Ngành logistics đón bắt cơ hội nhờ áp dụng giải pháp công nghệ
Ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistics sẽ chính là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong thời kỳ hội nhập.
Bốc xếp hàng hóa ở cảng dầu khí Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Thương mại điện tử trong nước đang ngày càng phát triển để bắt nhịp với xu hướng hội nhập. Cùng với đó là việc gia tăng thu nhập bình quân đầu người và sự phổ biến của các ứng dụng di động thông minh đang là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển song hành của dịch vụ giao nhận kho vận hay còn gọi là logistics.
Việt Nam hiện đã trở thành thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do; trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tầm cỡ và quy mô lớn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)…
Chính những xu hướng mới này đã, đang và sẽ tạo đà cho hoạt động logistics trong nước phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là thời cơ vàng để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình trong lĩnh vực này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từng nhận định như vậy khi đánh giá về tương lai, triển vọng phát triển của ngành logistics Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, năm 2020 là một năm nhiều sóng gió đối với nền kinh tế toàn cầu; trong đó có Việt Nam. Báo cáo của VCCI mới đây ước tính, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 39,3% doanh nghiệp Việt phá sản.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, ngành logistics cũng chịu chung sức ép ấy với những ảnh hưởng tiêu cực khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và mối liên kết giữa các doanh nghiệp trở nên rời rạc, lỏng lẻo.
Video đang HOT
Viện dẫn số liệu minh chứng cho những khó khăn của ngành logistics trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VietnamReport) cho hay, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) từng có báo cáo rằng, vào tháng 3/2020, khoảng 15% doanh nghiệp logistics Việt Nam bị giảm 50% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019; hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10 – 30% so với cùng thời điểm.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, cũng là lúc những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, buộc một số công ty, doanh nghiệp đa quốc gia phải xem xét lại hoạt động của mình mà trước đây, vốn chọn Trung Quốc 1 là chiến lược trọng tâm và lấy nguồn nguyên liệu đầu vào chi phí thấp từ các thị trường giá rẻ như Việt Nam và Mexico.
Điều ấy khiến cho dịch vụ logistics bỗng trở nên sụt giảm đáng kể; đặc biệt là với doanh nghiệp nào có năng lực quản trị rủi ro yếu kém; không lập kế hoạch trước; thiếu các chiến lược/mô hình kinh doanh, sự thiếu rõ ràng trong việc xác định nhu cầu khách hàng…
Tuy nhiên, đáng mừng là nhờ kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng đã có nhiều thuận lợi trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doan.
Ông Vinh cho biết, theo một khảo sát mà Vietnam Report thực hiện tháng 10-11/2020 cho thấy tình hình hoạt động của các doanh nghiệp logistics đã được cải thiện đáng kể. Năng lực hoạt động của 87% số doanh nghiệp của ngành này tại cùng thời điểm nói trên đạt mức trên 60% so với trước thời điểm đại dịch diễn ra.
Theo ông Vinh, dịch COVID-19 được xem như một phép thử để khảo nghiệm khả năng chống chịu của doanh nghiệp logistics. Từ đó, các doanh nghiệp đã đề ra những chiến lược nhằm vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, nâng cao khả năng thích ứng với thay đổi của thị trường.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics, cho biết hiện nay một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics và giảm đáng kể chi phí liên quan như cảng điện tử (ePort), lệnh giao hàng điện tử (eDO), số hóa chứng từ vận tải (Invoicing and Payments), đầu tư vào ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (Saas), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), nhà kho thông minh (Smart Warehousing)…
Nhờ vậy, 58% nhà cung cấp dịch vụ logistics đã rút ngắn lộ trình công nghệ. Mô hình làm việc từ xa cũng đang được các doanh nghiệp trong ngành áp dụng nhằm đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc.
82% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết đang áp dụng mô hình làm việc từ xa; 65% số doanh nghiệp tin rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Đó cũng chính là lợi thế mà mô hình làm việc từ xa đem lại và với sự hỗ trợ của công nghệ, ngành logistics không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý và đã trở thành logistics xuyên biên giới.
Cũng ở thời điểm đại dịch, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành logistics đã tranh thủ đầu tư vào kho xưởng với quy mô lớn và hình thành trung tâm phân phối lớn, để đảm bảo cho trường hợp hàng hóa không bán hết, bị tồn kho có thể dẫn tới làm tăng chi phí lưu kho…
Một số đơn vị vận tải đã linh hoạt thay đổi tỷ trọng giữa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp logistics lớn từng trao đổi, nếu như trước kia việc ký gửi trên các chuyến tàu, máy bay bị giới hạn quota thì nay họ có thể thuê nguyên khoang, nguyên toa hoặc thậm chí cả chuyến máy bay (charter flight).
Việc này vừa có lợi cho chính doanh nghiệp vận tải và cả chủ hàng. Thêm nữa, lưu lượng hàng hóa luân chuyển qua đường sắt và đường biển tăng cao nhờ chính sách hỗ trợ giá cước của Chính phủ.
Khi bàn tới những cơ hội phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành logistics nói chung sau đại dịch COVID-19, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho rằng, về dài hạn, các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn như việc số hóa, ứng dụng AI ( trí tuệ nhân tạo ) hay tự động hóa trong các quy trình hoạt động; tổ chức tái cấu trúc/định vị hình ảnh của doanh nghiệp tại các thị trường hiện tại.
Doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A) hoặc theo đuổi chiến lược thoái vốn. Các doanh nghiệp cũng phân bổ lại sự phụ thuộc vào nguồn cung đầu vào trong các chuỗi cung ứng; đồng thời, dần thích nghi với các mô hình làm việc từ xa và tiếp cận với các giao dịch thương mại điện tử một cách nhuần nhuyễn, quen thuộc hơn.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ với những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được đa số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ làm thay đổi ngành logistics nhiều nhất với những lợi ích hàng đầu như tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí, cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao hiệu quả theo dõi logistics và quản lý vòng đời sản phẩm và củng cố hệ thống vận hành….
Thêm lần nữa, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistics sẽ chính là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong thời kỳ hội nhập. Số hóa và thông minh hóa sẽ là hành trình để ngành logistic Việt Nam có thể vươn xa trong biển lớn toàn cầu./.
Đến 2030 có thể không còn sử dụng tiền mặt trong giao thông vận tải
Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình được triển khai trong 2 giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.
Tại trạm thu phí của BOT Hà Nội - Bắc Giang, 2 làn thu phí ETC hiện đã lắp đặt, vận hành chạy thử từ tháng 11/2017. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo đó, đến năm 2025, với mục tiêu phát triển Chính phủ số, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải; trong đó, có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác. Đồng thời, cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành giao thông vận tải đối với các số liệu thống kê hàng năm và các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật;
Đặc biệt, tất cả hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.
Tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông Vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.
Tự động hóa được các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin...; hoàn chỉnh được quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo, sát hạch và cấp phép cho người điều khiển phương tiện; tránh được các tệ nạn tham nhũng gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông...
Với mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.
Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt; tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam...
Giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu phát triển chính phủ số, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác; tạo lập được cơ sở dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành. Người dân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm và khai thác sử dụng hầu hết các loại dữ liệu không phải là mật của ngành giao thông vận tải trên cổng cung cấp dữ liệu mở...
Với mục tiêu phát triển kinh tế số, hệ thống giao thông thông minh được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông toàn quốc; có sự kết nối đồng bộ, liên thông kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không; xóa bỏ hoàn toàn các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ
Bước đệm thoái vốn của Viettel Post Kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Viettel tại Viettel Post được đánh giá là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Biển quảng cáo dịch vụ của Viettel Post tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã VTP) là công ty con trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông...