Ngân hàng vẫn tăng lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí
Dù gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, song các ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao nhờ tích cực cắt giảm chi phí. Không còn mức lãi khủng như những năm trước, nhưng lợi nhuận quý II của các ngân hàng thương mại vẫn tăng.
Nhờ giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận của VPBank vẫn tăng so với cùng kỳ.
Theo báo cáo mới nhất từ các ngân hàng, chi phí hoạt động đều được các ngân hàng cắt giảm đáng kể. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 23%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu (ACB) giảm 8%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm 14%… Các ngân hàng cũng điều chỉnh mức lương, thưởng cho người lao động, với mức giảm 10-30% so với trước.
Mới đây, hàng loạt ngân hàng công bố lợi nhuận quý II cho thấy bức tranh khá lạc quan của hoạt động ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tăng 40%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng 39%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng 30%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) tăng 30%…
Với VPBank, dù thu nhập lãi thuần tăng thấp, chỉ còn 4%, lãi từ hoạt động phi tín dụng giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng nhờ giảm 17% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro tới hơn 6.430 tỷ đồng để xóa nợ xấu hiện hữu.
Tại VIB, với 85% dư nợ là cho vay cá nhân, thu nhập từ hoạt động tín dụng của VIB tăng trưởng 24% trong quý II, lãi từ dịch vụ cũng tăng mạnh nên dù tăng các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng gần 30%. Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, ông Đặng Khắc Vỹ cho rằng, nhu cầu của các sản phẩm như mua nhà, ô tô ít bị ảnh hưởng, vì đó là các nhu cầu thiết yếu, nên kênh cho vay này cũng mang lại lợi nhuận cho VIB. Bên cạnh đó, các ngân hàng đều ra sức tăng thu từ dịch vụ, đặc biệt từ bán chéo bảo hiểm.
Video đang HOT
Mặc dù các ngân hàng thu được lợi nhuận không nhỏ, nhưng nhiều người lại lo ngại về nợ xấu có thể phát sinh khiến lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), bà Nguyễn Thị Phượng, các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, “bào mòn” lợi nhuận của ngân hàng. Kết quả kinh doanh của hai quý đầu năm vì thế chưa thể hiện rõ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên ngành ngân hàng.
Theo các chuyên gia, kết quả hoạt động 6 tháng của ngân hàng chưa phản ánh hết tác động của dịch Covid-19 mà có thể vẫn có độ trễ. Thế nhưng, với hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro, cũng như tiết kiệm chi phí hoạt động, các ngân hàng sẽ có cơ hội đạt lợi nhuận khả quan trong những tháng tới.
Nợ xấu còn tiềm ẩn, lo cho tín dụng BOT
Theo báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xử lý được gần 1.077 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Cụ thể, theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%. Tỷ lệ này tuy duy trì ở mức dưới 3% như mục tiêu đề ra, nhưng lại đã tăng nhẹ so với cuối năm 2019 (1,63%).
Tính từ năm 2012 đến cuối thang 3/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 1.077 nghìn tỷ đồng nợ xấu, riêng năm 2019 xử lý được gần 160 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 3/2020 ơ mưc 4,46%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.
Về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối thang 3/2020, cả hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 299,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 3/2020, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 154,58 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.
Riêng với VAMC, sau 7 năm đi vào hoạt động, từ năm 2013 đến 31/3/2020, đơn vị này đã thực hiện mua nợ của tổ chức tín dụng tổng số trên 335,6 nghìn tỷ đồng, xử lý được hơn 272,2 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc của TCTD. Dư nợ gốc còn lại phải xử lý là trên 95,1 nghìn tỷ đồng.
"Nguy cơ" từ 64 nghìn tỷ đồng dư nợ BOT
Mặc dù các con số về nợ xấu và xử lý nợ xấu hiện đã khá "đẹp" so với trước đây, nhưng theo NHNN nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hô sơ phap ly chưa hoan chinh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro cua một số TCTD còn hạn chế.
Ngoài ra, với nhiều chương trình tín dụng đặc thù, nợ xấu cũng tiềm ẩn các nguy cơ, theo chiều hướng không thuận.
NHNN cho biết, hiện nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ có xu hướng gia tăng.
Nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%. Nhưng đến cuối năm 2018 đã phát sinh lên 18 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 17%. Đến nay, tại 25 tỉnh, thành phố, tỷ lệ nợ xấu khoảng 35,2% tổng dư nợ cho vay.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo NHNN, ngoài nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến ngư dân không trả được nợ vay thì còn do: chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả...
Đặc biệt, đối với cho vay các dự án BOT giao thông, NHNN cho biết hiện có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng trên 64 nghìn tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của TCTD.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Thứ hai, tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng để minh bạch hóa và kiểm soát nguồn thu.
Thứ ba, đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quản lý thu phí và quy hoạch giao thông địa phương.
Lợi nhuận ròng của ngân hàng BNP Paribas giảm hơn 30% trong quý 1/2020 Trước tình hình này, BNP dự kiến sẽ tăng cường cắt giảm chi phí hoạt động, đồng thời cảnh báo rằng lợi nhuận ròng năm 2020 của ngân hàng này có thể giảm khoảng 15-20% so với năm 2019. (Ảnh minh họa: AFP) Lợi nhuận ròng của Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã giảm hơn 30% trong quý 1/2020, trong bối cảnh dịch...