Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ bất ngờ hạ lãi suất
Ngày 21/3, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) bất ngờ quyết định giảm lãi suất. Đây là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới giảm lãi suất sau thời gian dài chịu áp lực lạm phát cao.
Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của SNB sau 9 năm.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) ở thành phố Bern. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, SNB giảm lãi suất chủ chốt 25 điểm cơ bản xuống 1,5%, trong khi các chuyên gia kinh tế trước đó dự báo giữ nguyên lãi suất ở mức 1,75%.
Trả lời báo giới, Chủ tịch SNB, ông Thomas Jordan cho biết trong vài tháng qua, lạm phát đã trở về dưới 2% và quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ là phù hợp bởi cuộc chiến chống lạm phát trong hơn 2 năm qua đạt hiệu quả. Theo dự báo mới, lạm phát có thể duy trì trong phạm vi này vài năm tới.
Lạm phát Thụy Sỹ tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, xuống mức 1,2%. SNB cũng hạ dự báo lạm phát xuống 1,4% trong năm 2024 và 1,2% trong năm 2025. Tháng 12/2023, ngân hàng dự báo con số này lần lượt là 1,9% và 1,6%. Ngân hàng cũng dự báo lạm phát ở mức 1,1% vào năm 2026.
Thụy Sỹ là quốc gia phát triển đầu tiên hạ lãi suất sau giai đoạn dài chịu áp lực lạm phát cao vì tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine. Thụy Sỹ cũng chịu ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng ngân hàng trong năm 2023, khi Chính phủ phải thúc đẩy thương vụ thâu tóm ngân hàng Credit Suisse của UBS.
Chủ tịch ECB đánh giá lãi suất của Eurozone đã chạm đỉnh
Ngày 11/1, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết lãi suất ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chạm đỉnh sau khi tăng nhanh nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát tăng cao trong năm ngoái.
Biểu tượng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên đài truyền hình France 2, bà Lagarde cho hay: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở điểm cao nhất và không còn những cú sốc nữa... lãi suất rất có thể sẽ không tiếp tục tăng". Tuy nhiên, bà không đề cập đến khả năng giảm lãi suất cho vay.
Về mục tiêu lạm phát của ECB, bà Lagarde nhấn mạnh nếu chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% thì lãi suất sẽ bắt đầu giảm.
ECB đã tăng lãi suất cao và nhanh nhất từ trước đến nay để giải quyết tình trạng lạm phát tăng vọt do giá năng lượng tăng cao sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi năm 2022. Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại đáng kể kể từ khi lạm phát đạt đỉnh hai chữ số vào cuối năm 2022 nhưng vẫn trên mức mục tiêu của ECB. Trong tháng 12/2023, lạm phát tại Eurozone đã tăng nhẹ lên 2,9%, mức tăng được dự đoán trước đó.
Tại cuộc họp cuối cùng trong năm ngoái, ECB đã tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức cao kỷ lục 4%. Đây là lần thứ hai liên tiếp ECB giữ nguyên lãi suất sau một thời gian tăng lãi suất lịch sử nhằm kiềm chế mức tăng của giá cả. ECB dự báo lạm phát tại Eurozone sẽ giảm trong năm 2024 trước khi xuống dưới ngưỡng 2% trong năm 2026. Dự báo trong năm nay, lạm phát ở mức 2,7%, thấp hơn mức dự báo 3,2% trước đó. Năm 2025, lạm phát được dự báo sẽ xuống mức 2,1% trước khi còn 1,9% vào năm 2026.
Nhiều khả năng Fed sẽ giữ nguyên quyết định lãi suất trong lần họp tới Nhiều chuyên gia dự đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt một lần nữa trong cuộc họp tới diễn ra ngày 20/3, khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục thảo luận về thời điểm cơ quan này bắt đầu hạ lãi suất và khởi động giai đoạn tiếp theo trong...