Ngày khủng khiếp trong lịch sử hàng không vũ trụ Liên Xô
Vào ngày 24-10-1960, trong cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa đạn đạo liên lục địa (UCBM) P-16 mới của Liên Xô, một vụ nổ lớn xảy ra tại Baiconur đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người, trong đó có cả những tướng tá và đội ngũ kỹ thuật viên tiên tiến của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô.
Hy vọng vào tính năng của loại tên lửa mới
Trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, vấn đề tạo ra loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như vậy là vô cùng cấp bách. Việc chuẩn bị để phóng loại tên lửa này sẽ phải mất ít thời gian nhất có thể, nhưng đồng thời đảm bảo có thể ở trạng thái khởi phóng càng lâu càng tốt.
Nói cách khác, cần phải tăng tính hiệu quả về sức mạnh của tên lửa chiến lược và tăng thời gian chuẩn bị cho tên lửa được phóng đi. Tất nhiên, tên lửa phải có đủ tầm bay xa để từ sâu bên trong lãnh thổ của Liên Xô có thể tấn công vào bất kỳ địa điểm nào trên đất nước của đối thủ.
Tên lửa đạn đạo P-16.
Đáp ứng được với tất cả những điều kiện đó, dự án tên lửa P-16 được đề xuất vào năm 1956 bởi OKB-586 (Văn phòng thiết kế đặc biệt) dưới sự lãnh đạo của nhà thiết kế hệ thống tên lửa vũ trụ Nga Mikhail Yangel và được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản (UBTƯ ĐCS) Liên Xô phê duyệt vào đầu năm 1959.
Tính năng quan trọng của tên lửa mới giúp nó có thể nhanh chóng sẵn sàng phóng đi và được duy trì trong một thời gian dài bởi thùng chứa nhiên liệu có sử dụng nhiên liệu lỏng từ các thành phần độc tố với nhiệt độ sôi cao. Các thành phần như vậy trong P-16 là heptyl và axit nitric. Ngày nay đó là một trong những dạng nhiên liệu thông thường, còn khi đó nó chỉ mới bắt đầu được ra mắt khi sử dụng cho các động cơ.
Sự vội vàng tai hại
Vào mùa thu năm 1960, tên lửa P-16 đầu tiên được chế tạo và được chuyển đến bãi thử Turatam (nay là Baiconur) tại Cộng hòa Kazakhstan thuộc Liên bang Xôviết. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã nôn nóng với việc khởi phóng, ông mong muốn cuộc thử nghiệm thành công trước ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười sắp tới.
Hơn nữa, sau đó ông còn phải thực hiện một chuyến công du nước ngoài, và mỗi thành công mới của công nghệ tên lửa Liên Xô sẽ mang lại cho Khrushchev con át chủ bài trong việc khuếch trương chính sách ngoại giao hạt nhân của mình.
Việc thử nghiệm phóng tên lửa đã được lên kế hoạch vào chiều ngày 23 tháng 10. Khoảng một giờ trước khi bắt đầu, một tình huống bất thường đã xảy ra: việc chập dây dẫn đã sớm cho thấy dấu hiệu về sự suy yếu nguồn cung cấp nhiên liệu ở giai đoạn này. Công việc chuẩn bị khởi phóng buộc phải dừng lại khẩn cấp. Người ta bắt đầu hiểu chuyện gì đã xảy ra, nguyên nhân đã được xác định nhanh chóng.
Theo kỹ thuật an toàn được các nhà thiết kế khuyến nghị, cần phải xả nhiên liệu ra rồi gửi các bộ phận tên lửa đến nhà máy sản xuất để làm rõ và sửa chữa các khiếm khuyết. Điều này sẽ làm chậm việc ra mắt ít nhất là một tháng. Ngoài ra, không được tiếp nhiên liệu cho tên lửa lâu hơn một ngày, sau thời hạn đó cần phải xả nhiên liệu.
Theo sự chứng kiến của những người đương thời, Tổng chỉ huy các lực lượng tên lửa chiến lược, Tư lệnh pháo binh Mitrofan Nedelin đã ra lệnh khắc phục các sự cố trên bệ phóng và tiến hành phóng vào ngay ngày hôm sau, 24-10.
Trong quá trình chuẩn bị trước khi phóng, ông trực tiếp có mặt ở rất gần quả tên lửa. Theo gương của vị tướng này ở vị trí “tuyến đầu”, mọi người không dám rời đi chỗ khác để ẩn nấp. Tổng cộng, khoảng 200 người đã có mặt ở bệ phóng, mặc dù số người thực sự tham gia vào công việc không quá 100 người. Nếu không vì “noi gương” Nedelin thì số nạn nhân sẽ ít hơn nhiều.
Cơn bão lửa
Đã hơn một ngày trôi qua kể từ thời điểm cuộc thử nghiệm đã bị gián đoạn vào đêm hôm trước. Ra thông báo sẽ có nửa giờ để sẵn sàng khởi động. Và sau đó đột nhiên diễn ra việc khởi động trái phép các động cơ ở giai đoạn thứ hai. Cả bệ phóng đã bị bao trùm trong vòng lửa. Tất cả những người đứng ở gần khu vực tên lửa, trong số đó có tướng Nedelin đã bị thiêu rụi chỉ trong tích tắc.
Kể từ đó, giống như sau một vụ nổ hạt nhân, trên mặt đường nhựa chỉ còn lại dấu vết của những vật liệu chịu lửa (chẳng hạn những ngôi sao trên đồng phục của vị tướng). Những người đứng xa hơn một chút thì chết chậm hơn. Nhiều người đang bị cháy đã cố gắng để thoát ra khỏi làn sóng lửa bao trùm bãi thử. Sự cố bỏng axit nitric và ngộ độc heptyl đã làm tăng thêm bỏng nhiệt. Nhiệt độ cao do vụ hỏa hoạn lớn tại vị trí bệ phóng đã buộc phải nhanh chóng bắt tay vào hoạt động cứu hộ chỉ 2,5 giờ sau đó.
Cái chết của đội ngũ kỹ sư công trình
Theo định dạng công nghệ đã được thử nghiệm, sẽ là không đúng nếu gọi sự kiện này là một thảm họa trong việc thám hiểm vũ trụ. Tuy nhiên, như đã biết, công nghệ tên lửa có chức năng kép. Do đó mà vào ngày 24-10-1960 nhiều người tham gia vào việc phát triển các chương trình vũ trụ của Liên Xô tại Baikonur đã bị thiệt mạng.
Video đang HOT
Cùng với Tướng tư lệnh Nedelin, các chuyên gia lớn về công nghệ tên lửa và động cơ, các nhà thiết kế chủ chốt – ông Vladimir Konoplev và Georgi Firsov, cũng như phó tư lệnh của Yangel là Lev Berlin và Vasily Kontsevoi đều thiệt mạng.
Bản thân Yangel đã được cứu thoát khỏi tai nạn này bởi ngay trước khi thảm họa xảy ra, ông đã đi ra bên ngoài khu vực dễ cháy để hút thuốc. Chín ngày sau đó, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Công nghệ Quốc phòng Liên Xô Lev Grishin đã qua đời vì bị bỏng nặng. Người chỉ huy ở Baiconur, tướng Konstantin Gerchik bị thương nặng, phải điều trị trong một thời gian dài nhưng đã may mắn sống sót.
Số nạn nhân cho đến nay chưa được biết chính xác
Vụ việc xảy ra đã được giữ bí mật nghiêm ngặt gần như cho đến khi kết thúc sự tồn tại của Liên bang Xôviết. Chỉ mãi đến năm 1989 thì những dữ liệu đầu tiên, không đầy đủ và đã được làm nhẹ đi về sự kiện này mới được công bố trên báo chí Liên Xô. Báo chí thế giới, như thông lệ, đã phát hiện ra những bí mật của Liên Xô ngay sau vụ tai nạn, thậm chí trước thời điểm cuối năm 1960 đã có thông báo trên diễn đàn về tai họa khủng khiếp tại khu vực thử tên lửa của Liên Xô, nhưng lại xuyên tạc sự thật và thổi phồng sự kiện một cách quá đáng do thiếu những thông tin chính thức và về số người chết.
Cuộc điều tra chính thức chỉ được tiến hành vào giữa những năm 1990 với 74 người chết tại chỗ và 4 người đã chết sau đó tại bệnh viện. Một số chuyên gia có uy tín cho rằng số liệu thực tế đã bị giảm đi và họ đưa ra con số hơn 100 nạn nhân (ví dụ, học giả Boris Chertok đã đưa con số 126 người đã thiệt mạng và bị chết sau đó do hậu quả). Dữ liệu này hiện nay đã được nhiều phương tiện truyền thông trích dẫn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau vụ tai nạn, Khrushchev đã cử một ủy ban đến hiện trường, đứng đầu là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô Leonid Brezhnev. Sau khi đến Baikonur, Tổng bí thư tương lai khi đó tuyên bố rằng ông sẽ không trừng phạt bất cứ ai, bởi vì những người có tội đều đã chết. Khi Khrushev hỏi cách trừng phạt tướng Yangel, Tổng công trình sư Sergei Korolev đã khuyên không nên làm điều này vì thiết bị mới có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Những người phạm tội chính thức của vụ việc khi đó đã không bị nêu tên, kể cả sau này cũng vậy. Được biết rằng, dường như khi ra lệnh cho việc tái khởi động vào ngày hôm sau, Nedelin đã nói rằng, đất nước và bản thân Nikita Khrushsev đang chờ đợi cuộc thử nghiệm thành công sớm.
Thật đáng tiếc rằng Yangel, là người hơn ai hết lẽ ra phải hiểu được nguy cơ tiềm ẩn của việc tái khởi động khi không tuân thủ các quy chuẩn an toàn lại không cương quyết cho dừng những thử nghiệm. Một vài ngày sau đó Yangel đã bị nhồi máu cơ tim.
Lẽ dĩ nhiên là lỗi lớn nhất thuộc về một hệ thống đã đòi hỏi có được kết quả nhanh nhất để “tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”. Người đại diện cho hệ thống ở thời điểm đó là Nikita Khrutschev, mặc dù ông ta không trực tiếp ra lệnh tiến hành vụ thử nghiệm gây nổ nguy hiểm này.
Bích Nguyễn (tổng hợp)
Theo antg.cand.com.vn
Tên lửa đảm bảo quyền được sống cho người Nga
Đòn tấn công của một chục quả "Voevoda" mang tổng cộng 100 đầu tác chiến chắc chắn hủy diệt 80% tiềm lực công nghiệp nước Mỹ.
Ngày 26/7/2019 mới đây, Bộ đội tên lửa chiến lược Nga (RVSN) đã tiến hành phóng huấn luyện thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của tổ hợp tên lửa cơ động trên mặt đất "Topol" (ảnh). (Nói chính xác hơn, phóng kiểm tra tên lửa tăng hạn-ND).
Nhân sự kiện trên và cũng nhân việc INF chính thức hết hiệu lực, xin giới thiệu với những bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực vũ khí và lịch sự quân sự bài viết với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga Andrey Sidorchik. Bài đăng trên báo "Luận chứng và sự kiện" và một số báo Nga khác tháng 11/2018.
Sau đây là nội dung bài viết:
Các công dân Nga hiện đại, dù có quan điểm chính trị khác nhau nhưng đều chắc gì đã có lúc nào đó chợt nghĩ đến việc Đất nước chúng ta (Nga) đã từng có thể phải chấm dứt sự tồn tại của mình hoặc đã có thể biến thành một nước bán thuộc địa ngay từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
"Luận chứng cuối cùng" của nước Nga Ở thời kỳ đỉnh điểm của Cuộc Chiến tranh Chechen (Chechnya) lần thứ nhất (Xung đột giữa chính quyền trung ương LB Nga và Cộng hòa tự trị Chechnya (nằm trong thành phần LB Nga) từ tháng 12/1994 đến tháng 8/1996.
Nguyên nhân- Chính quyền Chechnya tuyên bố độc lập, ly khai khỏi nước Nga-ND), những kẻ ủng hộ các chiến binh ly khai tại Phương Tây đã phong Shamil Basayev (nhà lãnh đạo của phong trào ly khai Chechnya- ND) và những người cùng chí hướng với ông ta là "quân khởi nghĩa"; và đôi khi các quan chức NATO đã chính thức đặt vấn đề- có lẽ đã đến lúc phải sử dụng vũ lực để chống lại "Kremlin khát máu" đàn áp nhân dân Kapkaz yêu tự do chăng?
Nhưng khi đó, một số đồng nghiệp có đầu óc tỉnh táo hơn đã nói thầm vào tai những nhân vật "dũng cảm' đó chỉ một từ duy nhất: "Quỷ Satan".
Phóng kiểm tra tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tổ hợp cơ động trên mặt đất Topol ngày 26/7/2019
Cho đến hôm nay, năm 2018, chúng ta còn có thể ngồi để tranh luận với nhau về tương lai, bày tỏ sự tán thành hay bất bình, uống cà phê và đưa con đến trường - đó hoàn toàn là nhờ công lao của các nhà khoa học, các công trình sư và kỹ sư Liên Xô đã chế tạo được kiểu vũ khí đảm bảo chủ quyền quốc gia còn trong nhiều thập kỷ tới.
Vào thời điểm khi mà các máy bay ném bom NATO đang rải bom tàn phá Belgrade, thì chính "Satan" đã bảo vệ Moscow, St. Petersburg và các thành phố khác của Nga, không để những thành phố này phải chịu số phận tương tự như Belgrade.
Có một điều đáng ngạc nhiên - "luận cứ cuối cùng" của Nga, đảm bảo một bầu trời yên bình trên đầu chúng ta, lại được chúng ta biết đến nhiều hơn dưới cái tên gọi có xuất xứ từ Phương Tây. Người Phương Tây dùng từ "Satan" để chỉ một số phiên bản các tổ hợp tên lửa chiến lược Liên Xô được đưa vào trực chiến trong những năm 1970-1980.
Liên Xô cần các "AK" tên lửa
Khi vào những năm 1960, Nikita Khrushchev (Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô khi đó) đem vũ khí hạt nhân ra dọa Mỹ, các công trình sư và các tướng lĩnh Liên Xô cũng thừa biết rằng còn lâu nữa thì (Liên Xô ) mới có thể đạt được sự cân bằng hạt nhân với Washington. Những quả bom tuy siêu mạnh có thể làm rung cả hành tinh khiến ai cũng phải sợ, nhưng lại rất khó đưa chúng đến được lãnh thổ của kẻ thù tiềm năng.
Các tên lửa liên lục địa của Liên Xô đầu tiên tuy là một vũ khí đáng gờm, nhưng rất "đỏng đảnh" và được bảo vệ tương đối kém. Điều đó cũng là đủ để làm nản lòng những kẻ mơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân chớp nhoáng.
Nhưng ở bên kia đại dương (Mỹ) cũng không có ai ngồi khoanh tay nhìn và họ cũng thiết kế các hệ thống phòng thủ chống tên lửa để vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân Xô Viết.
Liên Xô cần một cái gì đó mới hơn, nhưng phù hợp với truyền thống của người Nga, tức là phải đơn giản và hiệu quả. Như xe tăng T-34, như súng trường tấn công " Kalashnikov" (AK) chẳng hạn - với một số điều chỉnh, tất nhiên, vì chúng ta đang nói về công nghệ tên lửa.
"Sản phẩm" của đồng chí Yangel
Mùa thu năm 1969, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) Liên Xô ra một nghị quyết về việc triển khai chế tạo tổ hợp tên lửa mới. Nhiệm vụ trên được giao cho Phòng thiết kế Mikkail Yangel, - một người vừa là đồng nghiệp, vừa là đối thủ cạnh tranh của Xergey Korolev.
Mikhail Yangel, tuy làm việc trong cả lĩnh vực tên lửa quân sự và công nghệ vũ trụ (dân sự), nhưng dù sao ông vẫn nổi tiếng hơn trong lĩnh vực quân sự. Các hệ thống tác chiến của ông có ưu thế đáng kể trước những hệ thống tương tự của Korolev, và sau này những sản phẩm đó đã trở thành thành phần cốt lõi của "lá chắn hạt nhân" Liên Xô.
Dự án R-36M với các phiên bản thiết kế dự kiến đã được chuẩn bị xong từ cuối năm 1969 và có những ưu điểm vượt trội so với các thiết kế trước đó hàng chục lần.
Mikhail Yangel.
Tổ hợp tên lửa này (R-36) có khả năng tiêu diệt một cách hiệu quả tất cả các loại mục tiêu, kể cả các boong-ke kiên cố, chọc thủng được tất cả các hệ thống phòng thủ chống tên lửa kể cả hiện có và sẽ có của đối phương, duy trì được khả năng tác chiến ngay trong trường hợp khu vực triển khai nó đã bị vũ khí hạt nhân của đối phương tấn công.
M.Yangel qua đời năm 1971, khi tiến độ nghiên cứu thiết kế đang được đẩy nhanh. Nhà lãnh đạo mới kế nhiệm ông tại Phòng thiết kế tên lửa R-36 "Iuznoe" Dnhepropetrovsk là Vladimir Utkin, học trò của chính M.Yangel.
Chúng chắc chắn phải bay tới mục tiêu: tấn công trả đũa của Liên Xô
Nói cho đúng ra thì khi đó người Mỹ cũng đã biết việc Liên Xô đang chuẩn bị một cái gì đó mang tính cách mạng. Trên khu vực gần bờ biển Kamchatka, nơi có trường bắn tên lửa, luôn có các tàu trinh sát Mỹ rình rập, - chúng cố gắng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về sản phẩm mới này của Liên Xô. Không thành công lắm- người Mỹ không thật sự tin vào những thông tin mà chính mình có được.
Như một câu chuyện hoang đường vậy - một khối tác chiến, sau đó tách ra thành nhiều đầu tác chiến, những đầu tác chiến này lại "đẻ ra" các "bản sao" giả làm cho việc đánh chặn chúng là cực kỳ khó thực hiện.
Trung đoàn đầu tiên của Liên Xô được trang bị tên lửa mới bắt đầu triển khai trực chiến từ năm 1974. Và khi đó, công việc thiết kế R-36M đang ở giai đoạn nước rút. (Vì) vào thời điểm năm 1974,tham gia trực chiến là các tên lửa mang khối tác chiến đơn, tuy rất đáng sợ nhưng dù sao vẫn rất dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương.
Tuy nhiên, đến cuối những năm 1970, Bộ đội Liên Xô đã tiếp nhận một phiên bản khiến các tướng lĩnh Mỹ lạnh xương sống. Hãy thử tưởng tượng một tình huống như sau- các tướng Mỹ biết được khu vực bố trí tên lửa hạt nhân Xô Viết. Theo lệnh của TT Mỹ, họ cho tiến hành một đòn tấn công hạt nhân nhằm vào khu vực này và biến nó thành sa mạc.
Sau đó, trong khi các tướng lĩnh của Mỹ hồ hởi bắt tay chúc mừng nhau, từ những hầm phóng chịu được sức công phá của các vụ nổ hạt nhân, một "bầy" R-36M lừng lững phóng lên. Lớp vật liệu phủ kháng nhiệt màu tối giúp chúng bay qua đám mây bụi phóng xạ sau vụ nổ hạt nhân.
Hệ thống điều khiển bị tạm ngắt, để tên lửa không bị bị bức xạ gamma phá hủy- nhiệm vụ điều khiển được "giao cho" các cảm biến đặc biệt. Các động cơ vẫn làm việc, đưa đầu tác chiến đến đúng nơi cần đến. Khi đã bay qua khu vực phóng xạ, hệ thống điều khiển được kích hoạt để dẫn đường bay cho tên lửa.
Các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ được lệnh đánh trả đòn tấn
công tên lửa trả đũa, nhưng vào đúng thời điểm đó, mỗi một khối tác chiến của các tổ hợp tên lửa Liên Xô "nở ra" 10 đầu tác chiến công suất 750 kiloton mỗi đầu. Và cùng với 10 đầu tác chiến, lại có thêm 40 mục tiêu giả bay cùng.
Trong khi hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ "phát điên" vì khỏng biết phải làm gì, món quà tặng; hạt nhân của Liên Xô gửi Mỹ đã tiếp cận các điểm cần đến.
Các mẫu tên lửa đạn đạo thế hệ đầu trưng bày tại Trung tâm huấn luyện- khoa học Học viện Bộ đội Tên lửa Chiến lược mang tên Piot Đại Đế. Ảnh:Valerri Melnhikov/RIA Novosti
Bạn thấy thế nào, Ronald Reagan?
Sau khi phân tích kỹ các tính năng của tổ hợp (tên lửa nói trên, người Mỹ đã đặt cho nó cái tên "Satan"; ("Quỷ Sa tan"). Tất cả các thiết kế chống tên lửa (thiết kế tên lửa đánh chặn-ND) đã trở thành một mớ phế liệu - tổ hợp tên lửa Liên Xô đảm bảo chắc chắn rằng đòn tấn công trả đũa sẽ gây cho Mỹ những tổn thất không thể chịu đựng nổi.
Vào năm 1983, khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề xuất cái gọi là "Sáng kiến phòng thủ chiến lược", hay còn được biết nhiều hơn với tên gọi "Chiến tranh giữa các vì sao", Công trình sư Vladimir Utkin cùng các đồng nghiệp được lệnh hoàn thiện tiếp "đứa con" của mình. Và thế là tổ hợp tên lửa thế hệ bốn R- 36M2 "Voevoda" ra đời. Tất cả các chỉ số về khả năng tư bảo vệ của tổ hợp đã được cải thiện hàng chục lần. Công suất đầu tác chiến tăng lên 800 kiloton.
"Satăng mới"
Có một điều rất đáng quan tâm là vào năm 1991, Liên Xô đã triển khai thiết kế tổ hợp thế hệ năm R-36M3 "Ikar",- nhưng dự án này đã bị gián đoạn do Liên Xô tan vỡ. Các cơ quan tình báo Mỹ có săn lùng những bí mật của "Satan" không?
Dĩ nhiên là có. Nhưng vấn đề là ở chỗ cho dù có biết một số bí mật của "Satan", không phải lúc nào cũng có thể tìm ra được thuốc giải độc. Người Mỹ hiểu rằng phải sau vài thập kỷ nữa thì Mỹ mới có thể thiết kế các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiệu quả để đối phó với "Satan".
Nhờ vậy mà nước Nga thời hậu Xô viết mới có được quỹ thời gian một phần tư thế kỷ tránh được hoàn cảnh khi mà những vấn đề nội bộ phức tạp còn trở nên trầm trọng hơn bởi mối đe dọa quân sự trực tiếp nữa từ bên ngoài. Đối với tất cả những kẻ muốn đe dọa và hủy diệt Nga, đều không thể không nghĩ đến "Satan" từ các hầm phóng.
Năm 2016, Trung tâm Tên lửa quốc gia mang tên Makeev đã cho công bố hình ảnh đầu tiên về một tên lửa đạn đạo mới RS-28 "Sarmat".
Tờ Daily Mail nhanh nhẩu nhận định rằng chỉ một quả tên lửa như vậy cũng đủ để thổi bay nước Anh và xứ Wales ra khỏi bề mặt Trái Đất, còn tờ "The Sun" thì liên hệ với nước Mỹ và bổ sung thêm rằng 5 quả tên lửa như vậy thừa sức hủy diệt toàn bộ bờ Đông nước Mỹ. Tên lửa tương lai (Sarmat của Nga lại một lần nữa được đặt tên là "Satan". Truyền thống- có nghĩa là truyền thống.
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)
Theo baodatviet
Sắp đến thời hạn 20 năm như cam kết của TT Putin, nước Nga sẽ ra sao? Thời hạn 20 năm trong câu nói nổi tiếng "hãy cho tôi 20 năm và tôi cho bạn một nước Nga mạnh mẽ" sắp đến, lời hứa của Tổng thống Putin sẽ thực sự thành hiện thực? Giáng sinh năm 1991 là ngày cuối cùng của "bản hùng ca" Liên Xô. Nguồn: Sohu. Giáng sinh năm 1991 là một ngày rất đặc biệt...