Nghệ An: Chưa có xe máy điện nào được đăng ký
Hàng trăm xe máy điện chưa được đăng ký do thiếu các giấy tờ cần thiết theo quy định. Bên cạnh việc chưa đủ các giấy tờ thì người dân cũng không mặn mà gì với quy định mới về kiểm soát xe máy điện.
Chưa có xe máy điện nào trên địa bàn Nghệ An đăng ký mặc dù Thông tư 15 đã có hiệu lực từ hơn 1 tháng nay.
Ngày 4/7, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quỳnh Long – Đội trưởng Đội Đăng ký xe lái, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Tính đến thời điểm này chưa có bất kỳ xe máy điện nào trên địa bàn tỉnh Nghệ An đăng ký. Nguyên nhân là do các chủ xe không có đầy đủ giấy tờ để làm đăng ký theo quy định. Vào những ngày đầu tháng 6, khi Thông tư 15 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, cũng có một vài người dân đến đăng ký nhưng do thiếu giấy tờ nên vẫn chưa đăng ký được”.
Theo ông Long, thủ tục đăng ký xe máy điện giống thủ tục đăng ký xe mô tô. Người dân cần mang CMTND (hoặc sổ Hộ khẩu nếu chưa có CMT) cùng với xe và phiếu kiểm tra xuất xưởng (đối với xe trong nước), tờ khai nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu), hóa đơn giá trị gia tăng đến chi cục thuế địa phương nộp thuế trước bạ. Sau đó, đến công an xin tờ khai, cà số khung, số máy rồi đăng ký.
Nhìn chung, việc đăng ký xe máy điện không có gì phức tạp so với việc đăng ký các phương tiện khác. Tuy nhiên, trên thực tế là hấu hết người dân đều không có các giấy tờ cần thiết để thực hiện việc đăng ký này. Bà Nguyễn Thị Liên (Tp Vinh, Nghệ An) cho hay: “Lúc mua xe, người bán hàng chỉ đưa cho tôi hóa đơn mua xe cùng với tờ hướng dẫn sử dụng thôi. Nghĩ là xe mua về cũng chỉ chạy loanh quanh từ nhà ra chợ, cũng chẳng cần phải giấy tờ này nọ nên tôi cũng không hỏi. Giờ mới biết là xe phải nộp thuế trước bạ rồi đi đăng ký. Xe mua được hơn 1 năm rồi, giờ quay lại xin giấy tờ người ta cũng không cho nên cũng không thể đăng ký được”.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều người dân ngoài việc không đủ giấy tờ để đăng ký theo quy định thì vẫn mang tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng CSGT sẽ không xử lý nếu không có đăng ký xe.
Video đang HOT
Chưa đăng ký đồng nghĩa chưa được gắn BKS phương tiện, bởi vậy việc quản lý, xử phạt người đi xe máy điện vi phạm luật giao thông cũng gặp khó khăn.
Có mặt tại cửa hàng bán xe máy – xe đạp điện trên đường Trần Phú (Tp Vinh) chúng tôi được người bán hàng thằng thắn bày tỏ quan điểm: “Xe máy điện do Việt Nam sản xuất từ năm 2014 thì mới có đầy đủ giấy tờ chứ xe máy điện do Trung Quốc sản xuất thì lấy đâu ra. Với lại năm nay có quy định về đăng ký xe máy điện thì mới chú ý đến giấy tờ chứ trước nay làm gì có. Hàng trăm chiếc xe máy điện chúng tôi bán mấy năm qua làm gì có giấy tờ gì thì làm sao người dân có đủ giấy tờ mà đăng ký được”. Chị này cũng cho biết, trung bình mỗi tháng cửa hàng của chị bán được khoảng 20-30 chiếc xe máy điện.
Bên cạnh đó, người chủ cửa hàng này còn khăng khăng khẳng định: quy định là thế nhưng mới chỉ nói trên ti vi, “người ta” không bắt đi đăng ký đâu. Thậm chí còn khẳng định “cảnh sát giao thông không có quyền gì mà bắt xe máy điện của dân chỉ vì dân không đăng ký” (!).
Trong vai người dân có nhu cầu mua xe máy điện và yêu cầu phải đầy đủ giấy tờ để có thể làm thủ tục đăng ký xe một cách thuận lợi, chúng tôi được chị Y. chủ một cửa hàng khác cũng trên đường Trần Phú “bật mí”: “Nếu cần đăng ký, chị có thể viết cho một tờ hóa đơn mua xe cũ, sau đó em về xin xác nhận của địa phương là xe của mình rồi đi đăng ký cũng được. Giấy tờ mua bán thì chỉ có hóa đơn mua bán thông thường và sổ bảo hành. Xe ngoại thì nhập theo từng lô với hàng chục xe một lúc nên cũng không có tờ khai nhập khẩu”.
Chưa có xe máy điện nào được đăng ký bởi vậy hiện tại lực lượng CSGT mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hướng dẫn thủ tục cho người dân. “Theo Thông tư 15 thì xe máy điện bắt buộc phải đăng ký. Còn theo quy định thì phải có đầy đủ giấy tờ mới có thể đăng ký được. Nếu xe máy điện không đăng ký mà vẫn lưu thông trên đường, chúng tôi sẽ thu giữ. Nếu người dân không bổ sung giấy tờ đầy đủ để đăng ký thì xe sẽ bị tịch thu và sẽ bị bán hóa giá sung công quỹ”, ông Trần Quỳnh Long cho biết thêm.
Bởi việc đăng ký xe máy điện chưa được thực hiện do vướng mắc từ phía người dân nên Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An đang chờ hướng dẫn của Bộ Công an để “gỡ khó” cho dân.
Trên thực tế, vì chưa đăng ký nên chưa có số liệu chính xác về số lượng xe máy điện trên địa bàn Nghệ An nhưng con số đó chắc chắn không phải là ít. Hàng nghìn chiếc xe máy điện đã được bán cho người dân nhưng lại không có đầy đủ giấy tờ. Vậy, công tác quản lý của ngành chức năng về vấn đề này như thế nào và hàng trăm triệu đồng tiền thuế đã bị thất thoát đi đâu?
Hoàng Lam
Theo Dantri
Xe máy điện - nguy hiểm vì không tiếng nổ, không "xi nhan"
Có vận tốc tối đa lên tới 40-50km/h, nhưng lại không có đầy đủ các yếu tố an toàn như không phát tiếng nổ, không có "xi nhan"... cùng với người điều khiển phần lớn là học sinh, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, xe máy điện được xem là mối nguy tiềm ẩn.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định xe máy điện phải đăng ký kiểm soát, hiệu lực thi hành bắt đầu từ 1/7/2009, chứ không phải đến ngày 1/6/2014 (ngày Thông tư 15/2014 có hiệu lực - PV), Bộ Công an mới quy định phải đăng ký loại xe này. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc quản lý loại phương tiện này chưa có khuôn khổ nên thực trạng xe máy điện không biển số tham gia giao thông tràn lan trên đường phố, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (C67), đăng ký xe là cơ sở đề đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, tăng cường quản lý Nhà nước. Thông tư 15/2014 của Bộ Công an được ban hành và có hiệu lực từ 1/6 vừa qua nhắc lại quy định bắt buộc phải đăng ký kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn đối với xe máy điện.
Sau 9 ngày "siết" xe máy điện, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục C67, Bộ Công an - cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc chưa xử lý trường hợp xe máy điện lưu thông mà không có biển kiểm soát. Phần lớn vẫn là nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi làm thủ tục đăng ký.
Để đăng ký cấp biển số thì xe máy điện phải có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng an toàn kỹ thuật của xe. Đối với những xe máy điện sử dụng trước ngày 1/7/2009, khi đăng ký biển số phải đó đầy đủ hồ sơ hợp pháp. Trường hợp xe sử dụng trước ngày 1/7/2009 nếu giấy tờ xe bị thất lạc hoặc không có giấy tờ nguồn gốc nhưng chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) vẫn dược đăng ký, cấp biển số.
Học sinh sinh viên là đối tượng sử dụng xe máy điện nhiều nhất (ảnh: Quốc Phong)
Trên thực tế, việc nhận diện đâu là xe máy điện và xe đạp điện cũng đang có những cách hiểu khác nhau đã gây khó khăn và dễ nhầm lẫn. Bởi, xe máy điện hoặc xe đạp điện đang được xác định thông qua công suất động cơ và vận tốc thiết kế lớn nhất của xe.
Theo Quy chuẩn quốc gia về xe đạp điện, đây là phương tiện có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) tối đa là 40kg, công suất công tơ điện của xe không lớn hơn 250W; xe đạp điện phải có khả năng vận hành bằng cơ cấu đạp chân và đi được quãng đường 7km trong thời gian không quá 30 phút; vận tốc lớn nhất của xe đạp điện là 25km/h. Trong khi đó, xe máy điện không có cấu tạo và khả năng vận hành bằng cơ cấu đạp chân; xe máy điện được hiểu là xe chạy năng lượng điện, khi hết điện thì xe không thể vận hành được nữa; Xe máy điện có vận tốc tối đa lên tới 40-50km/h.
Hiện nay, có một lượng lớn xe máy điện đã được người dân sử dụng lưu thông nhưng không đến đăng ký do thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe, vì vậy lãnh đạo C67 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có quy định hoặc hướng dẫn thêm về đặc điểm phân biệt xe máy điện và xe đạp điện.
Riêng số lượng xe máy điện đang được người dân sử dụng nhưng thiếu giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, Phó cục trưởng Cục C67 kiến nghị các ngành liên quan cần có đánh giá tổng quát về thực trạng sử dụng xe máy điện, báo cáo Chính phủ đề xuất hướng giải quyết cho những xe đã mất chứng từ nguồn gốc.
Có vận tốc tối đa lên tới 40-50km/h, nhưng lại không có đầy đủ các yếu tố an toàn như không phát tiếng nổ, không có "xi nhan"... cùng với người điều khiển phần lớn là học sinh, thanh thiếu niên (lượng đối tượng này chiếm khoảng 17 triệu người, tính từ bậc THCS), nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì đây được xem là mối nguy, tiềm ẩn mất an toàn giao thông rất cao.
Bà Lê Minh Châu - Phó Vụ trưởng vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT - cho biết: Xe điện nhập khẩu bán tràn lan trên thị trường vi phạm về nhãn mác, thương hiệu, bán hàng không hóa đơn, chứng từ... đang ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, phá hoại nền sản xuất trong nước và thất thu ngân sách Nhà nước. Đáng lo ngại, thị trường hiện có quá nhiều loại xe máy điện được sản xuất giống xe đạp điện khiến người tiêu dùng lầm tưởng là xe đạp điện. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, Cục này đã kiểm tra được gần 1.400 xe máy điện và gần 2.500 xe đạp điện. Tuy nhiên, thực tế có bao nhiêu xe máy điện lưu thông ngoài xã hội thì chưa thể thống kê được.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, đối với lượng xe đang trôi nổi ngoài thị trường đang được người dân sử dụng, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an đề xuất biện pháp xử lý thuế, kiểm tra chất lượng, làm cơ sở đăng ký theo hướng tạo thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Bộ GTVT cần quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với loại phương tiện 2 bánh chạy bằng điện.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hà Nội: Người dân vẫn lúng túng khi đăng ký xe máy điện Theo quy định của Thông tư 15/2014 của Bộ Công an, từ ngày 1/6, xe máy điện sẽ không được lưu hành nếu chưa đăng ký biển số và có thể bị xử lý như xe môtô, xe gắn máy. Tuy nhiên, cho đến ngày 3/6, nhiều người dân Hà Nội sở hữu xe máy điện tỏ ra bối rối do còn mơ...