Nghệ An: Cho cam “ăn” cá, 10 cây trĩu quả cả 10, đã thế ăn lại ngọt
Ông Nguyễn Tấn Phượng trú tại xóm Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An) đã có bí quyết trồng cam cho ra trĩu quả, mà quả nào cũng mọng nước, ngọt đậm. Bí quyết của ông Phượng là cho cam “ăn” thêm cá.
Cho cam” ăn”cá-cái kết rất…là khá
Trước khi đến với nghề trồng cam, vợ chồng ông Phượng đã có một thời gian dài đi buôn cam tại các vùng ở địa bàn tỉnh Nghệ An. Công việc vất vả nhưng lợi nhuận không đáng là bao nhiêu. Qua thời gian đi ngược xuôi cắt cam tại các trang trại, ông Phượng được tiếp xúc với nhiều chủ trang trại cam nổi tiếng tại Quỳ Hợp ( Nghệ An), được học hỏi nhiều kinh nghiệm trồng cam.
Nhận thấy cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP là một thị trường đầy tiềm năng nên vợ chồng ông Phượng quyết định bỏ việc buôn cam về trồng cam. Đến nay, gia đình ông có hơn 2ha cam đã cho thu hoạch, mang lại lợi nhuận cao.
Qua nhiều lần chứng kiến cảnh vườn cam của gia đình bị bướm lâm nghiệp và ruồi vàng chích, ông Phượng đã tìm tòi chế biến được loại “thuốc” không hoá chất để diệt trừ côn trùng. Ảnh: Mỹ Hà
Ông Phượng chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng cam từ năm 2011, thời điểm đó tôi là người đầu tiên mang giống cam từ Quỳ Hợp về trồng ở Tân Kỳ. Những năm đầu, kinh nghiệm trồng cam chưa nhiều nên tôi chỉ trồng có 300 cây thôi. Dần dần kinh nghiệm dày dặn tôi trồng thêm và tới bây giờ thì có 800 gốc. Gốc cam nào tôi cũng lấy bã cá trộn với phân chuồng để bón. Thêm nữa, tôi lấy nước cá hoà tan ra phun cho cây để diệt trừ côn trùng phá hoại. Vườn cam của tôi được “ăn” cá nên cây nào cây nấy trĩu quả, mọng nước. Mỗi năm trừ chi phí ra thì gia đình cũng thu nhập được chừng hơn 200 triệu đồng.”
“Vườn cam của tôi được ăn” cá” nên cây nào cây nấy trĩu quả, mọng nước”, ông Phượng chia sẻ. Ảnh: Mỹ Hà
Chế phẩm sinh học diệt sâu hại cam
Thời điểm đầu năm 2019, khi các vùng cam khác ở Nghệ An bị bướm lạ tấn công, bướm ngài chích hút khiến cam rụng thì ở vùng cam Xuân Lý, cam vẫn sai quả, sinh trưởng, phát triển tốt. Đó là nhờ người dân nơi đây tìm ra nguyên lý hoạt động của loại bướm gây hại này.
Vào ban đêm bà con chong đèn, dùng vợt vây bắt bướm; ban ngày thì dùng hỗn hợp nước cá lên men phun cho cam theo hình chữ thập (nghĩa là phun khoanh vùng, không phải cây nào cũng phun) để đuổi bướm. “Loại bướm ngài này theo mùi hương của cam, của ổi để chích hút gây hại, khi phun hỗn hợp này, mùi tanh nồng của cá lấn át mùa cam, mùi ổi nên bướm sẽ tránh đi…”, ông Phượng tiết lộ.
Video đang HOT
Bà Lê Thị Hạnh, một hộ trồng cam ở xóm Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An) nói: ” Nhờ ông Phượng mà tổ liên kết trồng cam Sông Con chúng tôi nhà nào cũng có vườn cam trĩu quả, đạt chất lượng và sản lượng tốt. Toàn bộ các hộ sản xuất đều sử dụng các nguyên liệu sinh học tự nhiên để diệt trừ côn trùng. So với sử dụng hoá chất phòng trừ dịch bệnh trên cây cam thì chế phẩm sinh học tự tạo chi phí rẻ hơn rất nhiều. Ông Phượng luôn là người tiên phong làm rồi hướng dẫn lại cho bà con…”.
Các loại cá nước ngọt được ông Phượng mua từ Quế Phong ( Nghệ An) về ủ với mật mía và chất EM để tạo ra 1 sản phẩm thuốc xua đuổi côn trùng độc đáo mà không cần phải sử dụng tới hoá chất độc hại, mang lại hiệu quả cao và an toàn. Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ với phóng viên về cách làm của mình, ông Phượng nói: “Chi phí ủ cá làm chế phẩm sinh học để đuổi côn trùng và bón cho cam rất rẻ. Nguyên liệu có sẵn, dễ tìm mua, tôi dùng 70kg cá ủ với 120 lít nước, sau đó lọc ra khoảng 80 lít để hoà loãng phun cho cam. 1 tạ cá thì được 120 lít nước, phun cho 2ha cam. Nếu ủ được hai lần như vậy thì ra được 140 lít dung dịch, phun được 4ha cam. Phần bã cá thì dùng trộn với phân chuồng bón cho cây cam “ăn”. Tính ra mỗi kg cá chỉ có giá 7.000 đồng rẻ hơn nhiều so với dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu rầy hóa học…”.
Các thùng ông Phượng ủ cá được bọc kín sau 20 ngày thì lấy nước để hoà ra phun cho cam. Ảnh: Mỹ Hà
Nguyên nhân dẫn đến việc ông Phượng dùng cá ủ để lấy nước phun cho cam được ông chia sẻ rằng; “Qua một người có kinh nghiệm trồng rau sạch ở Đà Lạt hướng dẫn, tôi tìm mua các loại cá nước ngọt về ủ với chế phẩm EM và mật mía. Tôi lấy nước hoà ra và phun cho cây cam để đánh đuổi côn trùng, trong đó có bướm lâm nghiệp.”
“Mùi của cá tanh nên bướm lâm nghiệp không phân biệt được mùi hương của cam, bởi vậy vườn cam của tôi hai năm nay không hề bị hư hỏng. Bã cá bổ sung vi lượng cho cây cam rất tốt, khiến cây cam phát triển khoẻ mạnh, sai quả và rất mọng nước. Đặc biệt, độ ngọt của cam rất đậm”. Hiện tại tôi đã hướng dẫn bà con nông dân trồng cam thực hiện cách làm trên , mùa cam năm nay thành viên nào cũng có kết quả tốt…”.
Không những mỗi cam được” ăn” cá mà bà con xóm Tân Xuân, xã Tân Phú thấy tốt nên cũng cho ổi “ăn”cá để đạt hiệu quả cao. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên báo DANVIET.VN, ông Nguyễn Công Trung- Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: ” Tổ hợp liên kết vùng trồng cam Sông Con được chúng tôi lựa chọn làm quy chuẩn cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, sắp tới đây sẽ được cấp chứng chỉ và đã có vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh…
Theo Danviet
Những cây cầu tiền tỷ thi công dở dang ở Tân Kỳ
Hiện nay, nhiều công trình giao thông ở Tân Kỳ (Nghệ An) ngừng thi công, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Đầu năm 2019, người dân xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ đón tin vui, Nhà nước khởi công dự án cầu khe Chui, trên trục đường chính vào trung tâm xã. Vui bởi từ trước đến nay, trên trục đường này có tràn khe Chui mỗi khi vào mùa mưa, nước ngập sâu, chảy xiết rất nguy hiểm, không ai dám qua. Những lúc như vậy, xã Hương Sơn bị chia cắt cô lập, trường học phải nghỉ học.
Thầy giáo Nguyễn Cảnh Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS xã Hương Sơn cho biết, phần lớn cán bộ, giáo viên của trường là người từ thị trấn vào đây dạy học. Trên trục đường này có tràn khe Chui, mỗi khi có mưa to là nước ngập sâu. Vào mùa mưa, trường phải nghỉ học nhiều ngày, vì giáo viên và một số học sinh của 2 xóm bên kia khe không thể đến trường được. Thậm chí có những đợt phải nghỉ cả tuần lễ vì nước lũ rút chậm.
Vì vậy, không những người dân trong khu vực mà đội ngũ giáo viên ở đây mong muốn đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để chiếc cầu được sớm hoàn thành, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh đến trường thuận lợi, không còn cảnh nghỉ học vì mưa lũ như trước.
Công trình cầu khe Chui trên tuyến đường vào xã Hương Sơn đang thi công. Ảnh: Xuân Hoàng
Dự án cầu khe Chui trên trục đường thị trấn vào Hương Sơn được Nhà nước đầu tư với tổng nguồn vốn 15 tỷ đồng, khởi công xây dựng đầu năm 2019. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới bố trí vốn được 9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Viết Đức - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tân Kỳ
Để đảm bảo tiến độ thi công, huyện Tân Kỳ vận động phía doanh nghiệp tạo mọi điều kiện, sớm hoàn thành công trình, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân. Hiện công trình cầu khe Chui đã cơ bản làm xong phần cầu, việc quan trọng hiện nay là làm đường lên hai đầu cầu để thông xe.
Còn cầu Khe Thần ở xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) được khởi công xây dựng cách đây 4 năm, từ tháng 4/2015, sau khi hoàn thành một số trụ cầu, đơn vị thi công phải ngừng hoạt động một thời gian. Đến năm 2019, được bố trí một ít vốn, phía doanh nghiệp tiếp tục thi công phần dầm cầu nhưng nay vẫn dở dang. Theo Ban Quản lý dự án huyện Tân Kỳ, đến nay nguồn vốn đã được cấp cho công trình cầu Khe Thần 30/42 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công đã làm xong phần mố, trụ cầu, đổ xong dầm cầu và cầu vẫn chưa hoàn thành.
Cầu Khe Thần trên địa bàn xã Tiên Kỳ đã thi công xong phần mố và trụ cầu từ lâu, nhưng do chưa có vốn nên chưa lao dầm. Ảnh: Xuân Hoàng
Tuyến đường vào trung tâm xã Phú Sơn được khởi công xây dựng từ hơn 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng có như không, bởi nguồn vốn được bố trí nhỏ giọt. Trong đó nóng nhất là công trình cầu Phú Sơn trên trục đường vào trung tâm xã, dù đã làm xong phần cầu, nhưng do không có vốn nên đường hai bên mố cầu chưa làm được, khiến người dân không khỏi bức xúc.
Dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ bao gồm 18 km đường nhựa và cầu Phú Sơn bắc qua sông Con, được khởi công xây dựng từ năm 2009 với tổng mức đầu tư sau nhiều lần bổ sung lên đến 162 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tuyến đường trên và cây cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 36 tháng. Nhưng đến nay Nhà nước mới bố trí vốn 30 tỷ đồng, do vậy nhà thầu ngừng thi công phần đường lên 2 mố cầu, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Công trình cầu Phú Sơn (Tân kỳ) mặc dù đã làm xong phần cầu, nhưng chưa làm đường lên xuống nên vào mùa mưa đi lại rất khó khăn. Ảnh: Tiến Hùng
Người dân địa phương mong mỏi nhà nước quan tâm bố trí nguồn vốn để nhà thầu hoàn thành đường lên cầu và đổ nhựa đoạn đường khoảng 3 km còn lại để người dân đi lại thuận lợi, nhưng tình trạng vẫn "án binh bất động" từ nhiều năm nay.
Ông Đinh Xuân Công - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tân Kỳ còn có nhiều dự án giao thông ngừng thi công từ nhiều năm nay do thiếu vốn. Như dự án đường giao thông từ thị trấn vào xã Nghĩa Hợp dài 15 km, trên tuyến có 2 cầu cứng, với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, đã khởi công xây dựng từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn "án binh bất động" do Nhà nước mới bố trí nguồn vốn 25 tỷ đồng để làm cầu Khe Thiền và một số hạng mục khác.
Đơn vị thi công đang nâng cấp được đường từ cầu Rỏi vào ngã 3 Tân Phương với nguồn vốn 7 tỷ đồng. Ảnh: Xuân Hoàng
Trong đó riêngcông trình cầu Khe Thiền với tổng mức vốn 21 tỷ đồng, nhưng Nhà nước mới bố trí 18 tỷ đồng, nên sau khi hoàn thành phần cầu, phía doanh nghiệp dừng thi công, không làm đường lên cầu, khiến người dân bức xúc, bởi "có cầu cũng như không".
Cùng đó, đoạn đường từ cầu rỏi vào ngã 3 Tân Phương, hàng ngày có lượng phương tiện tham gia giao thông đi lại nhiều. Tuy nhiên, do đoạn đường này xuống cấp nặng, vừa qua tỉnh bố trí nguồn vốn 7 tỷ đồng để nâng cấp. Hiện nay huyện Tân Kỳ đang triển khai nâng cấp đoạn đường này dài 4,5 km.
Mùa mưa lũ đang đến, khi các dự án giao thông trọng điểm chưa được bố trí vốn kịp thời, đồng nghĩa với các công trình tiếp tục ngừng thi công. Như vậy người dân Tân Kỳ thêm một mùa mưa nữa lại đối diện với nước lũ bị cô lập.
Xuân Hoàng
Theo Baonghean
Kinh hoàng: Người đàn ông tự dùng dao rạch bụng vì nghĩ có bom bên trong Tâm lý không bình thường, anh S nghĩ trong bụng mình có bom nên lấy dao rồi tự rạch bụng mình đến lòi nội tạng. Ngày 9/9, ông Nguyễn Hải Đông - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn (Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trường hợp một nam thanh niên tự dùng dao rạch bụng mình và...