Ngân hàng vào cuộc… siết nợ
Hàng loạt ngân hàng đang ráo riết thu giữ nhiều tài sản đảm bảo của khách vay, trong đó đa số là tài sản bất động sản. Động thái này được xem là mở đầu cho quá trình xử lý “cục máu đông” nợ xấu tồn đọng lâu nay trong hệ thống các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 42.
Sacombank dự kiến xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017
“Làn sóng” thu giữ tài sản để… siết nợ
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Hàng hải ( Maritime Bank) vừa ra thông báo về việc thu giữ tài sản thế chấp là bất động sản tọa lạc tại 1/229 Khu Biệt thự Phú Gia H21, 22, 27, 28 số 1 Hà Huy Tập, P.Tân Phong, Quận 7, TP.HCM. Thời gian thu giữ các tài sản bảo đảm trên là vào ngày 1.11 tới.
Theo Maritime Bank, căn cứ để nhà băng này thu giữ các tài sản trên là dựa vào Nghị quyết số 42/2017/QH14 về Thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng; Căn cứ các Hợp đồng tín dụng số 271/2013/CVCN/MSBBC và số 218/2013/CVCN ngày 17.12.2013, Hợp đồng thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất số 271-1/2013/BĐ/MSBBC giữa Maritime Bank và khách hàng là ông Lê Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Ngọ.
“Căn cứ thực trạng dư nợ quá hạn của khoản vay của ông Lê Anh Tuấn và bà Lê Thị Ngọ tại Chi nhánh Đô Thành theo các hợp đồng tín dụng từ năm 2013, Maritime Bank sẽ thu hồi toàn bộ nợ gốc, nợ lãi và nợ quá hạn của ông Tuấn và bà Ngọ. Đồng thời cũng sẽ thu giữ tài sản thế chấp là bất động sản nêu trên theo quy định của pháp luật”, đại diện Maritime Bank thông tin.
Ngoài Maritime Bank, từ khi Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực (ngày 15.8), hàng loạt các ngân hàng khác cũng vào cuộc xử lý nợ xấu bằng cách thu giữ tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vào ngày 21.9 đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là Trạm biến áp tại Hải Phòng (thuộc tài sản của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô). Lý do là công ty này đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với Agribank.
Video đang HOT
VietinBank ngày 20.9 cũng ra thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của ông Cung Minh Sơn và bà Lê Thị Bích Ngọc (Hà Nội). Đây là món nợ quá hạn 5 năm với dư nợ gốc hơn 6,3 tỷ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt hơn 5,2 tỷ đồng, đồng thời tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng 92m2đất ở và các tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ ngõ 282/25, tổ 25, P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.
Hoặc, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức do các cá nhân và tổ chức này đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Trước đó, VAMC cũng tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại Sacombank. Tuy nhiên, giải thích với báo giới, Sacombank cho rằng không phải ngân hàng này siết nợ nhóm công ty Hoàn Cầu mà do khách hàng tình nguyện chuyển giao tài sản đảm bảo cho Sacombank. Khoản nợ đã được Sacombank bán cho VAMC và VAMC được quyền thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu.
Vừa làm vừa chờ… thông tư hướng dẫn?
Theo báo cáo của VAMC, hiện có 6 ngân hàng được thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đó là Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank. Việc mua bán nợ được thực hiện theo cơ chế và giá thị trường kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực nên đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho cả VAMC và các ngân hàng trong việc xử lý các khoản nợ xấu, nhất là các nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Hiện, VAMC đang rà soát danh sách các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã gửi cho công ty và khả năng từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm 35.000 – 40.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản là bất động sản để “siết nợ”, đa số các ngân hàng đều cho biết mới chỉ vừa thu giữ tài sản, vừa nghe ngóng tình hình tại các ngân hàng khác cũng như tại VAMC chứ chưa thật sự quyết liệt, rốt ráo. Phó giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho rằng, việc thu giữ tài sản bất động sản để thu hồi nợ xấu thường rất khó và đa phần là phải ra tòa, đây là việc mà các ngân hàng rất ngại do thủ tục phức tạp, mất thời gian… Do đó, giải pháp thương lượng với khách hàng luôn là lựa chọn ưu tiên của các ngân hàng. Trong trường hợp này, đa phần là ngân hàng buộc phải chấp nhận giảm một phần lãi phạt, thậm chí giảm gần như toàn bộ lãi phạt cho khách hàng để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và thu hồi nợ.
“Dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, nhiều gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng. Nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở vì Hiến pháp đã quy định về quyền có chỗ ở của công dân. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý”, vị phó giám đốc này than thở.
Liên quan đến việc thu giữ tài sản của các ngân hàng, Luật sư – Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hiện NHNN đang soạn thảo Thông tư quy định chi tiết thực hiện Nghị định 42 nên chắc chắn thời gian tới sẽ có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quyền thu giữ tài sản của ngân hàng. Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý, muốn đạt hiệu quả tốt nhất thì cần phải có một Thông tư liên tịch giữa NHNN, Tòa án, Bộ Công an, Viện Kiểm sát và một số bộ ngành khác quy định chi tiết, cụ thể về sự phối hợp giữa các bên liên quan để có thể giải quyết triệt để các vấn đề theo tinh thần của Nghị quyết 42…
Mở đầu cho “làn sóng” thu giữ tài sản để xử lý nợ theo Nghị quyết 42 là việc VAMC (Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng) đã thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM vào cuối tháng 8. Trước khi thu giữ dự án cao ốc này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều nhà băng để đầu tư vào dự án…
Theo Danviet
Chưa mua được khoản nợ xấu nào bằng ... tiền
Sau 3 năm mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, một số chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu cần được thực hiện bằng nguồn tiền thực để đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng. Dù đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, nhưng theo tiết lộ của Chủ tịch VAMC, công ty này chưa mua được khoản nợ xấu nào bằng ... tiền.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.
Nợ xấu và xử lý nợ xấu là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để có thể khơi thông những ách tắc trong nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu không chỉ là mong muốn của ngành ngân hàng mà còn là mong muốn của cả hệ thống chính trị.
Theo đánh giá của TS.Trương Thanh Đức, nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các doanh nghiệp và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng. Thủ phạm chính của nợ xấu là doanh nghiệp. Nạn nhân chính của nợ xấu là ngân hàng. Và, cuối cùng, xét trên tổng thể, thì cả nền kinh tế đầy yếu kém và rủi ro vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nợ xấu.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Đến nay, các ngân hàng, đã nhận thức rất rõ ràng, xác định trách nhiệm rất cụ thể, hành động xử lý nợ xấu đã rất tích cực, nhưng kết quả xử lý nợ xấu còn rất ít chuyển biến. Tuy nhiên, theo LS.Đức, việc giảm nợ xấu mới chủ yếu là do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển sang VAMC. Vấn đề mấu chốt, thực tế là thu hồi nợ, trong đó có việc bán nợ theo giá thị trường và phát mại tài sản bảo đảm thu được tiền tươi thóc thật thì còn rất hạn chế.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho rằng: Sau 3 năm đi vào hoạt động, VAMC đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với các TCTD tổ chức cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo (TSBĐ). Bên cạnh đó, VAMC tổ chức phân loại từng khoản nợ nhằm xây dựng phương án thu hồi nợ cụ thể.
Trong thời gian 3 năm hoạt động, xét về công tác mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay VAMC vẫn chưa mua được khoản nợ xấu nào bằng tiền. "VAMC được cấp vốn 2.000 tỷ đồng, nhưng chúng tôi vẫn chưa mua được khoản nợ xấu nào, mặc dù rất muốn mua. Bởi các TCTD không bán. Đến giờ phút này chúng ta đặt vấn đề huy động vốn ngân sách để xử lý nợ xấu, trong bối cảnh hiện nay thì hơi sớm. Nhưng trong tương lai, muốn xử lý triệt để dứt khoát phải có tiền", ông Hùng chia sẻ.
Đề cập tới trách nhiệm xử lý nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Không thể phó thác việc xử lý nợ xấu cho riêng hệ thống ngân hàng, để ngân hàng phải "đơn thương độc mã" xử lý nợ xấu. Theo vị luật sư này, trong bối cảnh hiện nay, vướng mắc chủ yếu của xử lý nợ xấu nằm trong các đạo luật. Theo ông, muốn tháo gỡ thì phải sửa luật, có thể xem xét để ban hành một đạo luật để xử lý nợ xấu.
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ quan điểm: "Không có giải pháp chung cho những nút thắt khác nhau, kể từ vấn đề pháp lý, thị trường hay sự đồng thuận của xã hội. Quan trọng là phải nhận diện được phương thức nào để tiến hành xử lý nợ xấu, sau đó mới có thể đưa ra một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý nút thắt này".
TS.Vũ Đình Ánh lại cho rằng, tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn khoảng 2,72%, nhưng vấn đề quan trọng là một mặt cần xử lý nốt những khoản nợ xấu còn lại mà đó lại là những khoản nợ xấu khó xử lý hơn nhiều so với những khoản đã được xử lý trước đây. Mặt khác, ngành ngân hàng cần kiểm soát tốt dư nợ tín dụng cho vay để không làm tăng thêm qui mô nợ xấu trong bối cảnh tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng trên 19% năm 2015, đồng thời qui định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đã được thắt chặt hơn theo chuẩn mực quốc tế.
"Quá trình xử lý nợ xấu không thể tách rời tiến trình cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại nên ngoài việc tăng cường thanh tra giám sát hệ thống các TCTD, nhất là việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì cần kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo và cho vay doanh nghiệp "sân sau" của các tổ chức tín dụng", TS.Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Xử lý nợ xấu mang lại điều gì cho các doanh nghiệp? Không chỉ hồi phục lại được hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) có nợ xấu sau khi được các tổ chức tín dụng (TCTD) bán lại cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ngày càng phát triển, tăng cường tiềm lực tài chính và vị thế trên thị trường......