Ngành bảo hiểm hút vốn ngoại
Các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực bảo hiểm đang trong cuộc đua tăng vốn tại Việt Nam.
Ngành bảo hiểm Việt Nam được nhận định nhiều tiềm năng tăng trưởng do tỷ lệ dân số đóng bảo hiểm và chi phí bảo hiểm trên GDP còn thấp.
Đầu tháng 4, FWD Việt Nam được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 10.300 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD, lên 13.937 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất Việt Nam, tính trong cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ. Đến nay, số vốn này cũng là lượng vốn lớn nhất mà một công ty bảo hiểm đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tập đoàn FWD từng chi hơn 6 tỷ USD đầu tư mua bán sáp nhập doanh nghiệp, mở rộng và thâm nhập vào các thị trường mới như Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Nhật, Malaysia. Đến này, tập đoàn này có tổng tài sản hơn 50,9 tỷ USD với 7,5 triệu khách hàng và 6.200 nhân viên.
Trước đó, tập đoàn mẹ của FWD Việt Nam và Vietcombank đã ký hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm độc quyền 15 năm với giá trị hơn 400 triệu USD, theo thông tin từ Bloomberg. FWD đã mua lại liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif theo một phần của thỏa thuận trên. Thương vụ này lớn nhất tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, theo lời của Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành.
Không riêng FWD, Sun Life Việt Nam hồi đầu năm tăng vốn từ 2.570 lên 5.070 tỷ đồng. Cuối năm 2019, Sumitomo Life Insurance Company đã chi hơn 4.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) từ 17,48% lên 22,09%, sau lần rót vốn đầu tiên từ năm 2012. Năm 2018, Manulife cũng tăng vốn thêm gần 4.000 tỷ đồng lên hơn 9.695 tỷ đồng, Hanwha Life Việt Nam thêm gần 3.000 tỷ đồng, lên 4.900 tỷ đồng và một số cái tên khác như Cathay Life Việt Nam, Prudential Việt Nam, Aviva Việt Nam… đều nâng vốn điều lệ.
Tính đến tháng 3/2020, thị trường Việt Nam có 5 doanh nghiệp bảo hiểm vốn trên 5.000 tỷ đồng và chỉ duy nhất công ty vượt 10.000 tỷ đồng là FWD. Phần lớn các thương vụ tăng vốn đều tại các doanh nghiệp bảo hiểm ngoại, trong mảng bảo hiểm nhân thọ.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện có 17 doanh nghiệp, trong khi phi nhân thọ có 29 đơn vị. Theo quy định hiện hành, mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho tất cả các nghiệp vụ là 400 tỷ đồng, nhân thọ là 1.000 tỷ đồng. Động thái tăng vốn điều lệ liên tục của khối ngoại, bên cạnh việc củng cố năng lực tài chính, phần nào cho thấy sự thu hút của thị trường bảo hiểm Việt Nam, khi các doanh nghiệp này chuẩn bị cho cuộc đua “dài hơi”.
Xếp hạng các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Nguồn: Tổng hợp. Đơn vị: tỷ đồng
Video đang HOT
Thị trường bảo hiểm Việt Nam hấp dẫn
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong quý I, trước ảnh hưởng của Covid-19, ngành bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng với doanh thu phí tăng 26%. Trong đó bảo hiểm nhân thọ tăng 21%, và bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Năm 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam mục tiêu doanh thu phí tăng 18%, đạt 188.730 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 13% lên 514.795 tỷ đồng.
Năm trước, thị trường Việt Nam cũng ghi nhận con số tăng trưởng. Về quy mô, tổng tài sản thị trường bảo hiểm đạt 454.400 tỷ đồng, tăng 15% so năm 2018. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 89.300 tỷ đồng, tăng 9,3%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 2019 đạt 160.200 tỷ đồng, tăng 20,5%.
Theo Tổng cục thống kê, Việt Nam có trên 96 triệu người, thu nhập và đời sống của người dân ngày càng nâng cao, trong khi thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều khoảng trống.
Tại các nước khu vực châu Á, khoảng 20-40% dân số mua bảo hiểm, chi phí cho bảo hiểm từ GDP ở các quốc gia phát triển khoảng 10-15%, trong khi ở Việt Nam số người mua bảo hiểm hiện chiếm chưa đầy 10% dân số, chi phí cho bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 2% GDP.
Báo cáo triển vọng ngành bảo hiểm của Chứng khoán Bảo Việt nhận định Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm tiềm năng, trong đó bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe sẽ là động lực tăng trưởng chính do người dân dần có ý thức về tầm quan trọng của các sản phẩm bảo hiểm.
Chứng khoán BIDV (BSC) và Chứng khoán Rồng Việt cho rằng bảo hiểm phi nhân thọ cũng tiếp tục xu hướng tăng trưởng ở mảng bảo hiểm cá nhân (con người và xe cơ giới), nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng.
Chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm ngoại đều nhận định thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng và có cơ hội dài hạn.
Ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm FWD Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á. FWD tin vào tiềm năng của thị trường Việt Nam, đồng thời sẽ mở rộng sự hiện diện tại thị trường này thông qua đợt tăng vốn mới nhất. Sun Life Việt Nam cũng từng cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng, nằm trong chiến lược mở rộng.
Thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm ngoại đã liên tục phát triển qua kênh ngân hàng bancassurance với nhiều hợp đồng độc quyền được ký kết như FWD và Vietcombank, Techcombank và Manulife, AIA và VPBank, Dai-ichi với SHB… Điều này cho thấy các doanh nghiệp ngoại không ngừng mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Lê Hải
Novaland tiếp tục được "bơm" thêm vốn ngoại
Novaland vừa công bố thông tin tiếp nhận khoản giải ngân lần 2 trị giá 101 triệu USD từ khoản vay hợp vốn quốc tế có tổng trị giá 250 triệu USD.
NVL tiếp tục được bơm thêm vốn ngoại.
Theo thông tin từ Tập đoàn Novaland (NVL), khoản giải ngân lần 1 trị giá 149 triệu USD đã được thực hiện vào quý IV/2019. Credit Suisse AG (Singapore) là tổ chức thu xếp và dựng sổ chính (OMLAB) đầu tiên của giao dịch này.
Củng cố tiềm lực tài chính
Trước đó khoản giải ngân lần một trị giá 149 triệu USD đã thực hiện vào quý IV/2019. Credit Suisse AG (Singapore) là tổ chức thu xếp và dựng sổ chính (OMLAB) đầu tiên của giao dịch này. Theo đại diện Novaland, khoản vay này đã nhận sự quan tâm và đăng ký vượt mức dự kiến từ các ngân hàng thương mại quốc tế lớn.
Trong thời điểm thế giới đầy biến động bao gồm cả thị trường tài chính toàn cầu, việc các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục giải ngân khoản vay thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, lĩnh vực bất động sản và trực tiếp vào Novaland. Điều đáng khích lệ hơn nữa là trong tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lần này, có một số ngân hàng mới đầu tư vào Việt Nam và Novaland. Novaland cũng hiện nằm trong số ít các nhà phát triển trong nước nhận sự hỗ trợ tích cực từ các định chế tài chính hàng đầu quốc tế.
Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Tập Novaland cho biết, chiến lược hoạt động của doanh nghiệp là định hướng tập trung, chiến lược kinh doanh rõ ràng, quỹ đất ổn định, cấu trúc tài chính vững chắc, quản trị rủi ro chặt chẽ, thượng tôn pháp luật. Công ty nỗ lực nâng cao năng lực để trở thành thương hiệu Việt đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Tổ hợp Du lịch Nghỉ dưỡng Giải trí NovaWorld Ho Tram - Phân kỳ The Tropicana (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Năm 2019, từ việc huy động vốn nước ngoài từ các định chế tài chính quốc tế thông qua sự tư vấn, thu xếp của Credit Suisses, Novaland đã nhận giải ngân 309 triệu USD. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2019, DEG (Deutsche Investitions - Und Entwicklungsgesellscheft Mbh - Quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng tái thiết Đức KFW, chuyên tài trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp tư nhân có dự án mang ý nghĩa xã hội) cũng tài trợ 20 triệu USD để phát triển Azerai Cần Thơ Resort (Cồn Ấu, Cần Thơ) - khu nghỉ dưỡng tiên phong trong chuỗi tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Mekong.
Giới tài chính đánh giá việc nhận khoản tài trợ lớn từ các ngân hàng thương mại quốc tế sẽ giúp các Doanh nghiệp mở rộng quỹ đất, xây dựng và phát triển các dự án, từ đó chủ động đa dạng hóa các kênh huy động vốn với chi phí hợp lý. Đây được xem là tín hiệu tích cực giúp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển trong thời gian đến.
Tạo dấu ấn với mô hình Đô thị sinh thái thông minh
Năm 2020, Tập đoàn Novaland tiếp tục triển khai chiến lược giai đoạn 2: tập trung phân khúc bất động sản trung cao, phát triển ba dòng sản phẩm chủ lực, bao gồm bất động sản trung tâm tại TP.HCM, bất động sản khu đô thị vệ tinh tại các tỉnh lân cận TP.HCM và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn.
Đáng chú ý trong quý I/2020, thị trường BĐS phía Nam trong bối cảnh "thiếu cung thừa cầu" đã ghi nhận sức hấp thụ tích cực từ nhóm sản phẩm nhà phố, biệt thự thuộc Aqua City, dự án đầu tiên Novaland phát triển theo mô hình Đô thị sinh thái thông minh thuộc nhóm BĐS Khu đô thị vệ tinh. Dự án có quy mô lên đến hơn 600 ha và là sản phẩm đáng chú ý bậc nhất hiện nay tại phía Đông TP.HCM. Tọa lạc tại mặt tiền Hương Lộ 2 - tuyến giao thông huyết mạch nối từ quốc lộ 51 đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được đầu tư mở rộng, Aqua City thừa hưởng điều kiện sông nước tự nhiên hiện hữu và dành hơn 70% diện tích dành cho mảng xanh và các tiện ích nội khu.
Phân kỳ Valencia lấy cảm hứng thiết kế Địa Trung Hải tại Đô thị sinh thái thông minh Aqua City vừa được giới thiệu ra thị trường.
Mới đây, Aqua City tiếp tục giới thiệu ra thị trường phân kỳ Valencia lấy cảm hứng từ thành phố Valencia, nằm bên bờ biển Địa Trung Hải xinh đẹp của Tây Ban Nha. Nơi đây là một tổng thể hài hòa giữa sắc màu thiên nhiên yên bình, với nét thoáng đãng trong kiến trúc thiết kế và nhịp sống sôi động, hiện đại, sung túc của một thành phố bên sông. Đặc biệt, với vị trí đắc địa khi nằm trên trục đường xuyên tâm của Aqua City, từ phân khu The Valencia, các gia đình cũng dễ dàng tiếp cận các tiện ích nội khu đẳng cấp khác như Trung tâm thể thao đa năng Aqua Sport Complex, Trung tâm thương mại Aqua Mall, bến du thuyền 5 sao, quảng trường phong cách Italy...
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng từ những ngày đầu phát triển Aqua City, Novaland cũng vừa "bắt tay" với công ty cổ phần năng lượng TTC trong việc triển khai lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống năng lượng mặt trời cho các tiện ích công cộng và phát triển giải pháp công nghệ thông minh dựa trên nền tảng năng lượng mặt trời cho khu Smart Town của Dự án. Trong thời gian tới, Novaland sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực để cùng nhau phát triển, xây dựng và vận hành dự án Aqua City theo đúng định hướng đã đề ra.
"Với những kinh nghiệm thực tiễn và các kế hoạch sẵn có, Novaland đã chuẩn bị tốt để không chỉ sẵn sàng đối mặt và vượt qua các thách thức hiện tại mà còn tận dụng triệt để các cơ hội để thể hiện năng lực của doanh nghiệp trong giai đoạn này.", ông Huy chia sẻ.
DANH PHÚ
'Miếng bánh' từ dòng vốn ngoại và cơ hội cho các doanh nghiệp địa ốc Trải qua một năm đầy biến động, bất động sản Việt Nam vẫn giữ vững phong độ, tiếp tục là "thỏi nam châm" thu hút các dòng vốn ngoại và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa ốc. Cụm Dự án của Novaland trên trục Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM. Trải qua một năm đầy biến động, bất động sản Việt...