Ngày tàn của Hackintosh đã đến?
Đoạn kết của trò chơi đuổi bắt kéo dài 15 năm giữa Apple và các hacker trên toàn thế giới.
Hồi đầu tuần này, Apple đã công bố rằng sẽ dành hai năm sắp tới để chuyển toàn bộ các máy tính Mac của hãng sang sử dụng vi xử lý ARM. Lý do cực kỳ rõ ràng và chính đáng: sản phẩm của Intel ngày càng tệ, trong khi các vi xử lý dòng A của Apple hiện đang là các vi xử lý ARM tốt nhất thế giới, và họ đang nắm trong tay một kho phần mềm iOS khổng lồ có thể được mang lên desktop. Từ góc nhìn của Apple, mọi thứ đều hợp lý.
Nhưng trong khi các nhà phát triển trên Twitter hào hứng đăng ký nhận Developer Transition Kits (DTK), thì những con người thuộc các cộng đồng hackintosh lớn nhất trên mạng internet lại đang cùng nhau than khóc cho đoạn kết không thể tránh khỏi của trò chơi đuổi bắt kéo dài 15 năm giữa Apple và những người muốn sở hữu những chiếc máy Mac giá tốt.
Một quản trị viên của diễn đàn Tonymacx86 nói rằng: “ Thật thú vị, pha lẫn một chút buồn. Tôi hào hứng chờ đợi xem những chiếc Mac ARM mới sẽ vượt mặt những chiếc Mac Intel ra sao. Buồn là vì tôi sẽ không thể chọn và lắp ráp linh kiện máy tính của riêng mình nữa“.
Và trên subreddit /r/hackintosh: “Nó thành sự thật rồi anh em à, rất vui được quen biết anh em”.
Tâm trạng chung của các cộng đồng người dùng này ban đầu là khá đau khổ, nhưng họ nhanh chóng tỏ ra lạc quan: nhiều người nói rằng Apple sẽ tiếp tục hỗ trợ các dòng máy Mac hiện tại trong 5-7 năm nữa, kể cả khi công ty này tuyên bố chỉ 2 năm mà thôi. Nếu bạn nhìn lại quá trình Apple chuyển từ vi xử lý PowerPC sang Intel, thì lập luận của họ trở nên khá mơ hồ: những chiếc Mac Intel xuất hiện vào năm 2006, và đến năm 2009, các phiên bản mới của macOS đã không còn được phát triển cho các mẫu PowerPC nữa. Mặt khác, số lượng máy tính Mac dùng vi xử lý Intel đang lưu hành trên thị trường hiện nay lớn hơn rất nhiều so với thời đó, vậy nên Apple có lẽ sẽ tiến chậm hơn một chút.
Vậy cộng đồng hackintosh có nên than khóc, kể cả khi họ vẫn sẽ tận dụng được thêm vài năm hỗ trợ từ Apple? Sau đó điều gì sẽ xảy ra? Bởi một khi Apple ngừng phát triển driver, cuộc chơi sẽ kết thúc.
Để trả lời câu hỏi này, điều quan trọng là bạn phải hiểu tại sao cộng đồng hackintosh lại tồn tại ngay từ đầu. Đối với một số người, đây là một dự án máy tính thú vị, và mỗi lần Apple cập nhật macOS, bạn sẽ có cơ hội được vọc phá nó thêm một chút. Đối với những người khác, hackintosh là con đường để tham gia vào hệ sinh thái phần mềm Mac mà chỉ phải bỏ ra khoản tiền thấp nhất có thể, nhưng lý lẽ biện minh này ngày càng kém thuyết phục khi mà các website như eBay và Amazon hiện có một thị trường dành riêng cho những chiếc máy Mac đã qua sử dụng. Thay vào đó, đội quân hackintosh “chân chính” vốn ngày một đông đúc hơn chính là những người dùng cao cấp muốn có một chiếc Mac Pro không hề tồn tại. Một chiếc PC chơi game với giá dưới 1.000 USD là thứ mà Apple vẫn chưa tung ra trong nhiều thập kỷ, nhưng trong cộng đồng hackintosh lại không hề thiếu những cỗ máy như vậy.
Sự thất vọng đối với sự thiếu hụt này đạt đỉnh điểm vào năm 2017, khi bài viết của trang tin TheVerge với nội dung nói rằng “ đã 1.000 ngày trôi qua kể từ khi chiếc Mac Pro được nâng cấp” trở thành lý do để các blog công nghệ mỉa mai Apple. Chiếc Mac Pro đã cũ đến mức những phần cứng tiêu dùng tầm trung, không còn bán trên thị trường nữa, cũng vẫn có tốc độ nhanh hơn, và người dùng đơn giản là không có lựa chọn nào khác. Apple cuối cùng đã phải xoa dịu đám đông bằng cách mời cánh nhà báo đến để trình bày về chiếc Mac mới, và cuối cùng đưa ra tuyên bố chính thức rằng một chiếc Mac Pro mới đang được phát triển. Sau đó, Apple đã tung ra chiếc Mac Pro dạng tháp mới, giá khởi điểm 5.999 USD – một bằng chứng hùng hồn rằng hãng chẳng hề có hứng thú với phân khúc desktop 1.000 USD.
Để nói cho rõ, thì nhu cầu thị trường này chắc chắn vẫn tồn tại. Người ta vẫn cần biên tập video độ phân giải cao, biên tập các phân đoạn âm thanh đồ sộ, biên dịch mã nguồn, và chơi game 3D. Đó là những người về cơ bản sẽ thu được kết quả tốt nhất từ khoản đầu tư, xét thời gian và tiền bạc cần để thiết lập một hệ thống hackintosh. Nhưng với nhiều người trong số này, thiết lập được một hệ thống hackintosh chưa phải là cái kết. Mục tiêu của họ luôn là tối đa hóa khả năng sử dụng trong các phần mềm như Final Cut hay Logic, và dự án máy tính thú vị này chỉ là lớp kem trên mặt bánh mà thôi.
Trong mắt Apple, chiếc iMac là thứ họ muốn dành cho phân khúc người dùng nói trên, nhưng Intel lại bắt đầu dậm chân tại chỗ. Mỗi bản cập nhật vi xử lý mới chỉ mang lại mức cải thiện hiệu năng khiêm tốn từ 5-10%, trong bối cảnh iPhone đã bắt đầu quay được video 4K với độ phân giải cao gấp 4 lần trước đây rồi. Đó là vài năm về trước, và nay, chúng ta đã có những chiếc điện thoại và camera quay được video 8K. Lượng công việc tăng theo cấp số nhân, trong khi chip của Intel lại cải thiện một cách từ tốn.
Video đang HOT
Chúng ta đề cập nhiều đến việc biên tập video bởi chip dòng A của Apple đã và đang giải quyết được vấn đề này, và công ty cũng từng đề cập đến nó (một cách ngắn gọn) trong một phần bài thuyết trình. Một cách để cải thiện hiệu năng biên tập video là làm theo hướng hackintosh, tức bổ sung thật nhiều sức mạnh xử lý (và RAM) để xử lý được nhiều thứ cùng lúc hơn. Cách này đi kèm với chi phí tăng vọt và phải làm sao tạo được không gian thoát nhiệt cho hệ thống – điều dễ dàng trên một chiếc PC bạn tự lắp ráp, nhưng đi ngược lại các giá trị thiết kế của Apple. Thay vào đó, Apple đã tăng cường GPU và thêm vào những bộ mã hóa và giải mã video riêng trên A12Z, cho phép nó hoàn thành hầu hết lượng công việc tương tự nhưng tiêu thụ điện năng thấp hơn nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, thông tin về sức mạnh của chip Apple còn khá ít, những điều chưa biết chắc chắn lớn hơn nhiều những điều đã biết. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào hình ảnh trên (vốn được cắt từ nội dung bài thuyết trình hôm thứ hai vừa rồi), chúng ta có thể thấy Apple đã chia ra nhiều công việc cụ thể và thiết kế các nhân riêng trong chip A12Z để xử lý chúng, như “vi xử lý âm thanh hiệu quả cao”, “engine thần kinh”, và “biên tập video hiệu năng cao”.
Giả dụ A12Z trên iPad Pro hoạt động ở mức điện năng gần 7 watts, cùng mức điện năng với Qualcomm 8cx. Những chiếc laptop 13-inch thông thường hiện nay sử dụng chip Intel 15 watts, do đó sẽ thật thú vị khi thấy những điều chip của Apple có thể làm khi được cấp mức điện năng cao gấp đôi. Nếu chúng ta thoải mái và giả dụ rằng điện năng gấp đôi sẽ mang lại hiệu năng gấp đôi, thì một con chip 15 watt có thể xử lý 6 luồng video 4K cùng lúc – một công việc chiếc Razer Blade Stealth 13-inch chắc chắn không thể làm được.
Quay lại với hackintosh, ngay lúc này, Apple có 4 nhóm thiết bị trong tầm giá 1.000 USD: MacBook Pro và Air, iMac, Mac Mini, và iPad Pro. Về phía Mac, mọi máy được đề cập ở trên hoặc là quá yếu để đảm đương các công việc chuyên nghiệp – ví dụ, MacBook và iMac bản thường, và Mac Mini vốn không có card đồ họa rời. iPad Pro với các nhân riêng và GPU tùy biến thực sự có thể thực hiện một vài tác vụ biên tập video (qua ứng dụng LumaFusion) và chơi game, nhưng iPad OS không phù hợp để làm việc chuyên nghiệp. Nhưng, nếu những ứng dụng đó chạy trên macOS Big Sur với hệ thống thực ngoài đời và giao diện desktop quen thuộc, có lẽ một thiết bị thuộc lớp iPad có thể đảm đương những công việc chuyên nghiệp. Đó chẳng phải là thứ mà những người dùng xem iPad như máy tính luôn tự hào sao?
Nó sẽ trông ra sao? Theo Ming-Chi Kuo, những chiếc Mac đầu tiên chạy ARM sẽ là MacBook Pro 13-inch và iMac 24-inch. Chúng có lẽ sẽ không thể đảm đương những công việc chuyên nghiệp nặng nhọc nhất được, nhưng với không gian thoát nhiệt và điện năng thuần cao hơn so với một chiếc iPad, cả hai sẽ thực sự có thể đảm đương phần mềm và khiến một chiếc máy Mac Intel đồng giá phải ngả mũ.
Một khi quá trình chuyển đổi hoàn tất, và Apple ngừng hỗ trợ Mac Intel, lắp ráp một dàn hackintosh với các linh kiện giá tốt có lẽ sẽ không là ý hay nữa. Trên thực tế, một chiếc Mac như Mac Pro (kiểu mô-đun, đắt không tưởng) có lẽ sẽ không thích hợp cho chip Apple (đó là lý do vì sao Apple nói “ sẽ tiếp tục hỗ trợ và tung ra các phiên bản mới cho macOS trên các máy Mac Intel trong nhiều năm tới“). Nhưng nhiều khả năng những nhà biên tập video, nhà sản xuất âm nhạc, và game thủ từng cùng nhau hack để tạo ra những chiếc hackintosh Mac Pro sẽ nhận ra rằng, một chiếc máy Mac ARM với hiệu năng thấp hơn nhiều vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của họ, ở một mức giá thấp hơn hẳn so với Mac Pro. Liệu chúng có như nhau? Có lẽ không, nhưng nếu Apple vẫn không tung ra một chiếc Mac giá 1.000 USD nào có khả năng chạy phần mềm chuyên nghiệp, thì họ chỉ còn biết trách bản thân mà thôi.
Chip xử lý ARM cho máy Mac của Apple sẽ mạnh như thế nào?
Những con chip ARM của Apple liệu có đủ mạnh mẽ để thay thế cho chip xử lý của Intel hay AMD không?
Trong nhiều năm, Apple vẫn luôn tự tin khẳng định rằng những con chip dựa trên kiến trúc ARM của mình có thể sánh ngang với những con chip xử lý của máy tính. Vào năm 2018, Apple tuyên bố rằng iPad Pro mới mạnh hơn 92% máy tính xách tay hiện có trên thị trường. Hiển nhiên, Apple sẽ muốn đưa những con chip "mạnh mẽ" này lên những chiếc máy tính Mac của mình.
Trong sự kiện WWDC 2020 vừa diễn ra, Apple đã chính thức tuyên bố sẽ chuyển qua sử dụng những con chip ARM tự sản xuất trên máy Mac, không còn dùng chip xử lý của Intel nữa.
Apple tự sản xuất những con chip ARM cho máy Mac.
Tuy nhiên, những con chip ARM của Apple liệu có đủ mạnh mẽ để thay thế cho chip xử lý của Intel hay AMD không? Đó vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, bởi Apple vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông số kỹ thuật, điểm số benchmark hay thử nghiệm so sánh nào.
Thay vào đó, Apple tiết lộ những bản demo được dựng sẵn, phần nào hứa hẹn rằng những con chip ARM trong tương lai sẽ rất ấn tượng.
Sử dụng con chip A12Z Bionic được trang bị trong chiếc iPad Pro thế hệ đầu tiên, Apple đã cho thấy rằng một con chip ARM thế hệ cũ cũng có thể xử lý được tốt các ứng dụng đòi hỏi hiệu suất cao trên Mac.
Khả năng xử lý tốt các phần mềm đồ họa 3D, dựng phim, thiết kế chuyển động như Maya.
Trong bản demo này gồm có các ứng dụng:
- Các phiên bản Microsoft Office, Adobe Photoshop và Lightroom được thiết kế để chạy trên nền tảng ARM.
- Final Cut Pro với 3 luồng video 4K cùng lúc.
- Cinema 4D với thử nghiệm xoay quanh các mặt phẳng của một phiến đá giả lập.
- Autodesk Maya với một khung hình chuyển động bao gồm 6 triệu đa giác, có họa tiết bề mặt và đổ bóng.
- Hai tựa game Shadow of the Tomb Raider và Dirt: Rally, tuy nhiên thiết lập đồ họa ở mức thấp.
Tựa game TDirt: Rally ở mức thiết lập đồ họa thấp.
Apple đã sử dụng một phần mềm chuyển đổi có tên là Rosetta 2, để có thể tự động dịch một số phần mềm hỗ trợ nền tảng Intel sang nền tảng ARM. Đó là cách mà ứng dụng Autodesk Maya hay các tựa game Shadow of the Tomb Raider và Dirt: Rally có thể chạy được trên nền tảng ARM, vốn chưa thể hỗ trợ.
Apple muốn chứng minh rằng với con chip ARM thế hệ cũ của mình cũng có thể xử lý được các ứng dụng Mac đòi hỏi hiệu suất cao, thì những con chip ARM trong tương lai sẽ còn ấn tượng hơn nữa.
"Chip ARM sẽ giúp máy Mac dẫn đầu chỉ số hiệu năng/watt trong ngành công nghiệp máy tính"
Đó chính xác là những gì Apple đã nói trong thông cáo báo chí mới nhất. Vậy câu nói đó có ý nghĩa là gì? Liệu có phải những con chip ARM của Apple sẽ dẫn đầu về hiệu năng, sức mạnh và tốc độ? Chưa chắc đã là như vậy.
Apple lập luận rằng bằng cách tạo ra những con chip hiệu quả nhất có thể, nghĩa là có hiệu suất cao với mức tiêu thụ năng lượng thấp, thì việc tạo ra những con chip có hiệu năng cao là việc rất đơn giản. Bạn chỉ cần tăng điện năng tiêu thụ, thì tương ứng với hiệu năng sẽ được tăng lên.
Sơ đồ cho thấy chip ARM của Apple sẽ có hiệu năng trên mức tiêu thụ năng lượng rất ấn tượng.
Nói cách khác, nếu một con chip xử lý của iPhone được thiết kế với kích thước tương đương chip xử lý trong MacBook Pro, với bộ tản nhiệt tương đương và pin có kích thước tương đương MacBook. Về lý thuyết, con chip này sẽ có hiệu năng ấn tượng hơn cả con chip của MacBook Pro.
Tuy nhiên mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Có thể các bạn còn nhớ dòng chip Core M/Y series của Intel, được trang bị trong những chiếc MacBook mỏng nhất. Intel cũng nói đến tính hiệu quả của những con chip này, khi có chỉ số hiệu năng/watt ấn tượng. Nhưng thực tế là những con chip này chậm hơn và luôn bị đánh giá thấp hơn những con chip xử lý khác của Intel.
Do đó, những con chip ARM trong tương lai của Apple có thể sẽ không phải là những con quái vật hiệu năng. Mà những con chip này sẽ ở mức đủ dùng, với khả năng xử lý các tác vụ ở mức ổn định, đồng thời tiết kiệm điện năng. Nhờ đó mà mang lại một chỉ số hiệu năng/watt ấn tượng, như cách mà Apple đã nói.
Chip đồ họa GPU tích hợp sẽ mạnh hơn của Intel, nhưng chưa thể so sánh với chip đồ họa chuyên dụng Nvidia hay AMD.
Một điều nữa mà rất nhiều người dùng quan tâm, đó là khả năng xử lý đồ họa của GPU tích hợp bên trong những con chip ARM này. Apple nói rằng kiến trúc ARM sẽ mang đến những con chip đồ họa GPU với hiệu năng cao hơn, trong cả chơi game và các ứng dụng đồ họa. Điều đó không có nghĩa là những con chip ARM này có thể so sánh với chip đồ họa chuyên dụng của Nvidia hay AMD, nhưng nó hoàn toàn có thể là sự khác biệt lớn so với chip đồ họa tích hợp của Intel trong những chiếc MacBook Air.
Với tất cả những thông tin đó, khi mà chúng ta không có bất kỳ thông số, điểm benchmark hay so sánh nào, thì có thể tạm kết luận rằng chip ARM do Apple sản xuất để trang bị trên những chiếc máy Mac sẽ không có hiệu năng quá mạnh mẽ như những dòng chip cao cấp của Intel hay AMD. Nhưng những con chip ARM này sẽ vẫn đủ mạnh để bạn có thể làm mọi thứ trên một chiếc máy tính, trừ việc chơi game với cấu hình đồ họa cao.
Chip đồ họa GPU tích hợp cũng sẽ mạnh hơn so với của Intel. Bên cạnh đó, con chip ARM cho máy Mac có thể làm được nhiều thứ thú vị hơn, ví dụ như chạy các ứng dụng iOS gốc, kết nối 5G hay dễ dàng xuất hình ảnh ra iPad hơn.
Có gì mới tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu WWDC 2020? WWDC 2020 diễn ra vào ngày 22.6 (rạng sáng 23.6 theo giờ Việt Nam), bắt đầu với bài phát biểu quan trọng truyền thống bằng nhiều sản phẩm khác nhau của Apple trước khi kết thúc vào ngày 26.6. WWDC 2020 diễn ra từ ngày 22 đến 26.6 Dựa vào các thông tin rò rỉ, dưới đây là những thứ mà chúng ta...