Ngay cả với Việt Nam, nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu
Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Cục trưởng C50 nhận định nguy cơ tấn công mạng cục bộ cũng như chiến tranh mạng đang hiện hữu trên toàn thế giới, ngay cả với Việt Nam.
Gia tăng tấn công mạng vào Việt Nam
Theo số liệu từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận được 1428 trường hợp mã độc tấn công, cao hơn nhiều so với năm 2013. Hiện có khoảng 500.000 – 1.000.000 máy tính của nước ta đang nằm trong các mạng máy tính ma quốc tế.
Những mạng máy tính này không chỉ là công cụ để tin tặc phát tán thư rác (ước tính hơn 3,33 tỉ tin nhắn rác/ngày) mà đây còn là “bàn đạp” để tấn công vào các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng của quốc gia.
Trong thời gian gần đây, VNCERT liên tục phát hiện ra tình trạng nhiều mạng máy tính ma quốc tế có sự xuất hiện của các máy tính, địa chỉ IP tại Việt Nam.
Chẳng hạn mạng lưới Zeus Botnet có 14.075 địa chỉ IP thuộc không gian mạng Việt Nam; các mạng lưới khác như Sality, Downadup, Trafficconverter cũng có tới 113.273 địa chỉ IP tại Việt Nam…
Không chỉ nhắm tới Việt Nam với mục đích phá hoại các hệ thống công nghệ thông tin, những thông tin quan trọng của cơ quan, tổ chức cũng là mục tiêu của mạng máy tính ma.
Những mạng máy tính này thường phát tán các phần mềm gián điệp hết sức tinh vi và phức tạp, cũng như có khả năng tránh bị phát hiện trong hệ thống, chính bởi vậy hiểm họa từ các mạng máy tính ma hiện đang được xếp vào mức cực kì nguy hiểm.
Phía BKAV cũng cho biết, tính đến tháng 10/2013 đã có 2405 website của các cơ quan, doanh nghiệp bị hacker xâm nhập.
Video đang HOT
Ước tính mỗi năm, người dùng máy tính ở Việt Nam đã thiệt hại gần 8000 tỉ đồng vì virus máy tính. Không dừng lại ở đó, các hình thức tinh vi khác như đánh cắp tiền của người dùng qua dịch vụ Internet Banking cũng đã xuất hiện, cảnh báo nghiêm trọng về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chỉ số về an toàn thông tin ở Việt Nam còn khá yếu, chỉ là 37,5%, thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc 62%.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam khi gặp phải các cuộc tấn công mạng chỉ có 0,8% trong số đó yêu cầu sự trợ giúp từ các đơn vị có khả năng. Điều này khiến cho việc ứng phó với sự cố an ninh mạng bị chậm trễ, khó khắc phục.
Nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu
Trước hiện trạng trên, ông Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) nhận định nguy cơ tấn công mạng cục bộ cũng như chiến tranh mạng hiện nay là hiện hữu trên toàn thế giới, ngay cả với Việt Nam.
Những cuộc chiến tranh mạng thường được ưu tiên phát động bởi chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và khó bị phát hiện, ông Hòa cho biết.
Ngoài ra, ông Hòa cũng cung cấp thêm thông tin, các cuộc chiến tranh mạng không không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh, quân sự mà còn hướng tới hạ tầng thông tin quốc gia, hệ thống giao thông, điện, nước …
Ông Đặng Vũ Sơn, Giám đốc Học viện Kĩ thuật Mật mã cho biết, không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ của những cuộc chiến trên không gian mạng.
Đồng thời ông cho rằng, cần phải xây dựng khả năng tác chiến trên không gian mạng ngay từ bây giờ nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó với hình thức chiến tranh này.
Để xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc trong không gian mạng cần đảm bảo nhiều yếu tố, ông Sơn lí giải.
Có thể kể đến như: Hành lang pháp lí, tổ chức chuyên trách bảo mật, nhận thức về an ninh mạng từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cũng như đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin …
Ngoài ra, để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách ở quy mô quốc gia, ông Sơn đưa ra giải pháp.
Chức năng và nhiệm vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin của những cơ quan như Bộ TT&TT, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ cần được thể chế hóa bên cạnh đó là các tổ chức xã hội như Hiệp hội An toàn thông tin.
Về phía cơ quan chuyên trách là Bộ TT&TT cũng đã có những động thái rõ ràng trước nguy cơ an ninh mạng tại Việt Nam. Hiện Dự thảo Luật An toàn thông tin đang được Bộ TT&TT xây dựng và xin ý kiến đóng góp để có một bộ Luật mang tính khả thi cao.
Đồng thời, bắt đầu từ đầu năm 2014, Cục An toàn thông tin, đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin sẽ đi vào hoạt động. Từ đó sẽ có sự thống nhất về các bộ phận chuyên trách an toàn thông tin từ trung ương đến địa phương.
Theo VTC News
Sự dịch chuyển của chiến tranh trong kỷ nguyên số
Vũ khí, tính chất và mục đích của chiến tranh hiện nay đã thay đổi cùng với sự tiến triển của kỷ nguyên thông tin.
Đó là nhận định của ông Đinh Thế Cường, Phó Cục trưởng Cục CNTT thuộc Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc Phòng) tại sự kiện Ngày An toàn thông tin 2013, diễn ra ngày 21/11 tại Hà Nội.
Theo ông Cường, lịch sử chiến tranh được chia thành ba giai đoạn chính. Trước thế kỷ 17 là chiến tranh nông nghiệp. Khi loài người chuyển từ săn bắn sang trồng trọt, chăn nuôi và tích lũy của cải thì xuất hiện những cuộc tranh giành, cướp bóc. Mục đích của chiến tranh ở thời kỳ này là chiếm đoạt tài sản tích trữ được và vũ khí cũng được cải tiến từ chính các công cụ lao động, săn bắn như dao, giáo mác.
Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 là chiến tranh công nghiệp. Các đô thị lớn đã bắt đầu xuất hiện và lúc này, mục đích của chiến tranh cũng thay đổi, không còn là chiếm đoạt tài sản dư thừa mà là chiếm đất đai, tài nguyên, nguồn lao động (chế độ nô lệ). Vũ khí được sản xuất hàng loạt, trong đó có những vũ khí hủy diệt lớn như vũ khí hóa học, bom nguyên tử.
Sau thế kỷ 20, những dấu hiệu của các cuộc chiến tranh thông tin đã hình thành. Song song với sự phát triển của kỷ nguyên thông tin là chiến trường thông tin và ở đó, thông tin trở thành vũ khí.
Trong kỷ nguyên thông tin, thông tin chính là vũ khí của chiến tranh.
Một trong những cuộc tấn công chính trị đầu tiên có quy mô lớn là vào năm 2007 khi hacker của Nga phát động các tấn công từ chối dịch vụ vào một loạt website của các cơ quan chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Estonia. Thậm chí, một số trang bị thay đổi giao diện bằng những nội dung tuyên truyền có lợi cho Nga.
Tiếp đó, trong suốt các tuần đầu của cuộc chiến Nam Ossetia năm 2008, các trang web của chính phủ Georgia luôn trong tình trạng quá tải, gồm các website ngân hàng quốc gia và của tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili. Chính phủ Nga phủ nhận mọi sự cáo buộc cho rằng họ đứng đằng sau vụ tấn công.
Gây ồn ào nhất chính là vụ "Snowden 2013". Bắt đầu từ tháng 6/2013, cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) là Edward Snowden tiết lộ cho giới truyền thông những chương trình gián điệp của chính phủ Mỹ và châu Âu, như nghe lén điện thoại và theo dõi hoạt động của người dùng trên Internet. Snowden cho biết những tiết lộ này là một nỗ lực nhằm "thông báo cho người dân biết rằng những gì đã được thực hiện trên chính cái tên của họ và những gì đã được thực hiện để chống lại họ". Những tiết lộ của Snowden được đánh giá là một trong những lỗ hổng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của NSA.
"Chiến tranh đang diễn ra và tác động đến đời sống của chúng ta. Chiến tranh hiện hữu cả trong thời bình", ông Đinh Thế Cường khẳng định.
Trong khi đó, Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Interpol Việt Nam, cho hay chiến tranh mạng là điều khó tránh khỏi bởi những cuộc tấn công này có chi phí thấp, hiệu quả cao, dễ dàng che giấu nguồn gốc. Trong khi đó, các nước không dễ dàng phát động một cuộc chiến tranh truyền thống bởi sẽ vấp phải nhiều rào cản, gây thiệt hại về người và của... Do mọi hệ thống hiện nay đều được trang bị kết nối Internet, kẻ tấn công sẽ dễ dàng thâm nhập được vào hạ tầng thông tin quốc gia, các hệ thống quân sự, hệ thống điện, giao thông, cấp nước... chỉ bằng việc phát tán virus. Chẳng hạn, vào tháng 6/2010, virus Stuxnet tấn công vào máy tính của nhà máy điện nguyên tử Iran.
"Trong tương lai, các xung đột quy mô lớn sẽ đều bắt đầu bằng chiến tranh không gian mạng", Đại tá Hòa nhận định.
Tuy nhiên, dù đã ý thức rõ về nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, các chỉ số về an toàn thông tin ở Việt Nam vẫn còn khá yếu. Trong 3 tháng qua, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tiến hành một khảo sát với 598 tổ chức, doanh nghiệp với quy mô từ 5 đến 2.000 máy tính. Kết quả cho thấy khả năng ghi nhận tấn công thử, kể cả chưa thành công của các tổ chức, doanh nghiệp không cao. Ngoài ra, chỉ 0,8% đơn vị bị tấn công báo cáo lên cấp trên hoặc ra bên ngoài nhờ trợ giúp trong vòng 1 tuần. Việc này sẽ khiến việc ứng phó với sự cố an ninh mạng bị chậm trễ, dễ đến việc khó khắc phục. Chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam trong năm 2013 là 37,5%, thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc là 62%.
Theo VNE
Mỹ đang thua trong chiến tranh mạng toàn cầu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers phát biểu hôm 24.2 rằng các tường thuật mới đây về nạn tin tặc Trung Quốc cho thấy Mỹ đang thua trong cuộc chiến tranh mạng toàn cầu. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rogers đã lên án quân đội Trung Quốc vì các cáo buộc tấn công mạng nhắm vào...