Nghệ sĩ Tuý Hồng xúc động trong đêm giã từ sân khấu
Tối 17/4 (giờ địa phương), tại California – miền Nam nước Mỹ, đông đảo khán giả kiều bào đã đến tham dự chương trình “Giã từ sân khấu” của nghệ sĩ Tuý Hồng.
Điều đọng lại trong lòng khán giả kiều bào chính là tình cảm dành cho nữ nghệ sĩ cùng thời với các nghệ sĩ đã có nhiều công lao trong việc khai phá dòng kịch nói Nam Bộ như: Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng, Vân Hùng, Xuân Phát, Tuý Hoa, Tuý Hồng…
Hơn 60 năm qua, bà vẫn giữ vững thương hiệu Ban kịch Sống – Tuý Hồng. Nếu trong nước NSND Kim Cương lèo lái đoàn kịch nói mang tên mình, đều đặn ra đời những kịch bản tiêu biểu cho dòng kịch Nam Bộ, thì ở hải ngoại nghệ sĩ Tuý Hồng cũng làm điều tương tự.
Bà quy tụ nhiều nghệ sĩ hình thành những vở kịch theo chủ đề tôn vinh giá trị đạo đức, luân lý, gia giáo của người Việt, nhất là chọn những tác phẩm văn học của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng, Nhất Linh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… để làm nên thương hiệu kịch tại hải ngoại, nhằm phục vụ công chúng kiều bào.
NS Túy Hồng thắp nhang bàn thờ Tổ nghiệp
NSƯT Bảo Quốc nhận định: “Chị Tuý Hồng góp phần tích cực trong việc khơi dòng chảy văn hoá Việt trên đất khách, để qua những năm tháng bền bỉ đó, ban kịch Sống của chị đã đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật để thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ hiểu hơn về truyền thống, đạo đức, lối sống và văn hoá vùng miền trong từng vở kịch. Các bạn trẻ đến với ban kịch Sống – Tuý Hồng có cơ hội tiếp cận với tiếng Việt, đọc và say mê văn học Việt Nam và trân quý tình cảm dành cho sân khấu”.
Danh hài Bảo Quốc dù chưa khoẻ hẳn sau ca phẩu thuật cách đây không lâu nhưng ông vẫn đến tặng hoa cho đồng nghiệp. “Tôi chỉ mong chị Tuý Hồng chỉ giã từ công việc tổ chức, chứ không giã từ Tổ nghiệp. Nghĩa là những vở kịch có vai phù hợp thì tham gia cùng thế hệ trẻ” – NSƯT Bảo Quốc nói.
Video đang HOT
Tuý Hồng và Tú Trinh chụp ảnh lưu niệm với khán giả hâm mộ
Tuy nhiên, nghệ sĩ Tuý Hồng vẫn giữ nguyên tuyên bố giã từ sân khấu vì lý do sức khoẻ: “Tôi cảm động trước tình cảm mà khán giả mấy thập niên qua đã dành cho tôi, tình cảm đó càng đong đầy hơn khi có thêm sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp, làm nên thương hiệu kịch Sống tại Mỹ. Tình cảm đó xin mang theo suốt phần đời còn lại. Hai suất diễn này là sự tri ân của tôi đối với khán giả trong và ngoài nước đã luôn nhớ đến Tuý Hồng”.
Trong chương trình, ngoài hai vở kịch Áo người trinh nữ (vở kịch đầu tiên mà nghệ sĩ Tuý Hồng được diễn trên sân khấu) và Cuối đời thương nhớ (dựa theo tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh), còn có phần ca nhạc với những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương. Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc – người dàn dựng chương trình này tâm sự: “Tôi cảm kích trước tấm lòng của cô Tuý Hồng dành cho sân khấu. Bà nói đây là suất diễn cuối cùng, nghe tâm sự của bà về nỗi nhớ sàn diễn khi tuổi cao sức yếu, các suất diễn thưa dần, thấy rằng người nghệ sĩ dù có rời xa ánh đèn sân khấu thì tâm hồn mình vẫn thuộc về nghệ thuật”.
Khán giả kiều bào đã dành nhiều tràng pháo tay cho hai suất diễn cho ban kịch Sống của nghệ sĩ Tuý Hồng. Nhiều khán giả kiều bào tại Mỹ ở các tiểu bang xa đã lái xe về tham dự hai suất diễn này. Họ tặng hoa, chụp ảnh, xin chữ ký lưu niệm của nghệ sĩ Tuý Hồng. Hình ảnh đáng yêu đó làm nên ý nghĩa tuyệt đẹp của văn hoá Việt tại đất Mỹ.
Túy Hồng ban đầu chỉ biết đóng kịch và là một kịch sĩ nổi tiếng của ban thoại kịch Dân Nam và Kim Cương, nhờ sự dìu dắt của Lam Phương đã hát rất hay. Những ca khúc nổi tiếng của Lam Phương như Chiều tàn, Đèn khuya, Mộng ước, Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi và nhất là Phút cuối được Tuý Hồng trình bày thật truyền cảm. Giọng ca của Tuý Hồng tạo nhiều cảm xúc và được khán giả yêu mến.
Bà là diễn viên chính trong phim Nhà tôi phỏng theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Duyên Anh
Theo Thanh Hiệp/ Người lao động
'Sân khấu kịch không bao giờ chết'
Đó là khẳng định của nhiều đạo diễn, nghệ sĩ và nhà phê bình sân khấu trước câu hỏi về tình trạng "xuống dốc không phanh" của sân khấu đương đại, đặc biệt là sân khấu miền Bắc.
Những năm gần đây, giải pháp vực dậy nghệ thuật sân khấu miền Bắc được nhiều người quan tâm. Có thể nói, chưa bao giờ sân khấu miền Bắc lại chịu cảnh đìu hiu, 'sống dở chết dở' như hiện nay khi ngay cả nhà hát nổi tiếng mỗi năm chỉ cho ra mắt vài ba tác phẩm. Trong đó, nhiều vở diễn là đơn đặt hàng của nhà nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các nhà hát không thể "tự sống" bằng nguồn thu từ bán vé dù đã rất cố gắng.
"Ai là thủ phạm?" - một tác phẩm của Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Ảnh: L ê Quang Đức
Vở diễn gây được tiếng vang chủ yếu bước ra từ những cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp nên dù được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật thì vẫn bị cho là xa lạ với công chúng. Từ nhiều năm nay, sân khấu miền Bắc đã không còn tình trạng xếp hàng mua vé xem kịch, điều mà thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, kịch của Lưu Quang Vũ đã làm được.
Ngoài kịch bản yếu kém, dàn dựng thiếu sáng tạo thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khán giả quay lưng với sân khấu là sự phát triển bùng nổ của các loại gameshow, truyền hình thực tế. Công chúng hoàn toàn có thể ngồi ở nhà để thưởng thức đủ mọi chương trình nghệ thuật thay vì phải chen chân đến các nhà hát. Ngoài ra, khán giả trẻ Việt Nam bắt đầu hình thành thói quen đi xem phim điện ảnh vào dịp cuối tuần và không còn mặn mà với việc xem kịch.
Trước sự phát triển như vũ bão của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí, nhiều người đặt câu hỏi về sự tồn tại mông lung của nghệ thuật sân khấu trong đời sống đương đại. Sân khấu kịch dựa vào đâu để chinh phục và kéo khán giả về phía mình là câu hỏi của rất nhiều người, đặc biệt là những người yêu sân khấu.
NSND Lê Hùng khẳng định sự phát triển của điện ảnh, truyền hình không thể làm sân khấu mất chỗ đứng. Ảnh: Lê Quang Đức
Trả lời thắc mắc đó, đạo diễn, NSND Lê Hùng cho rằng: "Sân khấu không bao giờ chết, kể cả điện ảnh - truyền hình là những 'đứa em' của nghệ thuật sân khấu, phục vụ khán giả ngay tại nhà, đến tận đầu giường của khán giả. Trong bối cảnh như vậy, nghệ thuật sân khấu những tưởng sẽ biến mất. Nhưng không! Sân khấu có sức hấp dẫn riêng của mình mà không phải loại hình giải trí nào cũng có".
"Khán giả quay lưng với sân khấu không phải vì sân khấu lạc hậu hay không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Sân khấu đánh mất khán giả vì thiếu những tác phẩm hay. Bây giờ, chỉ cần chúng ta có những tác phẩm hay thì chắc chắn sẽ vực dậy được loại hình nghệ thuật này" - NSND Lê Hùng nói.
NSND Anh Tú - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng khẳng định đặc trưng của sân khấu không thể trộn lẫn với bất cứ loại hình giải trí nào giữa bối cảnh phải cạnh tranh để tồn tại. Nam nghệ sĩ cho biết "Sân khấu là loại hình nghệ thuật tương tác trực tiếp với khán giả. Khán giả ngồi ngay phía dưới sân khấu để thưởng thức tác phẩm mà không cần qua màn hình lớn, nhỏ như điện ảnh, truyền hình. Người xem có thể sống cùng tác phẩm, cảm nhận trực tiếp diễn xuất của diễn viên, ngôn ngữ nhân vật. Do đó, sân khấu có vị trí riêng trong đời sống nghệ thuật, không dễ gì có thể thay thế".
"Người xem có thể cảm nhận trực tiếp tác phẩm, đó là ưu điểm của kịch" - NSND Anh Tú chia sẻ. Ảnh: Lê Quang Đức
Đồng quan điểm với NSND Anh Tú, PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, một nhà phê bình sân khấu "chắc tay nghề" khẳng định: "Sân khấu khác biệt với các loại hình nghệ thuật khác ở chính đặc trưng của sân khấu. Một vở diễn với kịch bản hay, đạo diễn giỏi, diễn viên xuất sắc thì không bao giờ khán giả quay lưng, chối bỏ sân khấu được".
"Việc làm quan trọng nhất đối với sân khấu trong giai đoạn hiện nay là lấy lại khán giả, cách đây vài chục năm khán giả từng xếp hàng, chen nhau đi xem sân khấu. Muốn điều này lặp lại thì không còn cách nào khác là khắc phục những yếu kém, hạn chế đang tồn tại trong sân khấu hiện nay" - tác giả của Sân khấu và tôi nói.
NSƯT Trung Anh - gương mặt gạo cội của sân khấu kịch miền Bắc cho rằng, một trong những lý do quan trọng để sân khấu kịch không bao giờ chết trong đời sống nghệ thuật đó là tình yêu của những người làm sân khấu.
Nhiều nghệ sĩ miệt mài và tâm huyết với sân khấu dù nhận được nhiều lời mời đóng phim điện ảnh, truyền hình. Ảnh: Lê Quang Đức
"Tôi yêu và đam mê sân khấu thực sự, dù điện ảnh và phim truyền hình mang lại thu nhập cao hơn. Sân khấu là lựa chọn đầu tiên của tôi và đó cũng là nơi tôi đi về, gắn bó và sống chết. Sâu khấu kịch sẽ tiếp tục tồn tại vì những tình yêu như thế" - Trung Anh khẳng định.
Theo Zing
NSND Lê Hùng dựng kịch từ tiểu thuyết kinh điển của Nga Vở diễn nổi tiếng "Bình minh nơi đây yên tĩnh", chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nga sẽ lần đầu tiên được dàn dựng tại Việt Nam dưới bàn tay của đạo diễn Lê Hùng. Ngày 4/3, đạo diễn - NSND Lê Hùng và Nhà hát Kịch nói Quân đội tổ chức lễ khai sàn vở diễn Bình minh nơi...