Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM: Vươn tới một xã hội nhân văn và bình an
Khi chọn chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực” cho Ngày Văn hóa Hòa bình lần đầu tiên năm 2018, các nhà tổ chức ở Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM có lẽ vẫn le lói một hy vọng lần tổ chức sau sẽ được chọn một chủ đề khác, không liên quan đến bạo lực trực diện nữa.
Nhưng rồi, thật oái oăm và thật buồn khi chỉ trong một năm qua thôi, báo chí đã phanh phui và cơ quan bảo vệ pháp luật đã phải vào cuộc để xử lý hàng loạt vụ tấn công, xâm hại trẻ em – đối tượng nhỏ nhoi, yếu thế nhất mà xã hội cần nâng niu, bảo vệ!
Kẻ phạm tội là một ông nguyên viện phó một viện kiểm sát cấp tỉnh, là những ông thầy giáo “ yêu râu xanh” ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai; là ông nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM… Không thể né tránh thực tế đau lòng và bất an đó, các nhà tổ chức đã quyết định chọn một thế đứng công dân tích cực nhằm tác động đến trách nhiệm của toàn xã hội thông qua chủ đề của Ngày Văn hóa Hòa bình năm 2019 lần thứ hai (diễn ra ngày 8.12.2019 tại tại Nhà Thi đấu Quân khu 7): “Vì một xã hội nhân văn và bình an – Hãy cùng nhau chống bạo lực và xâm hại”.
Vẫn là tham vọng mang đến cho người tham dự những giá trị định hướng của văn hóa hòa bình mà quá trình truyền tải và cảm hóa biết rằng phải dài lâu. Đó là, nói không với bạo lực; công bằng xã hội, quyền dân chủ và quyền con người; đó là, trách nhiệm bảo tồn trái đất, bảo tồn di sản văn hóa, là lắng nghe để thấu hiểu và đối thoại; đó là, bao dung, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; đồng cảm, đoàn kết và hòa nhập; và đó còn là hài hòa giữa làm công dân Việt Nam và làm công dân toàn cầu.
Trẻ em bảo vệ trẻ em
Nhiều phương tiện truyền tải các giá trị định hướng của văn hóa hòa bình đã được chọn lựa trong buổi sáng khởi động tại Đường Sách TP.HCM một tháng trước khi diễn ra sự kiện chính (8.12): băng rôn và tờ rơi; diễn đàn đối thoại và chia sẻ; múa hiện đại và rối truyền thống; âm nhạc và tranh vẽ. Nhưng, có lẽ sức thu hút lớn nhất, mang ý nghĩa hành động nhất của sự kiện khởi động Ngày Văn hóa Hòa bình 2019 vẫn là những câu chuyện trực diện về làm thế nào để góp phần ngăn chặn bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em trong gia đình và ngoài xã hội.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM
Cử tọa không ngừng ngạc nhiên và khâm phục khi diễn giả chính của diễn đàn chia sẻ lại là một cô bé 12 tuổi, Trần Lê Thảo Nhi – từ năm 9 tuổi đã là đồng tác giả với TS. tâm lý Phạm Thị Thúy và nhà báo Đào Trung Uyên cuốn sách gây tiếng vang Những bửu bối của Hiệp sĩ Tani do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Thảo Nhi đón nhận các câu hỏi của cử tọa một cách điềm tĩnh và trả lời rất nhanh, rất lưu loát về một chủ đề cả người lớn cũng thấy… khó. Vấn đề xâm hại trẻ em phức tạp như vậy, xã hội đang đau đầu tìm cách giải quyết mà sao một cô bé như em lại có thể quan tâm và tham gia tích cực bằng rất nhiều cuộc đi nói chuyện với các bạn nhỏ ở các trường học?
Và đây là lời chia sẻ nhẹ nhàng của Thảo Nhi: “Cháu được thôi thúc tham gia vào việc góp phần ngăn chặn việc trẻ em bị xâm hại là từ những chuyện mà ba mẹ cháu ( đều làm việc trong ngành luật – NTT) kể về các vụ án trẻ em là đối tượng bị xâm hại! Tự trong lòng cháu thấy dâng lên sự cảm thông và tình thương tự nhiên của một đứa trẻ đối với một đứa trẻ! Rồi cháu tự đặt cho mình câu hỏi “mình có thể làm gì để góp phần ngăn chặn tình trạng xấu xa, đau lòng đó?”. Cháu đã hỏi và được ba mẹ đồng tình: con có thể nhờ người lớn hợp lực để giúp các bạn theo cách của con, đó là động viên các bạn đừng sợ, hãy học cách đối phó với các hành vi tấn công trẻ em.
Bé Trần Lê Thảo Nhi tại buổi giao lưu
Video đang HOT
Cháu cũng luôn tin rằng con người – dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, ai cũng có trong bản thân mình một sức mạnh để chống trả lại cái xấu, cái ác; chỉ có điều sức mạnh ấy có được đánh thức, được khơi dậy hay không mà thôi. Cháu cảm thấy bản thân mình, với sự trợ giúp của người lớn, có thể góp phần đánh thức sức mạnh ấy bằng cách đơn giản của cháu…”. Cách đơn giản mà Thảo Nhi nói là bắt tay biên soạn cuốn sách Những bửu bối của Hiệp sĩ Tani với sự cố vấn của Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy và Nhà báo Đào Trung Uyên. Trong cuốn sách mỏng này, cô bé hiệp sĩ mới 9 tuổi nhấn mạnh thông điệp của mình gửi các bạn đồng trang lứa: Trẻ em bảo vệ trẻ em! “Bửu bối” của Tani đơn giản chỉ là 18 đoạn thơ, câu thơ ngắn chứa đựng những biện pháp để trẻ em tự bảo vệ mình. Ví dụ:
1. Cơ thể không phải của chung/Không ai được phép lung tung chạm vào/ Dù bị dọa nạt thế nào/ Dũng cảm la lớn, chạy ào thật nhanh/ Méc ba méc mẹ “Bắt Râu Xanh”.
2. Rủ nhau đi học võ nè/ Phòng khi kẻ xấu kè kè bên ta/ Vừa tự vệ, vừa khỏe ra/ Nhỡ khi bị bắt, chạy xa thoát liền.
3. Đến chơi nhà khác một mình/ Gặp nguy thình lình bạn biết kêu ai/ Bạn ơi nhớ lấy đừng sai/ Cần ba, cần mẹ, hoặc cả hai đi cùng.
4. Thông tin về mình/ Đừng đăng linh tinh/ Kẻ xấu rập rình/ Khắp internet/Làm quen qua mạng/Cân nhắc bạn nghen!
Thú vị nhất là câu trả lời bằng thơ của Hiệp sĩ Tani khi được hỏi “Nhưng, Thảo Nhi đã đến với những bạn bị xâm hại chưa và đã nói gì với các bạn ấy?”: Chẳng may bị xâm hại/ Bạn ơi dũng cảm lên/ Gặp ba mẹ kể lại/ Bắt kẻ xấu cúi đầu/ Bạn ơi đừng xấu hổ/ Không phải lỗi bạn đâu/ Khi kẻ xấu bị phạt/ Sẽ không hại bạn sau.
Và hành động của người lớn vì một xã hội bình an
Trẻ em có thể tự bảo vệ mình như bé Trần Lê Thảo Nhi đã chia sẻ. Nhưng còn người lớn, không phải ai cũng biết đúng cách để bảo vệ bản thân mình và con em trước hành vi bạo hành và xâm hại.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết: “Bạo hành phụ nữ chiếm 95% trong các gia đình, mặc dù Việt Nam đã có Luật Hôn nhân gia đình! Khi chúng tôi hỏi những người vợ bị bạo hành, câu trả lời chung nhận được đều là họ đành chịu đựng những trận đòn của chồng để con cái có thể phát triển bình thường trong một mái ấm đủ cha và mẹ… Điều bất ngờ là đến tận bây giờ, gần như tất cả chị em là nạn nhân của bạo hành đều né tránh trả lời câu hỏi của luật sư tư vấn: “Một người cha đánh đập vợ như vậy có đủ sức giáo dục đứa trẻ? Và vì sao chị em không mạnh dạn tố cáo với các cơ quan chức năng để bảo vệ tương lai con em mình?”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (phải) tại lễ khởi động Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM 2019
Thực trạng bạo hành và xâm hại trầm trọng là vậy. Sự bất an tồn tại dai dẳng trong không ít gia đình là vậy. Thế nên, khi thoát khỏi khuôn phép lý thuyết, giáo điều dài dòng thì những tài liệu mang tính cẩm nang ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm theo để chống lại bạo hành và xâm hại trong bối cảnh hiện nay thực sự đã trở thành “vũ khí thực tiễn” lợi hại. Như cuốn sách của Thảo Nhi, như cuốn Kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2019, viết rất dễ hiểu, dễ nhớ.
Hay như cuốn Kỹ năng phòng chống xâm hại cho con – cha mẹ cần biết mà Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành cùng lúc với Những bửu bối của Hiệp sĩ Tani. Gia đình cần luôn bên nhau để chống bạo hành và xâm hại. Mỗi người hãy biết vượt lên nỗi sợ hãi. Đó không còn là thông điệp của một cuốn sách mà đã trở thành phương cách góp phần xây dựng một xã hội nhân văn và an bình ngay trong bối cảnh các cuộc chiến tranh bằng vũ lực đã chấm dứt.
Ngày Văn hóa Hòa bình do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM khởi xướng và mong muốn duy trì hàng năm phải chăng cũng là để tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa các giá trị định hướng của văn hóa hòa bình, trong đó đáng khẳng định nhất có lẽ là: bạo lực chưa bao giờ là một giá trị, dù nhân danh bất cứ điều gì. Tôn trọng sự khác biệt và đa dạng, thấu hiểu và đối thoại, lắng nghe và bao dung – đó mới chính là những giá trị đích thực tạo ra sự tử tế và bình an cho con người.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Thanh
Theo nguoidothi.net
Trái tim của người nữ luật sư dành cho trẻ em
Ở tuổi ngoài 60, sức làm việc của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ thật đáng nể. Hễ có cuộc gọi đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM báo có trẻ em bị xâm hại, dù đó là ở tỉnh xa, bà vẫn sẵn sàng mau chóng lên đường.
Hơn sáu năm trước, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM quyết định thành lập chi hội luật sư để trợ giúp pháp lý cho những trường hợp trẻ em bị xâm hại hiệu quả hơn, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được bầu làm chi hội trưởng. Chi hội luật sư hiện nay có hơn 20 luật sư là những luật sư, thẩm phán đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa.
Gia đình còn lơ là trước an nguy của trẻ
Bé C. học khá giỏi và được cha mẹ gửi đến lớp học thêm của thầy Đ. Có một lần cô bé về kể với cha mẹ việc thầy mặc quần đùi, có biểu hiện không đứng đắn thì phụ huynh không tin bởi thầy đã lớn tuổi và có vẻ rất đứng đắn, nổi tiếng dạy giỏi. Cô bé đã bí mật ghi âm và quay phim lại buổi học hôm đó bị thầy sàm sỡ, gia đình mới té ngửa và làm đơn tố cáo. Luật sư Ngọc Nữ cho biết: "Đây cũng là điểm yếu của nhiều cha mẹ khi quá tin tưởng ai đó mà không để ý tới an toàn của con mình. Đến khi có bằng chứng họ mới hoảng hốt nhận ra thì đã muộn".
Bà Ngọc Nữ nhận định khi làm các vụ án dâm ô, khó khăn nhất là phải tìm ra chứng cứ.
Nhiều vụ việc khi tố cáo, bên kia còn dọa ngược lại sẽ tố cáo gia đình người bị hại tội vu khống vì không có chứng cứ. Họ còn hăm dọa, thậm chí đuổi đánh luật sư khi bà tìm gặp để nói chuyện. Không nao núng, bà Ngọc Nữ động viên gia đình: "Anh chị không cần phải sợ hãi lời đe dọa, có tôi ở đây. Chứng minh được hay không là ở cơ quan điều tra. Con trẻ bị tổn thương, chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ, đó là đạo lý".
Luật sư Ngọc Nữ dạy kỹ năng phòng, chống xâm hại cho các em học sinh ở địa bàn TP.HCM trong tháng 10-2019. Ảnh: HM
Hỗ trợ pháp lý và cả... tiền xe ôm
Có cô bé tên B., 12 tuổi, bị câm điếc ở quận Bình Tân bị kẻ xấu xâm hại. Mẹ của em tìm gặp bà Ngọc Nữ, rụt rè tâm sự: "Con gái em bị xâm hại, em muốn đưa kẻ ác ra trước pháp luật nhưng em không có tiền thuê luật sư". Luật sư Ngọc Nữ và các luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã lập tức đi thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, hết lòng hỗ trợ pháp lý cho gia đình. Đầu tháng 10 vừa qua, kẻ thủ ác đã bị tòa phúc thẩm tuyên 13 năm tù. Nỗi đau của em nhỏ và gia đình phần nào được xoa dịu.
Nhiều trường hợp khó khăn như em B. đã được bà Ngọc Nữ hỗ trợ tiền xét nghiệm, giám định và chữa trị. Mỗi lần tòa xử, bà hỗ trợ tiền xe ôm đi lại cho gia đình. Ngày Quốc tế Thiếu nhi, bà lại quay lại thăm vì sợ em B. chưa hòa nhập được ở môi trường mới và tủi thân. Bà chia sẻ với các đồng nghiệp là nếu không có sự trợ giúp đó, rất có thể gia đình họ vì nghèo khó mà phải bỏ cuộc trên hành trình theo đuổi công lý gian nan và mất thời gian, trong khi còn phải bạc mặt với nỗi lo cơm áo.
Cần hỗ trợ tối đa cho các em
Tương lai và sức khỏe của các em luôn khiến tôi trăn trở. Trong nhiều cuộc họp liên ngành, tôi thiết tha đề nghị ngành bảo hiểm xã hội cần hỗ trợ tối đa cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại như chế độ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi. Vì có nhiều gia đình nghèo, không có điều kiện đưa con đi xét nghiệm, chạy chữa cho con thì rất tội nghiệp.
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Tìm lại tuổi thơ cho trẻ
Bé Đ. (Vĩnh Long) từng bị cha và ông nội hiếp dâm khi mới 11 tuổi, cô bé gần như đã bị cướp mất tuổi thơ và đầy mặc cảm, học hành sa sút. Bà Ngọc Nữ đã trợ giúp và theo dõi cô bé cho đến khi em được đưa vào một mái ấm dành cho những trẻ em gái bị xâm hại. Mới đây, bà Ngọc Nữ đến thăm, cô bé chạy ra ôm bà và vui vẻ kể: "Con đã quên hết chuyện cũ rồi. Bây giờ con thích đi học thôi". Bà Ngọc Nữ thở phào. Sau những ngày lặn lội với các cuộc chiến pháp lý, bà Ngọc Nữ chỉ mong nhận lại nụ cười và sự thanh thản phần nào từ nạn nhân và gia đình nạn nhân. Bà cũng đã thiết lập được mạng lưới trợ giúp hiệu quả từ sự phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng hỗ trợ trẻ em để các em được đến học tập, sinh hoạt trong những môi trường phù hợp và được hỗ trợ về tâm lý.
Có nhiều vụ án ở tỉnh xa, lặn lội đi đến nơi tốn khá nhiều chi phí nhưng khi đến nơi bà lại "tốn thêm một khúc hỗ trợ gia đình nạn nhân". Chi phí này bà dành dụm từ thù lao dạy đại học, thù lao từ các buổi giảng về phòng, chống xâm hại tình dục, thù lao từ các vụ án khác... Bà cho biết nhu cầu chi tiêu cho bản thân không nhiều nhưng bà luôn thôi thúc bởi những mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ. Bà nói: "Ai hỏi nhiêu tuổi mà đi khỏe dữ vậy, tôi cũng giật mình, ủa vậy là tôi 64 tuổi rồi đó hả".
Giải KOVA - hạng mục "Sống đẹp"
Ngày 16-11 sắp tới, giải thưởng KOVA sẽ được tổ chức tại TP.HCM. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được trao giải thưởng ở hạng mục "Sống đẹp".
Giải thưởng KOVA là giải thưởng uy tín được tổ chức thường niên từ năm 2002 đến nay, chủ tịch ủy ban giải thưởng là nguyên Phó Chủ tịch nước - TSKH Nguyễn Thị Doan. Giải thưởng và học bổng KOVA được trao tặng hằng năm nhằm khuyến khích các nhà khoa học có nhiều cống hiến cho cộng đồng; cổ vũ và nhân rộng các tấm gương nhân văn, cao thượng; ươm mầm tài năng trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, có đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
HỒNG MINH
Theo PLO
Đà Nẵng: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Thực hiện dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng", Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức World Vision Vietnam tổ chức hội thảo truyền thông và góp ý xây dựng chính sách...