Ngày hội việc làm dành cho thanh niên dân tộc thiểu số
Ngày 27/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức “Ngày hội việc làm dành cho thanh niên dân tộc thiểu số năm 2022″.
Các công ty, doanh nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số tại Ngày hội. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Tham gia Ngày hội có đại diện 10 đơn vị, công ty, doanh nghiệp tuyển dụng trong và ngoài tỉnh cùng trên 700 học sinh, sinh viên, thanh niên là người dân tộc thiểu thuộc các trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố Sơn La.
Tại Ngày hội, các học sinh, sinh viên, thanh niên đã được cung cấp thông tin về thị trường lao động, cơ hội việc làm, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; kỹ năng tìm kiếm lựa chọn nghề phù hợp với năng lực của bản thân; kỹ năng trả lời phỏng vấn khi đi tuyển dụng. Các đơn vị, công ty, doanh nghiệp thông tin nhu cầu, vị trí tuyển dụng và chế độ phúc lợi của người lao động.
Anh Lường Văn Cầu, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La cho hay anh rất vui vì được tham gia Ngày hội hôm nay. Tại đây, một số công ty, doanh nghiệp đã tư vấn, thông tin về nhu cầu tuyển dụng và anh có nhiều cơ hội tìm việc làm, phù hợp với trình độ chuyên môn của bản thân.
Các học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Hỗ trợ lao động là thanh niên người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm sẽ góp phần mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; tham gia vào chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La.
Phó Bí thư Thường trực tỉnh đoàn Sơn La Nguyễn Duy Dũng cho biết: Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025. Đây là cơ hội cho thanh niên dân tộc thiểu số đang sinh sống tại khu vực miền núi được quan tâm, chăm lo và hỗ trợ toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là trong tìm kiếm việc làm. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức “Ngày hội việc làm dành cho thanh niên dân tộc thiểu số. Phó Bí thư Thường trực tỉnh đoàn Sơn La hy vọng rằng, thông qua Ngày hội sẽ có nhiều thanh niên tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
Video đang HOT
Ban Tổ chức đã tặng quà cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Sơn La. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã tặng 20 suất quà cho 20 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Sơn La.
Ngày hội tư vấn nghề nghiệp và kết nối cung cầu lao động tại Thái Bình
Ngày 27/11, tại huyện Thái Thụy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh, Tỉnh đoàn Thái Bình tổ chức Ngày hội tư vấn nghề nghiệp và kết nối cung cầu lao động. Hoạt động thu hút trên 100 doanh nghiệp, 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gần 2.000 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tham gia.
Các đơn vị thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Phát biểu tại Ngày hội, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình Phí Ngọc Thành cho biết, đây là hoạt động thiết thực giúp học sinh, sinh viên được tư vấn, hướng nghiệp và người lao động có cơ hội việc làm phù hợp, đồng thời tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên, người lao động. Với 50 điểm tư vấn tuyển sinh, học nghề, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục mong muốn tuyển sinh 15.000 chỉ tiêu và tuyển dụng 25.000 lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp trong Khu Kinh tế có nhu cầu tuyển lao động số lượng lớn với nhiều ngành nghề, trình độ và vị trí việc làm khác nhau như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lotes Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn may TAV, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyoda Gosei Hải Phòng tại Thái Bình…
Dự kiến có trên 3.000 lượt học sinh, sinh viên, người lao động được tư vấn, định hướng và tiếp cận việc làm trong Ngày hội.
Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho rằng, việc xây dựng Khu Kinh tế Liên Hà Thái (nằm trong Khu Kinh tế Thái Bình) và chủ trương mở rộng các Khu, cụm công nghiệp cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh Thái Bình, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Dự kiến thời gian tới nhu cầu lao động lớn, do vậy hoạt động kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và người lao động là bước đi cần thiết, kịp thời nhằm “đi tắt đón đầu” thị trường lao động trong tương lai.
Chị Trần Thị Phương (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) cho biết, qua Ngày hội chị được tư vấn, tiếp cận với thông tin tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp đóng chân ngay trên địa bàn huyện Thái Thụy. Đây là cơ hội lớn để chị có được công việc phù hợp với trình độ, điều kiện gia đình và đặc biệt là “ly nông mà không phải ly hương”.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình tặng hoa cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Tỉnh Thái Bình hiện có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 8 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Năm 2022 có gần 30.000 người tại Thái Bình tham gia học nghề, trong đó trình độ cao đẳng 2.870 người, trình độ trung cấp trên 6.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho gần 21.000 người. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức 24 phiên giao dịch, tư vấn việc làm cho trên 27.000 lượt lao động…
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ủy ban Dân tộc đã có hướng dẫn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Mở đường vào huyện vùng cao biên giới Mường Nhé (Điện Biên).
Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có tiểu dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Thông tư nêu rõ, đối tượng áp dụng của tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN, ưu tiên đối với các thôn, xã ĐBKK bao gồm:
Các xã, thôn bản ĐBKK (xã khu vực III, các thôn, bản ĐBKK), xã an toàn khu khu vực I, II (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã chưa được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135).
Các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS&MN (đối với nội dung đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã).
Nội dung thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Mục III Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Việc triển khai thực hiện các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN, ưu tiên đối với các xã ĐBKK, thôn ĐBKK phải đảm bảo tất cả các xã, thôn thuộc diện đầu tư được phân bổ vốn của của tiểu dự án; phân bổ vốn đầu tư các công trình đặc thù thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Các công trình sử dụng nguồn vốn Chương trình phải gắn biển công trình với các nội dung: Tên công trình; Nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; Chủ đầu tư; Đơn vị thi công; Tổng vốn đầu tư; Quy mô công trình; Thời gian khởi công; Thời gian hoàn thành.
Thông tư quy định căn cứ vào mức độ ưu tiên và tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện được tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển để đầu tư khởi công mới một số công trình mà người dân có nhu cầu cấp thiết tại xã, thôn ĐBKK theo hình thức luân phiên, nhưng phải đảm bảo vốn đầu tư không vượt quá tổng vốn đầu tư phát triển dự kiến phân bổ cho xã, thôn theo giai đoạn.
Đối với các công trình áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thì quy trình triển khai thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh.
Đối với công trình không áp dụng cơ chế đặc thù, quy trình triển khai thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và các quy định có liên quan.
Về duy tu, bảo dưỡng và quản lý, vận hành công trình: Những công trình phục vụ lợi ích chung trong phạm vi xã, thôn do UBND cấp xã quản lý được sử dụng kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng của tiểu dự án để thực hiện; không sử dụng kinh phí của Tiểu dự án để duy tu, bảo dưỡng công trình đã bàn giao cho hộ, nhóm hộ quản lý sử dụng.
Kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng chỉ sử dụng cho sửa chữa nhỏ, tu bổ, bảo trì thường xuyên nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình; không sử dụng cho xây mới, nâng cấp, sửa chữa lớn công trình.
UBND cấp xã là chủ đầu tư đối với nguồn kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình. Hằng năm, căn cứ quy trình duy tu, bảo dưỡng do UBND cấp tỉnh ban hành và hiện trạng công trình trên địa bàn xã, UBND cấp xã lập danh mục công trình, hạng mục công trình cần duy tu, bảo dưỡng; thông báo, đồng thời tổ chức thảo luận công khai kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đến người dân và cộng đồng; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kinh phí duy tu, bảo dưỡng từng công trình và hoàn thiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn xã, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua, đồng thời gửi UBND cấp huyện tổng hợp; ưu tiên duy tu bảo dưỡng đối với những công trình cấp thiết trên địa bàn xã, thôn bản ĐBKK nhất trước.
Tận dụng lợi thế sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hoá miền núi Nhiều địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đang dần khẳng định vị trí quan trọng...