Nghe chuyên gia tiết lộ những điều mẹ cần lưu ý ngay trong tuần đầu tiên sinh em bé
Những người mẹ khi mới sinh con chắc chắn sẽ không thể tránh được những bối rối, bỡ ngỡ, nhất là trong tuần đầu tiên. Chuyên gia sẽ giúp đưa ra những lưu ý để mẹ chủ động hơn trong giai đoạn khó khăn này.
Bà Fonnie Lo, trợ lý giám đốc và cố vấn về nuôi con bằng sữa mẹ tại trung tâm Thomson ParentCraft Center (Singapore) sẽ chỉ ra những điểm mẹ cần lưu ý trong tuần đầu sau sinh.
Chuyên gia Fonnie Lo (ngoài cùng bên trái) tư vấn cho các bà mẹ trẻ ngay sau khi sinh
1. Cách bế bé sao cho đúng
Theo bà Lo, sau khi sinh bé và trở về nhà, các mẹ thường có tâm lý căng thẳng và bế bé chưa đúng cách, luôn trong tâm trạng bế nhưng sợ làm rơi bé. Chính vì thế, em bé sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái. Điều quan trọng nhất mẹ phải lưu ý là bế cẩn thận, đặc biệt là vùng cổ của em bé. Mẹ vòng tay hình chữ C để đỡ dưới cổ bé, 1 tay còn lại đỡ mông. Chú ý để mặt bé thông thoáng, không có vật cản trở đường thở của bé. Mẹ nhớ không nên sợ hãi khi bế con, vì con cũng cảm nhận được nếu mẹ đang sợ, hãy tự tin và bế bé một cách an toàn, dễ chịu nhất.
2. Có bé ngủ ngoan, nhưng có bé lại khó ngủ
Bà Lo cho hay nhìn chung, trẻ sơ sinh có thể ngủ tới 16 tiếng mỗi ngày. Khi bé 3 tháng tuổi, số giờ ngủ giảm xuống còn 14 tiếng, và 12 tháng bé có thể chỉ ngủ 12 tiếng. Một số em bé không thể ngủ ngoan vì những lý do chẳng hạn như bị đầy hơi, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, quần áo của bé không thoải mái. Thông thường ban đêm bé sẽ chưa thể ngủ ngon giấc ngay vì đồng hồ sinh học của bé chưa hoạt động tốt. Vì vậy, mẹ không cần quá lo lắng và sốt ruột nếu bé ngủ chưa ngon.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh ngủ sâu giấc và lâu hơn khi ở cùng phòng với bố mẹ. Mẹ cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn, đặc biệt nếu cho con bú hoàn toàn thì mẹ không cần phải đi sang phòng bên cạnh để đón con. Về mặt tình cảm, mẹ và em bé sẽ gắn kết tốt, tạo tiền đề cho mối quan hệ phát triển gắn bó sau này. Tuy nhiên mẹ nhớ không để bé ngủ cùng giường với người lớn, vì điều này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử SID ở trẻ sơ sinh.
Mẹ hãy đặt cũi ngay cạnh giường của mình để dễ dàng tiếp cận bé. Cũi cần che chắn bằng vật liệu cotton thoáng khí, trong cũi không có bất cứ vật dụng gì có thể che mặt bé gây ngạt thở hoặc làm bé bị tổn thương trong khi ngủ. Trước khi đi ngủ, mẹ có thể mát xa, cho bé ăn và quấn bé để bé dễ ngủ hơn.
3. Vậy còn mẹ thì sao, làm thế nào để ngủ được?
Thời gian đầu chăm bé, nhiều mẹ sẽ rất mệt mỏi và thiếu ngủ. Chuyên gia khuyên mẹ nên tắm bằng nước ấm 3 ngày sau khi sinh, gội đầu và sấy khô tóc, mặc quần áo thoải mái. Không nên ăn quá nhiều, thực đơn cần có rau củ và trái cây để tránh bị táo bón. Không nên quá lo lắng, giữ tâm trạng ổn định để có thể ngủ ngon hơn và đủ sức khỏe chăm bé.
4. Chú ý vệ sinh, không để bé bị hăm tã
Video đang HOT
Khi cho bé dùng tã, mẹ cần đảm bảo vệ sinh để bé không bị nhiễm trùng, hăm tã. Khi lau rửa cho bé, nên nhớ lau từ trước ra sau, không được nâng chân bé lên quá cao, nếu không bé có thể bị thương ở lưng hoặc nôn trớ nếu bé vừa uống sữa. Dùng khăn hoặc bông sạch để vệ sinh cho bé. Không để da bé ngấm tã ướt quá lâu, tránh nguy cơ bị hăm da.
5. Không vội vàng cắt móng tay của bé
Ảnh minh họa
Mẹ hãy đợi đến khi bé được ít nhất 3-4 tuần tuổi hoặc khi móng tay chân của bé cứng hơn thì cắt cho bé. Còn trước đó, bé đeo bao tay và chưa cần cắt móng tay. Sau đó tháo bỏ bao tay thì lúc này mẹ có thể cắt móng cho bé để bé được thực hành bằng tay và ngón tay của mình.
6. Lưu ý dấu hiệu bé bú chưa đủ
Nếu bé ăn sữa công thức thì mẹ chú ý xem gia đình có tiền sử bị dị ứng gì hay không, chuẩn bị loại bình và chọn sữa phù hợp cho bé. Nếu nuôi bé hoàn toàn bằng sữa mẹ thì cần chú ý lượng sữa chảy về, tránh làm bé sặc. Chú ý vỗ ợ hơi cho bé. Mẹ có thể kiểm tra xem bé bú đủ hay không bằng cách theo dõi tã của bé ướt nhiều hay ít, số lần bé đi tiểu. Trẻ sơ sinh từ 4 ngày trở lên sẽ đi tiểu 6-9 lần mỗi ngày. Nếu da và môi bé khô tức là bé đang bú không đủ.
7. Sữa mẹ có thể chưa về kịp
Trong những ngày đầu sau sinh, nguồn sữa mẹ có thể chưa dồi dào và đáp ứng đủ cho nhu cầu của bé. Ngoài ra, mẹ còn có thể phải đối mặt với các vấn đề bao gồm tắc tia sữa, nứt núm vú. Khi cho bé bú cần để ý xem sữa có vơi đi hay không, bé nuốt sữa có tiếng ừng ực ở cổ không.
8. Cách tắm cho bé
Ảnh minh họa
Tắm giúp bé thư giãn và loại bỏ bụi bẩn trên cơ thể. Tắm cũng giúp mẹ với bé liên kết tốt hơn. Khi pha nước tắm, mẹ cần kiểm tra nhiệt độ nước, phù hợp nhất là 37,5 độ C giống như nhiệt độ cơ thể mà bé đã ở trong bụng mẹ suốt hơn 9 tháng qua. Lượng nước cũng cần vừa đủ bao trùm đến phần cổ của bé. Không cần chà xát bé quá mạnh, có thể đặt thêm 1 chiếc khăn lên bụng bé để bé cảm thấy an toàn khi ở dưới nước.
9. Khóc là cách giao tiếp duy nhất của bé
Tiếng khóc chính là phương tiện duy nhất để bé giao tiếp và truyền đạt mong muốn tới mẹ. Bé khóc 3 tiếng mỗi ngày cũng không có gì quá bất ngờ. Mẹ có thể sẽ hơi lo lắng và sợ hãi vì bé khóc nhiều. Hãy vỗ về, xoa dịu bé để bé an tâm hơn. Ví dụ khi đói, tiếng khóc của bé rất to, lặp đi lặp lại, và ngày càng to hơn, thậm chí bé sẽ gào thét, gắt gỏng. Sau khi ăn xong bé khóc to, dữ dội nghĩa là bé đang cố gắng cho mẹ biết bé cần được ợ hơi. Khi bé khóc ê a, ngắt quãng, khóc rồi lại nín, mẹ dỗ thì bé sẽ nín nhưng sau đó lại khóc tức là là con đang buồn ngủ rồi.
10. Mẹ cẩn trọng với chứng trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh luôn là một tình trạng tiềm ẩn có thể xảy đến với người mẹ. Nguyên nhân có rất nhiều, tựu chung từ sự buồn chán, thất vọng và mệt mỏi trước và sau khi sinh con. Mẹ cần lưu ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ, khoa học để có thể chăm con tốt hơn. Mẹ cũng nên nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình để có thêm thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thằng quá mức.
Nguồn: Parent
Theo Helino
Đằng sau hình ảnh em bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 2 tháng mà tăng gấp đôi số cân là hành trình gian nan vì... sữa quá nhiều của mẹ 9X
Mới 2 tháng tuổi, bé Sữa đã nặng 7kg, gần gấp đôi số cân nặng khi mới vừa chào đời dù chỉ bú bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Ngắm nhìn những em bé bụ bẫm vẫn luôn khiến các mẹ thích mê, đặc biệt là khi biết những em bé ấy được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Em bé Minh Khôi (tên ở nhà là Sữa, 2 tháng tuổi nặng 7kg) đang "đốn tim" các mẹ theo cách này. Khuôn mặt bụ bẫm, trắng nõn, tròn vo như... ông Địa và nụ cười tươi rói của bé Sữa khi được mẹ bé - chị Hồng Hạnh (23 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) đăng tải trong một hội nhóm đã thu hút không ít lượt like. Nhưng phía sau em bé sữa mẹ này là một hành trình khá gian nan của chị Hồng Hạnh khi chỉ 20 ngày sau sinh, chị bị tắc tia sữa đến 4 lần vì quá nhiều sữa.
Hình ảnh của bé Sữa bụ bẫm, đáng yêu hết nấc khiến các mẹ thích mê.
Nhưng điều đặc biệt hơn cả, Sữa là một em bé được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Mới 2 tháng mà bé đã nặng 7kg.
Chị Hồng Hạnh kể lại: "Bé Sữa sinh ra được 3,65 kg, sau đó 10 ngày con bị sút cân sinh lý chỉ còn lại 3,1kg. Khi 2 tháng, con được gần 7kg. Mình cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, trực tiếp. Mình vốn cơ địa nhiều sữa nên chỉ 2 ngày sau sinh là sữa về. Thế nên mình cũng chỉ duy trì chế độ ăn uống như bình thường, ít tinh bột, nhiều chất đạm, mỗi ngày đều uống khoảng 3 lít nước. Nhưng trong 20 ngày đầu sau sinh, mình bị tắc sữa đến 4 lần, phải vất vả lắm mới có thể giữ được nguồn sữa mẹ đều đặn cho con như đến hiện tại".
Sự đau thấu trời của những lần tắc tia sữa được chị Hạnh tâm sự: "Mỗi lần tắc tia, ngực của mình to và cứng như một cục đá, nếu vác ngực lên so với đầu chắc phải to ngang ngửa. Mình miêu tả hơi quá nhưng nhìn ngực mình khi ấy, ai cũng sợ. Chị thông tia sữa còn vắt ướt 1 cái khăn xô to của bé, có hôm thì khăn tắm của vợ, chồng mình bảo mình nhiều sữa thế nên tắc liên tục là cũng có thể hiểu được. Mình nuôi bé đầu, 3 tháng chỉ tắc đúng 1 lần, chồng chườm nóng, day, vắt máy, bú hộ là hết. Thế nhưng lần 2 này, khi tắc vào đúng dịp Tết, nhờ chồng chườm nóng, day cục, bú hộ vợ mà chồng còn sặc vì nhiều tia, dùng máy hút thì càng hút càng tắc cương lên thêm".
Bé Sữa khi được 1 tháng 11 ngày tuổi.
Khi bé được 1 tháng 3 ngày tuổi.
Chị Hạnh chia sẻ tiếp: "Buổi đêm mình lạnh, mặc áo khoác, đi tất, đắp chăn tỉnh dậy lại nóng như hòn than, phải đi chườm nước ấm vào trán rồi nách. Mình hết sốt lạnh xong lại sốt nóng, xuống tầng 1 rót cốc nước thôi mà chóng mặt xây xẩm suýt nữa bị đâm đầu xuống cầu thang. Cả đêm mình bị sốt như thế, ngủ chập chờn rồi thức luôn từ 2h đến sáng, cứ cố gắng chườm rồi lau rồi nhẹ nhàng vắt bớt cho đỡ đau. Mình đau từ đỉnh đầu đau xuống, dây thần kinh giật giật, người cứ như có con gì bò trong xương, đau nhức hết cả mình mẩy. Thật sự những lần như thế, mình lại muốn bỏ cuộc, muốn cho con uống sữa công thức để mẹ đỡ khổ. Nhưng thật may, là sau đó mọi khó khăn cũng qua đi, để mình bảo toàn được nguồn sữa mẹ cho con".
Chị Hạnh chia sẻ: "Nguyên nhân tắc sữa của mình được giải thích cũng một phần vì vắt không đều, không theo cữ nên khi bé bú không cạn hết sữa, dẫn đến tắc tia sữa. Trong 4 lần bị tắc tia sữa đều trúng vào dịp Tết âm lịch vừa rồi, mình vẫn cố cho con bú mẹ bình thường, có hôm bất đắc dĩ mới phải cho con uống sữa công thức. Nhưng mình gọi nhờ người đến thông tia. Chế độ ăn uống sau đó mình được khuyên là ăn giảm đạm, kiêng đồ nếp, uống nhiều nước hơn. Mình cũng ăn rau và hoa quả nhiều lên để lượng sữa loãng ra, không đặc và giảm tắc. Sau đó, mình vẫn cho con bú mẹ bình thường. Mình chăm con một mình, muốn tiết kiệm thời gian và công sức nên cho con bú trực tiếp, chỉ dùng máy hút sữa khi sữa về quá nhiều hoặc cảm thấy con bú không hết".
Hình ảnh bé Sữa hiện tại.
Nhìn em bé đáng yêu, bụ bẫm, mẹ nào cũng thích mê.
Bé Sữa trộm vía ăn ngủ đều rất ngoan, nhưng chị Hạnh cũng luôn tuân thủ 2 tiếng mới cho con bú no một cữ. Mỗi lần cho bé bú, chị Hạnh đều thường bế con lên hẳn, ngồi dậy ngậm ti mẹ trong vòng 15-20 phút để tuyến nước bọt của con kích thích với đầu ti mẹ cho sữa về. Và lúc đấy, bé đang đói nên lực bú của bé sẽ rất mạnh, tập trung nhiều nhất vào việc bú mẹ, tránh vừa bú vừa ngủ gật. Cân nặng của bé cũng theo ngày tháng mà tăng lên rất nhanh, 2 tháng sau sinh đã gần gấp đôi số cân khi mới sinh. Nhìn em bé bụ bẫm, đáng yêu của mình, chị Hạnh cho rằng tất cả những gian nan, khó khăn của mình để nuôi được con đều là hoàn toàn xứng đáng.
Theo Helino
Có thể mẹ chưa biết: nuôi con bằng sữa mẹ với con thứ hai bao giờ cũng khác so với con đầu Hành trình nuôi con bằng sữa mẹ khó khăn hơn hay dễ dàng hơn so với con đầu? Cùng tìm câu trả lời qua 8 sự thật thú vị dưới đây! 1. Cơ thể sẽ tự nhớ cách tiết sữa Ảnh minh họa Theo một nghiên cứu vào năm 2015 trên tờ báo khoa học danh tiếng Cell Reports, cơ thể chúng ta...