Nghị định 126: Ngàn doanh nghiệp trước nguy cơ nhận án phạt thuế mới
Nghị định 126/NĐ-CP được Bộ Tài chính trình và Chính phủ ban hành có hiệu lực ngày 5/12 tới đây hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế đang gây nhiều tranh cãi trái chiều từ phía các chuyên gia tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, Điều 8 của Nghị định 126 có quy định, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp ba quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.
Quy định này đã đưa hàng trăm nghìn doanh nghiệp vào nguy cơ dính án phạt thuế chậm nộp nếu như đến hết quý 3, doanh nghiệp không ước tính đúng được số doanh thu của quý 4. Nền kinh tế biến đổi không lường trước, thay đổi từng ngày, từng giờ tác động đến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Việc phải xác định chính xác doanh thu quý 4 với các doanh nghiệp không khác gì đánh đố, nếu dự báo sai thì bị phạt thuế.
CHƯA BIẾT DOANH THU VẪN PHẢI NỘP ĐỦ THUẾ
Quy định này được cho là không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 3 quý đầu, doanh nghiệp đã tạm nộp 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp của cả năm. Đến quý 4, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp nên làm giảm động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Giám đốc một doanh nghiệp dược tại Hà Nội chia sẻ, nếu theo quy định của Nghị định 126/2020, đến 30/10, doanh nghiệp sẽ phải nộp 75% số thuế của năm. Do đó, công ty phải tính được quý 4 doanh thu là bao nhiêu. Chẳng hạn, doanh nghiệp dự số thuế phải nộp là 100 tỷ đồng, ngày 30/10, công ty sẽ phải nộp 75 tỷ đồng. Nếu chỉ nộp 50 tỷ thì sẽ bị phạt phí chậm nộp 0,03%/25 tỷ đồng chậm nộp.
“Kinh doanh không phải cứ dự định là mọi thứ diễn ra đúng như vậy, nếu quý 4 chúng tôi thua lỗ, chẳng hạn như năm nay Covid-19 doanh nghiệp rất khó khăn, quý 4 doanh thu giảm, thua lỗ thì khoản 75 tỷ đồng nộp trước đó tức chúng tôi bị chiếm dụng vốn rồi”, vị giám đốc cho rằng quy định mới này rất vô lý với doanh nghiệp, nộp thiếu thì bị phạt, nộp đúng lại có nguy cơ bị chiếm dụng vốn.
Video đang HOT
Theo quy định cũ, Nghị định 91/2014, doanh nghiệp không cần khai thuế thu nhập tạm tính theo quý, nhưng vẫn phải tạm nộp căn cứ theo số thuế năm trước và dự kiến kết quả kinh doanh trong năm để xác định số thuế tạm nộp của từng quý.
Việc tạm nộp được quy định rằng hết quý 4 số thuế tạm nộp phải đạt 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm. Ngoài ra, quy định cũ ngành thuế chỉ tính chậm nộp 4 quý từ sau ngày 31/1 kế tiếp.
“So với quy định cũ, Nghị định 26 rất khắc nghiệt, bào mòn sức khoẻ của doanh nghiệp. Tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (30/9), doanh nghiệp còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa, hơn thế nữa còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng…nên doanh nghiệp không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm. Dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường nên việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng”, vị giám đốc nêu.
Bày tỏ quan điểm về quy định mới này, chuyên gia về kế toán-ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia cho hay, năm 2020 thế giới gặp đại dịch, doanh nghiệp khó khăn chồng chất, 3 quý đầu năm kinh doanh kém dẫn đến thua lỗ. Do đó, doanh nghiệp không tạm nộp được khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Nhưng đến quý 4, mọi thứ phục hồi, cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp lội ngược dòng có lãi dẫn đến phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
“Nếu chiếu theo quy định mới này, 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho năm 2020 bỗng dưng thành nộp chậm và bị phạt chậm nộp. Với các doamh nghiệp xây dựng doanh thu thường được các chủ đầu tư quyết toán dồn vào quyết toán quý 4. Vậy các doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ chịu phạt thuế rất cao vì chậm nộp”, ông Long phân tích.
Vị chuyên gia kế toán này cũng đặt câu hỏi ngược lại rằng, doanh nghiệp phải dự báo trước lãi và thuế để tạm nộp trước, mặc dù 3 quý đầu chưa có thu nhập chịu thuế hoặc thu nhập chịu thuế thấp. Sau khi dự báo cả năm thu nhập chịu thuế cao, nộp thuế 75%, nếu bất ngờ đến quý 4 xảy ra những biến cố lớn chẳng hạn như Covid-19 vừa rồi khiến cả năm bị lỗ, vậy doanh nghiệp có được ngành thuế tính lãi nộp trước thuế cho không?
“Đại dịch toàn cầu, doanh nghiệp khó khăn, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng quy định quản lý thuế lại tréo ngoe”, ông Long nói.
KHÔNG THỂ VÌ MỘT SỐ MÀ PHẠT CẢ NGÀN
Về quy định tính thuế kiểu mới này, Tổng cục Thuế giải thích rằng, từ khi Nghị định số 91/2014 thực tế triển khai cho thấy bên cạnh các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp này, không thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý 4 (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế.
“Khi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, và sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Nghĩa vụ phải nộp chính thức sẽ được xác định khi doanh nghiệp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm kết thúc năm tính thuế.
Các trường hợp doanh nghiệp có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý 4 mà doanh nghiệp không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến”, Tổng cục Thuế nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định quy định quản lý thuế kiểu mới này vắt kiệt sức của doanh nghiệp đi ngược lại các chủ trương chính sách của Chính phủ, bộ ngành đang hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp sống sót qua đại dịch Covid-19.
Thay vì tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu thuế lâu dài thì lại tìm mọi cách để đánh thuế, phạt thuế.
Ông Long cho rằng cần phải sửa đổi quy định này. Còn việc nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thì đó là trách nhiệm giám sát, thanh tra của cơ quan thuế, không vì một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định mà đánh đồng tất cả được.
Quy định thiếu khả thi, nhầm đối tượng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132 quy định việc quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Điểm mới trong nghị định này là từ năm 2021, doanh nghiệp có quan hệ liên kết phải lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia gửi cơ quan thuế.
Thí dụ, doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Việt Nam phải nộp báo cáo lợi nhuận của cả công ty mẹ. Quy định của Nghị định 132 nghe có vẻ sẽ kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang hoạt động ở Việt Nam. Nhưng nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy nó không khả thi, không tác dụng, phải kết hợp rất nhiều biện pháp mới có thể đấu tranh được.
Đáng lưu ý, nghị định này đã "đánh nhầm" các doanh nghiệp không có yếu tố chuyển giá. Trong khi với doanh nghiệp có yếu tố chuyển giá liên quan đến nước ngoài, nghị định này chỉ là điều kiện cần, chưa đủ. Chúng ta cần kết hợp với nhiều biện pháp kỹ thuật, ngoại giao và pháp lý khác mới có khả năng bóc tách để thu thuế. Việc yêu cầu nộp báo cáo lợi nhuận của cả công ty mẹ chỉ là biện pháp hỗ trợ thêm.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó, Khoản 3, Điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế". Với chi phí lãi vay, nếu doanh nghiệp chi đúng, chi thật, hợp lý, hợp lệ, không có lý do gì để bị loại trừ. Việc loại trừ chỉ được đặt ra trong trường hợp mọi thứ đều hợp pháp, hợp lệ, nhưng có hoạt động chuyển giá, chuyển hết lợi nhuận ra nước ngoài, trên cơ sở hợp thức hóa bằng các giao dịch liên kết.
Không thể lý luận chính sách thuế này áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì điểm cốt yếu ở đây không phải áp dụng với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hay có chi phí lớn, mà là có chuyển giá hay không. Giới hạn này cần thiết đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu cao, thị phần lớn, tăng trưởng mạnh, lợi nhuận lớn nhưng không nộp thuế doanh nghiệp vì cứ hạch toán lỗ. Doanh nghiệp nào không có yếu tố chuyển giá sẽ không đủ điều kiện cần thiết tối thiểu áp vào chính sách này. Chi phí lãi vay cũng giống như chi phí quảng cáo, có hay không có giao dịch liên kết, khoản chi của doanh nghiệp này là khoản thu của doanh nghiệp khác. Chỉ đặt ra vấn đề ngăn chặn chuyển giá, nếu chi phí trong nước chịu còn thu nhập doanh nghiệp khác ở nước ngoài hưởng, dẫn đến thất thu thuế.
Càng sai lầm nếu áp vào cái lý là đánh thuế đối với doanh nghiệp có vốn mỏng, ít vốn chủ sở hữu, phải đi vay nhiều. Như vậy là vi hiến, trái luật, là đánh vào quyền tự chủ trong việc huy động vốn và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Đánh thuế như vậy là nhầm lẫn mục tiêu.
Giới hạn 20% của Nghị định 20/2020/NĐ-CP áp đặt với mọi doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã bị cộng đồng doanh nghiệp phản đối dữ dội ngay từ khi chưa có hiệu lực. Ngày 24-6, Nghị định 68/2020/NĐ-CP ra đời, đã sửa đổi, tăng giới hạn này lên 30%, đồng thời cho phép doanh nghiệp được hồi tố khấu trừ các khoản đã nộp trong thời hạn 5 năm. Nhưng hơn 4 tháng sau, ngày 5-11 Nghị định 132 được ban hành tiếp tục giữ nguyên trần chi phí lãi vay 30%.
Tại sao chi phí đúng, cần thiết để trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh, không nhằm giảm lãi, giảm thuế, không lách thuế, trốn thuế, lại không được công nhận là chi phí hợp pháp, hợp lệ của doanh nghiệp? Tại sao lại "vơ đũa cả nắm", "nhét chung một rọ", cào bằng tất cả đối tượng doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng với mục đích hoàn toàn khác nhau để tận thu? Đang có sự nhầm lẫn cơ bản từ mục tiêu "ngăn chặn chuyển giá" thành "ngăn chặn giao dịch liên kết", nhầm thu lãi thành "thu cả lỗ".
Cả 2 mục tiêu chống chuyển giá và chống vốn mỏng cứ mặc định áp đặt cho mọi doanh nghiệp có giao dịch liên kết đều trái luật, phủ nhận sự hợp lý. Do vậy, cần nhanh chóng và dũng cảm sửa sai, tương tự việc khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo từ 15% cho đến xóa bỏ hoàn toàn, để doanh nghiệp không phải chờ đợi sửa sai giới hạn chi phí lãi vay hơn 10 năm như với câu chuyện chi phí quảng cáo.
Thuế thương mại điện tử: Dư địa hay lỗ hổng? Nền tảng xem phim trực tuyến Netflix chính thức có mặt ở Việt Nam và chưa đóng thuế 3 năm nay lại đặt ra câu chuyện, quản lý doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng internet ra sao cho hiệu quả? Thương mại điện tử bùng nổ đi cùng với việc khó kiểm soát thuế. Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng...