Nghệ An: Cụ ông 23 năm không ngủ
Một đêm lạnh năm 1990, lên giường đi ngủ nhưng ông Thắng trằn trọc mãi. Tưởng chỉ một đêm, nào ngờ tình trạng ấy cứ kéo dài.
Mồng 6 Tết Quý Tỵ, ông Trần Công Thắng (sinh năm 1932) vừa tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, nụ cười hào sảng, khỏe khoắn, minh mẫn ít ai biết được gần 23 năm qua ông không hề ngủ. Mặc dù đi nhiều nơi thăm khám vẫn không xác định được căn bệnh kỳ lạ này nhưng ông đã vượt qua nó bằng một chế độ sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên ngồi thiền.
Tách khỏi cuộc sống ồn ào phố thị mặt đường, đôi vợ chồng già về sống ẩn mình trong căn nhà nhỏ số 10, khối 2, phường Cửa Nam, thành phố Vinh (Nghệ An). Nhiều người hiếu kỳ tìm đến, không khỏi ngạc nhiên bởi không ai ngờ cơ thể rắn chắc, đầy đặn, da dẻ hồng hào, nụ cười khoan khoái, nhanh nhẹn, minh mẫn này lại là của một cụ ông tuổi 80.
Ông Trần Công Thắng vốn sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Lớn lên trong buổi đất nước bị xâm lược, ông tình nguyện gia nhập hàng ngũ thanh niên cứu nước. Hòa bình lập lại, ông chọn nghề làm gạch ốp lát làm “cần câu cơm”. Công việc này giúp vợ chồng ông có cuộc sống khá ổn định và 4 đứa con được đến trường đầy đủ.
Tâm sự về căn bệnh mất ngủ của mình, ông Thắng cho hay, một đêm lạnh đầu năm 1990, lên giường đi ngủ, không hiểu sao ông cứ trằn trọc mãi không vào được giấc. Suốt đêm hôm đó, ông cứ chong mắt nhìn trần nhà. Nằm vắt tay lên trán suy nghĩ xem đầu hôm có ăn uống gì lạ, nhưng không nghĩ ra, ông lại chuyển sang nghĩ sang hướng khác… rồi thức cho đến sáng.
Tưởng chỉ mất ngủ một đêm, nào ngờ tình trạng ấy vẫn tiếp tục kéo dài những ngày sau đó. Ông và gia đình trở nên hoang mang lo lắng. Chứng mất ngủ hành hạ thể xác ghê gớm, chỉ chưa đầy một tháng, ông gầy rộc hẳn đi, mắt thâm quầng, mặt quắt lại, hốc hác, vô hồn, sinh lực trong người trở nên rệu rạo.
Suốt 23 năm qua, ông Trần Công Thắng không hề ngủ.
Video đang HOT
Suốt 8 tháng ròng mất ngủ sau đó, gia đình đã tìm nhiều cách chạy chữa nhưng không hiệu quả. Đặc biệt, một con mắt của ông mờ dần rồi không còn nhìn thấy ánh sáng. Đến lúc này ông không còn chần chờ gì nữa, vay mượn tiền bạc, khăn đùm khăn gói ra Bệnh viện mắt Hà Nội để khám bệnh. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa không tìm được nguyên nhân cụ thể của căn bệnh nhưng khuyên ông:”Nếu anh cứ lo âu, sầu muộn vì bệnh mất ngủ và con mắt đã hỏng thế này, thì sẽ có nguy cơ hỏng luôn con mắt còn lại”. Ông nghe xong hoảng quá, vừa không ngủ được, vừa đui mù thì còn gì là đời, nghĩ thế nên ông bắt đầu chấn chỉnh lại tinh thần, xác định tư tưởng “sống chung với lũ”.
Từ Hà Nội trở về nhà, ông cố gắng ăn uống đầy đủ, sống vui khỏe, nhỏ thuốc mắt đều đặn vì sợ sẽ bị hỏng nốt con mắt còn lại. Việc làm đầu tiên khi đặt chân về Nghệ An là ông quyết định bán ngôi nhà mặt tiền trên đường Phan Đình Phùng, chia cho con cái mỗi đứa một ít, lấy vốn làm ăn. Rồi ông mua căn nhà cấp bốn trong thành cổ Vinh, tách một buồng để ở riêng chữa bệnh, tránh làm phiền vợ con. Cuộc sống yên tĩnh trong thành cổ, giúp ông thả lỏng đầu óc tốt hơn. Từ đó ông bắt đầu đọc kinh cầu nguyện và ngồi thiền chữa bệnh.
“Sau một thời gian chữa chạy không hiệu quả, tôi xác định tư tưởng, chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống ban đêm”, ông Thắng hóm hỉnh. Rồi ông hạ giọng cười: “Nói cho khí thế chứ chuẩn bị gì đâu. Nằm không ngủ được, cứ 30 phút tôi lại trở mình một lần, hết nghiêng bên phải sang trái, hết úp lại lật. Thậm chí còn tranh thủ tập thể dục ngay trên giường. Hồi đầu không ngủ được, tôi còn hay nghĩ vẩn vơ về những kỷ niệm thời niên thiếu của mình, suy nghĩ về cuộc sống mỗi ngày qua đi. Nhưng sau này chán, tôi chẳng buồn nghĩ gì nữa. Cứ nhắm mắt vậy thôi, không ngủ được nhưng cũng chẳng nghĩ gì”. Tuy cả đêm ông cứ nằm trằn trọc thế, nhưng những người thân của ông không hề bị mất một giấc ngủ nào.
Ông Thắng cho biết thêm, cứ sau bữa ăn tối ấm cúng bên gia đình, xem xong chương trình thời sự, phim truyện, ông lại uống 5 viên thuốc để cưỡng chế giấc ngủ, nằm thiếp khoảng 20 đến 30 phút rồi tỉnh giấc. Trăn trở đến 3h sáng, ông dậy ngồi thiền và đọc kinh thánh. Khoảng 4h sáng, trời đang nhá nhem tối, ông rón rén dậy đánh răng rửa mặt, xỏ giày đi tập thể dục. Cứ thế những bước chân của ông vẫn đều đặn rảo bước khoảng 2 km mỗi buổi sáng. Đến 6h ông lại về tập dưỡng sinh cùng các hội viên trong câu lạc bộ người cao tuổi.
Ông Thắng là người rất ham thể dục thể thao. Không phải đợi đến lúc mang bệnh, ông mới tập tành. Hồi trước, cầu lông, bóng chuyền là hai môn thể thao ông ưa thích. Sau này do mắt kém, ông bỏ thể thao chỉ tập thể dục. Mỗi ngày ông vẫn ăn uống điều độ ba bữa cơm. Nhưng ăn khỏe và ngon nhất là vào bữa sáng. Bữa cơm trưa và tối chỉ đều đặn mỗi lần một lưng bát. Hạn chế ăn thịt cá và tăng cường làm bạn với rau xanh.
Mặc dù đã 80 tuổi và 23 năm mất ngủ nhưng cơ bắp của ông vẫn rắn chắc, da dẻ trắng trẻo hồng hào, trí nhớ minh mẫn. Ngoài bệnh không ngủ được, còn lại ông chẳng đau ốm gì. Hàm răng của ôngThắng trắng muốt, chưa có cái nào lung lay. Đi khám sức khỏe tổng thể, bác sĩ kết luận sức khỏe ông vẫn rất tốt. Tuần nào ông cũng đều đặn đi nhà thờ Cầu Rầm (TP Vinh) cùng các giáo dân trong vùng.
Cho đến bây giờ, sau 23 năm “gắn bó” với bệnh mất ngủ, ông Thắng vui vẻ cho biết, nó đã không còn là bệnh đối với ông nữa. Nó hầu như không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường nhật của ông. Tính tình xởi lởi nên ông có rất nhiều bạn bè ở mọi lứa tuổi. Trong cuộc sống dù không dư giả đồng tiền (ông không có lương hưu), nhưng ông không để mình suy sụp tinh thần, không quá đà, sống mực thước chỉn chu.
Ông Nguyễn Tiến Lợi hàng xóm của ông Thắng cho biết: “Ở cái xóm này ai cũng biết ông Thắng bị bệnh mất ngủ mấy chục năm nay, nhưng vẫn phải phục cách sống của ông. Cùng tham gia với nhau trong hội hiếu, lúc nào ông ấy cũng xung phong trông người ốm đau hoặc người sắp chết. Ấy thế mà, bao nhiêu năm nay, ông vẫn vận hành như một cái máy tốt, không trục trặc, bệnh tật gì. Người trong xóm tôi, ai cũng xem chuyện hy hữu này là một điều đáng tự hào lắm”.
Ông Thắng tươi cười chỉ lên tấm ảnh chân dung của mình treo trên tường đối diện, chụp kỷ niệm 50 ngày cưới của ông bà rồi cười khà khà. Đắc chí như một lão nông được mùa, ông bảo: “Cái cốt yếu là biết giữ gìn sức khỏe, không thế thì mình “nghẻo” lâu rồi. Có ốm đau mới biết sức khỏe quý hơn vàng”. Bà Hồng, vợ ông nhìn chồng âu yếm, pha chút niềm tự hào: “Ông Thắng nhà tui già thế, chứ nhiều cô mê lắm”.
Cho đến bây giờ chưa ai trả lời được vì sao mà ông mắc bệnh mất ngủ. Ngay như bản thân ông cũng không thể lý giải nổi. Còn về con mắt trái đã hỏng, ông cho rằng đó là do hơi xi măng bốc lên, lâu dần ảnh hưởng, cộng với sức đề kháng không có do mất ngủ. Nhưng sau 23 năm, những suy nghĩ, lý giải đó vẫn mang tính phỏng đoán của bản thân ông. Cho đến bây giờ, ông cũng không quá quan tâm đến nguyên nhân hay cố chạy chữa căn bệnh lạ bởi vì bản thân ông thấy mình vẫn sống vui sống khỏe hàng ngày.
Theo TTVN
Bé gái đông cứng như ma-nơ-canh
Căn bệnh thoái hóa khớp xương khiến bé Tillie (4 tuổi) ở Anh luôn trong trạng thái bất động.
Căn bệnh hiếm gặp này là Sanfilippo, nó khiến các khớp xương của bé thắt chặt và cơ thể dần đông cứng giống hệt ma-nơ-canh.
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân của căn bệnh kỳ lạ này là do 1 loại enzyme tích tụ thành lớp đường bao quanh các cơ khiến khớp xương đông cứng, bé Tillie có thể chết trước 14 tuổi.
Bố mẹ bé gái này, anh Paul và chị Michala, cho biết, họ sẽ chiến đấu để giữ lại cuộc sống cho con.
Chị Michala nói: 'Con gái tôi đang dần trở nên đông cứng. Cô bé không thể khép chân lại hay nâng tay lên. Tôi sợ Tillie sẽ trở thành hình nộm, cô bé chỉ có thể di chuyển khi có sự giúp đỡ của chúng tôi'.
Gia đình Michala đã gây quỹ từ thiện để có đủ 580.000 bảng (hơn 19 tỷ đồng), số tiền thử nghiệm loại thuốc chữa bệnh cho Tillie.
Một cuộc thử nghiệm loại thuốc trên sẽ thực hiện ở Đại học Manchester để bác sĩ xác định điều kiện về liều lượng và sự an toàn cho trẻ em.
Trước đó, cô bé Luciana (7 tuổi) ở Anh cũng mắc phải chứng bệnh tương tự.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 người đang mắc phải căn bệnh này.
Theo Đất việt
Bí ẩn cô gái có làn da màu xanh Các bác sĩ đang nghiên cứu phương pháp điều trị cho cô gái 17 tuổi mắc chứng bệnh da màu xanh. Làn da ánh lên màu xanh của cô gái Hà Lan 17 tuổi Cô gái (17 tuổi) người Hà Lan hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế ở Amsterdam. Theo lời bệnh nhân, đầu tiên cô chỉ thấy xuất...