Nghị lực kiên cường của thầy giáo ngồi xe lăn
Tai nạn giao thông khiến tứ chi của thầy giáo trẻ bị liệt, nhưng không ngăn được nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Sáu năm qua, trên bục giảng của Trường Tiểu học Làng May Mắn ( quận Bình Tân, TP HCM) luôn có hình ảnh thầy giáo ngồi trên xe lăn Nguyễn Ngọc Lâm (35 tuổi, quê Thanh Hóa) hướng dẫn học trò sử dụng máy tính. Người thầy “không bụi phấn” vẫn miệt mài thắp sáng con đường tri thức cho học trò.
Không thể chết trong tuyệt vọng
Phía cuối dãy nhà của Làng May Mắn, ngồi trong phòng trọ rộng 33m2 của mình, anh Nguyễn Ngọc Lâm kể lại biến cố thời sinh viên. Năm 2004, đang học năm nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, anh bị tại nạn giao thông, gãy hai đốt sống cổ, khiến toàn thân bị liệt. Sau hai tuần điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ khuyên gia đình nên đưa anh về quê, sống được ngày nào hay ngày đó.
Anh Lâm kể, vì thương con, ba anh đã quyết liệt giữ anh lại TP HCM chữa trị, “còn nước còn tát”, dù nhà không còn tiền. Qua cơn nguy kịch, anh chuyển sang Bệnh viện Quận 8 tập vật lý trị liệu, vì hai tay anh yếu, đôi chân đã liệt hoàn toàn, anh phải ngồi xe lăn suốt đời. Trong hai năm nằm viện, em trai học lớp 10 ở quê phải nghỉ để vào chăm sóc, ba anh trở về quê xoay tiền chữa bệnh cho con.
Một ngày trời hè nắng gắt, ba anh từ quê vào lại TP HCM, nói với anh rằng không thể tiếp tục điều trị ở đây được nữa, nhà đã cạn tiền, ba không cố gắng thêm được, phải về thôi, đêm đó anh không ngủ.
“Biết mình là gánh nặng của gia đình, tôi rất buồn, nhưng không thể quay về và chết trong tuyệt vọng được. Lúc đó tôi nghĩ, nếu ở lại TP HCM thì may ra tôi mới có cơ hội sống tiếp, em trai tôi sẽ có cơ hội thay đổi cuộc đời” – anh Lâm tâm sự.
Hai ngày sau, anh Lâm nói với em trai, nếu đến bước đường cùng, không còn tiền và chỗ ở thì anh em mình sẽ đi bán vé số, buổi tối ngủ ở hành lang hoặc xin vào bệnh viện ngủ. Em trai đồng ý, anh Lâm mới nói ba trở về quê, mình sẽ ở lại và chiến đấu đến cùng.
May mắn đã mỉm cười với anh Lâm, trước ngày xuất viện, giám đốc Làng May Mắn đã gặp và đề nghị anh cùng em trai về đây ở, tiếp tục tập vật lý trị liệu, trung tâm sẽ hỗ trợ. Từ đó, anh Lâm có chỗ ở ổn định và học nghề, em trai tiếp tục được theo học văn hóa.
Anh Nguyễn Ngọc Lâm cùng học trò trong lớp tin học tại Trường Tiểu học Làng May Mắn. Ảnh: NVCC
10 năm học gõ máy tính
Anh Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, hiện tại, ngoài thời gian dạy tin học cho các em từ lớp 2 đến lớp 5, anh còn dạy thêm kỹ năng sống. Anh truyền đạt những bài học về tình người, tình thầy trò, về tình yêu quê hương đất nước, về những áng văn thơ hay bằng sự nhiệt thành và tâm huyết.
“Tôi yêu nghề giáo từ lúc nhỏ, sau vụ tai nạn, tôi ngỡ sẽ không bao giờ được đứng trên bục giảng nữa. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, bây giờ tôi đã thực hiện được ước mơ, nên bằng mọi cách tôi sẽ cố gắng truyền đạt đến các em tất cả kiến thức mà tôi có” – anh Lâm nói.
Để thao tác trên máy tính thành thạo, anh Lâm cho biết mình phải học gõ từng chữ suốt 10 năm. Những ngày đầu tiếp xúc với máy tính, anh dùng 5 ngón tay co quắp gõ bàn phím, nhưng chữ bị nhảy lung tung. Sau này anh nghĩ ra đeo một cái nẹp rồi cắm thêm chiếc đũa hoặc cây bút để gõ, nhưng rất rườm rà, mỗi lần muốn gõ phải nhờ người đeo. Cuối cùng, anh lựa chọn bó nẹp tay phải, và dùng khớp của ngón út gõ bàn phím.
Video đang HOT
Đến năm 2015, khi học sử dụng thành thạo máy tính, anh Lâm trở thành thầy giáo dạy tin học tại Trường Tiểu học Làng May Mắn. Em trai anh đậu hai trường ĐH, sau đó về lại trường này làm hiệu trưởng. Anh Lâm cho hay, anh không dạy bằng bảng đen phấn trắng, anh lên lớp với một cái nẹp tay cùng cây thước dài. Mỗi buổi học được bắt đầu bằng lời giảng của anh, rồi học trò sẽ theo dõi những thao tác anh thực hiện, tiếp đến các em sẽ thực hành trên máy tính. Lúc học sinh thực hành, anh điều khiển chiếc xe lăn đến chỗ từng em, dùng cây thước gắn vào tay phải đã được cố định bằng nẹp để hướng dẫn.
“Thầy giáo xe lăn” hướng dẫn học trò các thao tác trên máy tính. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, anh Lâm thực hiện nhiều video dạy tin học, kỹ năng sống đưa lên Youtube cho học trò xem. Anh chia sẻ, học sinh của anh đa số là trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà nghèo theo ba mẹ lên TP sinh sống, nên rất có thể các em sẽ bỏ học sau khi học xong lớp 5. Anh phải dạy kỹ năng sống để sau này các em đi làm không dính đến tệ nạn xã hội, đánh mất định hướng.
Là tình nguyện viên đi dạy, nên lương hằng tháng của anh Lâm chỉ ở mức trợ cấp 2 triệu đồng, để mưu sinh, anh phải bán thêm hàng online và làm nhiều việc khác.
“Vượt qua cửa sinh tử, được sống đến ngày hôm nay và làm giáo viên, với tôi đó là hạnh phúc rồi. Dù cuộc đời có nghiệt ngã với tôi, tôi cũng phải đi tìm ánh sáng tương lai cho học trò mình” – anh Lâm khẳng định.
Mùa xuân kể chuyện thanh xuân của thầy Huấn ở Cao Bằng
Dù phải trèo đèo, lội suối, bám trụ trên các bản làng xa xôi hẻo lánh, song những giáo viên như thầy Đinh Văn Huấn vẫn kiên trì bám trường vì sự nghiệp "trồng người", đem con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Thầy Đinh Văn Huấn - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mai Long, Nguyên Bình (Cao Bằng) tâm sự là giáo viên công việc vốn đã gặp nhiều áp lực, vất vả nhưng giáo viên công tác ở vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn hơn bội phần.
"Bản thân tôi cùng các đồng nghiệp đang công tác tại trường PTDTBT THCS Mai Long cũng không phải là ngoại lệ. Nơi tôi đang công tác là địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất của huyện nhà, cách trung tâm huyện lị chỉ hơn 50km nhưng phải mất hơn 2 giờ đi xe máy đủ nói lên những khó khăn của con đường đến nơi làm việc.
Những năm đầu khi mới nhận công tác, địa phương chưa có điện, không sóng điện thoại, cuộc sống hàng ngày và công việc gặp muôn vàn khó khăn vất vả.
Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nghề và cũng bởi nơi đây, tôi thấy ấm lòng hơn khi nhìn những ánh mắt biết nói của học trò, những nụ cười thân thương của các em làm chúng tôi quên đi bao mệt mỏi của bộn bề công việc, những lo toan trong cuộc sống hàng ngày.
Chính các em học sinh với tinh thần ham học, khát khao tri thức đã thôi thúc tôi tiếp tục phấn đấu, vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ", thầy Huấn chia sẻ.
Năm 2020 thầy Đinh Văn Huấn được vinh danh một trong số 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số.
Học sinh của thầy Huấn đa số là những em hoàn cảnh rất khó khăn. Thấu hiểu được điều đó, năm nào thầy Huấn cũng tìm các nhà tài trợ gạo, thịt gói bánh để tổ chức cho học sinh thi gói bánh chưng vừa là hoạt động trải nghiệm vừa làm bữa cơm tất niên ngày cuối năm, động viên các em sau một năm học vất vả.
Học sinh trường thầy Huấn trong cuộc thi gói bánh chưng ngày cuối năm.
Hai vợ chồng thầy Huấn đều làm nghề giáo, thu nhập còn nhiều hạn hẹp, bản thân thầy lại công tác xa nhà, không có nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình. Thầy đi làm cách nhà 60km, đường đi lại rất khó, không thể đi lại trong ngày.
Sau hơn 11 năm công tác tại ngôi trường Mai Long, thầy Huấn có rất nhiều kỉ niệm với học trò nhưng điều thầy nhớ nhất đó là trường hợp của em học sinh Nông Thị Nguyệt (hiện đang học lớp 10).
Năm 2015, bố mẹ em mất vì tai nạn xe máy, lúc ấy em đang học tiểu học nhưng sống ở trên trường cấp 2 cùng chị gái ruột học lớp 9. Nhà em ở xa không thể đi lại nên nhà trường tạo điều kiện cho em ăn ở cùng chị gái để tiện học ở trường tiểu học.
"Tiếng khóc xé lòng của Nguyệt trong chiều nghe tin bố mẹ qua đời vẫn in đậm trong tâm trí tôi đến tận giờ. Sau cú sốc đó, tôi động viên Nguyệt hãy tiếp tục đến trường.
Một thời gian sau chị gái Nguyệt ra trường để lại trong em bao khoảng trống. Bố mẹ đã mất, em ủ rũ một mình, hay khóc và xúc động khi nhắc tới gia đình.
Để giúp em cố gắng trong học tập và cuộc sống, vượt qua nỗi đau, tôi vừa là người thầy cũng vừa là người thân gần gũi, chia sẻ và động viên em.
Để giúp đỡ em tiến bộ trong học tập và có hướng phấn đấu trong tương lai (vì sau khi học xong cấp THCS em rất ít có điều kiện đi học THPT) tôi đã định hướng cho em học xong THCS thì cố thi bằng được vào trường nội trú tỉnh ngay từ năm học lớp 6.
Ngày kết thúc chương trình lớp 9, đưa em ra ngoài thị trấn để thi vào cấp 3 lòng tôi rối bời vì sức học của em cũng chỉ ở mức khá của vùng 3, để thi đỗ nội trú tỉnh phải cố gắng thật nhiều.
Và rồi niềm vui không có gì diễn tả nổi, ngày nhận kết quả em chính thức đỗ trường nội trú của tỉnh, tôi đã khóc vì xúc động, vì sau bao nỗ lực cô học trò nhỏ của tôi cũng có được kết quả mong đợi", thầy Huấn nhớ lại.
Thầy Huấn bên các học sinh của mình.
Năm học này Nguyệt đã phải xa trường Mai Long, xa người thầy dạy dỗ em từng ngày để tiếp tục cuộc sống ở kí túc cùng bạn bè và các thầy cô giáo mới. Xa cô học trò nhỏ mà mình dày công dạy dỗ, dù buồn nhưng thầy Huấn cảm thấy an tâm hơn bởi ít ra em sẽ không phải lo cơm áo gạo tiền và cuộc sống thuê trọ để đi học cấp 3 nữa.
Thật đáng trân trọng những con người, những tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, kiên trì bám trụ gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng ước mơ cho các em học sinh như thầy Huấn ở Cao Bằng.
Những thành tích của thầy Đinh Văn Huấn trong ngành giáo dục:
- Bằng khen Ban Chấp Hành Trung Ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh về việc khen thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại Trại huấn luyện Kim Đồng toàn quốc năm 2017
- Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Cao Bằng về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm học 2018 - 2019
- Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nhân dịp Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng lần thứ III năm 2019
- Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua " Đổi mới và sáng tạo trong dạy và học" năm học 2028 - 2019
- Bằng khen Ban Chấp Hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi các năm học: 2016 - 2017, 2017 - 2018, 2018 - 2019, 2019 - 2020
- Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm học: 2016-2017, 2017-2018, 2018 - 2019, 2019 - 2020
- Giáo viên dạy giỏi cấp huyện môn Ngữ văn các năm học: 2014 - 2015, 2016 - 2017, 2018 - 2019
- Giáo viên - TPT Đội giỏi cấp tỉnh năm hoc 2011- 2012, 2015- 2016
- Danh hiệu Huấn luyện viên cấp I Trung ương năm 2017
- Đạt giải thưởng "Cánh én hồng năm 2020"
- Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm học 2019 - 2020
- Bằng khen của Ban Chấp Hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Đội
- Bằng khen Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng Nhà nước giai đoạn 2010 - 2020
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh tại các vùngbiên giới, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn"
- Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục thế hệ trẻ
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc khen thưởng Giáo viên Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh tiêu biểu xuất sắc đạt giải thưởng "Cánh én hồng" năm 2020.
Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Quận 6): Dấu ấn trên chặng đường 10 năm hình thành và phát triển Sau 10 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Quận 6) từng bước khẳng định chất lượng, uy tín, niềm tin, gắn với phương châm "Hôm nay các em tự hào về nhà trường" để "Ngày mai nhà trường tự hào về các em". Ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND Quận 6 phát biểu...