“Ngành y tế đang trải qua những thách thức chưa từng có”
Sáng 13/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ba năm qua ngành y tế trải qua những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà ( Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), trong ba năm qua, ngoài đảm bảo công tác chuyên môn, toàn ngành dốc sức tham gia khống chế đại dịch covid-19. “Đây thật sự là một cuộc chiến cả về thể chất lẫn tinh thần với các nhân viên y tế. Hiện nay, chúng ta có thể tự tin khẳng định, dịch bệnh đã được kiểm soát”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ trước Quốc hội.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, khi mà hệ thống chính sách, văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế chưa cập nhật kịp thời, tháng 7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30. Trong đó Quốc hội đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết những vấn đề có thể chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, nhưng cần thiết để kịp thời đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) nêu ý kiến trước Quốc hội.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đây là việc làm chưa có trong tiền lệ, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh và cũng là minh chứng cho thấy sự cần thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, đây không chỉ là kim chỉ nam để ngành y tế vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn là định hướng lâu dài cho ngành y tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung Tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Tham gia một số ý kiến cụ thể để hoàn thiện dự luật, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh là giải pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, nội dung này trong Dự thảo Luật không có gì mới, chủ yếu là quy định mang tính nguyên tắc và chưa làm rõ được cơ chế huy động, thu hút nguồn lực xã hội hóa so với quy định trước đây.
Do vậy, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung thêm một khoản tại điều 90 của dự luật quy định về việc nhà nước khuyến khích các mô hình y tế phi lợi nhuận, đầu tư với trách nhiệm an sinh xã hội bằng các cơ chế về đất đai, tín dụng, thuế.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trong Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đặc biệt quan tâm tới cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
Video đang HOT
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Việt Nam là đất nước có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở với quy mô hàng đầu thế giới (trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TPHCM lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí 1 trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên.
Trong những năm vừa qua, dù có nhiều giải pháp cho tuyến y tế cơ sở, cụ thể như: Tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các giải pháp này đều chưa phát huy hiệu quả.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ, nhưng cần có mô hình cụ thể. Trong đó, cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế.
“Y tế cả nước đang chao đảo”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chia sẻ, 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật, quy định pháp lý y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ. Theo đại biểu, những quy định của luật pháp không còn phù hợp với phòng chống dịch đã “bó tay” ngành y, không thỏa đáng với những đóng góp của cán bộ ngành y.
Theo ông Nguyễn Anh Trí, cán bộ y tế ở cơ sở làm ngày làm đêm, bất chấp nguy hiểm, khó khăn chống dịch nhưng thù lao trực đêm chỉ có 18.600 đồng/đêm. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt y tế cơ sở đã xin thôi việc. Bên cạnh đó, do luật sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên “xà xẻo, chấm mút, chia chác” và “cơn bão Việt Á đã nổi”.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, chưa bao giờ pháp luật về y tế lại “khủng hoảng” như hiện nay.
“Y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch Covid-19 trong hoạt động bảo vệ nhân dân nay đang bải hoải đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định tan vỡ, tạm nghỉ”, ông Trí nói.
Trong khi, Sở y tế, Bộ Y tế bị đình đốn vì đang phải bận làm giải trình về công tác thanh tra, điều tra.
Từ những nhận xét trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự; cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế; ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề pháp lý về ngành y tế.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.
Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các ý kiến đóng góp không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà còn làm rõ những tâm huyết, nỗ lực của toàn ngành y tế, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những bất cập ngành y tế nói chung, công tác khám, chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay mặc dù chúng ta thực hiện Luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn nhưng đến giờ này thì chúng ta mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ.
Đổi mới công tác tuyên truyền BHXH
Từ ngày 31/5-2/6, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị "Tập huấn kiến thức về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022".
Ông Đào Việt Ánh thông tin về những chinh liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động (NLĐ) và nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm. Tính đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.
Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả nhất định. Số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình... được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải, phát sóng về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN tăng đều qua các năm: Năm 2021 có 31.300 tin, bài, phóng sự,... được đăng tải, phát sóng; lần lượt tăng gấp 1,9 và 2,4 lần so với năm 2020, 2019. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, ước đã có khoảng 9.500 tin, bài, phóng sự được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng (trung bình mỗi ngày có 63 tin, bài, phóng sự).
Tuyên truyền BHXH, BHYT tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác truyền thông của ngành, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho rằng, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí thời gian qua đã góp phần giúp công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí đã tích cực phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến quyền lợi, tâm lý của NLĐ, người sử dụng lao động thông qua các sản phẩm báo chí, góp phần hiệu quả cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và NLĐ.
Chia sẻ thông tin chuyên đề tại hội nghị, nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã khái quát những thành tựu nổi bật trong việc triển khai chính sách BHYT tại nước ta. Theo đó, tỷ lệ bao phủ BHYT tặng mạnh qua các năm, cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2021, cả nước có 37 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90% dân số; gần 60% số người tham gia BHYT của cả nước là do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ. Để đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, số cơ sở có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT gia tăng hàng năm (riêng năm 2021 có 2.639 cơ sở).
Từ thực tiễn triển khai tổ chức, thực hiện chính sách BHYT cho thấy, để duy trì tỷ lệ tham gia BHYT và bao phủ BHYT đối với gần 10% dân số còn lại, ông Phạm Lương Sơn đưa ra một số giải pháp như: Ngân sách nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương giữ vai trò bổ sung trong việc đóng BHYT cho nhóm dễ bị tổn thương, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ nhóm thân nhân NLĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia;... với lộ trình trợ cấp, hỗ trợ phải đảm bảo tính ổn định.
Đồng thời, ông Phạm Lương Sơn cho rằng thực hiện cơ chế tham gia BHYT mới như: NLĐ có thu nhập ổn định đóng BHYT cho thân nhân; cần có chế tài nghiêm khắc, quy định mức đóng BHYT cao hơn hoặc truy thu tiền đóng BHYT đối với thời gian trốn đóng hoặc chậm tham gia BHYT với tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.
Trình bày chuyên đề " Một số nội dung của dự án Luật BHXH sửa đổi nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia", ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin về dự kiến một số nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Trong đó, đáng lưu ý là một số đề xuất như: Bổ sung quy định trợ cấp đối với trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng nếu không nhận BHXH một lần theo hướng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn; Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng (như: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian); Tăng mức hỗ trợ đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện; Bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Luật cũng đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật BHXH sửa đổi lần này, ông Trần Hải Nam cho rằng, công tác truyền thông mà vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí là đặc biệt quan trọng. Trong đó, phải đảm bảo chủ động truyền thông trước, trong và sau quá trình xây dựng Luật BHXH sửa đổi, phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ về quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH; trong việc tuyên truyền tới nhân dân, đặc biệt chú trọng nhóm người lao động là nông dân, khu vực phi chính thức. Phương pháp tuyên truyền cần chú trọng tuyên truyền bài bản, đồng bộ theo chiến dịch....
Trước những yêu cầu và thách thức trong thời gian tới, ông Đào Việt Ánh cho rằng, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần tiếp tục đổi mới, phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản để ngày càng có nhiều người dân hiểu đúng, hiểu sâu về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, từ đó chủ động tham gia BHXH, BHYT nhằm sớm hoàn thiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân để mọi người dân đều được đảm bảo an sinh xã hội.
Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM, nhiều người vẫn chủ quan Bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao trên địa bàn TP.HCM nhưng một bộ phận người dân vẫn còn chưa chú trọng trong việc phòng chống dịch. Tại Tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn vừa có một bệnh nhân tử vong do mắc sốt xuất huyết (SXH). Thế nhưng, ở khu trọ ngay bên cạnh, các...