 3 mẹ con ở”.
Nam đam mê ngành công nghệ ô tô của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhưng em tìm hiểu thì thấy học phí vượt quá khả năng mà mẹ có thể lo được nên em đang rất lo lắng.
Quặn lòng với cậu học trò mồ côi ở trọ, ăn mì gói mong học đại học
Không thể kìm được nước mắt khi chứng kiến cậu học trò sau giờ học lại lủi thủi ra về một mình, nhưng cũng không có tổ ấm để quay về.
Em không cha, cũng đã mất mẹ, suốt 3 năm qua Nguyễn Phan Nguyên Trường chỉ một mình trong căn phòng trọ nhỏ bé với ước mơ cháy bỏng được học đại học.
14 tuổi đã sống cảnh đời mồ côi
Những ngày đầu hè, căn phòng trọ trên gác lửng ở đường Đặng Văn Bi, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM) của cậu học trò lớp 12A13 Trường THPT Thủ Đức nóng hầm hập nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm ôn bài thật tốt để nuôi ước mơ vào giảng đường đại học.
Năm Trường học lớp 1, ba bị ung thư gan và mất. Từ đó một mình mẹ làm công nhân nuôi Trường ăn học. Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn khi đồng lương công nhân ít ỏi mà bao nhiêu thứ phải lo, nhưng mẹ lúc nào cũng dặn dò Trường phải luôn cố gắng học. Thương mẹ lại hiếu học nên em luôn đạt thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền.
Tưởng rằng cuộc đời bù đắp cho 2 mẹ con, thế nhưng đến năm Trường học lớp 8 thì biến cố một lần nữa lại ập đến, mẹ bị ung thư vú và cũng qua đời để lại một mình em. Cả bầu trời như sụp đổ trước mắt cậu bé.
Cậu học trò mồ côi, ở trọ và thường xuyên phải ăn mì gói để tiết kiệm tiền nuôi ước mơ vào đại học. Ảnh NỮ VƯƠNG
Sau khi mẹ mất, Trường được dì ruột đưa về cưu mang, nhưng vì không sống được với dượng, nhiều lần dượng nói những lời khó nghe khiến em tủi thân, nên dì đành để em một mình đi ở trọ.
"Tôi buôn bán áo quần ngoài chợ nhưng một tuần chỉ được cho bán 3 ngày, lại lớn tuổi rồi (65 tuổi) không thể chạy bán được nhiều nơi, nên cũng đành chịu. Tiền bán được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, nên cũng phải cố gắng rồi chạy vạy nhưng cũng thiếu trước thiếu sau, không thể lo đầy đủ cho cháu nên thương cháu vô cùng", cô Nguyễn Thị Xuân, dì của Trường, nghẹn ngào chia sẻ.
Ngày Trường một thân một mình ra ở trọ, chỉ có hành trang là mấy bộ đồ, chiếc chiếu, cái chăn và vài dụng cụ để cậu học trò có thể tự nấu ăn hằng ngày. Nhìn cái chăn cũ kỹ, chiếc chiếu đã sờn rách khắp nơi, Trường bảo đã 3 năm rồi chưa thay mới nhưng không dám báo với dì vì sợ dì lại thêm gánh nặng.
Trường côi cút một mình. Ảnh NỮ VƯƠNG
Bao năm qua, cứ học xong là Trường về phòng trọ ngay, chưa một ngày dám đi chơi với bạn bè vì biết bản thân không có tiền. Về phòng, em lại lủi thủi nấu cơm, có hôm thì luộc quả trứng, có hôm thì pha gói mì tôm để ăn.
"May trời thương, em ăn gì cũng được. Bữa nay còn đỡ, những ngày trong dịch rất khó khăn, dì không đi làm được nên cũng không có tiền gửi cho em, những tháng ngày đó em suốt ngày ăn mì gói của các nhà hảo tâm cho", Trường nhớ lại.
Khát khao được học đại học
Trường có gương mặt rất hiền và nụ cười tươi, nhưng ẩn đằng sau là cả một cuộc đời đầy bất hạnh. Mỗi lần nhắc đến mẹ, dù em bảo đã quen dần với cảm giác một mình, nhưng ánh mắt vẫn ngấn lệ.
"Thường cứ về đêm, nằm một mình là em lại nhớ mẹ, tủi thân và khóc. Ngày xưa lúc mẹ mới mất, khi ấy em vẫn còn ngây thơ chưa lo nghĩ gì nhiều. Nhưng từ lúc một mình đi ở trọ, đêm đến vừa nhớ mẹ, vừa thấy lo cho tương lai. Dì em cũng lớn tuổi rồi, lại phải lo cho gia đình riêng, cũng không thể lo cho em mãi được. Cũng có lúc em đã nghĩ đến việc nghỉ học vì sợ không thể tiếp tục, nhưng nhớ lại ước nguyện của mẹ lúc qua đời thì em phải cố gắng nhiều hơn", cậu học trò bộc bạch.
Năm học lớp 12, cũng vì khó khăn của dịch bệnh nên Trường muốn đỡ đần bớt một phần gánh nặng cho dì, mỗi tuần tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật em đi chạy bàn cho quán phở ở gần nhà. Mỗi giờ được trả công 20.000 đồng, số tiền này cậu học trò để dành và lo việc ăn uống hằng ngày.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của Trường, năm lớp 12, cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô ở trường mở lời dạy thêm miễn phí để cậu học trò 12 năm liền học sinh giỏi và nhiều năm đứng nhất lớp có thể chắc chắn hơn với cánh cổng vào giảng đường đại học. Thế nhưng, điều Trường lo sợ nhất chính là tiền đâu để học tiếp, mặc dù đây là ước mơ lớn nhất cuộc đời em, cũng là điều mà mẹ em lúc còn sống trông mong nhiều nhất.
Cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A13, kể: "Trường là một học sinh rất ngoan hiền và học giỏi, dù hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh nhưng em rất nghị lực. Tôi luôn động viên và khuyên em cứ ráng học và thi thật tốt, rồi cô sẽ vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được đơn vị hay cá nhân nào giúp đỡ để cho em an tâm mà thi tốt kỳ thi sắp tới".
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Nguyễn Phan Nguyên Trường, học sinh lớp 12A13 Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai; Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Phan Nguyên Trường; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Nguyễn Phan Nguyên Trường trong thời gian sớm nhất.
Ở Philippines, học giỏi vẫn không thể tốt nghiệp nếu chưa đạt 'KPI' về cây xanh Việc hoàn thành tốt các kỳ thi chỉ mới là điều kiện cần để học sinh được tốt nghiệp ở Philippines. Nếu như ở hầu hết các quốc gia, để được tốt nghiệp bất kỳ cấp bậc học nào, các bạn trẻ phải vượt qua được những bài kiểm tra hay kỳ thi, thì tại Philippines, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở...