Ngân hàng Việt đẩy mạnh số hoá, thúc đẩy tài chính toàn diện
Tại sự kiện Banking Vietnam 2019 với chủ đề “ Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” vừa qua, các chuyên gia và nhà quản lý đã thảo luận để cùng hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kết nối nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Phát triển vượt bậc dịch vụ thanh toán điện tử
Theo Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thông qua đó, gia tăng sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Theo NHNN, năm 2018 đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết năm 2018, số lượng thẻ đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt…); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi…
Video đang HOT
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Việc thanh toán bằng QR code hay còn gọi là một chạm, được các tổ chức quan tâm để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động. Đến nay, đã có 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán này, toàn thị trường có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.
Giao dịch qua ATM trong quý I/2019 đạt 232,8 triệu giao dịch với giá trị 676.550 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoài. Giao dịch qua POS cũng tăng trưởng ấn tượng hơn 50% so với quý I năm ngoái, đạt 55,8 triệu giao dịch với 132.922 tỷ đồng.
Dư địa còn nhiều, cần cải thiện kết nối đồng bộ
Tuy nhiên, ông Nghiêm Thanh Sơn cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn những hạn chế như hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán điện tử chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị, chưa đủ trang bị các thiết bị ở nông thôn, miền núi. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử mới chưa được triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu tại các vùng miền khác nhau.
“Người dân phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt. Tâm lý e dè, ngại tìm hiểu, sợ rủi ro đã ngăn cản việc tiếp cận của người tiêu dùng với các hình thức thanh toán điện tử”, ông Nghiêm Thanh Sơn nói.
Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức đối với thúc đẩy tài chính toàn diện trong xu hướng phát triển của hệ sinh thái thanh toán số, vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thiết lập khuôn khổ pháp lý và thúc đẩy người dùng, đơn vị tham gia trực tiếp trong chu trình thanh toán số
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phân tích, để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bên cạnh nhiều trụ cột khác, thanh toán điện tử sẽ là một trong những trụ cột quan trọng đóng góp vào triển khai thành công chiến lược này.
Việc thực hiện trụ cột thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật. Hạ tầng thanh toán quốc gia đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế với giá trị xử lý trong năm 2018 gấp 13 lần GDP, hạ tầng thanh toán bán lẻ được kết nối liên thông với các ngân hàng, hỗ trợ đắc lực cho các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: thương mại, giao thông, dịch vụ công…
Ông Nguyễn Kim Anh lưu ý các ngân hàng cần chú ý xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm để khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
“Các ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phùng Nguyễn Hải Yến cho rằng, việc các công ty viễn thông tham gia vào thanh toán là xu thế tất yếu vì mạng lưới thông tin của các đơn vị này khá rộng và đầy đủ, do đó, các ngân hàng cũng muốn hợp tác, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện cho người dân, cung cấp dịch vụ tài chính như thanh toán tiền điện, nước, hay phức tạp hơn là đầu tư tài chính…
Tuy nhiên, cần khắc phục tỉ lệ dùng tài khoản của người trưởng thành tại Việt Nam ở đô thị khá thấp, chỉ chiếm 31%, còn ở nông thôn chỉ khoảng 25%. Người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính còn hạn chế, đáng chú ý là thói quen dùng tiền mặt diễn vẫn còn thường xuyên với tỉ lệ 90%.
Lãnh đạo NHNN thăm các gian hàng triển lãm trong khuôn khổ sự kiện Banking Vietnam 2019. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Còn ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, khó khăn hiện nay là sự kết nối ba bên và trao đổi hợp tác giữa ngân hàng – nhà cung cấp dịch vụ – khách hàng.
“Đơn cử, nếu ngân hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân khi trả tiền điện thì ngân hàng phải kết hợp được với ngành điện, kết nối hệ thống dữ liệu tích hợp”, ông Nguyễn Đình Thắng dẫn chứng.
Đại diện LienVietPostBank đề nghị cần sớm có chính sách phát triển hệ thống đại lý 24/7 để bất cứ thời điểm nào, kể cả nửa đêm khách hàng vẫn nạp được tiền. NHNN cần cho phép các ngân hàng tự chọn và tự xét duyệt các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào ngân hàng số, ví điện tử và được nhận một khoản phí. Khi cần, khách hàng vẫn có thể được phép rút tiền ra.
Anh Minh
Theo baochinhphu.vn
Tư duy chính sách cần theo kịp xu hướng công nghệ
Thách thức trong phát triển NH số tại VN là rất nhiều, song một trong những nguyên do lớn nhất được nhiều chuyên gia nhận định tới từ việc chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hoá.
Tại sao lại là khuôn khổ pháp lý? Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ thông qua một ví dụ nhỏ: Hãy hình dung một cách đơn giản nhất là khách hàng đến mở tài khoản. Nếu là ngân hàng số, khách hàng mở tài khoản sẽ không phải đến gặp mặt trực tiếp ở ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện được việc "không phải gặp mặt trực tiếp" thì buộc chúng ta phải có cơ sở pháp lý cho phép NHTM làm điều đó.
Cần nghiên cứu đầy đủ để có hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện triển khai ngân hàng số thuận lợi
Hay như câu chuyện ứng dụng ChatBot trả lời. Khi khách hàng hỏi ngân hàng một vấn đề cần tư vấn. Nếu như trước kia, trả lời thắc mắc sẽ là một tổng đài viên, còn nếu là ngân hàng số sẽ là trả lời tự động. Nhưng câu hỏi đặt ra là trong trường hợp nếu tư vấn sai cho khách hàng, thiệt hại xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Là máy tính hay do người lập trình? Hoặc hiện nay, nhiều nhà băng đã cho sử dụng dữ liệu lớn để phân tích hành vi khách hàng, từ đó ra quyết định cho các khoản vay dưới 50 triệu đồng mà không cần sự tham gia của con người. Nếu có rủi ro, câu chuyện pháp lý liên quan là vô cùng lớn.
Một trường hợp khác là nhiều ngân hàng hiện nay muốn triển khai điện toán đám mây, các hãng công nghệ đều cài đặt phần mềm ứng dụng, cài đặt database trên nền tảng điện toán đám mây. Song phải lưu ý rằng, lưu dữ liệu khách hàng trên nền tảng đó thì liệu có đúng quy định pháp luật hay không? Đặc biệt có thể nền tảng điện toán đám mây đó nằm ở nước ngoài. "Tất cả những câu chuyện dù là nhỏ nhất như vậy cũng đều phải có quy định", ông Dũng cho hay.
Tại nhiều diễn đàn xoay quanh chủ đề 4.0 gần đây, rất nhiều chuyên gia nêu quan điểm rằng, 4.0 có thể không khó đối với Việt Nam, nhưng cần phải có một cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai. Theo đại diện Vụ Thanh toán, cần có nghiên cứu hết sức đầy đủ, cụ thể để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho triển khai ngân hàng số thuận lợi.
Một chuyên gia chia sẻ, điều quan trọng và lý tưởng nhất là tư duy chính sách có thể tiệm cận và theo kịp với xu hướng phát triển của công nghệ. Trao đổi với lãnh đạo một số NHTM, phần lớn đều nhận định ngoài tính chủ động của hệ thống ngân hàng, một trong những khía cạnh nổi bật cần sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách là phương pháp định danh khách hàng, theo đó cần có hành lang pháp lý cho phép và phải có dữ liệu để tiến hành e-KYC.
Trên thực tế hiện nay, đa số các quốc gia đều có kho dữ liệu về dân cư. Lấy đơn cử trường hợp tại Ấn Độ, Chính phủ nước này thúc đẩy tài chính toàn diện theo hướng số hoá với Cơ sở dữ liệu quốc gia mã định danh công dân duy nhất (Đề án Aadhaar). Trong đó có cơ chế xác thực khách hàng điện tử e-KYC, chia sẻ dữ liệu dân cư cho phép ngân hàng mở tài khoản cho người dân chưa tiếp cận dịch vụ tài chính không đòi hỏi giấy tờ, cho phép đơn vị bán hàng hoá, dịch vụ xác thực, chấp nhận thanh toán điện tử từ khách hàng dựa trên thông tin sinh trắc học như vân tay, mống mắt hay mã xác thực OTP qua tin nhắn SMS.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng thừa nhận, các quy định chặt chẽ về định danh khách hàng đã và đang hỗ trợ hiệu quả các nhà quản lý trong công tác phòng, chống rủi ro về tội phạm tài chính. Tuy nhiên, đối với bối cảnh kỷ nguyên số, với các cải cách, đổi mới về công nghệ trong ngành tài chính phát triển mạnh mẽ, những quy định truyền thống về định danh khách hàng đã không còn phù hợp.
Trong thời đại công nghệ số, ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ là tốc độ và sự tiện lợi. Trong khi hiện quy trình định danh để mở tài khoản mới cho khách hàng tại ngân hàng hiện còn khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cụ thể, sau khi nộp giấy đề nghị mở tài khoản, khách hàng cá nhân vẫn phải thực hiện định danh trực tiếp tại quầy giao dịch, có thể kéo dài tới vài ngày để sắp xếp thời gian. "Nhiều ngân hàng mất khách hàng tiềm năng trong chính khoảng thời gian chờ đợi này", lãnh đạo TPBank cho hay. Đó là chưa kể với mỗi tài khoản mở mới tại các ngân hàng, khách hàng phải thực hiện lại thủ tục định danh từ đầu.
Để bắt kịp xu hướng số hoá của xã hội, cũng như tận dụng hiệu quả những công nghệ mới, theo chuyên gia, các ngân hàng Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới, cải tiến phương pháp định danh khách hàng hiện tại. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đó, các giải pháp này cần được hợp pháp hoá bởi cơ quan hoạch định chính sách. Theo đó cần nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép sử dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học, chữ ký điện tử, cuộc gọi video trực tuyến để thực hiện định danh khách hàng trên các kênh giao dịch có thể đảm bảo hiệu quả như gặp mặt trực tiếp, thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đồng thời xem xét khả năng định danh khách hàng thông qua giao dịch đến tài khoản ngân hàng khác của khách hàng; cho phép các ngân hàng chia sẻ thông tin nhận dạng của khách hàng với sự cho phép của khách hàng đó, thông qua công nghệ chuỗi khối hoặc kết nối cơ sở dữ liệu...
Theo Thời báo ngân hàng
Kinh tế thế giới sau gần nửa chặng đường 2019 Tình hình kinh tế thế giới 5 tháng đầu năm có nhiều biến động khi tăng trưởng chậm lại nhanh hơn so với dự kiến, rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Ảnh minh họa Tổ...