Nghề buồn nhất trần gian, nghe tên mà “lạnh sống lưng”
Trần gian có lắm thứ nghề nhưng có những nghề mà chỉ cần nghe đến đã nổi da gà, sởn gai ốc. Câu chuyện sau là tâm sự của một người đàn ông đã gắn bó hàng chục năm với công việc ở nhà xác, còn gọi là “ nhà vĩnh biệt”. Với những cơ cực, bạc bẽo đến tận cùng, đó có thể gọi là nghề “buồn nhất trần gian”.
Cơ duyên với nghề
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà xác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để tìm gặp người đàn ông làm cái nghề nghe “lạnh sống lưng” này. Nhà xác nằm heo hút ở một góc sâu của bệnh viện. Nơi bờ tường, đám cỏ dại mọc um tùm sau những cơn mưa khiến khung cảnh nơi đây càng trở nên hoang vắng, thâm u.
Trong khu nhà có khá nhiều căn phòng he hé cửa chỉ có một mình ông Nguyễn Văn Hóa (SN 1963) đang trực. Phòng trực vẻn vẹn xếp vừa chiếc giường 1,2 m, 1 chiếc bàn trà và chiếc ti vi màu 14 inch giải khuây. Ông Hóa khá bất ngờ và có phần cảm kích khi có người đến thăm “phòng làm việc” của mình.
Thường chỉ có gia đình người chết, bác sĩ pháp y và Công an lui tới nơi này. Khoảng thời gian còn lại không khí vắng vẻ, lạnh lẽo bao trùm. Người đàn ông 56 tuổi chỉ biết ra vào thắp nhang ở bàn thờ đầu cổng rồi đánh bạn với chiếc ti vi và ấm trà nóng.
Ông Nguyễn Văn Hóa: “Mình quan niệm sống bằng cái tâm, chỉ cần không làm gì xấu thì chẳng có gì phải lo sợ. Người chết thì cũng đã chết rồi, cái nghề của mình là giúp họ tươm tất, sạch sẽ trước ngày trở về với đất”.
Đã 22 năm rồi ông Hóa cứ thầm lặng như thế. Nhấp chén trà pha đậm vị, ông thả tâm trí mình vào ký ức, nhớ lại cơ duyên éo le đưa ông đến với nghề. Năm 1983, ông xin vào bệnh viện để làm ở căng tin, lo điện nước, bảo vệ… Làm đủ thứ nghề nhưng đồng lương ba cọc ba đồng vẫn không đủ để ông gồng gánh nuôi gia đình với lũ con nhỏ.
Thế rồi ông xin nghỉ việc ở bệnh viện để ra ngoài làm nghề thợ máy. Nhưng do thường xuyên phải xa gia đình, thu nhập không ổn định nên ông quyết tâm xin trở lại bệnh viện. Lúc ấy, lãnh đạo bệnh viện đã ngỏ ý đề nghị ông làm việc tại nhà xác vì không ai dám đảm nhận.
Trước đó, nhiều người đã vào làm nhưng chỉ một thời gian ngắn đều không chịu nổi và xin nghỉ giữa chừng. “Lúc ấy nghe thì cũng hơi sợ, nhưng còn lựa chọn nào nữa đâu, chỉ cần có đồng lương nuôi vợ con thì cái gì cũng có thể làm được nên tôi nhận lời luôn. Mà nếu mình không làm thì cũng đâu có ai làm nữa”-ông Hóa giãi bày.
Năm 1997, ông chính thức đảm nhận công việc mới. Dù đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng ông cũng không thể lường được hết những gian truân của cái nghề có một không hai này. Những ngày ở cơ sở cũ, bệnh viện chưa có tủ đông lạnh để chứa thi thể nên ông thường xuyên phải chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng. Có những ca phải chờ 2-3 ngày để bác sĩ pháp y đến mổ tử thi. Trong căn phòng ẩm thấp lợp bằng fibro xi măng, xác chết bắt đầu phân hủy. Khi tiến hành mổ, nhiều người không chịu được mùi hôi tanh nồng nặc nên đã nôn thốc nôn tháo.
Cơ cực, bạc bẽo
Video đang HOT
Ấy vậy mà đã hơn 20 năm trôi qua. Ông Hóa cũng đã dần quen với những thứ mà nhiều người cho là ghê rợn, kinh hoàng. Ông tâm sự rằng, nhiều người cứ đến gần khu vực nhà xác là sợ, nhưng bản thân ông có lúc đã phải “ăn, ngủ” với xác chết gần nửa năm trời.
Chuyện là, cuối năm 2014, một công nhân người Trung Quốc tên He Mao Xian đã tử vong trong một hầm mỏ tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Thi thể của công nhân này được đưa lên nhà xác để đợi người nhà ở Trung Quốc đến nhận. Ròng rã suốt hơn 5 tháng trời, ông Hóa phải “sống” chung với xác chết được để trong ngăn đông lạnh của nhà xác. Buổi tối lạnh lẽo, chỉ có mình ông với xác chết trong khu phòng rộng lớn, cả 2 cách nhau chỉ một bức tường.
Trong khu nhà xác rộng lớn chỉ có ông Hóa túc trực. Ảnh: L.V.N.
Dù vậy, người đàn ông quắc thước ấy vẫn thừa nhận rằng phải có thần kinh thép mới có thể bám trụ lại nơi nhà xác này. Vừa phải đối mặt với những cái chết, họ vừa chứng kiến muôn vàn cảm xúc đau thương của người nhà, những tiếng khóc ai oán hay sự ân hận dày vò…
Chẳng thế mà hàng chục năm qua, chỉ có ông Hòa bám trụ lâu nhất ở “nhà vĩnh biệt” vì kiếm được người thần kinh thép lại chịu cảnh bạc bẽo của nghề thì còn… khó hơn lên trời.
Ông Hóa cho hay: “Đâu có ai chịu làm vì lương thấp quá, hợp đồng như tôi cũng chưa được 3 triệu đồng/tháng. Ban đầu cũng có một số người vào làm, sau cứ lần lượt xin nghỉ, một phần cũng vì sợ tiếp xúc với người chết. Bởi xác chết thì đa phần là bốc mùi hôi thối, nhất là những ca bệnh nằm lâu ngày một chỗ hoặc những ca tai nạn giao thông. Ai không chịu nổi thì chỉ cần chứng kiến vài ca là đã xin nghỉ ngay”.
Hàng ngày, mỗi khi có ca được đưa xuống nhà xác, thường là vào thời điểm đêm khuya, nếu cần ông Hóa sẽ tiến hành “trang điểm” cho người chết. Ông lau chùi sạch sẽ cho các thi thể rồi thay cho họ bộ quần áo mới. Với những ca có bác sĩ pháp y, ông kiêm luôn nghề phụ giúp mổ tử thi. Sau khi mổ, ông lại hỗ trợ để được nguyên vẹn trước khi bàn giao cho gia đình.
Gia đình nào có nhu cầu thì ông sẽ tiến hành khâm liệm cho người chết ngay trong khu vực nhà xác. Hàng ngày, mỗi khi khu vực nhà vệ sinh của các khoa phòng trong bệnh viện bị tắc, ông Hóa lại kiêm luôn vai trò của nhân viên thông tắc bồn cầu. Bởi thế, khó khăn lắm ông Hóa mới lại tìm được một người “bạn đồng hành” năm nay gần 40 tuổi. Nhưng ông không chắc người hậu bối ấy có thể “nối nghiệp” lâu dài.
Nói về nhân viên đã gắn bó hàng chục năm với nhà xác, ông Phạm Công An-Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh-không khỏi cảm phục: “Nghề của anh Hóa là việc không ai muốn làm nhưng anh ấy đã gắn bó, tận tụy hơn 20 năm rồi. Trước kia cũng có nhiều người vào làm cùng, nhưng rồi họ sợ và xin nghỉ hết, giờ chỉ còn ông Hóa và 1 người.
Người ta sợ làm nghề đó không có “hậu”, nhưng anh Hóa thì vẫn luôn tâm niệm làm nghề bằng cái tâm, âu cũng là để mưu sinh. Ngoài công việc ở nhà xác, anh Hóa còn kiêm luôn các công tác vệ sinh trong bệnh viện, nếu không có anh thì đúng là không biết tìm ai thay. Chúng tôi cũng đã đề xuất Công đoàn Bệnh viện xem xét và có cơ chế hỗ trợ những người như anh Hóa để động viên họ tiếp tục gắn bó với nghề”.
“Niềm vui” duy nhất
Xen giữa câu chuyện về cái nghề thầm lặng, mắt ông Hóa lại sáng lên tự hào pha chút bùi ngùi, thương cảm. Ông bảo rằng, ở nghĩa trang thành phố, ông đã tự tay chôn cất, làm mộ cho hàng trăm đứa trẻ “vô danh”. Đó đều là những ca thai chết lưu nhưng nhiều gia đình không nhận về chôn cất mà để lại nhà xác. Mỗi lần như thế, ông lại liên hệ với nhân viên của nghĩa trang thành phố cùng chôn cất để các sinh linh ấy có chốn yên nghỉ.
“Không biết là người ta kiêng kị gì, nhưng nhiều người không mang con họ về chôn cất tử tế. Có lần giữa đêm khuya họ còn đào hố chôn ngay gần gốc thông trước nhà xác. Đến khi trời sáng, tôi thấy có nắm đất với nén nhang mới vội vàng đào lên rồi mang cháu đi chôn cất, lập bia mộ đàng hoàng. Cách đây vài năm, có người mẹ sau khi trở về nhà thấy day dứt lương tâm vì bỏ con nên đã tìm đến tôi. Lúc ấy, tôi phải lục sổ ghi chép để tìm đúng ngôi mộ của cháu cho người mẹ ấy đưa con về an táng”-ông Hóa kể.
Đặc biệt, ở bệnh viện, nhiều trường hợp tử vong nhưng không có người thân đến nhận hoặc gia cảnh quá khó khăn, ông Hóa phải lưu lại ở nhà xác rồi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp mua quan tài để làm lễ an táng tươm tất. Có lẽ, với ông, trong vô vàn nỗi cay đắng thì niềm vui duy nhất với nghề là được làm việc thiện bằng cái tâm, cái phúc.
Lúc chia tay, ông ngậm ngùi nói rằng, nhiều người biết ông làm nghề này nên có phần xa lánh, nhưng với ông thì đó là cái nghiệp đã vận vào thân tự lúc nào. Ông cảm thấy “yêu” cái nghề ấy khi góp phần nào làm giảm đau thương cho người sống, giúp người chết sang thế giới bên kia một cách an yên…
Theo Lê Văn Ngọc (Báo Gia Lai)
Ngư phủ rùng mình nhớ giây phút tàu hàng đâm chìm tàu cá khiến 9 người mất tích
Có thâm niên 30 năm bám biển, đối mặt với gió mưa và bao đêm tối chạy bão, nhưng ông Đinh Trọng Dũng vẫn rùng mình khi nhớ lại phút giây hãi hùng.
Người dân Tiến Thủy quây quần hỏi thăm thuyền viên may mắn sống sót trở về với gia đình
Vụ tai nạn đâm tàu khiến 9 thuyền viên mất tích, 1 người chết, không chỉ là nỗi đau của ngư dân Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Người dân vùng bãi ngang lênh đênh trên biển từng đối mặt với nhiều phong ba bão tố, chịu nhiều đau thương mất mát...
Ám ảnh chìm tàu
Có thâm niên 30 năm bám biển, đối mặt với gió mưa và bao đêm tối chạy bão, nhưng ông Đinh Trọng Dũng (SN 1962) vẫn rùng mình khi nhớ lại phút giây hãi hùng. "Tôi nghe một tiếng động rất lớn, chưa kịp nhổm dậy thì đã bị hất văng xuống biển. Quá bất ngờ, không ai mặc áo phao nên mọi người chìm xuống. Trong cơn sinh tử, anh em vùng vẫy, vật lộn ngoi lên mặt nước", ông Dũng nhớ lại. Hai thuyền viên may mắn thoát nạn là Đinh Trọng Dũng, Nguyễn Xuân Tuyến cùng thi thể anh Nguyễn Văn Hoà, thuyền viên tàu NA 958.99 TS được đưa về Nghệ An.
Anh Nguyễn Xuân Tuyến (SN 1986) kể: "Khoảng 13h ngày 28/6, anh em đang nằm ngủ sau một đêm thức trắng đánh cá. Tôi giật mình tỉnh giấc bởi một tiếng động lớn, định thần lại thì thấy mọi người rơi hết xuống biển. Tàu chìm. Bị văng ra xa, thấy chiếc phao cứu sinh của tàu trôi gần đó tôi bơi lại, ôm chặt lấy. Tàu Pacific chạy lướt qua, sau đó quần lại để cứu người. Tàu chở hàng vòng lại lần một nhưng khoảng cách xa tôi không dám bỏ phao bơi lại. Tàu vòng lại lần thứ hai gần hơn mới kéo được tôi lên".
Nỗi đau mất mát của người thân các thuyền viên tàu NA 958.99 TS
Vùng biển tàu NA 958.99 TS gặp nạn có độ sâu khoảng 60m, thời điểm tàu bị đâm sóng tương đối mạnh, gió cấp 5, cấp 6. Khi tàu bị đâm chìm phao bung ra, hầu hết những người thoát chết do nắm được phao trôi dạt từ tàu chìm và phao tàu chở hàng ném xuống. Tàu NA 958.99 TS là tàu thuộc vốn vay Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Tàu sử dụng được gần 2 năm, có giá trị khoảng 14 tỷ đồng, trong đó phần nhiều ngư dân phải thế chấp tài sản vay ngân hàng. Tàu do ông Hồ Bá Lâm (trú tại xã Tiến Thủy) làm thuyền trưởng.
Trong các nạn nhân vụ chìm tàu, gia đình chị Nguyễn Thị Lý (thôn Phong Thái) cùng một lúc chịu 4 cái tang của chồng, ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1981), con trai Nguyễn Văn Phong (SN 2002) và hai đứa cháu cùng tử nạn. Phong là con cả, thương bố mẹ vất vả nên bỏ học giữa chừng, cùng bố phụ giúp công việc trên tàu. "Có người gọi điện về báo, khi mọi người bơi đi tìm phao cứu hộ thì anh Hòa vẫn cố bơi đi tìm con, rồi kiệt sức, tử nạn", anh Nguyễn Thành Công (SN 1986, em rể anh Hòa) cho biết. Hầu hết những thuyền viên còn lại bị mất tích đều nghỉ trong cabin, khi tàu đánh cá bị đâm chìm.
Nước mắt bãi ngang
Cách thôn Phong Thái không xa là ngôi nhà chị Hồ Thị Lân (SN 1971), mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Tùng (SN 1996), một trong 9 thuyền viên còn mất tích. Hàng trăm người thân, hàng xóm tới hỏi thăm, chia buồn. Nhiều lần khóc lịm đi vì kiệt sức, chị Lân phải nhờ tới sự chăm sóc của y, bác sỹ. Anh Nguyễn Văn Hồng (bố của Tùng) đánh cá tại vùng biển Quảng Bình nghe tin, vội vàng xin tàu trở lại bờ, bắt xe khách về nhà. Chị Hồ Thị Hương (em gái chị Lân) kể: "Nhà chị Lân khó khăn, căn nhà cấp 4 xây từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa trả xong nợ. Hết cấp 2, Tùng bỏ học theo cha đi biển".
Ngoài đánh cá, người dân Phong Thái- xã Tiến Thủy chẳng làm nghề gì khác. "Thôn có 331 hộ, 1.280 nhân khẩu, hầu hết lao động đều là ngư dân quanh năm bám biển", chị Nguyễn Thị Hiền, người sống cạnh nhà thuyền viên Nguyễn Văn Hòa cho hay. Hiền bảo, cuộc sống của bà con vùng bãi ngang rất khó khăn, đất chật người đông nên chẳng biết làm nghề gì ngoài chiếc thuyền ra khơi vô lộng, buôn bán lặt vặt kiếm sống. Đường xóm quanh co, nhà san sát nhau có gia đình chỉ tá túc trong khoảng chật hẹp 40-50m2 khiến ngày hè bỏng rát gió Lào càng thêm oi bức, chật chội. Xưa, làng tựa vào nhau, dân chài lênh đênh bám biển nên những ngôi nhà cũng quây quần tựa vào nhau cho đỡ hiu quạnh. Người ngày một đông đúc, đất đai chẳng sinh sôi, thành ra làng co cụm lại.
Thôn Phong Thái có 27 tàu đánh cá xa bờ, trong đó 25 tàu vỏ gỗ, 2 tàu sắt. "Nghề biển cực lắm, mỗi lần ra khơi 5 đến 10 ngày mới trở về đất liền. Vất vả, nhọc nhằn, may mắn mỗi tháng thuyền viên thu nhập 10 triệu đồng/người, nhưng có bữa tàu về không, lỗ tiền dầu", chị Hiền kể. Nhà 4 miệng ăn, vợ buôn hàng tạp hóa, chồng quanh năm bám biển, cuộc sống của gia đình chị Hiền cũng chật vật như bao ngư dân vùng bãi ngang Quỳnh Lưu. Chiếc tàu NA 958.99 TS xấu số của Hồ Bá Lâm vận hành từ 2 năm nay. Năm đầu tiên lỗ chỏng vó, không đủ tiền dầu, thuyền viên trắng tay. Năm rồi có chút thu nhập thì chẳng may bị nạn.
Hy vọng mong manh
Bộ Giao thông Vận tải, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu SAR 411 chỉ huy hiện trường, phối hợp cùng các tàu SAR 273, HQ 636, Pacific 01, Tân Cảng Pioneer triển khai tìm kiếm 9 thuyền viên mất tích. Theo yêu cầu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc đã điều động tàu cứu nạn Nanhaijiu 118 cùng 01 máy bay tham gia tìm kiếm dưới sự chỉ huy hiện trường của tàu SAR 411 theo kế hoạch tìm kiếm được lập bằng phần mềm SAROPs.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho hay: Đơn vị đã cử tàu vào Cẩm Phả đón đội thợ lặn do Công ty CP vận tải và thương mại quốc tế thuê ra hiện trường. "Việc tìm kiếm đang được triển khai, các phương tiện vẫn đang hoạt động hết công suất", ông Vũ cho biết.
Lúc 13h00, ngày 28/6, tàu PACIFIC 01 thuộc quản lý của Công ty Cổ phần vận tải và thương mại quốc tế (địa chỉ tại số 140A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đâm vào tàu cá NA 958.99 TS, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 35 hải lý về hướng Nam, trên tàu có 19 thuyền viên. Ngay sau khi xảy ra va chạm, tàu PACIFIC 01 đã hạ xuồng cứu sinh cứu được 9 thuyền viên, 1 người tử vong, còn 9 thuyền viên mất tích.
QUANG LONG - CẢNH HUỆ
Theo TPO
9 ngư dân tàu cá Nghệ An mất tích: Lời kể của thuyền viên được cứu sống Lúc đó khoảng 13h chiều, anh em thuyền viên đều đang nằm ngủ sau một đêm thức trắng đánh cá. Bỗng tôi giật mình tỉnh giấc bởi một tiếng động lớn, khi tỉnh táo thì mọi người rơi hết xuống biển. Tàu cá chìm sâu xuống biển. Tôi không dám tin là mình sống sót được đến giờ, thuyền viên Nguyễn Xuân Tuyến...