Ngày giãn cách, nhớ lắm vị phở Hà thành
Phở là món ăn vào mùa nào cũng hợp. Mùa đông lạnh giá, xì xụp bát phở nóng, thấy ấm bụng, khoan khoái vô cùng. Ngày hè ăn phở, mồ hôi túa ra, gặp làn gió hiu hiu thổi tới, cảm giác cũng thích thú vô cùng.
Cả tháng qua, Hà Nội như cô thiếu nữ đang độ xuân thì ngủ quên trong giấc mộng. Người ta đã quen với nhịp sống của những ngày giãn cách. Sáng sáng thức dậy, chẳng cần phải chải chuốt cầu kỳ, người người bắt đầu làm việc từ xa, đồng nghiệp chào nhau qua màn hình máy tính. Trong những ngày tháng đầy rẫy khó khăn này, học cách thích nghi là việc đầu tiên mà chúng ta phải làm để tìm kiếm cho mình chút bình yên.
Tuy đã quen với việc cả ngày chỉ ở trong nhà, nhưng nhiều người vẫn nhớ những con đường đông đúc trong ký ức. Nào Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Phan Đình Phùng, Xã Đàn, Tây Sơn, hay Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa… Cứ sáng sáng người và xe nô nức nối đuôi nhau trên đường, tối tối hòa lẫn với mùi mồ hôi của cả ngày mệt nhọc là mùi khói xe, là người cười nói ồn ào, đôi khi cự cãi vì những bực dọc trong cuộc sống. Nhớ lắm, những ngày sống vội như thế!
Những người sành ăn chắc đã chán những bữa sáng đơn điệu ở nhà. Hết cơm rang, rồi lại tới mỳ xào, bát miến với mấy lát thịt, dăm miếng cà chua, cùng chút hành hoa, ăn ở nhà, vui thì có vui, có thể an toàn hơn những thức “cơm hàng, cháo chợ”. Thế nhưng việc ăn sáng bên ngoài vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng.
Nói đến phở, người ta nhớ ngay tới mùi thảo quả thơm lừng trong từng bát nước dùng…
Nhất là ăn phở. Từ thời phố phường còn nhộn nhịp, thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nấu phở ở nhà. Của nhà nấu, dĩ nhiên là thịt thà có đầy đặn hơn, nhưng nước phở thì không bằng ngoài hàng. Để có một nồi nước hầm xương vừa ý, người ta phải ninh xương từ mười đến mười hai tiếng. Ở nhà, nếu có nồi áp suất, công việc ấy đơn giản hơn một chút.
Nói đến phở, người ta nhớ ngay tới mùi thảo quả thơm lừng trong từng bát nước dùng. Nhưng để làm nên mùi vị tinh túy của nước phở, đâu chỉ có mỗi thảo quả. Mùi vị thắm đượm trong nước dùng của bát phở được tạo nên từ mùi thơm của thảo quả, hồi, đinh hương, quế và hạt mùi. Muốn khử mùi đặc trưng của thịt bò và làm cho nước dùng trong, còn phải nướng gừng và hành tây cho thơm, sau đó cho vào nồi nước dùng nữa.
Vị thơm ngọt của bát phở đâu chỉ từ thịt, từ xương, nó đến từ những chăm chút nhỏ nhặt của người bán hàng. Trước mỗi chuyến đi xa, tôi thường có mặt ở hàng phở quen gần nhà từ năm rưỡi sáng, làm một bán phở tái cho ấm bụng, thế mới yên tâm lên đường. Lúc đó quán vắng, vừa ăn vừa nhẩn nha trò chuyện. Trong cái tiết trời đã chuyển lạnh cuối tháng mười, đầu tháng mười một, vừa ăn phở, vừa trò chuyện với cô bạn hàng, thi thoảng cả hai lại cười vang.
Vị thơm ngọt của bát phở đâu chỉ từ thịt, từ xương, nó đến từ những chăm chút nhỏ nhặt của người bán hàng
Khách chỉ cần đến ăn vài lần, chủ quán đã nhớ họ có ăn hành hay không, tuyệt đối kiêng mỳ chính, hay gẩy vào vài hạt cũng không sao, khách chỉ ăn phở hay kèm thêm cả quẩy. Thế nhưng, chẳng mấy khi chủ quán và khách quen có cơ hội nói chuyện với nhau. Một người cặm cụi cạnh bếp, hết thái thịt lại đến chần bánh phở. Một người cắm cúi ăn, nhanh nhanh chóng chóng vì còn bao công việc phải làm. Muốn nói chuyện với chủ quán đôi ba câu, một là phải tới mở hàng vào sáng sớm, hai là ăn “vét đáy nồi” lúc quán sắp đóng cửa.
Không chỉ nhớ tường tận sở thích của khách quen, chủ quán còn tinh ý xem những thượng đế của mình thường đi một mình, hay đi cùng bạn. Bình thường cùng vài người bạn đến quán quen ăn một bát phở tái, nhiều nước béo, nay lại lủi thủi một mình, kiểu gì chủ quán cũng hỏi thăm. Có anh chàng chẳng mấy khi đi cùng bè bạn, nay bỗng dẫn theo một cô bạn gái xinh, dáng vẻ lúng ta lúng túng, kiểu gì cũng bị cô chủ quán nhìn ra. Cô ấy sẽ nhìn theo họ, tủm tỉm cười một lúc lâu.
Ảnh minh họa
Nói đến những quán phở quen, tôi lại nhớ tới quán phở gần cổng ký túc xá. Dù nước phở không được ngọt và trong, dậy mùi thảo quả như những quán phở trứ danh ở đất Hà thành, nhưng bát phở nho nhỏ, chỉ lèo tèo vài miếng thịt đó lại là nơi vỗ về cái dạ dày của đám sinh viên nghèo mỗi khi đói bụng.
Quán nhỏ, bàn ăn được đặt đối diện nồi nước dùng, chúng tôi cần gì, từ chần thêm thịt, thêm giá, chan thêm ít nước béo, cứ ới một tiếng là có ngay. Ngoài phở bò, phở gà như bao quán khác, ở đây còn có cả phở giò, phở thịt lợn. Cuối tháng, dù ví có lép kẹp, nhưng nếu thèm thì vẫn có phở ăn. Vừa xì xụp bát phở, vừa hỏi nhau chuyện học hành, ôn thi. Vui phải biết!
Ăn hàng có cái thú của ăn hàng. Người ta ăn hàng đâu chỉ vì ngon. Chính vì những thứ chân tình bình dị ở những quán hàng mà bát phở dẫu chưa tròn vị cũng khiến người ta thấy nhớ nhung, tìm đến.
Ngày giãn cách thèm phở, vào bếp tự làm 3 món phở ngon ngọt thơm lừng tới từng thớ thịt
Chỉ với những bước đơn giản, bạn đã có ngay tô phở ngon cho riêng mình.
Phở bò
Nguyên liệu: (cho 4-6 người ăn):
- Xương bò/heo (tốt nhất là xương bò cho chuẩn vị): 1kg
- Thịt bò: 500g
Video đang HOT
- Bánh phở: 1kg
- Thảo quả: 2 quả
- Gừng: nhánh nhỏ (80gr)
- Hồi: 2 miếng
- Quế: một nhánh
- Hành khô: 2 củ
- Hành tây: 1/2 củ
- Hành lá, mùi tàu, rau mùi, ớt tươi, đường phèn, bột ngọt, muối, hạt nêm
Phở bò
Cách làm bát phở thơm ngon tại nhà:
Bước 1:
Xương rửa sạch cho lên ninh cùng 1 chút muối. Nếu là xương bò thì nên nướng qua xương, sau đó luộc qua, đổ nước đầu đi rồi mới ninh tiếp.
Thường ở nhà, các mẹ sẽ làm nhanh nên không ninh xương được lâu. Còn nếu có chuẩn bị trước, mọi người nên ninh xương tối thiểu 6 tiếng (tối đa 12 tiếng) sẽ cho món nước dùng rất ngon. Có thể làm từ tối hôm trước, cho xương vào ninh để hôm sau có nồi nước dùng ngon.
Bước 2:
- Gừng, hành khô, quế, hồi, thảo quả nướng rồi đập dập, tất cả cho vào ninh cùng nồi nước xương. Khi gần được thì thêm 1 củ hành tây vào đun cùng tiếp. Khi nước dùng đã ninh xong thì thêm hạt nêm vừa ăn (chú ý hớt bỏ bọt trong quá trình ninh xương).
Bước 3:
Bắp bò thái miếng vừa ăn. Hành, mùi tàu, rau mùi/húng láng rửa sạch, cắt ngắn. Bánh phở chần qua nước sôi.
Bước 4:
Tất cả xếp vào bát, chan nước dùng, thêm chanh, ớt là có bát phở xịn sò tại gia. Lưu ý nước dùng phải sôi ùng ục để thịt bò chín được nhé. Thơm lừng và ngọt lừ! Thêm vài chiếc quẩy cho chuẩn phở bò Hà Nội.
Phở gà
Nguyên liệu cho món phở gà Hà Nội (cho 4 người ăn)
- Gà ta: 1 con (chọn gà mái tơ khoảng 1,2kg- 1,5kg hoặc có thể thay bằng đùi gà, ức gà đều được nhé)
- Gừng: 1 củ
- Hành khô: 4-5 củ
- Hành tây: 1 củ
- Hạt mùi: 2-3 thìa café ( hoặc các bạn có thể dùng gốc rau mùi)
- Mắm, bột canh, đường, bột ngọt
- Bánh phở
- Hành lá, rau mùi, lá chanh
- Chanh, ớt, tiêu bột (hoặc tương ớt)
Mách nhỏ: Muốn nước ngọt hơn có thể mua thêm xương gà, heo.
Phở gà
Cách làm phở gà
Bước 1: Sơ chế
- Gà làm sạch (hoặc có thể nhờ người bán làm sẵn).
- Hành lá: phần trắng chẻ nhỏ, phần xanh thái nhỏ.
- Rau mùi: 1 phần thái nhỏ, 1 phần để nguyên cây.
- Lá chanh thái sợi nhỏ (có thể dùng hoặc không dùng tùy theo sở thích)
Bước 2: Thực hiện
- Gà sơ chế sạch sẽ, cho vào nồi nước lạnh để luộc chín. Cho một chút bột canh vào nồi để thịt gà ngọt đậm đà hơn. Gà chín tới thì vớt ra, để nguội.
Lưu ý: muốn nước trong thì khi sôi nước phải hạ lửa nhỏ, mở hé vung, tránh bị sấp nước và sủi bọt.
- Hành khô, gừng rửa sạch và nướng qua lửa cho thơm, hành tây bổ dọc thành 4-6 phần, hạt mùi rang thơm (hoặc gốc rau mùi cắt khoảng 5cm từ rễ lên, rửa sạch cho vào nước dùng sẽ thơm dịu hơn nhiều) . Tất cả các loại gia vị tạo mùi này được gói trong một miếng vải sạch rồi thả vào nồi nước dùng. Tiếp tục đun sôi nồi nước dùng trên lửa, khi sôi thì hạ lửa nhỏ liu riu.
- Lọc lấy thịt gà và xé nhỏ, để riêng ra đĩa, còn phần xương đầu, cổ, chân gà thì cho vào nồi nước dùng ninh kĩ.
Mách nhỏ: Với lượng nước dùng cho 4-5 người ăn, bạn chỉ cần xương gà đã lọc phần đầu, cổ, chân gà là nước đã ngọt, muốn nồi nước dùng chất lượng hơn có thể cho thêm xương heo vào (nhớ luộc xương heo quamột nước rồi hãy thả vào nồi nước dùng để nước được trong nhé). Nếu chợ có bán xương gà lọc sẵn thì các bạn có thể mua về để ninh nước nhé.
- Nước dùng gà ninh ở lửa nhỏ liu riu từ 30 phút đến 1 tiếng để xương tiết ra chất ngọt, hành gừng mùi tiết ra mùi thơm, bên trên sẽ có lớp váng mỡ gà mỏng vì gà ta có ít mỡ nếu bạn muốn ăn loại nước dùng béo hơn thì có thể mua thêm mỡ gà cho vào nồi nước dùng.
- Nêm nếm mắm, muối, bột ngọt cho vừa miệng, thêm một chút xíu đường để nước dùng "mềm" hơn (nên dùng nước mắm loại ngon nhé).
- Bánh phở trần qua nước đang sôi bằng một cái vá, sóc cho ráo nước rồi đổ vào bát, xếp thịt gà xé nhỏ vào, rắc hành mùi lên trên, chan nước dùng vào bát,rắc thêm lá chanh cho thơm. Nước dùng cũng phải là nước đang sôi lăn tăn trên bếp. Dùng thêm chanh, ớt, tiêu theo khẩu vị.
Phở bò sốt vang
Nguyên liệu:
- 500g thịt bò
- 1 nhánh gừng
- 1 củ cà rốt
- 2 quả cà chua
- 4 củ khoai tây
- 1 củ hành tây
- 1 chén rượu vang đỏ
- Tương cà chua
- 5 nhánh tỏi
- Muối, bột nêm, hạt tiêu, 1 gói bột ngũ vị hương.
Phở bò sốt vang
Thực hiện:
- Thịt bò mua về rửa qua, thái miếng con chì vừa ăn.
- Gừng cạo vỏ, đập dập, băm nhỏ.
- Cà rốt, khoai tây nạo vỏ, rửa sạch, bổ miếng vuông bằng với miếng thịt bò.
- Hành tây bóc vỏ, bổ làm 4 hoặc 6 theo chiều dọc.
- Cà chua rửa sạch, thái múi cau.
-Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
- Ướp thịt bò với gừng băm, 3 thìa nước mắm, 1 chút đường, 1 chút ngũ vị hương, rượu vang, 1 thìa sốt cà chua trong vòng 15 phút.
- Cho 2 thìa dầu ăn vào chảo, đợi dầu nóng, cho cà chua vào đảo nát, sau đó cho thịt bò vào xào cùng, thêm 2 bát con nước hầm cho thịt bò chín.
- Khi nước sôi được 20 phút cho khoai tây, hành tây, cà rốt vào hầm cùng đến khi phần nước còn lại sền sệt là được.
- Cho thịt bò sốt vang ra bát, trang trí thêm rau thơm và thưởng thức.
Cách nấu xôi cá rô đồng đặc sản Nam Định lạ miệng thơm ngon hấp dẫn Nam Định vốn được biết đến là quê hương của món phở nổi tiếng trứ danh khắp nơi. Nhưng liệu bạn có biết rằng, ở đây còn có 1 món hấp không kém cạnh gì không? Hấp dẫn quá đi mất! Cùng vào bếp thực hiện ngay món xôi cá rô đồng thơm ngon thôi nhé! Nguyên liệu làm Xôi cá rô đồng...