Ngân hàng thương mại cần cố gắng cầm cự, không vội phản công
Phải bảo vệ bằng được các ngân hàng thương mại, không để một ngân hàng nào gặp rủi ro, làm ảnh hưởng đến hệ thống.
Trong tình hình hiện nay vẫn phải cố gắng cầm cự, không được phản công vội. Chừng nào có cơ hội, thị trường trong nước phục hồi trở lại và các yếu tố bên ngoài giúp cho phục hồi mạnh hơn, thì lúc bấy giờ mới phản công, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
- Hiện nay các ngân hàng thương mại được yêu cầu giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?
Điều đó thể hiện sự chia sẻ trong khó khăn thôi chứ rất khó. Muốn giảm lãi suất đầu ra cần giảm lãi suất đầu vào. Mà lãi suất đầu vào lại phụ thuộc vào bẫy thanh khoản, một thuật ngữ trong ngành tài chính. Tức anh hạ lãi suất đến mức độ nào đó là dân không muốn gửi tiết kiệm nữa; họ đi mua vàng, đô la, cho vay chợ đen,… Đến ngưỡng đó thì huy động giảm hẳn. Mà bẫy này làm giảm lòng tin, mà muốn tăng lại là rất khó. Cho nên cần cân đong đo đếm như thế nào để tránh được cái bẫy đó.
Tôi tính toán trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm, bẫy thanh khoản của Việt Nam khoảng 3,6%, nhưng đấy là lý thuyết thôi, chứ kể cả lãi suất ở mức 4% họ cũng chạy rồi. Cho nên hạ lãi suất là con dao hai lưỡi.
Hiện nay, các nước muốn hạ lãi suất thì chính phủ bù lỗ, tài trợ thẳng cho các ngân hàng. Như Mỹ, họ tài trợ 878 tỷ USD tập trung cho 4 ngân hàng chính và 4 tập đoàn lớn. Tự nhiên, 4 ngân hàng đó có một lượng tiền lớn, họ tự hạ lãi suất được cho đầu ra, chứ không hạ lãi suất cho đầu vào.
- Nhưng doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn tiếp cận vốn? Liệu có nên hạ tiêu chuẩn cho vay không?
Nguyên tắc là không nên hạ tiêu chuẩn cho vay vì làm thế là làm hỏng nền tài chính. Tôi cho là, cần có nguồn tài chính bổ sung. Chúng ta vẫn có một lượng dự trữ ngoại hối lớn, có thể bỏ ra, nhưng bỏ ra lúc nào, bao nhiêu còn là nghệ thuật. Vấn đề là vẫn phải bảo vệ bằng được các ngân hàng thương mại, không để một ngân hàng nào rủi ro, làm ảnh hưởng đến hệ thống.
Ngân hàng thương mại cần cố gắng cầm cự, không vội phản công.
- Nên tài trợ như thế nào xét từ kinh nghiệm xương máu của gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1 tỷ đô cách đây một thập kỷ, mà ông từng nói, gói đó đã gây ra rủi ro đạo đức và hệ lụy lớn?
Tôi cho là nên chọn ra hơn chục ngân hàng lớn để tài trợ cho họ, hoặc thông qua thị trường liên ngân hàng để rải đều tiền ra. Ông to thì có nhiều, ông nhỏ có ít hơn.
Các nước trên thế giới đều đang dùng các gói kích thích rất lớn, họ dùng từ mĩ miều để nói thôi chứ thực chất là in tiền, in số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử. Mỹ dùng từ “gói nới lỏng tiền tệ”, Châu Âu thì dùng cụm từ “mở rộng gói cân đối tài sản của ngân hàng trung ương”, Nhật Bản thì dùng “ mua sắm tài sản”,… mà thực chất là in tiền.
Video đang HOT
Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga nói họ cũng phải bơm vì lo ngại tỷ giá bị tác động bởi các quốc gia trên, gây thiệt trong xuất khẩu. Vậy là nước nào cũng bơm tiền, phá giá tiền tệ của mình. Muốn cạnh tranh nhau về xuất khẩu thì phải giữ tỷ giá cạnh tranh. Vậy là chu kỳ sau lạm phát sẽ ác liệt.
- Khi nào thì đến lúc can thiệp gói đó?
Trong tình hình hiện nay vẫn phải cố gắng cầm cự, không được phản công vội. Chừng nào có cơ hội, thị trường trong nước phục hồi trở lại và các yếu tố bên ngoài giúp cho phục hồi mạnh hơn, thì lúc bấy giờ mới phản công. Mà khi đã phản công thì phản công mạnh mẽ, dùng đến vài tỷ đô từ dự trữ ngoại hối mới tạo ra được sức bật cho các ngân hàng thương mại, cho thị trường bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, xong là phải rút tiền về. Chứ còn bơm ở thời điểm này, khi doanh nghiệp đang đình trệ, thì hỏng, bơm đồng nào mất đồng ấy.
- Con số 900.000 tỷ đồng được cơ cấu lại nói lên điều gì?
Nợ xấu đúng bằng con số đó. Hiện nay đâu đó nợ xấu để lại cỡ 300-400 ngàn tỷ đồng. Cộng thêm số đó nữa. Bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu công sức đã bỏ ra…
Sau nhiều nỗ lực, hệ thống ngân hàng như người bệnh được đưa từ phòng cấp cứu lên phòng điều trị, rồi từ phòng điều trị đưa ra đến cổng. Nay gặp dịch Covid-19, không khéo lại quay trở lại phòng cấp cứu. Mất hơn 10 năm trời, từ 2007 đến 2018 mới ngoi lên khỏi mặt nước. ROE toàn hệ thống khoảng 8-9% năm 2007 cùng tạm tạm, tụt xuống rồi mãi đến năm 2019 mới lên được 18-19%, gần như là bình thường. Nay như thế này thì cả ROE và cả ROA lại tụt xuống.
- Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm mới đạt 1,96%, bằng 1/3 so với mức tăng 5,7% cùng kỳ năm ngoái. Ông dự báo tăng trưởng tín dụng khoảng bao nhiêu năm nay?
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cùng lắm được 3%, sáu tháng cuối năm thường gấp đôi sáu tháng đầu năm là 6%, vậy tổng cộng là 9%. Như vậy cũng là tốt lắm rồi.
- Theo ông, có những ngành nào cần được quan tâm nhất để thúc đẩy cho vay, đảm bảo tăng trưởng và an toàn hệ thống.
Lĩnh vực bất động sản là đầu tiên. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản cần dỡ bỏ ngay để thị trường này phát triển.
Ví dụ, một dự án sau khi san lấp, xây dựng cơ ở hạ tầng thì có giá thành 6 triệu/m2, chịu thuế nữa thì giá thành 12 triệu/m2, rồi được bán có 50% diện tích thôi nên giá nở ra là 24 triệu đồng/m2. Như thế thì lấy đâu ra nhà giá rẻ, dân chúng lấy đâu tiền ra mua. Chưa kể là tiền lobby dự án rất kinh khủng. Đó là trở ngại về chi phí.
Thứ hai, gần đây có rất nhiều quy định gây trở ngại, ví dụ đấu thầu đất công. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng thực tế lại khác. Có miếng đất công doanh nghiệp đã thuê cách đây 20 năm, giờ chuyển đổi thành đất tư thì Nhà nước phải gọi ông khác vào đấu thầu, hoặc có dự án được doanh nghiệp hình thành từ đầu, nay Nhà nước mang ra đấu thầu, và rồi doanh nghiệp khác thắng. Vậy là doanh nghiệp mất tiền, mất của,… Những thứ đó làm cho các nhà phát triển bất động sản e ngại.
Đó là chưa kể nhiều thủ tục nhiêu khê, mất 3-5 năm mới xong cho một dự án bất động sản; rồi chi phí này khác cũng rất nhiều.
Nếu không có các chi phí đó, giá nhà rẻ xuống thì dân chúng vẫn cứ mua được vì nhu cầu rất lớn. Cộng với hỗ trợ tính dụng, ví dụ, cho vay 60% giá trị căn nhà còn lại tự trả thì tạo ra nhu cầu ngay. Người trẻ có nhu cầu ở nhà chung cư rất lớn. Tôi cho thị trường bất động sản vẫn rất quan trọng.
- Liệu ngoài bất động sản thì còn ngành nào có thể cho vay?
Theo nghiên cứu của tôi, nông sản, dệt may vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như không có bệnh dịch. Bất động sản thì trung tính. Còn lại các ngành khác sụt giảm hết, nhất là dịch vụ.
Vậy, từ góc độ chứng khoán, thử tư duy ngành nào sụt giảm thì ném tiền vào cho nó. Ví dụ cổ phiếu một doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối trước đây có giá 40.000 đồng, giờ còn 20.000 đồng, thì ném tiền vào đó sẽ lên 30.000 đồng. Nhưng điều đó lại mâu thuẫn với hợp đồng tín dụng, quy định về tín dụng. Anh em làm tín dụng nói, nếu tiền của chúng em thì chúng em sẵn sàng đầu tư, nhưng ko phải, sau này làm sao thì trả giá đắt.
Đợt rồi có nhiều người thắng chứng khoán kinh khủng. Tôi biết có người có ngày thắng cả trăm ngàn đô, có người thắng hàng cả triệu đô trong vòng 1 tuần ngay tại thị trường này. Như vậy ngân hàng vẫn có cơ sở cho vay. Không như ở các nước, doanh nghiệp phá sản là cho phá sản, Việt Nam ta thì tìm mọi cách cho doanh nghiệp phục hồi. Khi phục hồi thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên.
USD tăng giá quá mạnh Nỗi đau đầu tiếp theo của kinh tế thế giới
Mặc dù chỉ trong chưa đầy 1 tháng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có tới 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp, sức hấp dẫn của đồng USD vẫn không hề vơi đi.
Khi thế giới tài chính chao đảo vì virus corona, các nhà đầu tư đã ồ ạt tìm đến đồng USD bởi đồng bạc xanh vẫn được coi là một hầm trú ẩn an toàn, khiến USD tăng giá mạnh. Tuy nhiên, hiện tượng này chính là thứ tiếp theo khiến các nền kinh tế trên toàn thế giới - vốn đang bị dịch bệnh giáng 1 đòn mạnh - phải đau đầu. Trong đó, các thị trường mới nổi đặc biệt mong manh khi mà đồng nội tệ lao dốc và lực cầu nội địa sụt giảm.
Mặc dù chỉ trong chưa đầy 1 tháng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có tới 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp, sức hấp dẫn của đồng USD vẫn không hề vơi đi. Các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi với số vốn bị rút ra cao kỷ lục, đổ xô mua vào USD.
Vì USD đã gắn kết với kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết, đà tăng giá của nó đang gây thêm sức ép lên các doanh nghiệp và chính phủ với chi phí cho các khoản nợ bằng USD ngày càng tăng cao. Giờ đây NHTW của các thị trường mới nổi đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: khi hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, họ đứng trước nguy cơ đồng nội tệ mất giá mạnh nếu hạ lãi suất quá nhiều.
Tuần trước, chỉ số Bloomberg Dollar Index tăng 3,4%, mạnh nhất kể 2008 và lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá sau khi các NHTW và chính phủ các nước đồng loạt hành động để ngăn chặn những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với kinh tế thế giới.
"Đà tăng giá của USD là 1 cú đánh khác giáng vào các thị trường mới nổi", Mitul Kotecha, chiến lược gia cao cấp tại TD Securities ở Singapore nói. "Nhu cầu về đồng USD quá cao khiến dù Fed hạ lãi suất rất mạnh thì cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến giá USD. Các tài sản trên thị trường mới nổi sẽ tiếp tục giảm giá vì nhà đầu tư vẫn đang tránh xa các tài sản rủi ro và ưa chuộng tài sản an toàn".
NHTW Thổ Nhĩ Kỳ là bên mới nhất trong nhóm các thị trường mới nổi hạ lãi suất khẩn cấp. Hàn quốc, Chile, Việt Nam, Sri Lanka và Pakistan đều đã theo chân Fed, trong khi Nam Phi, Indonesia và Brazil được dự báo sẽ có động thái tương tự ngay trong vài ngày tới.
Nghiên cứu mới của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS cho rằng kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nếu đồng USD tăng giá mà điều đó là không mong muốn thì tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ suy giảm. Lý do có thể xuất phát từ việc các điều kiện tài chính bị thắt chặt do các khoản nợ bằng USD cho thị trường mới nổi tăng trưởng chậm lại.
Hiện các thị trường mới nổi đang bị rút vốn kỷ lục, đạt 30 tỷ USD trong 45 ngày gần đây, theo số liệu của Viện tài chính quốc tế IIF. Tất cả các đồng tiền mới nổi chủ chốt mà Bloomberg theo dõi đã giảm giá so với USD kể từ 20/1 đến nay - thời điểm dịch bệnh bắt đầu khiến thế giới lo lắng. Trong đó rúp Nga và peso Mexico đã giảm gần 20%.
Đã có thể cảm nhận nỗi đau ở các thị trường mới nổi châu Á, nơi các cú sụt giảm gợi lại ký ức kinh hoàng về khủng hoảng tài chính cách đây hơn 2 thập kỷ. Đồng rupiah của Indonesia diễn biến tệ nhất ở châu Á kể từ đầu năm đến nay (giảm 8,9%), trong khi đồng won Hàn Quốc giao dịch ở gần mức thấp nhất kể từ 2010, và đồng rupee của Ấn Độ rơi xuống mức thấp kỷ lục vào tuần trước.
Theo đánh giá của Khoon Goh, chuyên gia tại ngân hàng ANZ, các thị trường mới nổi ở châu Á đang rất thận trọng để vừa có thể hạ lãi suất lại vừa có thể kiểm soát tỷ giá. Để làm như vậy sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối, nhưng các nước sẽ không cố gắng chặn đứng đà giảm hay bảo vệ 1 ngưỡng cụ thể nào đó. Trong bối cảnh hiện tại, khi lực cầu bên ngoài rất yếu, cho phép đồng nội tệ giảm giá ở mức nhất định đồng thời hạ lãi suất là cách tốt nhất để giảm bớt áp lực trên thị trường tài chính".
Cả Indonesia và Philippines đều được dự báo sẽ hạ lãi suất vào ngày mai, trong đó Philippines có thể hạ lãi suất mạnh hơn mức thông thường.
Không chỉ các thị trường mới nổi phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ USD tăng giá. Đôla Australia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2003 - điều sẽ khiến chi phí nhập khẩu tăng lên mà không thể được bù đắp bằng các lĩnh vực du lịch nội địa và giáo dục như thông thường vì dịch bệnh. Đồng krone của Na Uy cũng đã giảm hơn 16% kể từ đầu năm đến nay, bị ảnh hưởng bởi giá dầu.
NHTW các nước phát triển đang phối hợp để đảm bảo dòng chảy USD trên toàn cầu thông suốt. Fed thông báo giảm lãi suất đối với các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với 5 NHTW khác. Đây là chính sách đã từng được sử dụng thời khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Đồng USD mạnh là cơn gió ngược đối với các thị trường mới nổi, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào nguồn USD từ bên ngoài và áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi", Todd Schubert, chuyên gia nghiên cứu của Bank of Singapore nói.
Tham khảo Bloomberg
Theo Trí thức trẻ
Một loạt ngân hàng báo cáo sớm kết quả quý 2, lợi nhuận đạt được vẫn khả quan Kết thúc 5 tháng đầu năm nay và ước đến hết tháng 6/2020, các ngân hàng quy mô đã hoàn thành được 40-50% kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy nhiên, tình hình tín dụng tăng trưởng chậm. Hoàn thành 40-50% kế hoạch lợi nhuận Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, kết thúc 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng...