Ngày mai, nhiều quy định thuế mới gây tranh cãi có hiệu lực
Dù có hiệu lực từ ngày mai (5-12) nhưng Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế vẫn còn những vướng mắc, bất cập gây khó cho doanh nghiệp chưa giải quyết.
Nhiều quy định mới và nóng tại Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-12-2020.
Quy định thứ nhất nhận được nhiều phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua là tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 3 quý.
Theo đó, tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020 quy định, tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.
Trong trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Quy định trên được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra còn nhiều bất hợp lý vì DN không thể tính trước lợi nhuận kinh doanh cả năm, doanh thu quý 4 có thể tăng cao. Và nguy cơ nhiều DN nộp thấp hơn 75% số thuế TNDN quyết toán năm và bị xử phạt tiền chậm nộp.
Thứ hai là quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế… được đưa ra trong Nghị định 126/2020.
Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam…
Video đang HOT
Nhiều ý kiến lo ngại quy định này có thể làm rò rỉ thông tin tài khoản cá nhân, thông tin khách hàng, gây thiệt hại cho DN.
Doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc về quy định thuế Nghị định 126/2020 tại Hội nghị đối thoại tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Quy định mới thứ ba là việc khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức và cá nhân. Cụ thể, tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020 quy định rõ các tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế.
Theo đó, việc khai thuế GTGT sẽ được tổ chức có trách nhiệm thực hiện đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh….
Trong đó, đáng chú ý là quy định: thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (VAT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, từ ngày 5-12 tới, theo nghị định 126, mức thuế VAT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Hiểu nôm na, từ ngày 5-12, thuế VAT với xe công nghệ sẽ tăng lên mức 10% trên doanh thu…
Thứ tư là quy định về khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, tại điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020 quy định, đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán cùng loại…
Cụ thể, thay vì cá nhân tự khai thì quy định tổ chức có trách nhiệm khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán, cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn.
Như vậy, Nghị định 126/2020 quy định chỉ thay đổi chủ thể khai, và nộp thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn.
Khắc phục tình trạng dồn nộp, giúp cân đối ngân sách nhà nước
Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận của quý I, quý II lớn, số thuế phát sinh phải nộp lớn, thì doanh nghiệp cần tính toán để tạm nộp số thuế phát sinh đó. Nếu số thuế tạm nộp càng sát số thuế phát sinh, thì doanh nghiệp sẽ không bị xử lý chậm nộp...
Doanh nghiệp nên chủ động thực hiện tạm nộp thuế theo đúng quy định. Ảnh: Nhật Minh
Có ý kiến cho rằng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm (75%) thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu là làm khó doanh nghiệp. Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, trong khi chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp nên chủ động thực hiện tạm nộp để tránh bị phạt.
PV: Nghị định 126/2020/NĐ-CP (126) quy định người nộp thuế tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu năm tối thiểu 75% số thuế phải nộp trong năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu số thuế tạm nộp 3 quý đầu năm (75%), thì phải nộp tiền chậm nộp. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực thuế, bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Bà Nguyễn Thị Cúc: Liên quan đến quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), từ năm 2014 trở về trước, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai, tạm nộp thuế TNDN hàng quý và thực hiện quyết toán theo năm. Nhưng để đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, hướng đến cải cách thủ tục hành chính thuế, theo Thông tư 151/2015/TT-BTC (151) của Bộ Tài chính, từ 1/1/2015 doanh nghiệp không phải khai và nộp thuế TNDN hàng quý nữa, mà chỉ tạm nộp, cuối năm mới quyết toán.
Bà Nguyễn Thị Cúc
Cũng theo Thông tư 151, trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên, thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp, với số thuế phải nộp theo quyết toán, tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý IV của doanh nghiệp, đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.
Khi Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp không phải kê khai thuế hàng quý, mà chỉ tạm nộp thuế, nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt quy định này, đã thực hiện tạm nộp đều đặn. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định này dồn vào cuối năm, điều này ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên đây, khi ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Quản lý thuế, để khắc phục tình trạng này, nghị định đã quy định số tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% tổng số thuế phải nộp của năm. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp dồn nộp vào các tháng cuối năm, giúp cân đối ngân sách nhà nước, tuy nhiên, cũng phát sinh một số bất cập.
PV: Một số doanh nghiệp cho rằng, trong quá trình sản xuất kinh doanh, thuế TNDN không phải tháng nào cũng giống nhau, có doanh nghiệp đầu năm có doanh thu cao, nên phát sinh số thuế phải nộp cao, nhưng cũng có doanh nghiệp doanh thu quý IV cao và dồn số thuế phải nộp vào cuối năm. Bà nói gì về ý kiến này?
- Bà Nguyễn Thị Cúc: Thực tế cho thấy, số phát sinh thuế phải nộp không phải quý nào cũng như nhau. Có doanh nghiệp có thể quý IV thuận lợi thì phát sinh số thuế phải nộp cao, có doanh nghiệp lại phát sinh số thuế phải nộp cao vào quý II, hoặc quý III tùy theo tính chất kinh doanh, đặc điểm ngành hàng, sản phẩm kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định 126, nếu trong quý IV doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh để hoàn thành kế hoạch, có thể dẫn đến số thuế phải nộp trên 25%. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp trên số thuế nộp thiếu là chưa hợp lý. Theo tôi, chính sách thuế hiện nay đã ngày càng hoàn thiện, trong Luật Quản lý thuế mới có rất nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Thông thường, nếu tạo thuận lợi thì doanh nghiệp ủng hộ, nếu chưa rõ ràng, hoặc bất lợi thì doanh nghiệp sẽ phản đối. Tôi cho rằng phản ứng của một số doanh nghiệp như vừa qua là chuyện hết sức bình thường.
Tôi cho rằng, Nghị định 126 chưa có hiệu lực với phần kê khai, tạm nộp thuế TNDN năm 2020, mà chỉ có hiệu lực đối với phần tạm nộp thuế TNDN theo quý của năm 2021.
PV: Trong trường hợp chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này, thì doanh nghiệp nên có kế hoạch như thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Cúc: Trong khi cơ quan quản lý chưa kịp sửa đổi, hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì từ năm 2021 doanh nghiệp cũng nên chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như kế hoạch tài chính cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế, vì thời điểm này nghị định đã chính thức có hiệu lực thi hành. Nghĩa là khi doanh nghiệp có số thuế phát sinh đến đâu, thì tạm nộp đến đó, không nên để đọng lại.
Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận của quý I, quý II lớn, số thuế phát sinh phải nộp lớn, thì doanh nghiệp cần tính toán để tạm nộp số thuế phát sinh đó. Nếu số thuế tạm nộp càng sát số thuế phát sinh, thì doanh nghiệp sẽ không bị xử lý chậm nộp theo quy định của Nghị định 126. Còn nếu doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để chậm nộp, hoặc nộp dồn vào cuối năm sẽ bất lợi cho doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn bà!
Thuế cổ tức bằng cổ phiếu: Nhà đầu tư thiệt, công ty chứng khoán rối việc Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập 5% đánh trên cổ tức bằng cổ phiếu đang gây nhiều tranh luận trái...