Ngày xuân, nghĩ về trò chơi “Thi thổi cơm”
Trong các lễ hội ngày xưa của người Việt thường diễn ra trò chơi thi thổi cơm, vừa tưng bừng náo nhiệt, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Với người Việt Nam, cơm không chỉ là món ăn chính mà còn là ý nghĩa như một biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Mỗi chúng ta đều sinh ra, lớn lên cùng hạt gạo quê nhà, hạt gạo đơn giản là vậy nhưng lại quyết định sự tồn tại tự nhiên của nhiều dân tộc.
Trong các cách dạy nấu ăn ở châu Á, nghệ thuật dạy nấu cơm và các món ăn từ gạo đã có từ nhiều thế kỉ trước đấy. Ở hầu hết các vùng nước ta, trong các hội hè đều diễn ra các cuộc thi thổi cơm. Nấu một nồi cơm trong điều kiện bình thường ở nhà khác hẳn với việc thổi cơm thi trong lễ hội. Khi dự thi thổi cơm, người tham gia phải trổ thông minh, nhanh trí, khéo léo tháo vát để nấu một nồi cơm thơm dẻo trong những điều kiện ngặt nghèo. Thường là nồi treo trên cây hoặc đặt trên quang gánh, vừa đi vừa nấu. Có khi nồi đặt trên 3 cọc tre tươi đóng xuống đất, đội nấu nghe hiệu lệnh còn phải chạy tiếp sức quanh sân tới vị trí đội mình để nấu. Có nhiều địa phương còn sáng tạo nhiều hình thức như: củi là mía, vừa ăn mía vừa lấy bã đun hoặc nấu trên thuyền bồng bềnh giữa đầm làng.
Chuẩn bị chu đáo trước khi bắt đầu thi
Video đang HOT
Thi nấu cơm trên quang gánh
Độc đáo hơn, có nơi còn thi lấy lửa và phải giã thóc, giần sang tại chỗ, nồi cơm buộc ở đầu cần cong cắm vào dây lưng một người… cái khó là nấu cơm ở giữa gió, trong điều kiện “oái oăm” sao cho cơm vẫn chín dẻo, không cháy, không sống, không khê, không nát hay khô trong một thời gian nhất định. Dù hình thức có đôi chỗ khác nhau song trò chơi này in đậm bóng dáng của một dân tộc hàng nghìn năm lịch sử cũng là hàng nghìn năm trận mạc: những cuộc hành quân thần tốc vẫn phải đảm bảo cơm nóng dẻo cho quân sĩ nên nhân dân ta đã nghĩ ra nhiều cách nấu sáng tạo. Những đêm quân sĩ về làng, cả làng bí mật nổi lửa nấu cơm, chỉ một đêm đã có hàng ngàn nắm cơm thơm dẻo tình quân dân.
Phật giáo chia thế giới thành mười phần. Đức Phật ở phần thứ nhất, thì hạt gạo được xếp ngay sau đó. Sự gắn bó mật thiết với hạt gạo làm cho người Việt không quên tôn vinh hạt gạo trong lễ hội bằng việc thi thổi cơm. Ở nhiều làng có bãi rộng ở đầu làng – nơi diễn ra hội thổi cơm thi hàng năm đã để lại trong lòng người xa quê những ấn tượng sâu sắc về hạt gạo quê nhà…
Ban giám khảo chấm điểm
Ngày xuân, bước chân vào hội, mọi người náo nức cùng tiếng trống chiêng vang trời, tiếng reo hò cổ vũ nồng nhiệt, những ngọn lửa bùng bùng cháy, những ánh mắt long lanh… phút chốc ta quên đi mọi lo toan vất vả thường nhật. Ta hòa đồng với mọi người trong niềm vui bình dị, dân dã, hồn nhiên giữa đất trời. Cơm chín mang lên ban giám khảo chấm, mùi cơm chín tới thơm lừng nghi ngút tỏa hương, thấm vào lòng ta một cảm giác ngọt ngào, quen thuộc đến khó tả.
Thổi cơm thi là một trò chơi mang đậm tính cộng đồng và là nét đẹp mang đậm bản sắc của cư dân lúa nước.
Theo PNO
Cháo Việt
Cơm và cháo là hai món ăn thường ngày nhất của người Việt. Người Việt thường quan niệm cơm để ăn cho "chắc bụng", còn cháo thì ngược lại. Cháo "dễ nuốt" lại bổ dưỡng nên rất phù hợp với người đang ốm, cơ thể suy nhược...Và vì dễ ăn, lại mát nên nó cũng là món phổ biến trong mùa hè.
Trước đây, người ta thường chỉ dùng hai nguyên liệu chính là gạo và nước để nấu cháo. Bây giờ, người ta nấu cùng với các nguyên liệu khác nên có đến hàng trăm món cháo khác nhau. Các loại cháo đậu, đỗ ngọt, mặn; cháo thịt, cháo ruốc, cháo sườn, cháo trai, cháo lòng, cháo gà, cháo cá... Có nhiều loại cháo đến nỗi không thể kể hết ra đây một lúc được. Ở mỗi vùng miền Việt Nam thường có những loại cháo rất ngon được nấu bằng đặc sản của địa phương.
Nấu cháo cũng dễ mà cũng khó. Dễ vì không cầu kì trong việc tìm nguyên liệu, phụ gia. Khó vì chỉ cần lượng nước và gạo trong nồi không tương thích là nồi cháo mất ngon ngay. Một là sẽ loãng thếch nếu đổ quá nhiều nước so với lượng gạo. Hai là sẽ vón cục, bị khê vì đổ quá ít nước. Nấu cháo cũng rèn luyện cho người ta tính kiên nhẫn. Lúc dầu khêu lửa thật to để đủ sức làm hạt gạo chao đảo trong nồi rồi nở bung ra. Sau đó, lửa phải khêu thật nhỏ để ninh cho cháo được chín nhừ, nhuyễn ra.
Để có một nồi cháo ngon lành thì lượng nước phải nhiều gấp ba lần lượng gạo. Mà muốn cháo thơm ngon thì phải nấu vào nồi chỉ dành riêng để nấu cháo thôi. Nếu nấu vào các nồi dùng để kho hay rán thì nồi cháo nấu ra sẽ mất đi hương vị đặc trưng thơm ngon của nó.
Có nhiều loại cháo dân dã, thanh bạch dường như quá quen thuộc với đời sống những người nông dân lam lũ. Đơn giản nhất là bát cháo trắng, nhà ai "sang" hơn thì cho thêm vài cọng hành tươi, thế là đã rất dậy mùi, hấp dẫn và ngon miệng rồi. Có nhà còn tận dụng cơm nguội để nấu cháo, người ta hay gọi đó là loại cháo tù. Vì gạo đã nấu chín thành cơm rồi nên lượng nước đổ vào cũng ít hơn. Loại cháo này thường ăn chung với thịt, cá kho thật mặn hay chỉ đơn giản là với mấy quả cà muối là ngon miệng rồi. Những loại cháo mộc mạc này ngày nay cũng không còn phổ biến nữa. Thay vào đó là các loại cháo bổ dưỡng do được nấu với rất nhiều nguyên liệu khác như rau, củ, quả, thịt, cá... Người ta còn ăn cháo kèm với quẩy hay có nơi ăn kèm cùng bánh đa để tăng thêm độ bùi, thơm của cháo. Những bát cháo lươn xứ Nghệ thì không thể thiếu được những miếng bánh đa giòn tan, thơm mùi vừng.
Bát cháo ngày càng được tô điểm thêm nhiều phụ gia khiến nó trở thành một món ăn phong phú và được ưa chuộng trong đời sống hàng ngày. Không chỉ đơn thuần là thức ăn cho người bệnh, người già, trẻ nhỏ mà nó còn góp phần bổ sung thêm những nét văn hoá trong bức tranh ẩm thực Việt. Khi đời sống tinh thần của con người được nâng cao cũng là lúc người ta thưởng thức nó như một thứ nghệ thuật, một món quà ẩm thực tinh tế. Nó có mặt trong những gánh hàng rong, trên vỉa hè hay trong những nhà hàng sang trọng. Nó cũng len lỏi vào mọi tầng lớp trong xã hội bởi có một thực đơn phong phú các loại cháo thích hợp với nhiều tầng lớp khác nhau. Đơn giản có, cầu kì có. Thanh đạm có, bổ dưỡng cũng có.
Không ai còn lạ gì hình ảnh những nồi cháo lớn trong quán tranh liêu xiêu bên gốc đa hay trong góc chợ quê. Trên cái chõng tre nho nhỏ được bày những đĩa tép rang, bát củ cải muối... ăn kèm cháo. Các bà, các cô đi chợ vào ăn một bát lót dạ. Đám trẻ con khoái món này vì dễ ăn và lạ miệng, ngon hơn bát cơm nguội với mấy con cá khô ở nhà. Ở Hà Nội, cháo là thứ quà sáng được ưa chuộng. Nó cũng xuất hiện trong thực đơn ăn đêm của giới trẻ hay những người lao động về khuya. Chỉ là bát cháo nhỏ bé vậy thôi mà đủ sức xua đi cái nóng oi ả mùa hè hay làm ấm dạ trong những ngày đông rét buốt. Cháo vì thế mà trở thành món ăn tinh thần của người Việt, bên cạnh vô vàn các món ăn cao sang...
Theo PNO
Bánh khúc cây cùng lời chúc Merry Christmas Merry Christmas! Chúc Giáng sinh vui vẻ! Đó là lời chúc vang lên khắp nơi với mong ước mọi người đều được vui vẻ, an lành. Từ lâu, Noel đã trở thành lễ hội chung vui của tất cả mọi người trên mọi quốc gia, nhưng để ngày lễ này thực sự vui trọn vẹn, bên cạnh món quà thú vị của ông...