Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp trong cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 19/12, bất chấp lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Đây là cuộc họp đầu tiên trong số 3 cuộc họp còn lại trong nhiệm kỳ của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda.
Đồng yen của Nhật Bản và đồng đô-la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc họp trên diễn ra sau khi các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang lên kế hoạch sửa đổi thỏa thuận đã tồn tại một thập kỷ với BOJ. Theo tuyên bố chung năm 2013, BOJ cam kết đạt mục tiêu lạm phát ở mức 2% vào thời điểm sớm nhất có thể. Tuy nhiên, kế hoạch sửa đổi dự kiến sẽ làm cho mục tiêu này trở nên linh hoạt hơn nhưng vẫn giữ nguyên mục tiêu.
Thống đốc Kuroda cho rằng chính sách lãi suất siêu thấp của BOJ là cần thiết để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh khi giá cả hàng hóa ngày càng tăng tạo thêm áp lực giảm giá. Tăng tiền lương cao hơn nữa là điều kiện tiên quyết để đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% một cách bền vững và do đó việc tăng lãi suất trong tương lai gần không phải là một lựa chọn. Theo đó, dự kiến BOJ sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% trong khi điều hướng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
BOJ đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các hộ gia đình Nhật Bản vốn đang phải chật vật để đảm bảo chi phí sinh hoạt do giá cả tăng cao, trong đó một phần là do BOJ cam kết duy trì lãi suất siêu thấp làm suy yếu đồng yen và tăng chi phí nhập khẩu.
Hồi tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, thấp hơn 4 lần tăng liên tiếp ở mức 0,75 điểm phần trăm trước đó, nhưng có thể sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Điều này có thể khiến khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng nới rộng, dẫn đến đồng yen mất giá mạnh. Hiện tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD ở mức 140 yen/USD, vẫn thấp hơn mức 130,75 yen/USD mà các công ty Nhật Bản ước định cho năm tài chính tính đến tháng 3/2023.
Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể phục hồi trong 3 tháng tính đến tháng 12 này sau sự suy giảm bất ngờ trong quý III, nhưng lãi suất ở các nước tăng mạnh và sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, đang làm lu mờ triển vọng này.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 17/6, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN
Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BOJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. Bên cạnh đó, BOJ cũng quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
Quyết định trên được đưa ra ngay cả khi lạm phát ở Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua đã vượt ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ lần đầu tiên sau hơn 7 năm và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, trong đó có Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đang thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Đáng chú ý, kể từ đầu năm tới nay, FED đã hai lần tăng lãi suất cơ bản với tổng mức tăng lên tới 1,25%, trong đó lần tăng gần đây nhất là ngày 15/6, với mức tăng lên tới 0,75%, cao nhất kể từ năm 1994.
Với quyết định trên của BOJ, khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ lại tiếp tục nới rộng. Điều đó khiến đồng yen lại mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ. Trong phiên giao dịch sáng 17/6, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền đã tăng từ mức khoảng 133 yen/USD lên mức trên 134 yen/USD. Trước đó, ngày 15/6, tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc chạm mức 135,60 yen/USD, thấp nhất kể từ tháng 10/1998.
Ông Yuichi Kodama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda nhận định: "Đồng yen yếu giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhưng lại tác động tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân. Mặc dù vậy, tác động của việc đồng yen mất giá có thể sẽ không quá tiêu cực đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bởi xuất khẩu đóng vai trò lớn trong GDP của Nhật Bản".
Chỉ số giá bán buôn ở Nhật Bản tăng cao kỷ lục vì đồng yen suy yếu Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 12/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo trong tháng 11/2022, chỉ số giá bán buôn (WPI) của nước này một lần nữa tăng cao kỷ lục, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao và đồng yen suy yếu. Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN...