Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc vì bị chấm công vân tay
Nhiều nghệ sĩ cho rằng, khi họ thức tới 3, 4h sáng để làm việc thì ai sẽ là người chấm công cho họ?
Câu chuyện về sự bất đồng quan điểm giữa Ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam cùng với tập thể nghệ sĩ hiện đang làm việc tại Hãng thu hút sự quan tâm của dư luận. Đã có những người đại diện cho cả hai bên lên tiếng, thậm chí, các cuộc họp gặp gỡ diễn ra nhưng tiếng nói chung của cả hai phía đều chưa được thống nhất.
Trở ngại chấm công nghệ sĩ Hãng phim truyện bằng vân tay
Ngày 9.10 vừa qua, theo kế hoạch của Ban lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam thì Hãng sẽ chính thức lắp đặt máy quét vân tay, cũng như áp dụng chính sách làm việc một ngày 8 tiếng đối với các cán bộ làm việc trong Hãng. Chỉ ngoại trừ lãnh đạo, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, trưởng phòng và những cá nhân đang thực hiện các dự án phim, các đề tài riêng thì không phải đáp ứng ngày làm 8 giờ tại công ty, với điều kiện báo cáo nội dung công việc và tiến độ thực hiện với lãnh đạo công ty.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng, việc quản lý bằng chấm vân tay và yêu cầu các nghệ sĩ có mặt 8 tiếng một ngày tại cơ quan là điều hết sức bình thường.
Dù chủ trương là như vậy nhưng việc thực hiện nó ngay lập tức gặp phải sự phản đối dữ dội từ phía các nghệ sĩ thuộc biên chế Hãng phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ cho rằng việc quản lý một cách cứng nhắc và rập khuôn như vậy là không hợp lý với một môi trường có tính đặc thù như Hãng phim truyện Việt Nam. Hay nói cách khác, đó là một hành động sẽ “giết chết” đi cảm hứng làm việc, sáng tác của anh em nghệ sĩ.
Sáng ngày 9.10, khi Hãng phim truyện Việt Nam cho lắp đặt máy lấy dấu vân tay, một nghệ sĩ do quá bức xúc đã ngăn cản không cho nhân viên lắp máy thực hiện. Nghệ sĩ này sau đó đã đem chiếc máy này đi chỗ khác. Ông Vũ Quốc Tuấn – Phó phòng Quay phim cho biết: “Hiện hãng phim đang trong quá trình bị thanh tra. Chúng tôi được biết đến ngày 1.12 năm nay phải xong hoạt động và có kết luận thanh tra. Do đó các nghệ sĩ không đồng ý với những thay đổi vào thời gian này. Phải chờ có kết luận của thanh tra thì muốn thay đổi gì cũng được.
Một nghệ sĩ đã ngăn cản việc lắp máy lấy dấu vân tay là do quá nóng giận, hành động bộc phát. Sau khi biết điều này, chúng tôi đã yêu cầu anh ấy hoàn trả chiếc máy lấy vân tay cho công ty”.
Một nghệ sĩ do quá nóng giận đã cản trở việc lắp đặt chiếc máy chấm công bằng vân tay.
Quản lý theo chất lượng công việc hay máy móc về mặt thời gian?
Nhiều người cho rằng, không thể nào quản lý được một tập thể các nghệ sĩ bởi đặc thù công việc sáng tác, có người làm việc tới 3 – 4h sáng thì lúc đó ai sẽ chấm công khi ấy cho họ? Việc chấm công là cách quản lý máy móc và rập khuôn.
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận định về vấn đề trên: “Hãng phim truyện Việt Nam nên quản lý họ (anh, em nghệ sĩ) bằng sản phẩm chứ không phải bằng việc “phải lên cơ quan 8h/ngày và kiểm tra bằng lấy dấu vân tay” xem họ có lên không? Làm vậy thật máy móc chỉ gây mất hứng cho người sáng tác. Đạo diễn, quay phim cũng vậy… Quản khối nghệ thuật là phải biết tôn trọng nghề nghiệp, đặc thù nghề nghiệp của họ. Hơn ai hết khi có phim là họ làm quên ăn quên ngủ. Họ chính là những cái máy cái trong một Hãng sản xuất phim. Không có họ, Hãng không tồn tại được. Dù các phòng ban khác có lên đủ 8h cũng không để làm gì. Coi sổ sách, quét nhà, pha nước không phải việc của họ, đó là lao động bình thường ai cũng làm được”.
Tương lai Hãng phim truyện Việt Nam sẽ đi về đâu?
Sự việc trên dưới bất nhất của Hãng phim truyện Việt Nam diễn ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người phải “bàng hoàng” về sự “bung bét” khi Ban lãnh đạo mới nhận quản lý Hãng phim sau cổ phần hóa. Đỉnh điểm là việc ông Nguyễn Thủy Nguyên, chủ mới của Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, nghệ sĩ Quốc Tuấn có cách hành xử Chí Phèo. Ông cho rằng, những lời nói của mình chỉ nhắm tới cá nhân nghệ sĩ Quốc Tuấn và bởi vì ông bị nghệ sĩ này dọa đánh cũng như xúc phạm trong buổi họp ngày 29.9.
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Thế nhưng hàng loạt những người có mặt tại buổi họp đó nhận định, không có chuyện nghệ sĩ Quốc Tuấn xúc phạm ông Thủy Nguyên. Bản thân nghệ sĩ Quốc Tuấn cũng phải bức xúc thốt lên: “Tôi xin lỗi phải dùng từ khốn nạn khi có thể nói nghệ sĩ là Chí Phèo, Thị Nở rồi thậm chí còn văng tục nay mẹ mai cha rồi nghệ sĩ phải treo cổ chết. Tôi không muốn tranh luận cá nhân nhiều khi một người vô văn hoá như vậy lại là ông chủ đơn vị nghệ thuật. Thực sự là không thể chấp nhận khi xúc phạm đến các nghệ sĩ như vậy”.
Trong khi nội bộ của Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay đang có sự không thống nhất giữa bộ máy lãnh đạo và anh em nghệ sĩ thì nhiều người quan tâm lo lắng cho tương lai của Hãng phim có lịch sử lên tới 60 năm tồn tại với hàng trăm tác phẩm điện ảnh sẽ liệu sẽ đi về đâu…
Video đang HOT
Theo Danviet
Ông Thủy Nguyên vẫn khẳng định bị đạo diễn Quốc Tuấn dọa đánh
"Tôi nói Quốc Tuấn là Chí Phèo đúng lúc nhạy cảm". Ông Nguyễn Thủy Nguyên, chủ tịch VIVASO cho biết.
Việc đại gia Thủy Nguyên - chủ tịch VIVASO, cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam gọi Quốc Tuấn là "Chí Phèo" và có những lời lẽ xúc phạm nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua.
NSND Thanh Vân cho rằng việc ông Thủy Nguyên nhận xét Quốc Tuấn "đi đâu cũng khóc như mưa" là hành động vô cảm. NSND Lan Hương, đạo diễn Trần Chí Thành, NSƯT Minh Hằng cũng lên án phát ngôn này của chủ tịch VIVASO.
Để rộng đường dư luận, Zing.vn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thủy Nguyên về phát ngôn bị cho là có phần tàn nhẫn với nghệ sĩ Quốc Tuấn cũng như căng thẳng kéo dài trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Chủ tịch VIVASO cho biết đây là lần đầu tiên ông trả lời phỏng vấn trực tiếp một cơ quan báo chí sau hơn 2 tháng là tâm điểm của dư luận.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Tổng Công tỷ Vận tải Thủy VIVASO, cổ đông chiến lược Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Ảnh: Tùng Đoàn.
'Tôi đã phát ngôn ở thời điểm nhạy cảm'
- Việc ông gọi đạo diễn Quốc Tuấn là Chí Phèo với nhận định "đi đâu cũng khóc như mưa" đã gây bức xúc trong dư luận những ngày qua. Phát ngôn đó có phần nhẫn tâm trong hoàn cảnh của Quốc Tuấn, ông có nghĩ như vậy?
- Tôi nói như vậy trong bối cảnh ở Hãng phim truyện Việt Nam, chứ không phải gia đình của Quốc Tuấn. Dư luận đừng đặt hai chuyện đó với nhau. Về câu chuyện của bố con anh Quốc Tuấn, bản thân công ty khi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cũng luôn nhớ đến đầu tiên.
Tôi cũng thường nói với công đoàn là cần hỗ trợ gia đình Quốc Tuấn. Nhưng việc nào ra việc đó, không thể lẫn lộn với nhau được. Đang trong bối cảnh này lại nhìn sang chuyện khác, mọi việc sẽ bị đẩy theo hướng khác.
- Trong đoạn ghi âm cuộc họp ngày 29.9 mà các nghệ sĩ cung cấp, ông đã nhiều lần văng tục với đạo diễn Quốc Tuấn và có lời lẽ xúc phạm nghệ sĩ. Với cách hành xử ấy, ông nghĩ mình sẽ 'thu phục' được các nghệ sĩ ở hãng phim?
- Tôi phải nói là anh Tuấn còn định xông lên để đánh tôi. Mới nói được 2-3 câu, anh Tuấn đã bảo tôi không phải là giám đốc, không phải là ông chủ. Thực ra, tôi chỉ định họp bàn công việc. Nhưng muốn họp cũng khó. Tuy nhiên, nhất quyết sau vụ này, tôi sẽ làm triệt để, công ty không thể thành cái chợ được.
Muốn người khác lịch sự với mình, mình cũng phải là người lịch sự trước đã. Tôi cũng là người được học hành đầy đủ, tôi cũng có 20 năm là kỹ sư, 7 năm phục vụ trong quân đội, cũng hiểu đời hiểu người. Nhưng cá nhân tôi cũng đang cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề và tôi rất mệt mỏi.
- Rõ ràng câu chuyện của cha con đạo diễn Quốc Tuấn rất xúc động và truyền cảm hứng về tình yêu thương cho nhiều người. Thật thẳng thắn, ông có thấy tiếc vì đã phát ngôn những lời lẽ như vậy?
- Thực lòng mà nói, khi nói từ tiếc hay không tiếc có nghĩa chưa hiểu thế nào là đúng sai trong câu chuyện này. Tôi nghĩ rằng, ở đây chúng ta phải hiểu đúng vấn đề. Đừng chuyện nọ xọ chuyện kia. Tôi cũng là một con người, tại sao không hiểu chuyện?
Tuy nhiên, tôi thấy rằng phát ngôn đó là không hợp lý, nhất là ở thời điểm đang nhạy cảm về chuyện bố con anh Quốc Tuấn.
- Sau cuộc họp ngày 29.9, căng thẳng tiếp tục leo thang quanh câu chuyện cổ phần ở hãng phim truyện Việt Nam. Xem ra việc "thâu tóm" hãng phim và khu đất vàng đã không suôn sẻ như ông nghĩ?
- Không phải tất cả nghệ sĩ ở hãng phim đều phản đối đâu, chỉ có một vài người, bạn cứ đếm mà xem, quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu gương mặt. Đừng đánh đồng đấy là tất cả nghệ sĩ ở hãng, việc đó khiến tôi như trở thành một kẻ đối kháng lại với tất cả vậy.
Việc cổ phần ở hãng phim vô cùng phức tạp với rất nhiều vấn đề. Nói thật là tôi cũng rất bức xúc và mệt mỏi.
Ngay sáng nay thôi, tôi cho lắp máy quét vân tay, họ đã gỡ mang đi, tôi vừa trình báo công an đến giải quyết.
Từ chuyện đi cổng trước, cổng sau đến việc dọn phòng cũng bị hiểu sang hướng khác. Cái nhà chứa đạo cụ, phục trang thì bảo là toàn kỷ niệm với xe đạp, khẩu súng. Kỷ niệm thì kỷ niệm nhưng cũng chỉ giữ những thứ cần giữ, giữ hết sẽ thành một đống đổ nát..
Chuyện gì họ cũng có thể vin vào và đổ lỗi là người khác không tôn trọng.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định quá trình cổ phần hóa minh bạch vì vẫn còn hồ sơ. Ảnh: Tùng Đoàn.'Cổ phần hóa tức là ngân sách nhà nước sẽ có thêm tiền'
'Cổ phần hóa tức là ngân sách nhà nước sẽ có thêm tiền'
- Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam bị tố là không minh bạch, Tổng công ty Vận tải nghiễm nhiên trở thành cổ đông chiến lược mà không có đối thủ cạnh tranh nào. Ông có thể một lần thắng thắn trả lời về cáo buộc này?
- Đừng nói là không minh bạch, hồ sơ cổ phần hóa còn đó. Hồ sơ đó có cả chữ ký của anh Thanh Vân - người nhiệt tình đi kiện suốt thời gian qua. Anh ấy ký đủ cả, có văn bản không cần ký, anh ấy cũng ký, giờ lại bảo là không minh bạch.
Việc cổ phần hóa có quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chúng tôi làm hoàn toàn đúng luật doanh nghiệp và không sai điều gì. Giờ tôi cũng mệt mỏi với tranh cãi về vấn đề này, tôi dành thời gian để tập trung vào cải tổ Hãng phim truyện Việt Nam.
Nói thật, nếu chỗ nào có đất như Hãng phim mà đều cho doanh nghiệp thuê thì ngân sách nhà nước thu lại rất nhiều tiền. Người dân đỡ đi được một phần tiền thuế. Trước đây, Hãng phim nợ thuế đất 21 tỷ đồng nhưng công ty của tôi trả rồi, có người trả như vậy, ngân sách sẽ không có chuyện lỗ.
- Trong cuộc họp báo của Hội Điện ảnh Việt Nam cách đây không lâu, Hội và các nghệ sĩ đều cho rằng mục đích thực chất của VIVASO khi "thâu tóm" Hãng phim chỉ là nhằm trục lợi trên mảnh đất vàng?
- Trong kinh doanh phải tính đến nhiều yếu tố, có lợi cái gì và không lợi cái gì. Trong những cái lợi và không lợi cộng lại, nếu tổng giá trị là dương (vẫn lợi - pv) thì tôi mua.
Kinh doanh có pháp luật, chứ đừng bảo trục lợi. Người ta cứ đá xoáy góc độ kinh doanh chứ kinh doanh chả có gì xấu. Người ta thích nói đến tâm hồn nhưng có thực mới vực được đạo.
Tôi nghĩ, việc đầu tiên phải ổn định lại hãng, cứ kiểu "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường" như hiện nay thì không biết là tồn tại với nhau đến bao giờ.
- Việc "thâu tóm" khu đất vàng ở hãng phim truyện VN, ông vừa bàn đến nhà nước sẽ có lợi về ngân sách, sẽ không còn nợ thuế, nợ tiền thuê đất, vậy xin hỏi, cái lợi của riêng cá nhân ông trong thương vụ này là gì?
- Cái lợi của tôi nằm trong lợi ích của công ty tôi. Doanh nghiệp chúng tôi làm gì cũng phải tính đến lợi ích. Tôi chắc chắn rằng, dù là công ty tôi - hay bất kỳ doanh nghiệp nào mua lại hãng phim, họ cũng sẽ làm như tôi, tức là tính đến quá trình cải tổ hãng phim, và tìm nhiều con đường kinh doanh khác nhau.
- Trong đó có sản xuất phim không?
- Có chứ. Trong quá trình cổ phần, chúng tôi đã cam kết về việc sản xuất phim và sẽ thực hiện đúng cam kết. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không dồn tất cả 100% vốn cho công việc này, một phần nào đó, nhưng chắc chắn là có.
Nhưng trước hết, như tôi đã nói ở trên, phải ổn định việc tổ chức ở hãng. Hiện, trên dưới còn chỉ mặt nhau cãi cọ như thế, làm sao dám mời chuyên gia nước ngoài về sản xuất phim? Họ sẽ "bỏ của chạy lấy người".
"Tôi đang trả lương cho cả thời gian họ đi nói xấu và kiện tôi"
- Khi lên tiếng các nghệ sĩ đều khẳng định họ không nhìn thấy ở ông bóng dáng một ông chủ hãng phim. Ví dụ, việc ông yêu cầu họ đi làm ngày 8 tiếng, chấm công bằng vân tay...?
- Doanh nghiệp nào vào Hãng phim cũng sẽ quản lý như vậy. Biết nghệ thuật là ngành đặc thù, tôi đã quản lý khác bên Tổng công ty Vận tải Thủy đấy chứ. Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là không phải chấm công bằng dấu vân tay nhưng phải báo cáo là đang làm gì, kết quả thế nào.
Tôi thực hiện theo đúng luật lao động nhưng người ta vẫn kêu ca. Trước 9h đến Hãng phim gần như mấy nghệ sĩ đó không bao giờ đến. Một cơ quan không thể như thế được. Người ta bảo hiện tại chưa có việc, tôi khẳng định là sẽ có việc. Còn không việc thì anh phải đến cơ quan để tôi trả lương, đi đâu anh phải báo cáo.
Không thể có chuyện, tôi cứ trả lương, xong anh đi làm chỗ khác. Anh không thừa nhận tôi là chủ nhưng anh đòi nhận lương của tôi. Trong giờ làm việc mà tôi phải trả lương cho anh, anh lại đi tìm tài liệu để kiện lại tôi. Thử đặt vào địa vị của tôi xem có chấp nhận được không?
- Ông có thể đưa ra một định hướng cụ thể về việc chấn hưng hãng phim, vực dậy quy trình sản xuất phim của hãng để các nghệ sĩ dùng thời gian hữu ích hơn?
- Tôi định mời nước ngoài về đây nhưng trong nhà còn loạn, ẩu đả như thế này thì mời ai. Không cơ quan nào mà chửi nhau náo loạn, cấp dưới cấp trên lời qua tiếng lại như vậy. Nhân viên thì phát ngôn lung tung khắp nơi.
Có lẽ các nghệ sĩ phải biết rằng, các anh mà giỏi thì sống được ở thương trường từ lâu rồi, không cần đến "bầu vú sữa" của nhà nước, đây là bao cấp tàn dư thôi, không thể sống thế mãi được.
Ở thị trường, nhiều đạo diễn, quay phim giỏi, lịch của họ kín đến năm 2020 rồi chứ không chờ vào mấy đồng lương.
"Tôi vốn nghĩ rằng trong giới nghệ thuật bao giờ người ta cũng rất vui vẻ, ai nghĩ nơi đây kiện tụng, cờ bạc, đề đóm và bất công như vậy", ông Nguyên nói. Ảnh: Tùng Đoàn.
- Những căng thẳng kéo dài và diễn biến ngày càng phức tạp ở hãng phim có nằm trong tiên liệu của ông khi nhắm mua đơn vị này?
- Đúng là tôi không lường hết được. Tôi vốn nghĩ rằng trong giới nghệ thuật bao giờ người ta cũng rất vui vẻ, ai nghĩ nơi đây kiện tụng, cả cờ bạc, đề đóm và bất công nhiều như vậy. Kiện tụng suốt ngày vì không đi làm vẫn muốn được hưởng lương.
Khi vào đây, tôi chỉ muốn vui vẻ đoàn kết lại nhưng sự việc đang diễn biến đến mức độ như bây giờ. Nhưng tôi sẽ không dừng lại, tôi sẽ nghiên cứu tiếp, đảm bảo về lợi ích xã hội, lợi ích công ty, trong đó có cá nhân tôi.
Tôi cũng đã xem các video, các đoạn ghi âm họ tung lên mạng nhằm bôi xấu, xúc phạm tôi và công ty. Nhưng nhiều quá, tôi không xem hết. Tôi vô cùng mệt mỏi. Chưa kể còn hàng trăm nhân viên của tôi ở công ty vận tải thủy, họ nghĩ gì?
- Mấu chốt của các video, ghi âm trên mạng có thể chỉ là, nghệ sĩ ở hãng phim họ không có niềm tin vào sự quản lý ở một ông chủ như ông - người đã từng thâu tóm VIVASO, và nói như chữ dùng của họ, "đi lên từ một cai thầu xây dựng"?
- Giữa những mâu thuẫn, bất đồng gần như không có giải pháp như hiện nay, là người đứng đầu - ông định sẽ làm gì để khắc phục?- Tôi đang đọc rất nhiều tài liệu về việc quản lý nhân sự ở các hãng phim lớn, ở cả đài truyền hình và các mô hình quản lý nghệ thuật để học hỏi. Tôi đã rất cầu thị, đã muốn được trò chuyện "ba mặt một lời", nhưng nhất cử nhất động của tôi đều bị hiểu lệch đi, và gây ra những ầm ĩ không đáng có.
- Tôi sẽ thận trọng hơn, trong mọi động thái và phát ngôn.
Theo Hiền Hương - Quang Đức (Zing)
Đạo diễn Quốc Tuấn: Vu cho tôi định đánh ông Thủy Nguyên là hèn hạ Mới đây ông Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam cho biết đạo diễn Quốc Tuấn đã chửi bới và định đánh nhau với ông. Dân Việt đã trao đổi với đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn. Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty...