Nghẹt thở vây bắt kiểm lâm viên cùng đồng bọn vận chuyển gỗ lậu về xuôi tiêu thụ
Sau một thời gian củng cố hồ sơ, điều tra mở rộng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Viết Thế Sơn (SN 1995, trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) – kiểm lâm viên (KLV) công tác tại Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cùng 8 đối tượng liên quan về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”.
Thời gian gần đây, dư luận ở huyện Nam Đông và các địa phương lân cận rất bức xúc trước việc một KLV của huyện Nam Đông có dấu hiệu móc nối với một số đối tượng thu mua gỗ lậu chở về xuôi tiêu thụ. Điều đáng lo ngại, tại những khu rừng phòng hộ, những cánh rừng già bạt ngàn ở huyện miền núi Nam Đông, có rất nhiều loại gỗ thuộc nhóm quý, hiếm và nguy cơ chặt phá rừng để lấy gỗ luôn là nỗi lo của người dân. Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp và qua công tác trinh sát địa bàn, Công an huyện Nam Đông phát hiện, đối tượng Trần Viết Thế Sơn, cán bộ kiểm lâm của Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông có dấu hiệu vận chuyển, mua bán gỗ lậu. Vốn là KLV, Sơn đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Trước tình hình đó, Công an huyện Nam Đông xác lập chuyên án để đấu tranh với đối tượng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và công tác trinh sát địa bàn, Công an huyện Nam Đông phát hiện ngày 12/12/2023, Sơn gọi điện thuê Đỗ Ngọc Cường (SN 1992, trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) chở số gỗ kiền kiền đang được để tại nhà bà Trần Thị Huệ (trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông- là mẹ của Sơn) chở về cho Lê Hữu Thiện (SN 1988, trú tại 9/2/27 Ngự Bình, phường An Cựu, TP Huế) để bán thì Cường đồng ý. Đến khoảng 20h30 cùng ngày, Cường điện thoại thuê Nguyễn Văn Lãm (SN 1994, trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông) chở gỗ từ nhà bà Huệ về TP Huế thì Lãm đồng ý. Lợi dụng khi trời đã tối, đường vắng người, Sơn, Cường, Lãm cùng với Đặng Phương Nam (SN 1999, trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông) có mặt tại nhà bà Huệ và cùng nhau bốc 83 phách gỗ kiền kiền có tổng khối lượng khoảng gần 3m3 lên xe 75C-101.42 của đối tượng Lãm để chở về xuôi.
Đối tượng Trần Viết Thế Sơn và phương tiện sử dụng để vận chuyển gỗ lậu đưa về xuôi tiêu thụ.
Sau khi bốc gỗ lậu lên xe, khoảng 23h cùng ngày, Lãm điều khiển xe bán tải 75C-101.42 chở Cường đi theo hướng Nam Đông về TP Huế để đến nhà Lê Hữu Thiện. Trong khi đó, Sơn điều khiển xe mô tô BKS 75A-024.64 chở đối tượng Nam đi theo sau để hộ tống cho xe chở gỗ lậu 75C-101.42. Khi các đối tượng lưu thông đến đoạn đường thuộc địa phận xã Hương Phú (huyện Nam Đông) thì phát hiện có lực lượng Công an huyện Nam Đông nên Sơn điều khiển xe mô tô 75A-024.64 chặn ép, cản trở phương tiện của Công an huyện Nam Đông không cho lực lượng Công an tiếp cận phương tiện 75C-101.42 đang chở gỗ. Lúc này, Lãm điều khiển xe 75C-101.42 chạy thẳng hướng về huyện Phú Lộc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng Công an.
Các đối tượng sau khi bỏ chạy đã đánh lạc hướng, không chở số gỗ trên xe đến TP Huế mà bất ngờ đổi hướng di chuyển đến xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).
Tại đây, các đối tượng đã hạ 63 phách gỗ xuống một bãi đất trống cạnh khu dân cư, rồi sau đó, các đối tượng quay trở lại địa bàn huyện miền núi Nam Đông.
Video đang HOT
Khoảng 23h ngày hôm sau, Trần Viết Thế Sơn điều khiển xe ôtô gắn biển số giả 75C-098.86 (BKS thật là 75C-091.64) chở theo đối tượng Nguyễn Quốc Hà (SN 1993, trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông) và đối tượng Đỗ Ngọc Cường điều khiển xe ôtô gắn biển giả 75C-114.72 (BKS thật đầu số 36C) chở đối tượng Đặng Phương Nam cùng xuất phát từ huyện Nam Đông vượt hơn 50km đi đến địa điểm giấu 63 phách gỗ tại xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc). Khi đến nơi; các đối tượng cùng nhau bốc 34 phách gỗ lên xe BKS 75C-114.72 rồi Cường điều khiển xe chở gỗ này chở Nam di chuyển đến nhà đối tượng Lê Hữu Thiện ở TP Huế; còn Sơn chở Hà đi cùng để hộ tống theo sau.
Khi đến kho chứa gỗ của nhà Thiện thì Thiện ra mở cửa tiếp nhận số gỗ trên vào kho. Sau đó, Cường lên xe BKS 75C-098.86 của Sơn chạy vòng khu vực bờ Nam TP Huế rồi chạy lên huyện Nam Đông trước; còn Nam chở Hà điều khiển xe BKS 75C-114.72 về lại xã Vinh Mỹ để tiếp tục bốc 29 phách gỗ còn lại để chở lên kho của Thiện. Khi Hà và Nam đang chở 29 phách gỗ đến đoạn Kiệt 27 Ngự Bình, phường An Cựu (TP Huế) thì bị Công an huyện Nam Đông phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện quả tang…
Qua điều tra mở rộng, đến giữa tháng 1/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã lần lượt bắt giữ 9 đối tượng, gồm: Lê Hữu Thiện, Trần Viết Thế Sơn, Đỗ Ngọc Cường, Đặng Phương Nam, Nguyễn Quốc Hà, Nguyễn Văn Lãm, Trần Định Vĩ, Trần Văn Đông, Trần Văn Lanh (cùng trú tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) có liên quan hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép.
Theo cơ quan điều tra, Trần Viết Thế Sơn thỏa thuận, trao đổi, bàn bạc thống nhất với Đỗ Ngọc Cường về việc mua 34 phách gỗ kiền kiền Phú Quốc của Trần Văn Lanh và 49 phách gỗ kiền kiền Phú Quốc của Trần Văn Đông và Trần Định Vĩ. Sau đó, Sơn, Cường sử dụng xe ôtô để vận chuyển, bán cho Lê Hữu Thiện số lượng 83 phách gỗ kiền kiền Phú Quốc nêu trên không có nguồn gốc, hồ sơ, giấy tờ hợp pháp. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Nam, Hà, Lãm biết rõ gỗ không có giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn cố ý thực hiện giúp cho các đối tượng Sơn, Cường trong việc vận chuyển, tiêu thụ gỗ.
Được biết, theo kết quả giám định của Viện nghiên cứu công nghiệp rừng thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam kết luận, 83 phách gỗ các đối tượng vận chuyển, mua bán nêu trên là loại gỗ Kiền kiền Phú quốc, được xếp nhóm IA trong “Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 đối tượng nói trên về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” theo Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015. Điều khiến dư luận bức xúc là trong số 9 đối tượng nói trên; Trần Viết Thế Sơn dù là KLV nhưng lại là một trong những đối tượng cầm đầu trong đường dây vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép.
Theo ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông, Trần Viết Thế Sơn nhận nhiệm vụ công tác tại đơn vị này từ năm 2022. Khoảng giữa tháng 12/2023, Sơn bị cơ quan Công an mời làm việc vì có liên quan đến việc vận chuyển lâm sản trái phép.
Gia Lai: Hơn 150 cây gỗ bị đốn hạ, xẻ hộp ở Kông Chro
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai vừa phát hiện hơn 154 cây gỗ bị cưa hạ trái phép thuộc địa giới hành chính xã Chư Krêy và An Trung, huyện Kông Chro (Gia Lai).
Ngày 18/1, lãnh đạo UBND xã Chư Krêy, huyện Kông Chro (Gia Lai) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng Công an đi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 733, thuộc lâm phần do UBND xã Chư Krêy quản lý.
Trước đó, vào ngày 16/1, qua công tác trinh sát, tổ công tác Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an huyện Kông Chro phát hiện, bắt quả tang Lươp và H'dim ( đều 18 tuổi, trú tại xã Chư Krêy) đang có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại tiểu khu 733.
Một hộp gỗ đang được 2 đối tượng vận chuyển ra khỏi rừng (ảnh N.H)
Ngay sau đó, lực lượng Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro và UBND xã Chư Krêy khám nghiệm hiện trường. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 35 cây gỗ thuộc chủng loại lành ngạnh, trám, trâm, chò đen, chiêu liêu có đường kính gốc từ 25 cm đến 60 cm bị cắt hạ, cưa xẻ vận chuyển ra khỏi hiện trường.
Qua đấu tranh, khai thác, bước đầu cơ quan Công an xác định nhóm thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong vụ việc này gồm: Đinh Lươp, Đinh H'dim, Đinh Hiưp (21 tuổi), Đinh In (27 tuổi), Đinh N. (15 tuổi, cùng trú tại xã Chư Krêy).
Số gỗ được tập kết tại bìa rừng (ảnh T.H)
Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Kông Chro đang tạm giữ 5 đối tượng trên, về hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
"Ngay sau khi nhận được thông tin rừng bị phá, UBND xã đã phối hợp cùng Công an đi kiểm đếm. Qua xác minh số gỗ trên được các thanh niên khai thác, xẻ hộp vận chuyển về làm nhà. Vị trí rừng bị phá nằm cách làng Tring khoảng 1km, thời điểm phát hiện số gỗ được xẻ theo quy cách ván và xà gồ tập kết ở bìa rừng, có một cây nằm trên đất rẫy của người dân, được các đối tượng xẻ theo 3 hộp lớn. Hiện khối lượng gỗ thiệt hại đang được cơ quan chức năng kiểm đếm", lãnh đạo xã Chư Krêy cho biết.
Số lượng gỗ thiệt hại đang được lực lượng chức năng kiểm đếm (ảnh T.H)
Trước đó, vào ngày 26/12/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cũng đã phối hợp với Công an huyện Kông Chro phát hiện tại khoảnh 1, khoảnh 2, khoảnh 4, Tiểu khu 725 thuộc lâm phần do UBND xã An Trung (huyện Kông Chro) quản lý có 119 cây gỗ đường kính gốc từ 15 cm đến 60 cm bị cắt hạ, khối lượng gỗ là hơn 28 m3; gần hiện trường phát hiện 3 lò than đang hoạt động.
Hiện Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Gia Lai đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kông Chro tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Bắt quả tang nhóm đối tượng đốn hạ rừng phòng hộ hồ Quao Nhóm 10 người có hộ khẩu thường trú tại xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xâm nhập vào lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 41 thuộc rừng phòng hộ hồ Quao, xã Phong Mỹ để chặt hạ gỗ keo tràm và gỗ tự nhiên rồi vận chuyển ra khỏi rừng để bán cho trạm cân ở địa phương....